Covid-19 tác động mạnh đến ngành du lịch ASEAN, trong đó Thái Lan là quốc gia phụ thuộc vào ngành du lịch nhiều nhất. Ảnh chụp đền Wat Pho - một điểm du lịch nổi tiếng ở thủ đô Bangkok trở nên vắng vẻ do đại dịch. (Nguồn: Reuters) |
Trong ASEAN, dịch bệnh đã làm đình trệ các hoạt động du lịch và đi lại, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và nguồn cung lao động. Bất ổn càng gia tăng tâm lý tiêu cực. Những diễn biến này ảnh hưởng tới thương mại, đầu tư, sản xuất và tác động trực tiếp tới tăng trưởng của khu vực.
Trong ASEAN, có thể thấy rõ, du lịch cũng như những ngành công nghiệp liên quan, đặc biệt là hàng không và khách sạn, là những đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng nhất. Mọi chuyện càng trở nên tồi tệ khi nhiều quốc gia trong khu vực quyết định ra lệnh phong tỏa hoặc đóng cửa đất nước. Thêm vào đó, gán đoạn nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc cũng ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi giá trị và sản xuất trong ASEAN. Trung Quốc là đầu mối khu vực, vì vậy sự gián đoạn chuỗi cung ứng, dù chỉ trong ngắn hạn, cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới toàn bộ hệ thống.
Trong số các nước ASEAN, Singapore, Malaysia và Thái Lan là những nước hội nhập mạnh trong chuỗi cung ứng khu vực và sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất khi nguồn cung sụt giảm. Indonesia và Philippines cũng khó tránh khỏi guồng quay này bởi mối liên hệ ngày càng chặt chẽ với chuỗi cung ứng. Theo thời gian, các điều chỉnh về nguồn cung sẽ thay đổi mô hình thương mại và đầu tư. Những điều chỉnh căn bản đòi hỏi phải tái phân bổ các hoạt động trong chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các nước ASEAN. Đại dịch sẽ gây gián đoạn quá trình tái phân bổ này, song các nước ASEAN có thể hưởng lợi từ những khoản đầu tư mới, từ đó giảm thiểu các tác động tiêu cực nói chung.
Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng bao trùm lên nền kinh tế ASEAN, tuy vậy ở mỗi quốc gia thành viên lại có những tác động mang tính đặc thù. Kinh tế nhiều nước ASEAN phụ thuộc ngành du lịch, trong đó Thái Lan là quốc gia phụ thuộc vào ngành du lịch nhiều nhất. Tăng trưởng sụt giảm tại Trung Quốc ảnh hưởng nhiều tới Lào và Campuchia do hai quốc gia này có nguồn đầu tư lớn từ Trung Quốc. Philippines có dân số lao động ở nước ngoài lớn, do vậy, lệnh hạn chế di chuyển sẽ ảnh hưởng đến dòng lưu chuyển lao động của nước này. Cuộc chiến giá cả do dịch bệnh đang gián tiếp gây ra tác động mạnh đến Brunei và Malaysia, hai nước xuất khẩu dầu.
Ngày 20/3, ngân hàng đa quốc gia Goldman Sachs đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng của ASEAN trong năm 2020 xuống còn 160 điểm cơ bản (1,6%), so với 190 điểm cơ bản (1,9%) trước đó. Việc điều chỉnh mới này xuất phát từ tác động sâu rộng của Covid-19 đối với nhu cầu nội địa sau khi số ca mắc Covid-19 ở khu vực đã tăng gấp 3 lần trong tuần trước đó, dẫn đến các lệnh phong tỏa để đối phó dịch bệnh ở Philippines, Malaysia và Thái Lan.
Báo cáo dự báo bất cứ nơi nào các dịch vụ giải trí, văn hóa, giao thông, nhà hàng và du lịch giảm từ 40% -80% trong năm nay sẽ chỉ được bù đắp một chút bằng cách chi tiêu cao hơn cho chăm sóc y tế và thực phẩm khi các hộ gia đình dự trữ hàng hóa trong thời gian kiểm dịch.
Theo dự báo của ngân hàng Goldman, Thái Lan, quốc gia có nhiều ca nhiễm Covid-19 nhất trong khu vực tăng trưởng sẽ giảm từ 2,8% xuống còn -2,2%. Tăng trưởng của Singapore cũng giảm từ 1,7% xuống -1,8%.
Sự tuyệt vọng về kinh tế sẽ tạo cho Trung Quốc động lực mới để mở rộng ảnh hưởng ở khu vực lân cận. Theo một số nhà phân tích, các khoản đầu tư của Bắc Kinh có thể sẽ được chào đón nhiều hơn trước đây, khi các chính phủ khu vực tìm cách phục hồi nền kinh tế của họ sau đại dịch Covid-19.