Covid-19 ở Việt Nam sáng 19/8: Số tử vong chiếm 2,2% ca mắc; Hà Nội bắt đầu xét nghiệm đợt 2; TP. Hồ Chí Minh giải thích tại sao tăng ca F0. (Nguồn: CAND) |
Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam:
Theo Bản tin của Bộ Y tế, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 301.957 ca nhiễm, đứng thứ 73/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 170/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 3.071 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 297.920 ca, trong đó có 108.534 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 06/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Hải Phòng.
+ Có 05 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Kon Tum, Hà Giang, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang.
+ 05 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (160.117), Bình Dương (52.346), Long An (16.007), Đồng Nai (14.945), Bắc Giang (5.795).
Tình hình điều trị bệnh nhân Covid-19
- 3.751 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 18/8.
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 115.059 ca.
- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 654 ca.
- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 20 ca.
- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến ngày 18/8 là 6.770 ca, chiếm tỷ lệ 2,2% so với tổng số ca mắc và ngang với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới.
Tình hình xét nghiệm
- Trong ngày 18/8 đã thực hiện 210.030 xét nghiệm cho 676.379 lượt người.
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 8.676.847 mẫu cho 25.118.695 lượt người.
Hà Nội bắt đầu xét nghiệm đợt 2 cho người có nguy cơ cao
Theo Sở Y tế Hà Nội, chiều 18/8 thành phố ghi nhận 5 ca dương tính SARS-CoV-2 mới, nâng tổng số ca Covid-19 ghi nhận trong ngày ở thủ đô lên 51.
05 ca mắc mới thuộc chùm ho, sốt thứ phát, thuộc các quận, huyện Ba Đình (02), Nam Từ Liêm (01), cầu Giấy (01), Thanh Trì (01).
1. Bệnh nhân N.T.T, nam, sinh năm 1999, Xuân Phương, Nam Từ Liêm, làm việc tại Viettel Post Bắc Từ Liêm, đã được lấy mẫu xét nghiệm âm tính và chuyển khu cách ly tập trung từ ngày 9/8. Ngày 17/8, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 2, kết quả dương tính.
2. Bệnh nhân N.V.V, nam, sinh năm 2008, Yên Hòa, Cầu Giấy, là F1 của Đ.T.H, được lấy mẫu xét nghiệm lần 1 âm tính và chuyển cách ly tập trung từ 11/8. Ngày 17/8, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 2, kết quả dương tính.
3. Bệnh nhân N.T.T, nữ, sinh năm 1938, Liên Ninh, Thanh Trì, là F1 của N.T.M.L, được lấy mẫu và cách ly tập trung từ ngày 2/8. Ngày 16/8, được lấy mẫu gộp xét nghiệm lần 3 có kết quả dương tính. Ngày 17/8, bệnh nhân được lấy lại mẫu đơn để xét nghiệm, kết quả dương tính.
4. Đ.N.L, nam, sinh năm 2006, Đội Cấn, Ba Đình, là F1 của L.T.L, được lấy mẫu xét nghiệm âm tính và và chuyển cách ly tập trung từ ngày 13/8. Ngày 17/8, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 2, kết quả dương tính.
5. N.T.K, nam, sinh năm 2017, Điện Biên, Ba Đình, là F1 của N.V.C, được lấy mẫu xét nghiệm âm tính và chuyển cách ly tập trung từ ngày 12/8. Ngày 17/8, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 2, kết quả dương tính.
Như vậy, tính từ ngày 29/4, trên địa bàn thành phố ghi nhận 2.359 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.234 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.125 ca.
Về xét nghiệm cho người có nguy cơ cao và người sống trong các khu vực nguy cơ cao, toàn thành phố đã hoàn thành đợt 1 với trên 300.000 mẫu được lấy và xét nghiệm.
Bắt đầu từ ngày 18/8, toàn thành phố tiếp tục thực hiện đợt 2 với số mẫu dự kiến trên 800.000 mẫu.
Cho đến cuối giờ chiều ngày 18/8, toàn thành phố đã lấy được tổng số 92.478 mẫu, trong đó 4.582 mẫu là người ở khu vực phong tỏa, 36.293 mẫu là người sống trong khu vực nguy cơ cao và 51.603 mẫu là đối tượng nguy cơ.
