COP27 đang nhận được sự chú ý đáng kể từ cộng đồng quốc tế bởi thỏa thuận bồi thường khí hậu. (Nguồn: Reuters) |
“Khi thế giới đang phải đối mặt với những mối đe dọa chung của biến đổi khí hậu, COP27 là cơ hội để các nhà lãnh đạo thế giới thể hiện sự đoàn kết và có hành động phối hợp, trong bối cảnh thế giới đang cần nhất”. Đây là khẳng định về tầm quan trọng của COP27 được đăng tải trên trang chủ của LHQ.
COP27 chính thức khai mạc vào ngày 6/11 tại Sharm El-Sheik, được mệnh danh là thành phố xanh của Ai Cập và thu hút sự tham dự của gần 197 quốc gia thành viên Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC). Tại lễ khai mạc, Tổng thống nước chủ nhà Abdel El-Sisi nhấn mạnh, việc đăng cai COP27 đánh dấu kỷ niệm 30 năm ngày Công ước này được thông qua.
Trong 30 năm đó, thế giới đã trải qua chặng đường dài chống lại biến đổi khí hậu và những tác động tiêu cực đối với Trái đất. Giờ đây, thế giới có thể hiểu rõ hơn về biến đổi khí hậu, đánh giá tốt hơn các tác động của quá trình này và phát triển hiệu quả hơn các công cụ giải quyết các nguyên nhân và hậu quả.
COP27 đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế. Nguyên nhân là cuộc tranh luận về bồi thường “tổn thất và thiệt hại” do biến đổi khí hậu đã được đưa vào chương trình nghị sự chính thức của Hội nghị năm nay.
Thực trạng đáng báo động
Hội nghị thượng đỉnh COP27 diễn ra trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đã phải gánh chịu nhiều hậu quả khôn lường đến từ các thảm họa liên quan đến biến đổi khí hậu. Các nhà khoa học nhiều lần cảnh báo rằng, biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái, tài nguyên môi trường và cuộc sống của con người. Đây là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ XXI.
Thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, mưa lớn, hạn hán, hỏa hoạn ngày càng xảy ra thường xuyên hơn; mực nước biển dâng cao, axit hóa đại dương và bão xoáy nhiệt đới dữ dội, gây hủy hoại thế giới tự nhiên và tước đi sinh mạng của nhiều người.
Các quốc gia đang phát triển, ít phát thải khí nhà kính, lại đang phải chịu những tác động không thể phục hồi từ quá trình này. Tại Pakistan, trận lũ lụt lịch sử vào mùa Hè vừa qua đã làm 1.700 người thiệt mạng và khiến một phần ba diện tích quốc gia Nam Á này chìm dưới nước. Tại Fiji, hàng loạt ngôi làng đang đứng trước viễn cảnh bị “xóa sổ” do nước biển dâng. Từ Trung Quốc trải dài đến châu Phi, tình trạng hạn hán dai dẳng đã khiến nhiều gia đình nông dân rơi vào cảnh khó khăn.
Nhiều năm qua, những quốc gia này đang đòi bồi thường từ các bên mà họ cho rằng, chính là những người chịu trách nhiệm chính cho cuộc khủng hoảng hiện nay. Đó là các quốc gia phát triển, những nền công nghiệp đã đốt dầu, khí đốt và than đá nhiều thập kỷ qua, khiến môi trường ô nhiễm và làm cho hành tinh nóng lên một cách nguy hiểm.
Kỳ vọng lớn
Tại COP27, cuộc tranh luận về bồi thường “tổn thất và thiệt hại” do biến đổi khí hậu đã được đưa vào chương trình nghị sự chính thức của Hội nghị năm nay. Theo tờ New York Times, đây là lần đầu tiên nội dung này được đưa vào hội nghị, nhờ nỗ lực của nước chủ nhà COP27 và Pakistan, nước dẫn đầu một nhóm 77 quốc gia đang phát triển.
Trong các cuộc thảo luận về khí hậu của LHQ, cụm từ “tổn thất và thiệt hại” đề cập các chi phí đã phải gánh chịu do các tác động của hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, như mực nước biển dâng cao.
Cho đến nay, nguồn tài trợ khí hậu tập trung vào việc cắt giảm lượng khí thải carbon dioxide. Khoảng một phần ba trong số đó, dành cho các dự án giúp cộng đồng thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu trong tương lai.
Chi phí bù đắp cho tổn thất và thiệt hại sẽ khác nhau ở các quốc gia. Tuy vậy, vẫn chưa có thỏa thuận về những gì nên được cho là “tổn thất và thiệt hại” trong các thảm họa khí hậu - có thể bao gồm cơ sở hạ tầng và tài sản bị hư hỏng, cũng như các hệ sinh thái tự nhiên khó định giá hơn...
Hãng tin Reuters dẫn một báo cáo của 55 quốc gia dễ bị tổn thương vào tháng 6/2022, tổng thiệt hại của các nước này liên quan đến khí hậu trong hai thập kỷ qua khoảng 525 tỷ USD, tương đương khoảng 20% tổng GDP của họ. Một số nghiên cứu cho rằng, đến năm 2030, thiệt hại đó có thể lên tới 580 tỷ USD mỗi năm.
