Kinh tế thế giới
G7 đạt nhiều thỏa thuận lịch sử
Ngày 11-13/6/2021, Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) lần thứ 47 đã diễn ra tại Cornwall, Vương quốc Anh với sự tham dự của lãnh đạo Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Italia, Canada, Nhật Bản; Chủ tịch Hội đồng Châu Âu và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu. Các nước Hàn Quốc, Nam Phi, Ấn Độ và Australia tham dự với tư cách khách mời.
Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung với một số nội dung chính như nhấn mạnh mục tiêu kết thúc dịch Covid-19 trong năm 2022, cam kết hỗ trợ thêm 1 tỷ liều vaccine đến cuối năm 2022 cho các nước nghèo; ủng hộ cam kết lịch sử về cải cách thuế, đề xuất mức thuế doanh nghiệp tối thiểu là 15% với các tập đoàn đa quốc gia.
Các nước cũng có quyền áp thuế đối với ít nhất 20% lợi nhuận vượt quá biên độ 10% đối với các tập đoàn đa quốc gia lớn nhất và sinh lời nhiều nhất. G7 cho biết việc này sẽ giúp hệ thống thuế trở nên công bằng hơn và phù hợp với kỷ nguyên số toàn cầu. (TTXVN)
Mỹ-EU ra tuyên bố chung khẳng định phối hợp chấm dứt đại dịch Covid-19
Ngày 15/6, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã ra tuyên bố chung sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh được tổ chức tại Brussels, Bỉ.
Tuyên bố nêu rõ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-EU nhằm làm mới quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương, thiết lập Chương trình nghị sự chung xuyên Đại Tây Dương cho thời kỳ hậu đại dịch Covid-19 và cam kết đối thoại thường xuyên để nắm bắt tiến trình.
Theo tuyên bố, Mỹ-EU cam kết hợp tác cùng nhau nhằm chấm dứt đại dịch Covid-19, sẵn sàng ứng phó với các thách thức y tế toàn cầu trong tương lai và thúc đẩy sự phục hồi toàn cầu bền vững.
Mỹ-EU đồng thời cam kết thúc đẩy quyền tiếp cận công bằng và giá cả phù hợp cũng như phân phối các loại vaccine ngừa Covid-19 an toàn, hiệu quả ... thông qua chương trình Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với Covid-19. Hai bên cũng cam kết tiếp tục hỗ trợ cơ chế COVAX và khuyến khích thêm nhiều nhà tài trợ sản xuất 2 tỷ liều vaccine cho toàn thế giới vào cuối năm 2021.
Mỹ-EU “đình chiến” thương mại
Ngày 15/6, Mỹ và EU đã đạt được thỏa thuận “đình chiến” nhằm chấm dứt cuộc tranh cãi kéo dài suốt 17 năm qua giữa hai bên liên quan tới việc bảo trợ cho hai hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới Airbus và Boeing. Theo thỏa thuận giữa Airbus-Boeing, mọi máy bay chở khách được chế tạo trong tương lai sẽ không được phép nhận trợ cấp từ chính phủ. (Bloomberg, CNN)
Từ trái qua: Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tới dự Hội nghị thượng đỉnh EU-Mỹ tại Brussels, Bỉ, ngày 15/6. (Nguồn: The New York Times) |
Kinh tế Mỹ
Giá dầu thô của Mỹ đạt mức cao nhất trong 32 tháng qua khi lên tới 71,5 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 10/2018. So với tháng 1/2021, giá dầu thô tại Mỹ đã tăng khoảng 23 USD/thùng. Sản lượng dầu thô của Mỹ dự kiến sẽ tăng hơn 900.000 thùng/ ngày trong năm 2022. (TG&VN)
Ngày 16/6, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo giữ nguyên lãi suất ở mức thấp như hiện nay. Sau cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Fed, ngân hàng này thông báo quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở biên độ gần bằng 0% để hỗ trợ nền kinh tế.
Fed thừa nhận lạm phát gia tăng, tuy nhiên tiếp tục cho rằng lý do chủ yếu là từ các yếu tố “tạm thời”. Fed cũng khẳng định ngân hàng trung ương Mỹ sẵn sàng hành động nếu thấy cần thiết.
Hiện Fed đã nâng dự báo trung bình về lạm phát trong năm nay lên 3,4% từ mức 2,4% trong tháng 3 vừa qua và nâng triển vọng tăng trưởng lên 7,0% từ 6,5%.
