Dự án opera Công nữ Anio do Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam phối hợp Ban Điều hành “Công nữ Anio” thực hiện, nhằm thúc đẩy mối quan hệ giao lưu và hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản, phát triển nền văn hóa âm nhạc của hai quốc gia.
Buổi công diễn sẽ được tổ chức vào tháng 9/2023 tại Nhà hát Lớn, Hà Nội nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản (21/9/1973-21/9/2023).
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio và Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ tặng hoa cho các nghệ sĩ thuộc Dự án opera Công nữ Anio. (Ảnh: Lê An) |
Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio cho biết, vở opera Công nữ Anio là tác phẩm hoàn toàn mới dựa trên câu chuyện về Araki Sotaro – thương nhân hoạt động trong thời kỳ thương mại Châu Ấn thuyền (thuyền thương mại chủ yếu sang các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, khoảng cuối thế kỷ XVI đầu thế ký XII) và công nữ Ngọc Hoa ở Hội An (Việt Nam).
Với vai trò là cố vấn danh dự cho dự án, Đại sứ Yamada Takio hy vọng vở opera lấy chất liệu từ câu chuyện tình yêu diễn ra gần 400 năm trước sẽ trở thành tác phẩm giúp người dân hai nước hồi tưởng về quá khứ của Nhật Bản và Việt Nam, đồng thời góp phần củng cố và thắt chặt hơn nữa sự gắn kết của nhân dân hai nước trong tương lai.
Tham dự buổi lễ, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ khẳng định, đây là sự kiện văn hóa có ý nghĩa đặc biệt đối với người dân hai nước Việt Nam và Nhật bản.
Với việc tái hiện chuyện tình đẹp đẽ Việt-Nhật, dự án opera Anio đã giúp khái quát bức tranh tổng thể về quan hệ ngoại giao tốt đẹp của hai nước không chỉ trong 50 năm mà từ những năm đầu thế kỷ XVII.
Các nghệ sĩ biểu diễn một số trích đoạn trong vở diễn Công nữ Anio. (Ảnh: Lê An) |
Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cũng bày tỏ mong chờ tác phẩm opera với nội dung biểu trưng cho sự gắn kết lâu dài, mạnh mẽ giữa Nhật Bản và Việt Nam được công diễn tại một địa điểm trang trọng như Nhà hát Lớn Hà Nội.
Thông qua vở opera và các hoạt động quan trọng trong năm 2023, người dân hai nước thêm hiểu nhau và cùng vun đắp cho tình hữu nghị giữa hai đất nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Công nữ Anio được khởi xướng bởi những người Nhật Bản sinh sống tại Việt Nam. Đại diện dự án là ông Honna Tetsuji - Giám đốc Âm nhạc kiêm Chỉ huy chính Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, cũng cho biết tác phẩm được hoàn thành với kịch bản song ngữ Việt – Nhật.
Vở opera có bối cảnh ở hai quốc gia vì thế các cảnh trong vở có lời ca hát bằng cả hai ngôn ngữ nên tất cả các ca sĩ đều phải học hai ngôn ngữ để hát trong vở diễn.
Tại sự kiện, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cũng công bố các diễn viên mới, các nhạc phẩm aria mới và tác phẩm mỹ thuật là hình ảnh chủ đạo của dự án opera Công nữ Anio.
Tác phẩm mỹ thuật của hoạ sĩ Nhật Bản Saeko Ando là hình ảnh chủ đạo của dự án opera Công nữ Anio. (Ảnh: Lê An) |
Theo lịch sử triều Nguyễn ở Việt Nam, công nữ Ngọc Hoa là con gái của chúa Nguyễn Phúc Nguyên (ở ngôi từ năm 1613 đến năm 1635) - vị chúa Nguyễn thứ hai của chính quyền Đàng Trong, sau chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Ông Araki Sotaro buôn bán ở Hội An rồi gặp công nữ Ngọc Hoa, cả hai đã nên duyên vợ chồng. Năm 1620, ông đưa vợ về Nhật Bản. Tại quê chồng Nagasaki, bà được mọi người chào đón vì vẻ xinh đẹp kiều diễm, tính nết hiền hòa dễ thương. Tên của bà được đặt theo tiếng Nhật là Wukaku (Vương Gia Cửu) nhưng người Nhật đã gọi bà bằng tên thân mật là Anio-san, từ "Anio" phát âm giống như câu nói cửa miệng tiếng Việt “anh ơi” khi gọi chồng. Ngày nay, lễ rước kiệu đón Công nữ Anio vẫn tiếp tục được tái hiện trong phân cảnh "Châu Ấn thuyền" 7 năm một lần, tại lễ hội Nagasaki Kunchi ở Nagasaki vào ngày 7 - 9/10 hàng năm. |