Một lễ tang tập thể cho những nạn nhân của dịch Covid-19 tại Manaus, Brazil. (Nguồn: EPA) |
Đại dịch Covid-19 đang diễn ra vô cùng khó lường, số lượng các ca nhiễm và tử vong ở các quốc gia cũng chênh lệch rất lớn. Các đô thị toàn cầu như New York, Paris và London bị ảnh hưởng nặng nề, trong khi các thành phố đông đúc như Bangkok, Baghdad, New Delhi và Lagos có vẻ đã được virus này “buông tha”.
Tại Iran, Covid-19 đã gây tử vong cho 6340 bệnh nhân (cập nhật ngày 6/5), khiến quốc gia này phải đào những hố chôn cất tập thể. Nhưng ở nước láng giềng Iraq, số người tử vong lại chưa quá 100 người. Hay Cộng hòa Dominica có hơn 8.300 ca nhiễm, nhưng Haiti ở bên cạnh chỉ ghi nhận khoảng 100 người nhiễm. Tương tự, Indonesia có gần 1.000 ca tử vong, nhưng Malaysia với biện pháp phòng dịch chặt chẽ số ca tử vong chỉ hơn 100.
Câu hỏi mà giới chuyên gia y tế đặt ra là, vì sao ở một số nơi lại bị Covid-19 tấn công mạnh mẽ hơn, trong khi một phần khác lại ít bị ảnh hưởng hơn?
Đây là một câu hỏi “khó nhằn”, sản sinh ra vô số suy đoán nhưng không đưa ra được đáp án thỏa đáng. Việc tìm ra câu trả lời có thể có ý nghĩa sâu sắc đối với một số quốc gia trong việc tìm cách đối phó, xác định nơi có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao và khi nào thế giới mới thực sự an toàn.
Theo tờ New York Times, các cuộc phỏng vấn với hơn hai chục chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, các quan chức y tế, nhà dịch tễ học và các học giả trên toàn cầu cho thấy, bốn yếu tố chính có thể giúp giải thích virus phát triển và tấn công bao gồm: nhân khẩu học (độ tuổi), văn hóa, môi trường và tốc độ phản ứng của chính phủ.
Mỗi lời giải thích có thể đi kèm với những cảnh báo đáng kể và bằng chứng phản bác gây nhiễu loạn thông tin. Thế nhưng, đây là những yếu tố mà các chuyên gia cho là thuyết phục nhất.
Sức mạnh của tuổi trẻ
Theo các chuyên gia, nhiều quốc gia tránh được sự tàn phá khủng khiếp của dịch Covid-19 là nhờ dân số tương đối trẻ. Ông Robert Bollinger, giáo sư về các bệnh truyền nhiễm tại Trường Y khoa Johns Hopkins cho rằng, người trẻ tuổi có nhiều khả năng có triệu chứng bệnh nhẹ và khó lây truyền sang người khác. Ngoài ra, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), người trẻ tuổi ít có bệnh nền, nên khả năng tử vong vì virus corona thấp hơn.
Đó là lý do châu Phi, châu lục trẻ nhất thế giới với 60% dân số dưới 25 tuổi, chỉ ghi nhận khoảng 45.000 ca nhiễm, một phần nhỏ so với tổng dân số 1,3 tỷ người. Còn tại Thái Lan và Najaf (Iraq), các quan chức y tế địa phương phát hiện ra rằng nhóm tuổi từ 20-29 có tỷ lệ nhiễm cao nhất nhưng ít có triệu chứng nặng. Ngược lại, Italy với độ tuổi trung bình hơn 45, lại là quốc gia có nhiều ca tử vong nhất tại châu Âu. Tuổi trung bình của những người chết vì Covid-19 là khoảng 80.
Tuy nhiên, cũng có ngoại lệ đáng chú ý đối với lý thuyết nhân khẩu học. Ví dụ dân số Nhật Bản tuy già nhất thế giới, nhưng chỉ ghi nhận hơn 536 ca tử vong, mặc dù số lượng ca nhiễm đang ngày một tăng lên. Trong khi đó, vùng Guayas, tâm dịch của Ecuador tuy có 11% cư dân trên 60 tuổi đã chứng kiến 7.000 sinh mạng bị cướp đi.
Theo ông Ashish Jha, Giám đốc Viện nghiên cứu sức khỏe toàn cầu Harvard cảnh báo rằng một số người trẻ tuổi không xuất hiện triệu chứng nhưng dễ lây lan bệnh ra ngoài xã hội vì những lý do chưa được hiểu rõ.
Khác biệt về văn hóa và hạn chế giao lưu
Các nhà dịch tễ học cho biết, các yếu tố về văn hóa cũng giúp bảo vệ một số quốc gia tốt hơn. Ở Thái Lan, nơi số ca nhiễm tương đối thấp, mọi người thường chắp tay và chào nhau từ xa. Còn tại Nhật Bản và Hàn Quốc, họ thường cúi đầu khi chào hỏi nhau và rất lâu từ trước Covid-19, người dân có thói quen đeo khẩu trang mỗi khi thấy không khỏe.
Ngoài ra, ở hầu hết các nước đang phát triển, người già thường được con cháu chăm sóc tại nhà thay vì tại các viện dưỡng lão, vốn đang là cụm lây nhiễm lớn ở các nước phương Tây.
