📞

COVID-19 có đáng sợ hơn SARS?

09:11 | 16/02/2020
TGVN. Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (COVID-19) gây ra đang hoành hành ở Trung Quốc đại lục có đáng sợ hơn Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) từng làm chao đảo châu Á năm 2003? Đây là một câu hỏi mà người ta thường đề cập và quan tâm trong bối cảnh hiện nay.
Theo các số liệu y tế cập nhật, số lượng người nhiễm bệnh được xác nhận hay số lượng người đã tử vong, thì quy mô và mức độ của dịch COVID-19 hiện đã vượt qua đại dịch SARS. (Nguồn: AFP)

Theo các số liệu y tế cập nhật, dù đề cập đến số lượng người nhiễm bệnh được xác nhận hay số lượng người đã tử vong, thì quy mô và mức độ của dịch COVID-19 hiện đã vượt qua đại dịch SARS. Từ quan điểm này, ai dám nói rằng dịch bệnh lần này không đáng sợ? Tuy nhiên, so sánh về số liệu không bằng nhìn vào con số thực tế, đồng thời cũng nên so sánh về tỷ lệ. Ví dụ, số người bị thương và tử vong do tai nạn xe hơi chắc chắn phải cao hơn nhiều so với dịch SARS và COVID-19. Lấy Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) làm ví dụ, trong mười năm qua, tai nạn giao thông đã khiến hơn 100 người bị thiệt mạng và hơn 10.000 người bị thương mỗi năm, trong khi dịch COVID-19 tại Hong Kong đến nay mới chỉ có 1 người tử vong.

Xem xét về khả năng lây lan và tỉ lệ tử vong

Sở dĩ dịch COVID-19 gây ra tâm lý lo sợ là do một loại virus hoàn toàn mới gây ra mà người ta không biết nhiều về nó. Ví dụ, con đường lây bệnh rốt cuộc là lây truyền qua tuyến nước bọt, hay lây truyền qua aerosol (hệ keo của các hạt chất rắn hoặc các giọt chất lỏng, trong không khí hoặc chất khí khác), thậm chí là có thể lây truyền qua phân và nước tiểu hay không? Hiện nay vẫn chưa có câu trả lời chính xác về việc có bao nhiêu con đường lây lan khác nhau và cần phải đề phòng những gì. Một vấn đề khác là bản thân dịch bệnh này nguy hại như thế nào, rốt cuộc các cách điều trị hiện nay có hiệu quả không? Liệu nó có mang lại di chứng nghiêm trọng hay không? Chúng ta có thể nhanh chóng nghiên cứu điều chế vaccine điều trị hay không? Trước một chủng virus hoàn toàn mới, những vấn đề trên là rất khó đoán định. Vì vậy, cần phải giữ thái độ bình tĩnh, an toàn để ứng phó.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh kéo dài đến giai đoạn hiện nay, chúng ta đã nhận thức rõ hơn về virus và không nên dễ dàng rơi vào tình trạng hoảng loạn trước đó. Trước tiên cần phải làm rõ, khi nhìn vào tình hình dịch bệnh ở góc độ y tế cộng đồng, hai chỉ số có tầm quan trọng sống còn là khả năng lây nhiễm và tỉ lệ tử vong. Lại lấy tai nạn giao thông đã nói ở trên làm ví dụ, khi hàng chục triệu đến hàng trăm triệu xe ô tô đi lại hàng ngày, mỗi năm chỉ có hàng trăm người bị thiệt mạng trên đường, con số tử vong liên quan chắc chắn là không tốt đẹp, và chắc chắn có thể giảm thiểu con số này, nhưng đối với công chúng, rủi ro này ít nhất là chấp nhận được, ít nhất sẽ không cản trở mong muốn đi lại của mọi người.

Thêm hai ví dụ nữa: Mặc dù tỷ lệ tử vong của bệnh AIDS rất cao, nhưng vì khả năng lây lan của nó không cao, nên về chính sách công ít nhất sẽ không yêu cầu cách ly bắt buộc đối với người nhiễm bệnh; còn lây nhiễm của cảm cúm thông thường mặc dù rất cao, nhưng do tỷ lệ tử vong thấp, nên cũng không yêu cầu tất cả những trường hợp cảm cúm phải cách ly bắt buộc. Nói cách khác, chỉ khi sự lây nhiễm và tỷ lệ tử vong đều cao, chính sách công mới tập trung cao độ vào việc xử lý; nếu một trong hai yếu tố có tỷ lệ thấp, sẽ không nhất thiết duy trì tình trạng khẩn cấp và sử dụng biện pháp bất thường.

Là khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19, số ca nhiễm bệnh và tử vong ở Vũ Hán chắc chắn rất cao, theo các số liệu cập nhật hàng ngày. Điều đó có thể khẳng định ràng tình hình dịch bệnh của thành phố Vũ Hán và cả tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) là đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, tình hình ở bên ngoài lại rất khác. Các ca lây nhiễm được xác nhận ở các nước là các trường hợp riêng lẻ, bao gồm cả những trường hợp chưa gây lây nhiễm cộng đồng quy mô lớn. So sánh những con số trên, không khó để đưa ra kết luận: tuy một số địa phương có tỷ lệ lây nhiễm và tử vong cao, nhưng hầu hết các địa phương khác lại có tỷ lệ nhiễm và tử vong rất thấp.

