📞

Công thức thành công của Đại sứ Nguyễn Hồng Thao

07:00 | 01/02/2017
“Mỗi người có những con đường riêng để đạt được ước mơ của mình. Có thể thành công ngay, có thể trải qua nhiều lần thất bại và cần nhiều nỗ lực hơn để vươn tới thành công”, trong cuộc trao đổi với TG&VN, Đại sứ Việt Nam tại Kuwait cởi mở tâm tình khi nhìn lại chặng đường mà ông đã kinh qua.

Đại sứ cảm nhận thế nào sau những lời chúc mừng, và trách nhiệm lớn lao khi trở thành người Việt Nam đầu tiên trúng cử vào Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC)?

Đây là thắng lợi của đường lối đối ngoại chủ động, tích cực hội nhập, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác đối ngoại đa phương của Việt Nam, của ngành Ngoại giao, cộng đồng chuyên gia và luật gia nghiên cứu về luật pháp quốc tế Việt Nam.

Đại sứ Nguyễn Hồng Thao.

Sau các thành công trong hội nhập, đảm nhận tốt vai trò Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008-2009, Ủy viên Hội đồng Kinh tế - Văn hóa - Xã hội, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2014-2016, đây là lần đầu tiên chúng ta có mặt trong tổ chức pháp lý quốc tế có ảnh hưởng lớn trong quá trình pháp điển hóa và phát triển tiến bộ luật pháp quốc tế.

Năm 2017 là năm kỷ niệm 70 năm thành lập ILC và cũng là 40 năm Việt Nam gia nhập LHQ. Tình hình thế giới đang có những biến chuyển mạnh mẽ, đòi hỏi vai trò cao hơn của luật quốc tế như phương tiện hữu hiệu bảo vệ công bằng, hòa bình, an ninh và phát triển bền vững của thế giới. Thực tế đặt ra trách nhiệm rất lớn khi tham gia ILC. Có thể nói, với những nỗ lực vừa qua, Việt Nam đã vượt thêm được một vũ môn nữa nhưng để hóa rồng thì “cá chép” còn phải phấn đấu nhiều.

Đại sứ nhìn nhận thế nào về những khó khăn, thuận lợi trong nhiệm kỳ sắp tới?

Chúng ta có thuận lợi là sự ủng hộ nhiệt tình của cả nước. Bản thân tôi có một số kinh nghiệm về giải quyết tranh chấp thực tiễn, trong công tác ngoại giao, nghiên cứu và giảng dạy. Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành trong nước sẽ hỗ trợ tối đa để tôi hoàn thành tốt nhiệm kỳ.

Bên cạnh đó, khó khăn và thách thức là không nhỏ. Trước hết, lĩnh vực hoạt động của ILC khá rộng, bao trùm tất cả các vấn đề, khía cạnh của luật quốc tế. ILC phải chuẩn bị các báo cáo, dự thảo công ước quốc tế về các vấn đề do Đại hội đồng LHQ và các nước thành viên đề xuất.

Khác với suy nghĩ chung của mọi người, ILC chỉ có hai đợt họp trong năm, vào tháng 5 và 7, tại Geneva (Thụy Sỹ). Trong những tháng còn lại, các thành viên đảm nhận công việc bình thường theo sự sắp xếp của nước mình. Tôi vẫn làm việc theo sự phân công của Bộ Ngoại giao.

Đại sứ Nguyễn Hồng Thao và Đại sứ Nguyễn Phương Nga tại Liên hợp quốc.

