Thủ đô Moscow đã ghi nhận 9.056 ca mắc mới Covid-19 trong vòng 24 giờ qua, mức cao nhất theo ngày kể từ khi đại dịch bùng phát tại đây. |
Hiện có 163.103.022 bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn 11.616.351 bệnh nhân đang điều trị.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 34.393.170 ca mắc và 616.917 ca tử vong. Đứng thứ hai là Ấn Độ với 29.822.764 ca mắc, trong đó 385.167 ca tử vong. Tiếp đó là Brazil với 17.802.176 ca mắc và 498.621 ca tử vong.
* Tại châu Mỹ, đáng chú ý, chương trình tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Brazil ghi nhận tiến triển. Ngày 18/6, Bộ Y tế Brazil thông báo nước này tiếp tục ghi nhận kỷ lục mới về lượt tiêm chủng theo ngày với 2.561.553 liều vaccine được tiêm trong vòng 24 giờ qua. Cho đến nay, đã có 60,06 triệu người Brazil tiêm mũi vaccine đầu tiên và 24,03 triệu người đã hoàn thành tiêm chủng. Quốc gia Nam Mỹ này đã triển khai chương trình tiêm vaccine phòng Covid-19 từ tháng 1, sử dụng vaccine CoronaVac, AstraZeneca và Pfizer.
Tuy nhiên, ngày 18/6, Ủy ban Điều tra của Quốc hội Brazil (CPI) cho biết, một số quan chức và cựu quan chức trong chính quyền của Tổng thống Jair Bolsonaro tiếp tục bị triệu tập lấy lời khai trong khuôn khổ cuộc điều tra về công tác điều hành phòng chống dịch Covid-19 của chính phủ, song lần này với tư cách là các đối tượng bị điều tra chứ không phải là nhân chứng.
Tại Nam Mỹ, người đứng đầu CPI, ông Renan Calheiros, đã công bố danh sách 14 đối tượng trong diện bị điều tra, trong đó đáng chú ý là Bộ trưởng Y tế Marcelo Queiroga và người tiền nhiệm Eduardo Pazuello, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Ernesto Araujo và cựu Quốc vụ khanh về truyền thông xã hội Fabio Wajngarten.
Ngày 18/6, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã lên tiếng bảo vệ quyết định của chính phủ về việc gia hạn các hạn chế đối với hoạt động đi lại không thiết yếu đến Mỹ. Theo Thủ tướng Trudeau, tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 mũi thứ nhất và mũi thứ 2 tại Canada vẫn chưa đạt đến ngưỡng an toàn để nới lỏng hoạt động đi lại xuyên biên giới.
Biên giới Canada-Mỹ sẽ vẫn đóng cửa đối với các hoạt động đi lại không thiết yếu đến ngày 21/7 tới. Lệnh này được áp dụng lần đầu tiên vào tháng 3/2020 và được gia hạn hàng tháng kể từ đó. Các biện pháp hạn chế ở khu vực biên giới mặc dù không ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại giữa hai nước, nhưng đã bóp nghẹt hoạt động du lịch.
Thủ tướng Trudeau nhấn mạnh, Canada phải đạt mục tiêu 75% dân số được tiêm mũi thứ nhất và ít nhất 20% được tiêm mũi thứ 2 trước khi có thể bắt đầu nới lỏng các quy định. Ottawa đang lên kế hoạch sớm giảm bớt các hạn chế về kiểm dịch nhập cảnh đối với công dân Canada, thường trú nhân đã được tiêm phòng đầy đủ và các cá nhân khác đủ điều kiện.
Canada dự kiến nhận được 68 triệu liều vaccine vào cuối tháng 7, đủ để tiêm chủng cho 33,2 triệu người Canada trên 12 tuổi. Hiện nay, khoảng 16% người Canada được tiêm chủng đầy đủ và 2/3 đã được tiêm mũi đầu tiên.
Tuy nhiên, hộ chiếu vaccine - chứng nhận quốc gia về tình trạng tiêm chủng - sẽ chưa được triển khai vào mùa Hè này, mà là mục tiêu trung hạn cho mùa Thu năm 2021.
Tuần trước, Canada thông báo công dân nước này, thường trú nhân đã tiêm phòng đầy đủ và những khách nhập cảnh vì lý do thiết yếu sẽ chỉ phải cách ly trong khoảng thời gian ngắn hơn nhiều nếu có xét nghiệm âm tính với Covid-19 khi nhập cảnh.
Những thay đổi này đồng nghĩa với việc những hành khách đến Canada bằng đường hàng không, nếu đủ điều kiện nhập cảnh, có thể không phải cách ly tại khách sạn do chính phủ chỉ định, mà cách ly tại nhà cho đến khi họ nhận được kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19.
Hiện chỉ những loại vaccine đã được phê duyệt ở Canada mới được chấp nhận để xác định liệu một khách du lịch có được coi là đã tiêm phòng đầy đủ hay không. Thủ tướng Trudeau cho biết, Canada có thể mở rộng phạm vi các loại vaccine được chấp nhận đối với những loại vaccine được WHO đưa vào danh sách sử dụng.
Ít nhất 25 quốc gia, bao gồm Pháp, Tây Ban Nha và Đan Mạch, có kế hoạch mở cửa lại biên giới đối với những du khách đã tiêm phòng từ một số quốc gia. Nhiều nước yêu cầu xét nghiệm Covid-19 âm tính và bằng chứng chính thức về việc tiêm chủng, trong khi một số nước đang cho phép những khách du lịch chưa tiêm chủng có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19.