Trên thế giới, các quốc gia tương đối cô lập cũng không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19. Chẳng hạn, một số quốc gia khu vực ở Nam Thái Bình Dương và châu Phi Hạ Sahara đã không bị các du khách nước ngoài “nhập khẩu” virus. Các chuyên gia y tế châu Phi cho rằng, lượng khách du lịch hạn chế có lẽ là nguyên nhân chính giúp lục địa này có tỷ lệ lây nhiễm tương đối thấp.
Ngoài ra, các quốc gia có vấn đề nội bộ như Syria, Libya, Lebanon... cũng may mắn không bị dịch Covid-19 tấn công nhiều.
Nhiệt độ và ánh nắng
Đại dịch Covid-19 xuất hiện lần đầu tiên vào cuối tháng 12/2019 và lây lan nhanh chóng trong mùa Đông, nhất là ở các vùng ôn đới như Italy và Mỹ và hầu như không xuất hiện ở các nước nhiệt đới như Chad hay Guyana. Điều này cho thấy virus SARS-CoV-2 không chịu nhiệt tốt. Các chủng virus corona khác thường hoạt động kém hơn ở vùng khí hậu ấm và ẩm ướt.
Tuy nhiên, các nhà khoa học lại cho rằng, nhiệt độ cao không đủ để đẩy lùi dịch Covid-19. Một số vùng dịch tồi tệ nhất ở các nước đang phát triển lại xảy ra ở vùng Amazonas của Brazil, một nơi có thời tiết vô cùng nóng nực và ẩm ướt.
Ông Marc Lipsitch, Giám đốc Trung tâm Bệnh truyền nhiễm tại Đại học Harvard cho biết: “Chúng ta chỉ có thể phỏng đoán rằng mùa hè có giúp ích nhưng bản thân chúng khó có thể làm giảm khả năng các ca nhiễm mới xuất hiện”.
Ngoài ra, theo một nghiên cứu của các nhà mô hình sinh thái tại Đại học Connecticut (Mỹ), tia cực tím có thể trực tiếp gây ức chế virus corona này. Vì vậy, bề mặt ở những nơi nắng chiếu thẳng vào có thể không có dấu vết của virus, nhưng phần lớn ca nhiễm xảy ra thông qua tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh, chứ không phải bằng cách chạm vào bề mặt.
Cách ly sớm và diệt trừ mầm bệnh
Theo New York Times, các quốc gia phản ứng sớm với dịch bệnh như Việt Nam và Hy Lạp đã có thể tránh tình trạng dịch bệnh lây lan ngoài tầm kiểm soát. Đây là bằng chứng về sức mạnh của cách ly xã hội và kiểm dịch, điều tra dịch tễ nghiêm ngặt để ngăn chặn dịch Covid-19.
Ở châu Phi, các quốc gia có kinh nghiệm cay đắng với những căn bệnh truyền nhiễm và gây chết người như HIV, bệnh lao và Ebola nên đã có phản ứng nhanh chóng. Nhân viên sân bay từ Sierra Leone đến Uganda đã kiểm tra nhiệt độ người nhập cảnh, lấy thông tin y tế chi tiết và khuyến cáo người dân đeo khẩu trang từ lâu trước khi Mỹ hay châu Âu thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
Mỗi ngày, nhân viên y tế Uganda xét nghiệm 1.000 lái xe tải và phần lớn những người dương tính với Covid-19 đến từ Tanzania và Kenya, những quốc gia không có biện pháp kiểm soát dịch bệnh mạnh mẽ, dẫn đến lo ngại rằng virus sẽ tiếp tục “xuất khẩu” qua biên giới.
Theo WHO, việc cách ly xã hội, nhất là lệnh cấm tụ tập đông người tại các buổi lễ tôn giáo hay hoạt động thể thao cũng có tác dụng. Hơn một tháng sau khi đóng cửa biên giới, trường học và doanh nghiệp, các quốc gia từ Thái Lan đến Jordan đã chứng kiến sự thuyên giảm của các ca nhiễm mới. Tuy nhiên, việc này cũng dẫn đến người dân tại các quốc gia nghèo, kiếm sống nhờ những công việc không chính thức gặp nhiều khó khăn.
Một người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 có thể không xuất hiện triệu chứng trong vòng một tuần hoặc hơn (thậm chí là không có triệu chứng), khiến có các ca nhiễm mới liên tục xuất hiện theo cấp số nhân, hoàn toàn ngẫu nhiên, mà không ai mảy may biết gì.
Chính vì cái tính ngẫu nhiên này mà đến giờ chưa chuyên gia nào có thể chắc chắn được, lý do nào khiến cho con số các ca nhiễm Covid-19 lại có sự chênh lệch đáng sợ đến như vậy. Lý do có thể là bao gồm một hoặc tất cả các yếu tố trên, mà cũng có thể không bao gồm yếu tố nào, hoặc cũng có thể chỉ là may mắn.
Dù gì chăng nữa, tất cả thế giới đều có thể nhận định rằng, Covid-19 thực sự là một mối họa vô cùng đáng sợ đối với loài người và thế giới cần tiếp tục kiên trì thực hiện các biện pháp nhằm phát hiện sớm, xét nghiệm, cách ly và chăm sóc đầy đủ các ca nhiễm, kết hợp theo dấu dịch tễ tiếp xúc, đồng thời đẩy mạnh việc nghiên cứu các loại thuốc chữa và vaccine.
Cùng với sự chung tay của các quốc gia, tổ chức quốc tế... trong phối hợp phòng chống dịch, việc dập dịch trong thời gian tới là hoàn toàn có thể và thế giới sẽ sớm thoát ra khỏi cơn ác mộng này.