📞

Công tác đào tạo báo chí: Thích ứng thế nào với trí tuệ nhân tạo?

TS. Nguyễn Nga Huyền 17:53 | 21/06/2023
Những tác động của khoa học công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) đến báo chí thời gian qua khiến các cơ sở đào tạo phải suy nghĩ về những thách thức đặt ra và thay đổi cần có trong công tác giảng dạy.
TS. Nguyễn Nga Huyền - Học viện Báo chí và Tuyên truyền. (Ảnh: NVCC)

Ở thời điểm hiện tại, các cơ sở đào tạo báo chí tại Việt Nam đã và đang đáp ứng tốt những yêu cầu cơ bản trong công tác đào tạo sinh viên, học viên báo chí ở cả cấp đại học và sau đại học. Nhiều trường đào tạo báo chí có tiếng hiện nay như Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh vẫn là nơi “xuất xưởng” nhiều phóng viên, nhà báo, biên tập viên, lãnh đạo cơ quan báo chí trên cả nước.

Từ lâu nay, công tác đào tạo báo chí của các trường đã có những thay đổi đáng khích lệ khi chú trọng yếu tố thực tiễn. Thông qua việc đầu tư vào các trung tâm thực hành nghiệp vụ cho sinh viên, đưa tỷ lệ thực hành nhiều hơn trong các học phần, mời các nhà báo đến chia sẻ, truyền đạt kinh nghiệm, hợp tác học thuật với các trường báo chí - truyền thông nước ngoài… các trường đã tạo ra nhiều thay đổi phù hợp và tích cực hơn trong việc đáp ứng yêu cầu thực tiễn của chất lượng đầu ra sinh viên ngành báo chí.

Tuy nhiên, trước những gì mà AI đã, đang và có thể sẽ làm được trong tương lai ở lĩnh vực báo chí, các cơ sở đào tạo báo chí cần có kế hoạch cho việc đối mặt với những thay đổi về nhu cầu nguồn nhân lực báo chí ở cả chất lượng và số lượng.

Thách thức trong đào tạo

Thách thức lớn nhất có lẽ nằm ở người đứng đầu các trường trong việc nhận thức, dự báo về những khó khăn trước mắt và dài hạn, để mạnh dạn tạo ra các thay đổi toàn diện trong việc đào tạo các nhà báo của thời đại AI. Những thay đổi này không chỉ bao gồm các yếu tố căn bản, dễ thấy như: cập nhật khung chương trình đào tạo, cải thiện chất lượng đội ngũ giảng viên, chuyên gia thỉnh giảng, nâng cao cơ sở vật chất - kỹ thuật và công nghệ, mà quan trọng hơn là còn đòi hỏi một tâm thế mới, tâm thế sẵn sàng tự đào thải những gì không phù hợp và tích hợp những yếu tố mới theo thực tế. Đây là một điểm nút không dễ xác lập khi xét đến góc độ cơ chế nhiệm kỳ và khả năng tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Bên cạnh đó, tiếp cận ở góc độ đời sống, việc thu nhập của nghề báo nhìn chung chưa cao và đãi ngộ dành cho giảng viên báo chí chưa thực sự khuyến khích… cũng là thách thức khi phải thu hút người học và duy trì chất lượng đào tạo.

Mặc dù chưa có thống kê toàn diện, nhưng việc sinh viên báo chí tốt nghiệp chuyển sang làm truyền thông hoặc thậm chí làm trái ngành vẫn là thực tế dễ thấy. Đối với những sinh viên tìm được việc làm ở cơ quan báo chí thì không phải ai cũng đáp ứng được ngay yêu cầu công việc. Một số hạn chế của cử nhân báo chí có thể kể đến như: thiếu trải nghiệm thực tiễn; yếu về kiến thức liên quan đến hệ thống chính trị; thiếu kỹ năng trong tìm kiếm, lựa chọn, khai thác đề tài; hạn chế trong khả năng làm báo đa phương tiện; thiếu kỹ năng mềm.

Trong khi đó, AI hiện đã và đang “lấn sân” người làm báo ở nhiều công đoạn và mức độ. Những hãng tin tức lớn trên thế giới, từ nhiều năm nay, đã nghiên cứu về AI, ứng dụng nó và không ngừng cải thiện.