Hiện nay, có những dấu hiệu cho thấy Mỹ chưa sẵn sàng chào đón những người Canada đã tiêm vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca/Đại học Oxford. Các rạp hát ở New York hiện chỉ chấp nhận những cá nhân đã tiêm vaccine được Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ phê duyệt như Pfizer-BioNTech, Moderna hoặc Johnson & Johnson.
* Tại châu Âu, giới chức Nga thông báo thủ đô Moscow đã ghi nhận 9.056 ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua, mức cao nhất theo ngày kể từ khi đại dịch bùng phát tại đây. Số ca mắc mới tăng mạnh khiến chính quyền thành phố phải đóng cửa fanzone trong khuôn khổ EURO 2020, đồng thời ra lệnh cấm tụ tập trên 1.000 người.
Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin cho biết, gần 90% số ca nhiễm mới tại thành phố này là mắc biến thể Delta.
* Tại châu Á, Bộ Y tế Ấn Độ ngày 19/6 công bố thêm 60.753 ca mắc mới Covid-19 trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca mắc ở nước này lên 29.823.546 ca.
Đây là ngày thứ 5 liên tiếp, số ca mắc mới dưới mốc 70.000 ca và là ngày thứ 12 liên tiếp dưới ngưỡng 100.000 ca. Mức giảm này là rất đáng kể sau khi lên tới mức đỉnh khoảng 400.000 ca mỗi ngày hồi tháng 4 và tháng 5.
Trong khi đó, số ca tử vong do dịch Covid-19 tại Ấn Độ tăng 1.647 ca lên 385.137 ca. Cũng trong 24 giờ qua, 28.678.390 bệnh nhân được điều trị khỏi và xuất viện. Như vậy, Ấn Độ hiện có 760.019 bệnh nhân Covid-19, mức thấp nhất trong 74 ngày qua.
Giám đốc Viện Khoa học y khoa All India, Giáo sư Randeep Guleria, mới đây cho biết, Ấn Độ sẽ kiểm soát dịch tốt hơn vì số ca mắc mới sẽ ít hơn do chiến dịch triển khai tiêm vaccine và đạt được mức độ miễn dịch nhất định sau làn sóng thứ hai.
Tuy nhiên, theo một cuộc khảo sát do hãng Reuters thực hiện từ ngày 3-17/6, các chuyên gia y tế quốc tế đều chung nhận định rằng, nhiều khả năng làn sóng dịch Covid-19 thứ 3 sẽ tấn công Ấn Độ vào tháng 10 tới và cho dù nước này sẽ ứng phó tốt hơn, đại dịch Covid-19 sẽ vẫn là mối đe dọa về y tế công tại quốc gia Nam Á này ít nhất là đến năm 2022.
* Liên quan đến sự lây lan của biến thể Delta, nhà khoa học hàng đầu tại Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Soumya Swaminathan cảnh báo, đây có thể trở thành biến thể gây ra phần lớn số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu.
Hiện WHO phân loại Delta ở mức "biến thể đáng lo ngại". Trong báo cáo đầu tháng này, WHO cảnh báo Delta đang tiếp tục lây lan nhanh chóng và ngày càng có nhiều quốc gia báo cáo các đợt bùng phát liên quan đến dòng biến thể này. Biến thể Delta hiện chiếm phần lớn số ca mắc Covid-19 ở Anh, Đức và Nga.
Mới đây, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa thế giới Frank Ulrich Montgomery cảnh báo chừng nào chưa đạt đủ tỷ lệ lượng người được tiêm phòng thì cần phải hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm trong cuộc sống hàng ngày. Do vậy, chắc chắn người dân cần tiếp tục đeo khẩu trang FFP2 khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, trong các cửa hàng và các khu vực trong nhà khác.
Chủ tịch Hiệp hội Y khoa thế giới kêu gọi các nước cân nhắc lại việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch của nước mình và cần có quyết tâm chính trị mạnh mẽ để đảo ngược xu hướng nới lỏng này nếu số lượng các ca nhiễm biến thể Delta gia tăng.
* Liên quan đến vấn đề tiêm chủng vaccine Covid-19, WHO cho biết hàng chục quốc gia nghèo đã phải tạm dừng chương trình tiêm vaccine do thiếu nguồn cung.
Ngày 18/6, WHO cho biết, hiện khoảng 30-40 quốc gia trên thế giới không có khả năng cung cấp mũi thứ 2 vaccine ngừa Covid-19 cho người dân, đặc biệt là những nước dựa vào nguồn cung vaccine của hãng AstraZeneca.
Ông Bruce Aylward - cố vấn cấp cao tại WHO, nêu rõ nhiều quốc gia nghèo hơn đã phải tạm dừng triển khai tiêm phòng mũi thứ hai. Nguồn cung vaccine ở những nước phụ thuộc vào vaccine AstraZeneca của Viện Huyết thanh Ấn Độ, được phân phối thông qua cơ chế COVAX do WHO bảo trợ, đã giảm mạnh sau khi Ấn Độ ngừng xuất khẩu vaccine để ưu tiên thị trường trong nước.
Theo ông Aylward, các quốc gia khu vực phía Nam Sahara châu Phi, Mỹ Latinh và Trung Đông cũng như các quốc gia láng giềng của Ấn Độ như Nepal và Sri Lanka đều bị ảnh hưởng.
Trước đó, ngày 14/6, WHO cảnh báo virus SARS-CoV-2 đang lan nhanh hơn tiến độ bao phủ vaccine ngừa Covid-19, đồng thời cho rằng cam kết của các quốc gia Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) viện trợ 1 tỷ liều vaccine cho các nước nghèo có thể là không đủ.
Tính đến ngày 17/6 vừa qua, cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX mới chỉ phân bổ 88 triệu liều vaccine tới hơn 131 quốc gia, ít hơn nhiều so với kế hoạch đề ra.