Ngoài ra, Fed cũng thông báo sẽ giữ nguyên biên độ lãi suất cơ bản từ 0 đến 0,25% và tiếp tục mua một khoản trái phiếu kho bạc và trái phiếu thế chấp trị giá 120 tỷ USD mỗi tháng để giảm áp lực chi phí đi vay.
Theo dự đoán của Fed, lãi suất có thể sẽ tăng lần đầu tiên vào năm 2023. (TTXVN)
Kinh tế Trung Quốc
Vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố Báo cáo “Triển vọng Kinh tế Toàn cầu”, nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 của Trung Quốc từ 7,9% lên 8,5%.
Tin liên quan |
Cố khắc phục ‘điểm yếu chiến lược’, Trung Quốc vẫn khó thoát ‘lưới’ Australia |
Báo cáo nhận định, do sự phục hồi mạnh mẽ của một số nền kinh tế lớn, dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu được điều chỉnh tăng 1,5 điểm % so với dự báo đưa ra hồi tháng 1/2021. Đây sẽ là sự phục hồi mạnh mẽ nhất sau các cuộc suy thoái kinh tế trong vòng 80 năm qua. (World Bank, WSJ)
Trong tháng 5/2021, chi phí xuất hàng tại cửa nhà máy của Trung Quốc đã tăng mạnh nhất trong gần 13 năm, gây lo ngại toàn cầu về chi phí hàng hóa tăng và lợi nhuận biên bị siết chặt đối với các doanh nghiệp, gây áp lực lên Bắc Kinh trong việc kiềm chế giá cả. Chỉ số chi phí sản xuất - giá của Trung Quốc đã tăng 9% so với một năm trước vào tháng 5, từ mức tăng 6,8% của tháng 4.
Theo số liệu do Bộ Thương mại Trung Quốc công bố ngày 12/6, trong 5 tháng đầu năm 2021, thu hút vốn FDI của Trung Quốc đạt 481 tỷ NDT (khoảng 74 tỷ USD), tăng 35,4% so với cùng kỳ năm 2020; với 18.494 doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài được thành lập mới.
Về nguồn FDI, đầu tư từ các nước thuộc Sáng kiến “Vành đai và Con đường”, ASEAN và EU lần lượt tăng 54,1%, 56% và 16,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Về phân bổ theo khu vực, FDI tại các khu vực miền Đông, miền Trung và miền Tây Trung Quốc tăng lần lượt là 37%, 36% và 10,4% so với cùng kỳ năm 2020. (Nikkei)
Kinh tế châu Âu
Các Bộ trưởng Năng lượng của EU đã đồng ý tiếp tục hỗ trợ một số dự án khí đốt tự nhiên xuyên biên giới, bất chấp những lập luận từ 11 quốc gia thành viên và Ủy ban châu Âu rằng EU nên chấm dứt khoản tài trợ này để tuân thủ các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu.
Theo đó, các Bộ trưởng nhất trí rằng không nên ủng hộ các dự án khí đốt và dầu khí chuyên dụng mới; từ nay đến năm 2028 có thể sử dụng các biện pháp hỗ trợ cho việc chuyển đổi các đường ống dẫn khí đốt sang đường ống vận chuyển hydro…
Đức, Tây Ban Nha, Áo và Luxembourg không ủng hộ thỏa thuận trên. (Reuters)
Ngân hàng Trung ương Italy dự báo GDP nước này sẽ tăng trưởng 4,4% trong năm 2021. Đối với năm 2022 và 2023, Ngân hàng dự đoán mức tăng trưởng kinh tế lần lượt là 4,5% và 2,3%.
Số liệu dự báo trên lạc quan hơn so với mức dự báo hồi tháng 1/2021. (AFP)
Ngày 12/6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết quan hệ giữa Pháp với Anh sẽ chỉ có thể được điều chỉnh khi Thủ tướng Anh Boris Johnson thực thi thỏa thuận Brexit. Cùng ngày, các nhà lãnh đạo châu Âu đã đề nghị ông Johnson tuân thủ các cam kết về Brexit, thể hiện lập trường thống nhất với London liên quan các quy tắc thương mại mới. (TTXVN)
Ngày 14/6, Luật chuỗi cung ứng gây tranh cãi ở Đức đã được các nghị sĩ Quốc hội Đức bỏ phiếu thông qua. Theo đó, các tập đoàn và công ty của Đức sẽ phải nghiên cứu kỹ về các nhà cung ứng toàn cầu liên quan tới khía cạnh lao động trẻ em, lao động cưỡng bức cũng như ảnh hưởng tới môi trường. (TTXVN)
Tin liên quan |
Kinh tế thế giới nổi bật tuần qua (4-10/6): Tổng thống Mỹ nói không để Trung Quốc viết ra quy tắc thương mại toàn cầu và EU vay hơn 900 tỷ USD |
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
Nhật Bản sẽ tiến hành rà soát các Viện Khổng Tử, các cơ sở giáo dục do Trung Quốc tài trợ do quan ngại tổ chức này là công cụ tuyên truyền của Trung Quốc. (Asia Nikkei)
Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G7, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã có hội đàm song phương với lãnh đạo các nước Anh, Australia, Đức và EU.