Hiện tại, mới chỉ có 500 mẫu thuộc đối tượng là người nguy cơ cao có kết quả xét nghiệm âm tính. Các mẫu còn lại đang chờ kết quả.
TP. Hồ Chí Minh giải thích tại sao số ca mắc có thể tăng trong tuần tới
Ngày 18/8, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã thông tin, làm rõ về tình hình số ca mắc Covid-19 mới có dấu hiệu gia tăng trong những ngày qua trên địa bàn.
Theo Sở Y tế, với việc thực hiện xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm nhằm phát hiện kịp thời bệnh nhân Covid-19 để điều trị, thu hẹp "vùng đỏ", "vùng cam", "vùng vàng" và mở rộng "vùng xanh", giai đoạn từ ngày 15/8 đến ngày 22/8 là khoảng thời gian giải phóng vùng sạch, đánh giá nguy cơ lây nhiễm.
Do đó, ngành y dự báo số F0 có thể tăng nhẹ do công tác lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc được tăng cường. Đây là lý do mà ngày 17/8, thành phố ghi nhận tới 1.435 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng.
Cùng ngày 18/8, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh thông tin, đến sáng cùng ngày, toàn thành phố có 2.090 trẻ em dưới 16 tuổi mắc Covid-19 đang được điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn. Phần lớn trẻ em không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.
Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc, đảm bảo an toàn người bệnh trong điều trị trẻ em dưới 16 tuổi mắc Covid-19, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã có công văn khẩn về việc tiếp nhận điều trị cho các trường hợp này.
Theo chỉ đạo từ Sở Y tế, trẻ em dưới 16 tuổi mắc Covid-19 nếu không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, nếu người bệnh đủ điều kiện cách ly tại nhà thì hướng dẫn cho người bệnh cách ly tại nhà theo quy định.
Trong trường hợp không đủ điều kiện cách ly tại nhà thì liên hệ chuyển người bệnh đến Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 4, số 19 (do Bệnh viện Nhi Đồng thành phố; Bệnh viện Nhi Đồng 2 phụ trách) và Bệnh viện dã chiến Củ Chi (do Bệnh viện Nhi Đồng 1 phụ trách).
Sóc Trăng phấn đấu đến 25/8 kiểm soát được dịch
Nhằm đẩy mạnh thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch Covid-19, UBND tỉnh Sóc Trăng vừa phát động đợt thi đua đặc biệt lập thành tích giữ vững và mở rộng “vùng xanh” trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, tạo tiền đề vững chắc để đẩy lùi dịch bệnh.
Theo Kế hoạch phát động thi đua, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu các cấp, ngành, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên, doanh nhân, nhân dân trên địa bàn phát huy sức mạnh toàn dân tham gia chống dịch; thực hiện tốt phương châm “truy vết thần tốc”, khoanh vùng nhanh, xét nghiệm hợp lý, điều trị hiệu quả, chặn đứng nguồn lây, tăng cường “4 tại chỗ” và nâng cao trách nhiệm của người dứng đầu, cơ quan, đơn vị, địa phương; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Trong đợt thi đua, tỉnh Sóc Trăng tập trung có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch nhằm mở rộng “vùng xanh”, thu hẹp “vùng đỏ” để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nhanh chóng đưa cuộc sống người dân trên địa bàn tỉnh trở lại trạng thái bình thường trong thời gian sớm nhất. Tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không để dịch bệnh lây lan thiếu kiểm soát.
Các cấp, ngành tăng cường tuyên truyền khách quan, trung thực, tích cực, kịp thời về công tác phòng, chống dịch; vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, toàn dân tham gia các công trình, phần việc phòng, chống dịch phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện công tác, lao động sản xuất; đảm bảo phản ứng nhanh, kịp thời, hành động đúng; vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân hỗ trợ các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.
Kết quả cần đạt được trong đợt thi đua đặc biệt là giữ vững và mở rộng “vùng xanh”, đẩy lùi dịch Covid-19, phấn đấu đến hết ngày 25/8 kiểm soát được dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Theo Thông tin từ Sở Y tế Sóc Trăng, ngày 18/8, Sóc Trăng đã có thêm 102 ca mắc Covid-19. Đây là số ca mắc mới cao kỷ lục tính từ trước tới nay, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại tỉnh tính từ đầu tháng 7 đến nay là 778 người.