Không chỉ phát huy tốt vai trò ở khâu tìm kiếm và tổng hợp thông tin, AI giờ đây còn là công cụ đắc lực ở khâu sản xuất nội dung tự động, đặc biệt với các lĩnh vực tin tức về thể thao, tài chính, thời tiết… vốn có sẵn nguồn dữ liệu sạch và cập nhật. Hãng tin AP, từ năm 2014, đã nghiên cứu và ứng dụng việc tự động hóa các báo cáo thu nhập tài chính và nâng lên đáng kể số bài báo được xuất bản mỗi quý.

Đầu năm 2023, BuzzFeed cho biết sẽ sử dụng ChatGPT để tạo ra các câu đố và cá nhân hóa nội dung cho độc giả của mình. Cá nhân hóa trải nghiệm của công chúng cũng là điều mà nhiều cơ quan báo chí trên thế giới và một số cơ quan báo chí tại Việt Nam đã ứng dụng AI để cải thiện khâu phân phối tin tức.

Một số ví dụ trên đây, mặc dù chưa đầy đủ, nhưng cũng phần nào cho thấy khoảng cách trong việc tiếp thu và ứng dụng AI trong lĩnh vực báo chí giữa thế giới và Việt Nam. Vậy, các cơ sở đào tạo báo chí và cơ quan báo chí cần có những thay đổi gì để thích ứng với thời đại của AI?

Xây dựng lợi thế cạnh tranh với AI?

Trước các thách thức hiện có, cần trở lại với điều cốt lõi nhất khiến sự tồn tại của báo chí có ý nghĩa đối với xã hội, đó là vai trò giám sát, phản biện. Trước một thế giới cạnh tranh thông tin mạnh mẽ như hiện nay, với sự “lên ngôi” của các nền tảng mạng xã hội, báo chí cần khẳng định vai trò cốt lõi đó của mình để xây dựng lợi thế cạnh tranh. Bởi, trong tương lai gần, sẽ khó có khả năng AI có thể phát hiện các vấn đề, mâu thuẫn ẩn sâu của đời sống xã hội, hay phát giác các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, hoặc đi sâu vào các phân tích để tìm ra những “nút thắt” trong các vụ việc phức tạp…

Vì vậy, các trường vẫn cần chú trọng vào đào tạo những kỹ năng báo chí kinh điển cho sinh viên như: tư duy phản biện, tìm kiếm đề tài, xây dựng nguồn tin, xác minh thông tin, tác nghiệp chiều sâu… trên cơ sở bảo vệ lợi ích của quốc gia và lẽ phải. Đồng thời, cần cập nhật những nội dung đào tạo mới theo xu hướng chung như: báo chí dữ liệu, podcast, AI… cũng như tạo điều kiện để sinh viên được tham gia thực hành thường xuyên các kỹ năng đa phương tiện, giao tiếp, xử lý tình huống và đặc biệt là kỹ năng tự học. Đây cũng là lưu ý ở phương diện nỗ lực cá nhân của người học bên cạnh nền tảng mà cơ sở đào tạo cung cấp.

Trường Trung học Phổ thông Palo Alto (California, Mỹ) được biết đến là ngôi trường sở hữu chương trình đào tạo báo chí trong trường trung học lớn nhất và tốt nhất ở Mỹ với tên gọi Paly Mac. Trong chương trình này, học sinh được tham gia sản xuất mọi loại ấn phẩm như: báo in, tạp chí điện tử, bản tin truyền hình, bản tin số… Qua đó, họ được đào tạo các nội dung như nhiếp ảnh, sản xuất video, thiết kế đồ họa, và mạng xã hội. Theo chương trình này, học sinh không chỉ được đào tạo kỹ năng viết báo, mà còn được thực hành kỹ năng lãnh đạo, làm việc nhóm, nghiên cứu và tiếp thị, quản lý dự án và quản trị kinh doanh. Mỗi ấn phẩm của Paly là một thương hiệu riêng, phát triển và có mô hình kinh doanh bền vững. Đây là một gợi ý cho việc đưa thực tiễn của đời sống báo chí vào trường học, để sinh viên trải nghiệm một cách chân thực và đầy đủ nhất không chỉ nghiệp vụ báo chí mà còn cả quy trình kinh doanh sản phẩm báo chí.

