Mỹ vẫn đang nghiên cứu vaccine thế hệ tiếp theo để chống lại các biến thể của virus SARS-CoV2. Ảnh minh họa. (Nguồn: Shutterstock) |
Ngày 5/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng gây quan ngại trên toàn cầu. Tuy nhiên, do đại dịch chưa hoàn toàn kết thúc, WHO khuyến nghị các quốc gia chuyển đổi từ việc đáp ứng khẩn cấp sang quản lý bền vững, lồng ghép với các mối đe dọa khác và mang tính dài hạn.
Trước khi WHO công bố điều này thì hầu hết các quốc gia châu Âu từng đưa ra tuyên bố hết dịch Covid-19. Slovenia là quốc gia châu Âu “nổ phát súng đầu tiên”, mở cửa trở lại biên giới với các nước Áo, Croatia, Hungary và Italy khi Thủ tướng Slovenia Janez Jansa vào ngày 15/5/2020 tuyên bố chính thức hết dịch Covid-19. Tiếp đó, nước này tuyên bố hết dịch lần thứ hai ngày 15/6/2021, sau tám tháng dịch tái bùng phát, đồng thời dỡ bỏ hầu hết các hạn chế liên quan.
Châu Âu đi đầu
Thủ tướng Janez Jansa nhấn mạnh, những số liệu thống kê cho thấy Slovenia là quốc gia có tình hình chống dịch bệnh tốt nhất ở châu Âu và vào thời điểm công bố thì nước này không cần tiếp tục sử dụng các biện pháp đặc biệt để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.
Tuy nhiên, dù chính phủ tuyên bố hết dịch nhưng một số biện pháp vẫn được duy trì như đeo khẩu trang bắt buộc, cấm tụ tập đông người tại nơi công cộng, bảo đảm các quy tắc về giãn cách xã hội…
Thụy Điển là quốc gia Bắc Âu dỡ bỏ hầu hết hạn chế phòng dịch và xét nghiệm Covid-19 nội địa từ ngày 9/2/2022.
Sau đó không lâu, chính phủ Thụy Điển tuyên bố dỡ bỏ các hạn chế còn lại - như một cách ngầm tuyên bố đại dịch ở nước này đã chấm dứt, nhờ hiệu quả của vaccine và do biến thể Omicron ít nghiêm trọng hơn, giúp giảm số ca bệnh nặng và tử vong.
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở nước này, Thụy Điển hạn chế việc phong tỏa, thay vào đó, họ chủ yếu áp dụng các biện pháp chống dịch mang tính tự nguyện.
Bộ trưởng Y tế Thụy Điển Lena Hallengren nói rằng, dù số ca nhiễm Omicron vẫn nhiều, Covid-19 không được xem là gây nguy hiểm cho cộng đồng ở mức độ nguy hiểm cấp đại dịch toàn cầu nữa. Bà Hallengren nói: “Khi chúng tôi biết về đại dịch thì nó đã kết thúc”.
Kể từ ngày 9/2/2022, các nhà hàng và quán bar ở Thụy Điển được phép mở cửa sau 23h và không giới hạn số lượng khách. Những sự kiện lớn không còn giới hạn người tham dự và không yêu cầu chứng minh đã tiêm vaccine. Hành khách di chuyển trên phương tiện công cộng cũng không bắt buộc đeo khẩu trang, khuyến nghị hạn chế tiếp xúc xã hội cũng được dỡ bỏ.
Có thể thấy điều tương tự tại các quốc gia Bắc Âu, nơi hầu như các hạn chế được bãi bỏ, số ca nhiễm đã giảm đáng kể trong thời gian qua. Các chuyên gia y tế cho biết Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Phần Lan và Iceland đều có tỷ lệ tiêm chủng cao, điều đó đã giúp người dân được bảo vệ tốt hơn trước virus.
Trên khắp châu Âu, các hạn chế được bỏ dần từ khoảng tháng 3/2022. Theo The Guardian (Anh), người Pháp bỏ phần lớn các quy định phòng Covid-19 từ ngày 14/3/2022. Tại Đức, việc dỡ bỏ được công bố từ ngày 20/3/2022. Theo đó, người dân chỉ phải đeo khẩu trang bắt buộc trên phương tiện công cộng, đến bệnh viện, trạm dưỡng lão và quy định này không còn hiệu lực khi tới các địa điểm như cửa hàng, nhà hàng, trường học…
Mỹ tiếp tục nghiên cứu vaccine
Muộn hơn các quốc gia châu Âu, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 10/4/2023 mới chính thức công bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp về y tế quốc gia do đại dịch toàn cầu Covid-19, vốn đã làm hơn 1 triệu người tử vong ở Mỹ trong hơn ba năm qua.