Các báo cáo chủ đề sẽ do các báo cáo viên chính được ILC chỉ định trong số các thành viên. Các báo cáo này chỉ được gửi đến các thành viên khác trong tháng 4 hàng năm, vì vậy thời gian chuẩn bị không nhiều. Trong 1 tháng, thành viên ILC phải chuẩn bị ý kiến đóng góp của mình bằng văn bản cho tất cả các vấn đề, tham gia thảo luận, xây dựng dự thảo trình Ủy ban pháp luật (Ủy ban 6) và Đại hội đồng vào dịp họp LHQ tháng 9-10 hàng năm. Với một người hoạt động trong lĩnh vực hẹp của luật quốc tế (luật biển, luật môi trường) như tôi, thách thức sớm lấp đầy các kiến thức còn thiếu để làm việc với các đồng nghiệp là không nhỏ.

Thứ hai là thách thức về cách tổ chức nghiên cứu, làm việc. Tôi có hỏi kinh nghiệm Giáo sư Hàn Quốc Park Ki Gab – một thành viên được tái bổ nhiệm, phía sau ông ấy có một đội ngũ các giảng viên, sinh viên nghiên cứu luật quốc tế và Hội Luật quốc tế Hàn Quốc hỗ trợ tìm kiếm tài liệu, tổng hợp, phân tích và tư vấn. Ở Việt Nam, đội ngũ nghiên cứu luật quốc tế chưa nhiều, sinh viên cũng ít chọn học luật quốc tế vì lý do cơ hội việc làm. Việc tổ chức làm việc thế nào để đáp ứng các đòi hỏi của ILC rất cần có sự hỗ trợ về kinh phí, con người của Bộ Ngoại giao và các đơn vị liên quan.

Theo Đại sứ, làm thế nào để giữ sự khách quan, không thiên vị, vừa là “con người quốc gia” vừa là “con người quốc tế”?

Theo quy chế của ILC, các thành viên hoạt động với tư cách cá nhân, không đại diện cho chính phủ. Nhiệm vụ của ILC là pháp điển hóa và phát triển tiến bộ luật quốc tế, tức dự thảo và đề xuất thông qua các nguyên tắc cơ bản, chung nhất, áp dụng cho toàn nhân loại chứ không riêng một quốc gia nào. Tuy nhiên, các vấn đề không phải tự nhiên sinh ra mà chúng xuất phát từ thực tiễn, do đó vai trò của các thành viên phản ánh thực tiễn quốc gia rất quan trọng.

Thông qua thành viên mang quốc tịch nước mình, chính phủ có thể đề xuất những nội dung cần thiết, bảo vệ quyền lợi các nhóm nước chung lợi ích, qua đó thể hiện vai trò nước mình. Khi các quốc gia bỏ phiếu, họ cũng xem xét ngoài năng lực còn là thiên hướng của thành viên, có thực sự là đại diện bảo vệ quyền lợi của nước họ, của nhóm nước không.

Để hoàn thành nhiệm vụ vừa là “con người quốc gia” vừa là “con người quốc tế”, cần nắm vững và hành động theo các nguyên tắc luật quốc tế, đáp ứng tốt nhất mong muốn chung của cộng đồng quốc tế, cân bằng lợi ích quốc gia với lợi ích cộng đồng. Ngoài 2 tháng làm việc cho LHQ, tôi vẫn được quyền mang những những kiến thức và kinh nghiệm thu được phục vụ công việc của Bộ Ngoại giao.

Đại sứ có lời khuyên gì dành cho thế hệ trẻ, những người có ước mơ trở thành một nhân vật giữ vị trí cao trong các tổ chức quốc tế - như ông - và đang cảm thấy mục tiêu này là điều xa vời?

Khi ở trong quân ngũ, tôi ước mơ ngày nào đó sẽ được học luật, môn học yêu thích, để góp phần bảo vệ đất nước không chỉ bằng súng đạn mà bằng lập luận chính đáng. Khi được đi học, tôi ước mơ nắm vững luật quốc tế, luật biển. Học xong, tôi ước mơ làm sao áp dụng tốt nhất những điều đã học. Khi tốt nghiệp, tôi có cơ hội làm việc ở ngành dầu khí, giao thông biển, nhưng tôi đã chọn biên giới lãnh thổ để tiếp tục ước mơ của mình, được tham gia và góp phần giải quyết các tranh chấp biên giới lãnh thổ và biển. Trong quá trình này, tôi đã mày mò viết các bài tổng kết đăng tải trên các tạp chí quốc tế.