Đừng xem nhẹ kết quả “âm tính”

Nhà phát minh người Mỹ Thomas Edison khi thử nghiệm những vật chất có thể được sử dụng làm sợi tóc của bóng đèn đã nói: mỗi một lần thất bại đều tương đương với việc loại trừ một vật chất; sau nhiều lần thử nghiệm, ông bất ngờ tìm thấy sợi dây von-fram và bóng đèn đã được sinh ra. Bài học của câu chuyện này là đừng bỏ qua thông điệp “thất bại”. Trên thực tế, chính phủ của nhiều nước rất quan tâm đến công tác phòng ngừa và kiểm soát dịch COVID-19 và họ đã cung cấp rất nhiều số liệu “thất bại”, cũng được gọi là kết quả “âm tính”.

Lấy ví dụ ở Hong Kong, đằng sau mỗi ca nhiễm bệnh được xác nhận, đều phải cách ly rất nhiều trường hợp có liên quan, trong đó hầu hết những người tiếp xúc gần đều cho kết quả âm tính. Điều này có nghĩa là, không phải tất cả những trường hợp tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh đều bị lây nhiễm và số người không bị lây nhiễm nhiều hơn nhiều lần số người bị lây nhiễm, dường như những hành khách cùng sử dụng đường sắt cao tốc chưa bị lây nhiễm trên diện rộng, chứ chưa nói đến những trường hợp lây nhiễm lẫn nhau ở các tòa nhà cách nhau hàng chục mét. Ngoài Trung Quốc, nhiều nơi đến nay chỉ có một vài ca nhiễm được xác nhận, những người tiếp xúc gần có liên quan đến bệnh nhân bị nhiễm như thành viên trong gia đình, đồng nghiệp, bạn học… có thể không bị lây nhiễm hoàn toàn, nếu không, số lượng ca bị nhiễm bệnh được xác nhận sẽ không duy trì mức thấp trong thời gian dài. Điều này cũng cho thấy, sự lây lan của dịch COVID-19 có thể chưa nghiêm trọng như đánh giá ban đầu. Đồng thời, cần phải nhấn mạnh rằng, nhận định ở trên đã bao gồm việc xem xét đến thời kỳ ủ bệnh. Nghĩa là, cho dù ở Hong Kong hay nước ngoài, đều chưa thấy người trong thời kỳ ủ bệnh lan truyền virus ra cộng đồng.

Theo thời gian, dư luận ngoài việc chú ý đến số lượng các ca chẩn đoán “dương tính”, ngày càng nhiều các ca “âm tính” chưa bị nhiễm bệnh, không lẽ không chứng minh được sự lây lan của virus? Điều này đồng nghĩa với việc dư luận ngoài việc quan tâm đến con số tử vong bởi dịch bệnh, cũng cần lưu ý đến sự phát triển tiếp theo của con số điều trị.

Đằng sau mỗi ca nhiễm bệnh được xác nhận, đều phải cách ly rất nhiều trường hợp có liên quan, trong đó hầu hết những người tiếp xúc gần đều cho kết quả âm tính. (Nguồn: Reuters)

Yếu tố văn hóa thúc đẩy dịch bệnh bùng phát ở Đại lục?

Tại sao các con số ở Vũ Hán và Hồ Bắc đặc biệt đáng báo động? Câu trả lời cụ thể vẫn còn đợi các chuyên gia xác nhận. Điều có thể khẳng định là ngoài các yếu tố bệnh lý, không thể xem nhẹ các yếu tố văn hóa khác.

Ví dụ, so với đại dịch SARS năm 2003, Trung Quốc đã phát triển hơn trước đây rất nhiều. Từ sự phát triển đô thị hóa, dân số của Vũ Hán đã nhanh chóng mở rộng, đến bùng nổ phong trào người dân đi du lịch nước ngoài, người Trung Quốc đã đặt chân đến khắp nơi trên thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa, những yếu tố này đều khiến số liệu của dịch bệnh lần này vượt qua dịch SARS năm 2003. Đặc biệt là dịch bệnh lần này xảy ra ở Trung Quốc đại lục đúng vào dịp Tết nguyên đán và mùa Xuân cũng khiến tốc độ lây lan của dịch bệnh ở Đại lục như đổ thêm dầu vào lửa.

Một yếu tố văn hóa khác biệt giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới là văn hóa ăn uống cùng nhau, một món ăn và một nồi lẩu đều được mọi người chia sẻ với nhau, vì vậy rất dễ tiếp xúc nước bọt và thậm chí virus, không giống như người phương Tây và Nhật Bản mỗi người chỉ ăn phần ăn của mình. Trong trường hợp lây nhiễm dịch COVID-19 khi 19 người cùng ăn uống ở Hong Kong gần đây, gần một nửa trong số họ bị lây nhiễm bệnh, một mặt cho thấy virus này chưa đủ khả năng lây nhiễm cho tất cả mọi người, mặt khác cũng phản ánh virus rất có khả năng lây lan rộng rãi khi ăn uống cùng nhau.

Nói tóm lại, với số liệu ngày càng nhiều, dịch COVID-19 đã thay đổi từ “virus mới hoàn toàn” thành “virus mới một nửa”, hiện tượng cho thấy nó có thể không khủng khiếp như dịch SARS, mặc dù vậy, dịch COVID-19 vẫn rất đáng chú ý, đặc biệt là đối với người già và người mắc bệnh lâu năm, họ là nhóm chính dễ bị lây nhiễm, vì vậy chúng ta không thể xem thường, bao gồm việc cẩn thận không mang virus về nhà. Để không gây hoang mang và chuốc lấy nguy hiểm, chúng ta phải làm gì? Trước mắt, chỉ cần làm tốt việc vệ sinh cá nhân và đừng lo lắng quá nhiều.

(theo Thương Báo/TTXVN)