Quyết định này khép lại việc tài trợ tốn kém cho các xét nghiệm Covid-19, tiêm vaccine miễn phí và các biện pháp khẩn cấp khác kể từ tháng 1/2020 để đưa nền kinh tế lớn nhất thế giới thoát khỏi đại dịch.
Nhà Trắng cho biết, mặc dù Mỹ chính thức chấm dứt tình trạng khẩn cấp đối với Covid-19, song chính quyền vẫn nghiên cứu vaccine thế hệ tiếp theo và các biện pháp khác để chống lại biến thể của virus SARS-CoV2 trong tương lai.
Một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ (giấu tên) cho biết: “Dự án NextGen đẩy nhanh và hợp lý hóa sự phát triển nhanh chóng của thế hệ vaccine và phương pháp điều trị tiếp theo nhờ hợp tác công tư”. Theo Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia y tế hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, ngày 9/2/2022, Mỹ “đạt được nhiều tiến bộ trong việc chấm dứt đại dịch Covid-19 một cách toàn diện”.
Biến thể Omicron hiện đang suy yếu, nhiều người đã được tiêm chủng hoặc từng mắc Covid-19, dẫn đến tình trạng con người có đủ khả năng bảo vệ trước đại dịch, chuyển trạng thái từ bệnh dịch toàn cầu sang giai đoạn bệnh đặc hữu. Tiến sĩ Fauci cho rằng: “Không có cách nào để tiêu diệt loại virus này, nhưng những hậu quả mà nó gây ra có thể giảm bớt, vào thời điểm có đủ số người được bảo vệ nhờ tiêm chủng hoặc khỏi bệnh”.
Cách tiếp cận mới ở châu Á
Theo thông tin tư vấn trên InsideAsia Tours, nhà điều hành tour du lịch châu Á, hầu như các điểm đến đã nới lỏng hoàn toàn các yêu cầu nhập cảnh, nhất là ở Campuchia, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Lào, Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc và Nhật Bản.
Sau thông báo của WHO rằng giai đoạn khẩn cấp của Covid-19 đã qua, Nhật Bản dỡ bỏ cảnh báo du lịch nước ngoài đối với công dân của mình vào ngày 8/5/2023. Đây là bước cuối cùng trong quá trình nối lại hoàn toàn hoạt động du lịch, trở về mức bình thường trước đại dịch. Nước này cũng dỡ bỏ giới hạn nhập cảnh và tiếp tục miễn thị thực du lịch vào tháng 10/2022, bỏ tất cả các yêu cầu tiêm chủng vào ngày 29/4/2023. Khách du lịch không còn phải làm xét nghiệm trước khi khởi hành hoặc xuất trình bằng chứng tiêm chủng.
Hong Kong (Trung Quốc) loại bỏ tất cả các yêu cầu nhập cảnh liên quan đến Covid-19 kể từ hồi đầu năm 2023, cho phép cả khách du lịch chưa tiêm chủng nhập cảnh mà không cần đưa bất kỳ chứng minh tiêm chủng hoặc xét nghiệm PCR nào. Trong trường hợp nhiễm Covid-19 khi đang ở đây, khách không cần cách ly tuy vẫn phải tuân thủ hướng dẫn y tế để giảm thiểu sự lây lan của virus.
Hàn Quốc loại bỏ các yêu cầu xét nghiệm PCR kể từ đầu tháng 10/2022. Từ ngày 1/4/2023, nước này miễn trừ K-ETA (Hệ thống cấp phép đi lại điện tử bắt buộc đến Hàn Quốc) cho 22 quốc gia, trong đó có Vương quốc Anh và 12 quốc gia khác ở châu Âu, Mỹ, Canada, Australia và New Zealand.
Tại Việt Nam, ngày 3/6, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thống nhất chuyển bệnh Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, đồng thời ban hành hướng dẫn việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp để xây dựng Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững đối với dịch Covid-19 giai đoạn 2023-2025 theo tình hình mới. Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đánh giá rất cao các biện pháp ứng phó của Việt Nam ngay từ thời điểm ban đầu.
Các chuyên gia quốc tế ghi nhận, Việt Nam trở thành một điển hình đối phó thành công với đại dịch, thường được WHO đề cập và lan tỏa.