Thực sự, lúc đó tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc ứng cử ở một cơ quan luật quốc tế nào mà chỉ mong muốn mình làm tốt, tận tâm, tận lực, không bỏ cuộc và đạt được những mục tiêu cụ thể. Cùng với năm tháng, tôi cũng ước mơ được tham gia vào một tổ chức quốc tế. Muốn hoàn thành mục tiêu, chúng ta phải sáng tạo, phối hợp tốt với các đồng nghiệp, với bạn bè quốc tế, sẵn sàng hỗ trợ mọi người, chắc chắn sẽ được giúp đỡ hiệu quả vào những lúc chúng ta không ngờ đến nhất.

Các bạn trẻ không nên chỉ nghĩ rằng các tổ chức luật quốc tế, LHQ chỉ toàn là người có tuổi, là cái nôi đào tạo các thẩm phán Tòa án Công lý quốc tế, Tòa Trọng tài Luật biển… ILC đã thay đổi rất nhiều, mở rộng cửa đón nhận người tài không phân biệt tuổi, chủng tộc, giới tính, đúng với tiêu chí của một cơ quan luật của LHQ. Chúng ta nên chủ động tạo cơ hội và khi có cơ hội phải nắm lấy. Khi nhận nhiệm vụ vận động ứng cử vào ILC, cá nhân tôi cùng nhiều đồng nghiệp đều rất lo lắng. Thời gian chuẩn bị rất ngắn, chưa đầy một năm kể từ thời điểm Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva gửi hồ sơ ứng cử. Việt Nam có nhiều kinh nghiệm ứng cử vào các cơ quan của LHQ nhưng ít có kinh nghiệm về chuẩn bị cho cá nhân vào các vị trí tương tự.

Thông thường các nước chuẩn bị ứng viên của họ trong 5-10 năm, cho tham dự rất nhiều diễn đàn đa phương, hội thảo quốc tế để giới thiệu. Trước thời điểm bỏ phiếu 10 ngày, chúng ta mới chỉ vận động được chưa đủ số phiếu quá bán, mà điều kiện trúng cử là phải quá bán và số phiếu cao nhất tính từ trên xuống. Chúng tôi đã kiên trì, tìm mọi biện pháp khả thi, đấu tranh đến cùng, tận dụng mọi cơ hội dù khách quan đánh giá khả năng vào ILC chỉ là 50/50. Mục tiêu lần này là học hỏi, rút kinh nghiệm chuẩn bị cho lần sau. Cuộc bầu cử đã kéo dài hơn 5 tiếng với 2 lần bỏ phiếu. Cuối cùng chúng ta đã đạt kết quả mong đợi 120/191 quốc gia bỏ phiếu.

Kinh nghiệm cuối cùng không gì khác là may mắn, là vị thế của đất nước, sự quan tâm của lãnh đạo, ủng hộ và động viên kịp thời của tất cả mọi người gần xa. Song may mắn chỉ có thể biến ước mơ thành hiện thực cho những người đã tận tâm, hết mình.

Tóm lại, công thức của tôi cũng đơn giản trong 10 chữ: ước mơ, sáng tạo, tự tin, cơ hội và may mắn. Các bạn trẻ sẽ có nhiều cơ hội hơn khi thế đất nước đang lên, được trang bị tốt hơn và tự tin chấp nhận thách thức hơn. Chúc các bạn sẽ đạt được nhiều thành công hơn thế hệ chúng tôi, đưa nước Việt Nam phát triển, sánh vai cùng các cường quốc trên thế giới, làm rạng danh truyền thống con Rồng cháu Lạc.

Xin cảm ơn Đại sứ.