Bên cạnh việc đối mặt với thách thức, ngành báo chí cũng cần nhìn thấy cơ hội tích hợp AI trong công việc như một công cụ hữu ích ở các công đoạn sản xuất tin bài, phân phối tin tức, tương tác với độc giả… Một số cơ quan báo chí tại Việt Nam hiện nay đã và đang ứng dụng AI và các công nghệ khác ở một số hoạt động như: tìm kiếm và tổng hợp thông tin, thiết kế thông tin đồ họa, nghiên cứu và khảo sát… Ngay cả các AI thịnh hành hiện nay trên thế giới như ChatGPT (AI viết) hay Midjourney (AI thiết kế đồ họa)… cũng đang được sử dụng tại Việt Nam, ở góc độ cá nhân, để phục vụ việc thiết kế, sáng tạo nội dung xuất bản.

Việc sử dụng AI hiện nay vẫn đang đặt ra những thách thức không chỉ về phương diện kỹ thuật (thông tin do AI cung cấp còn thiếu chính xác, đồng bộ) mà còn về khía cạnh đạo đức (phát tán tin giả, xâm phạm quyền riêng tư của người dùng). Ứng dụng AI ở mức độ nào và như thế nào vẫn là điều mà mỗi cơ quan báo chí và mỗi nhà báo phải cân nhắc kỹ lưỡng, mặc dù đó cũng là những vấn đề tương tự đặt ra với báo chí thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam.

Tác giả giảng dạy tại một khóa đào tạo về báo chí truyền thông trên nền tảng số. (Ảnh: NVCC)

"Hạt nhân đổi mới" của báo chí đối ngoại

Nằm trong vùng ảnh hưởng chung, lĩnh vực báo chí đối ngoại của Việt Nam cũng cần nhận thức về cả những cơ hội cũng như thách thức mà thời đại AI mang đến cho ngành báo chí. Tuy nhiên, sự tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ đã mang đến cho đời sống thông tin những công cụ rất hữu hiệu trong việc kiểm chứng thông tin, dịch thuật văn bản, chuyển ngữ video, audio… thậm chí chỉ trong vài phút. Vì thế, báo chí đối ngoại cần đổi mới hơn nữa cách giao tiếp với công chúng của mình để thông tin đối ngoại, dựa trên cơ sở quan điểm chung của Đảng và chính sách của Nhà nước về đối ngoại, vừa mang tính khách quan, đa chiều, vừa có tính chuyên sâu, cạnh tranh.

Bên cạnh sự định hướng của lãnh đạo cơ quan báo chí đối ngoại, các nhà báo đối ngoại là những “hạt nhân” cho trọng trách này. Những tác phẩm báo chí đối ngoại được thực hiện chuyên nghiệp với kiến thức chuyên sâu, để công chúng thấy được đúng bản chất của vấn đề trong một cục diện toàn cảnh sẽ là sản phẩm cạnh tranh trong lĩnh vực báo chí nói chung và báo chí đối ngoại nói riêng. Để làm được điều đó, công tác đào tạo đối với báo chí đối ngoại cần nhấn mạnh hơn nữa năng lực tự trau dồi kiến thức qua việc tự học, tự đọc… Đặc biệt đối với các vấn đề chính trị quốc tế có liên quan đến Việt Nam, mỗi nhà báo đối ngoại tương lai cần nắm vững các dòng chính trị chủ lưu trên thế giới để xác định góc nhìn, chỉ ra nguyên nhân bản chất của những thay đổi, và nêu được tác động của các yếu tố lịch sử.

AI có thể là đối thủ cạnh tranh cho nhiều vị trí việc làm trong ngành báo chí nói chung và báo chí đối ngoại nói riêng, nhưng đối với những nhà báo có kiến thức chuyên sâu, nghiệp vụ vững vàng, và có ý thức không ngừng tự trau dồi, học hỏi điều mới… thì AI chỉ có thể trở thành trợ lý đắc lực cho họ mà thôi.