Trong trao đổi với Đức, Hàn Quốc đề xuất hợp tác sản xuất vaccine, cung ứng vaccine và các thiết bị y tế trên toàn cầu công bằng và suôn sẻ. Với Australia, hai nước nhất trí hợp tác về công nghệ trong ứng phó biến đổi khí hậu, nghiên cứu các dự án trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, ô tô và pin hydro.
Trao đổi với EU, Hàn Quốc mong muốn các bên cùng phối hợp thúc đẩy hợp tác Thỏa thuận xanh và Thỏa thuận kỹ thuật số mới.
Với Anh, hai nước nhấn mạnh nhu cầu hợp tác an ninh Hàn Quốc - Anh, cam kết tạo cơ hội để hai nước trở thành những đối tác mạnh mẽ trong kỷ nguyên hậu Covid-19. (TG&VN)
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
Ngân hàng Thế giới (WB) đã phê duyệt khoản tài trợ 400 triệu USD để hỗ trợ các cải cách của Indonesia nhằm tăng cường hiệu quả và khả năng phục hồi của nền tài chính nước này. Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết Indonesia cam kết tăng cường lĩnh vực tài chính vì lĩnh vực này đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì tăng trưởng và giảm tỷ lệ đói nghèo của Indonesia, đặc biệt là trong giai đoạn phục hồi hậu khủng hoảng Covid-19. (Antara)
WB ngày 8/6 công bố báo cáo hạ dự báo tăng trưởng GDP của Philippines trong năm 2021 từ mức 5,5% đưa ra hồi tháng 3/2021 xuống còn 4,7%. Theo đó, kinh tế Philippines được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 4,7% trong năm nay, trước khi tăng lên 5,9% vào năm 2022 và 6% vào năm 2023. (TTXVN)
Bộ Công nghiệp và Thương mại Quốc tế Malaysia cho biết công ty sản xuất chất bán dẫn Austria Technologie & Systemtechnik AG (AT&S) của Áo có kế hoạch đầu tư 2 tỷ USD để xây dựng một nhà máy sản xuất tại Malaysia, nhà máy đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á của AT&S. Nhà máy sản xuất chất bán dẫn này sẽ được xây dựng tại Khu Công nghệ cao Kulim ở phía bắc bang Kedah, Malaysia dự kiến khởi công vào nửa cuối năm 2021 và bắt đầu hoạt động vào năm 2024. (Reuters)
Hạ viện Thái Lan đã thông qua nghị định hành pháp cho phép chính phủ vay 500 tỷ Baht (khoảng 16 tỷ USD) để đối phó với làn sóng dịch Covid-19 thứ ba. Đây là lần thứ hai chính phủ Thái Lan được phép vay tiền để đối phó với những tác động của đại dịch Covid-19. (TTXVN)
Cơ quan Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Brazil (Sebrae) thông báo đại Covid-19 đã khiến gần 10 triệu doanh nghiệp tại nước này phải đóng cửa trong năm 2020 (từ 53,4 triệu vào năm 2019 xuống còn 44 triệu vào năm 2020), đồng thời là mức giảm lớn nhất trong vòng 8 năm qua.
Theo dữ liệu từ cuộc khảo sát mới nhất do Tổ chức Global Entrepreneurship Monitor (GEM), Brazil đã bị giảm 3 bậc trong bảng xếp hạng thế giới về số lượng doanh nghiệp đang hoạt động, từ vị trí thứ 4 xuống vị trí thứ 7 trong giai đoạn 2019-2020. (TTXVN)
Số liệu chính thức được công bố ngày 7/6 của chính phủ Chile cho thấy tổng kim ngạch thương mại của nước này trong 5 tháng đầu năm 2021 tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái lên 71,04 tỷ USD, mức cao nhất trong 30 năm qua. Trong đó, chỉ riêng đồng, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của của Chile đã chiếm 56% tổng kim ngạch xuất khẩu với giá trị đạt 21,345 tỷ USD. (TTXVN)