Những nước dễ bị tổn thương và các nhà vận động cho rằng, các quốc gia giàu có đã gây ra phần lớn lượng khí thải, gây biến đổi khí hậu và họ phải trả giá vì điều này. Tháng Chín vừa qua, nói về trận lũ lịch sử, Ngoại trưởng Pakistan Bilawal Bhutto Zardari cho biết: “Điều chúng tôi tìm kiếm không phải là từ thiện, không phải bố thí, không phải viện trợ - mà là công lý. Ba mươi triệu người Pakistan đang phải trả giá bằng mạng sống và sinh kế của họ cho sự nghiệp công nghiệp hóa của các quốc gia lớn”.
Liệu có khả thi?
Ông Simon Stiell, Thư ký điều hành UNFCCC hy vọng, những diễn biến tích cực nói trên có thể mở đường cho một thỏa hiệp vào cuối Hội nghị COP27. Nhưng viễn cảnh đó hiện vẫn là một dấu hỏi lớn.
Nếu các quốc gia nhất trí thành lập quỹ, họ sẽ cần phải xác định nguồn tiền sẽ đến từ đâu, số tiền các quốc gia giàu có nên trả và những quốc gia hoặc thảm họa nào đủ điều kiện để được bồi thường. Đây là một vấn đề không hề đơn giản trong bối cảnh các quốc gia giàu còn khá ái ngại để “móc hầu bao” lên đến hàng tỷ USD để hỗ trợ các quốc gia khác.
Theo nhà nghiên cứu Bethany Tietjen của Đại học Tufts, Mỹ, các nước phát triển ngần ngại về việc hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo và đang phát triển vì hai vấn đề.
Thứ nhất, làm sao xác định những nước, cộng đồng nào sẽ được đền bù và đền bù đến đâu. Việc xác định bồi thường dựa trên mức độ phát thải, GDP của mỗi nước sẽ rất khó khăn.
Hai là, một số chuyên gia đã đề xuất chi trả dựa trên mức độ tổn thương do biến đổi khí hậu. Nhưng điều này cũng không đơn giản. Việc bồi thường cho tổn thất do biến đổi khí hậu có thể dẫn đến những tranh cãi khác như bồi thường cho các vấn đề lịch sử, như chế độ nô lệ ở Mỹ hay thời kỳ khai thác thuộc địa của các nước châu Âu.
Các nước giàu từ lâu đã hứa cung cấp cho các nước nghèo 100 tỷ USD tài chính khí hậu mỗi năm bắt đầu từ 2020. Tuy nhiên, đến nay mục tiêu này vẫn chưa đạt được. Vì vậy, khả năng các nước nghèo có thể đưa ra một cơ chế bắt buộc các nước giàu bồi thường tài chính cho những thiệt hại gây ra bởi biến đổi khí hậu trong năm nay chưa phải dễ dàng. Cho dù vậy, đây cũng là một bước tiến đáng kể.
Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu (COP) là hội nghị thường niên tổ chức trong khuôn khổ Công ước khung LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC), là nơi họp chính thức của các bên tham gia UNFCCC nhằm đánh giá quá trình đương đầu với biến đổi khí hậu. Hội nghị thế giới về khí hậu đầu tiên diễn ra vào năm 1979 tại Geneva (Thụy Sỹ). Vào năm đó, một Chương trình nghiên cứu khí hậu thế giới đã được khởi động, dưới trách nhiệm của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) và Hội đồng quốc tế về Khoa học (ICSU). Đến năm 1988, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu được thành lập bởi WMO và UNEP, chịu trách nhiệm đánh giá rủi ro về biến đổi khí hậu do con người gây ra. Hội nghị thượng đỉnh Trái đất ở Rio de Janeiro năm 1992 có thể nói là một bước có tính chất quyết định trong các cuộc đàm phán quốc tế về khí hậu với việc ký kết hiệp định UNFCCC. Công ước này, có hiệu lực kể từ ngày 21/03/1994, đã được 195 quốc gia và Liên minh châu Âu phê chuẩn. Mục tiêu của Công ước là giữ lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính ở mức ổn định để không làm đảo lộn một cách nguy hiểm hệ thống khí hậu của Trái đất. Nhưng đến năm 1997, tại kỳ COP3, với sự ra đời của Nghị định thư Kyoto, các nước phát triển đã buộc các nước tham gia phải cam kết đạt được các mục tiêu về thải khí nhà kính được xác định cụ thể. Kể từ khi hết hiệu lực vào năm 2012, trải qua nhiều vòng đàm phán liên tiếp, các nước vẫn chưa đi đến một sự đồng thuận nào về việc đưa ra một thỏa thuận môi trường mới thay thế Nghị định thư Kyoto. |
| Hình ảnh các nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP27 Hơn 120 nhà lãnh đạo tham gia Hội nghị thượng đỉnh thường niên về khí hậu của Liên hợp quốc (LHQ) COP27 tại Sharm El-Sheikh, ... |
| Đăng cai COP27, cơ hội và thách thức nào đang chờ đợi Ai Cập? Trở thành chủ nhà của Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí ... |
| Những thách thức và mục tiêu ở COP27 COP27 diễn ra trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến nhiều thay đổi lớn, tác động đáng kể tới cuộc chiến chống biến đổi ... |
| Công bằng tài chính - chìa khóa thành công của COP27 Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (LHQ) sắp tới tại Ai Cập, được gọi là COP27, diễn ra ... |
| COP27 bàn về tiêu chí giúp các quốc gia tới gần hơn với cam kết khí hậu Báo cáo tiêu chí của COP27 về cung cấp tài chính cho hành động khí hậu dự kiến sẽ hỗ trợ cho các hoạt động, ... |