Đây là khuyến nghị được các chuyên gia thuộc Ủy ban độc lập cao cấp đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại Venice (Italy) ngày 9/7.
Khuyến nghị trên được đưa ra cùng với bản báo cáo phản ánh thực trạng thế giới chưa được trang bị đầy đủ để có thể ngăn chặn dịch bệnh tiếp theo được cho là có khả năng bùng phát trong thập kỷ tới.
Campuchia tăng cường lực lượng phòng, chống Covid-19. (Nguồn: Fresh News) |
Báo cáo nêu rõ, ngay cả khi dịch Covid-19 qua đi, đại dịch tiếp theo có thể bùng phát trong 10 năm tới do sự xuất hiện của của một chủng virus cúm mới, một loại virus corona khác hoặc một trong số những mầm bệnh nguy hiểm khác.
Báo cáo khẳng định, đại dịch này một khi bùng phát sẽ có thể gây ảnh hưởng sâu rộng hơn nhiều so với dịch Covid-19 đối với sức khỏe con người và kinh tế toàn cầu.
Qua đó, báo cáo khuyến nghị chính phủ các nước cùng cam kết đầu tư tối thiểu 75 tỷ USD trong 5 năm tới cho công tác phòng chống và sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh.
Cụ thể, khoản đầu tư này sẽ được phân bổ cho mạng lưới nghiên cứu và giám sát chung dịch bệnh, các dự án củng cố năng lực của hệ thống chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ công tác xử lý khủng hoảng tốt hơn cũng như tăng cường năng lực sản xuất vaccine toàn cầu.
Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala khẳng định, thế giới cần rút kinh nghiệm từ các bài học trong đại dịch Covid-19 để sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh kế tiếp.
Bà Okonjo-Iweala nhấn mạnh, dịch Covid-19 vẫn còn đó, đồng thời hối thúc bộ trưởng các nước G20 ở thời điểm hiện tại làm nhiều hơn nữa để quyên góp thêm vaccine cũng như hỗ trợ hoạt động sản xuất và phân phối vaccine ngừa Covid-19.
Tại Campuchia, Quốc vụ khanh Bộ Y tế nước này Youk Sambath cho biết, sáng 10/7 đã tiếp nhận thêm 4 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 đặt mua từ Trung Quốc, trong đó có 3 triệu liều của hãng Sinovac và 1 triệu liều của Sinopharm.
Như vậy, tính đến nay, Campuchia đã nhận trên 16 triệu liều vaccine ngừa Covid-19, trong đó hơn 90% do Trung Quốc viện trợ và thông qua hợp đồng mua bán với Chính phủ Trung Quốc.
Theo đó, Campuchia đã tiêm phòng cho hơn 4,79 triệu dân, tương đương gần 50% mục tiêu đặt ra là tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho 10 triệu người nhằm đạt miễn dịch cộng đồng.
Cùng ngày, Bộ Y tế Campuchia ra thông cáo xác nhận, tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này kể từ đầu dịch đến nay đã gần chạm mốc 60.000 ca (cụ thể là 59.978 ca).
Ngày 10/7, Campuchia ghi nhận 933 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, trong đó 733 ca lây nhiễm cộng đồng và 200 ca nhập cảnh. Như vậy, Campuchia lại thêm một ngày ghi nhận số ca mắc mới ở mức gần 1.000 như xu hướng trong suốt 2 tuần trở lại đây.
Nước này cũng ghi nhận thêm 26 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số lên 881 người.
Trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan, chính quyền Phnom Penh vừa ra quyết định kéo dài các biện pháp hạn chế thêm 14 ngày, từ 0h ngày 10/7 đến 23/7, đối với các hoạt động và dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao.
Theo đó, các trường học, cả trường công, trường tư và cơ sở dạy nghề tạm thời chưa hoạt động trở lại. Các quán karaoke, quán bar, vũ trường, vườn bia, sòng bạc, khu nghỉ dưỡng, bảo tàng, công viên giải trí, rạp chiếu phim, nhà hát, trung tâm thể thao và thể hình, tiếp tục đóng cửa thêm 14 ngày.
Các hình thức tụ tập trên 15 người vẫn bị cấm, trừ một số trường hợp như gặp mặt trong gia đình ở cùng nhà. Các buổi lễ truyền thống hay tôn giáo, tổ chức tang lễ phải tuân thủ quy định của cơ quan thẩm quyền.