Quảng Ninh siết chặt kiểm soát người ra vào tỉnh
Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tăng cường các biện pháp siết chặt quản lý người, phương tiện, hàng hóa lưu thông ra, vào tỉnh; người về từ vùng dịch; đồng thời, tạo điều kiện cho việc sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa, góp phần vào đảm bảo không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa quốc gia.
Theo đó, từ ngày 18/8, trong trường hợp cấp thiết phải ra khỏi tỉnh Quảng Ninh, người dân phải thực hiện nghiêm các quy định chống dịch của địa phương mình tới.
Nếu đi ra và quay lại tỉnh trong vòng 24 giờ, vẫn được sử dụng giấy xét nghiệm RT-PCR đã thực hiện trước đó tại tỉnh. Nhưng nếu vượt quá 24 giờ, khi quay về, người dân phải có giấy xét nghiệm RT-PCR ở địa phương đã tới.
Người dân Quảng Ninh nếu đi tới vùng dịch, khi quay về tỉnh, phải thực hiện cách ly tập trung có trả phí.
Cán bộ, công chức ra khỏi tỉnh, phải có công lệnh, giấy xác nhận của thủ trưởng cơ quan, đơn vị. Các lái xe khi chở hàng hóa vào địa bàn tỉnh phải có kết quả xét nghiệm RT-PCR có hiệu lực trong vòng 48 giờ.
Tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu tăng cường trách nhiệm người đứng đầu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch Covid-19. Bí thư cấp ủy phải trực tiếp làm Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch.
Các địa phương phải thành lập sở chỉ huy hoặc trung tâm chỉ huy do Phó Bí thư, Chủ tịch UBND làm Chỉ huy trưởng và có bộ phận thường trực giúp việc 24/7…
*Bộ Y tế có quyết định xuất cấp 30.000 lọ thuốc Remdesivir điều trị Covid-19 cho nhiều cơ sở y tế ở các tỉnh phía Nam đang điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng. Có 17 bệnh viện (các Trung tâm hồi sức tích cực Covid-19) cùng Bệnh viện Trung ương Cần Thơ và Sở Y tế các tỉnh, thành: TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Đồng Tháp, Tây Ninh và Cần Thơ được cấp thuốc Remdesivir trong đợt này. Đây là lần thứ 2, thuốc Remdesivir được Bộ Y tế xuất cấp để phục vụ nhu cầu điều trị bệnh nhân Covid-19 của các cơ sở y tế. Trước đó, ngày 8/8, lô thuốc đầu tiên gồm 10.000 lọ Remdesivir đã được đưa vào điều trị bệnh nhân Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh. * Ngày 18/8, Bệnh viện Dã chiến điều trị điều trị bệnh nhân Covid-19 đa tầng Tân Bình (đường Hoàng Văn Thụ, Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) do Bệnh viện Thống Nhất (bệnh viện tuyến trung ương thuộc Bộ Y tế) đảm nhiệm chính thức khánh thành với quy mô 1.000 giường. Đây là mô hình bệnh viện dã chiến đầu tiên ở TP. Hồ Chí Minh điều trị cùng lúc cả 3 tầng bệnh Covid-19 (bệnh nhẹ, trung bình và nặng). Để giúp các F0 cách ly tại nhà theo dõi sức khỏe trong lúc chờ Tổ phản ứng nhanh tới hỗ trợ nhập viện khi có dấu hiệu nặng, TP. Hồ Chí Minh lập trạm đo SpO2 và thở oxy tại các khu phố và tổ dân phố. *Từ ngày 18 đến 23/8, Bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ bắt đầu tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho phụ nữ đang mang thai (tuổi thai từ trên 13 tuần), với số lượng dự kiến là 1.000 liều. *Từ ngày 18/8, Quảng Nam tăng thời gian cách ly tập trung từ 7 lên 14 ngày đối với người về từ các tỉnh, TP đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. |
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 18/8 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 209.629.565 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 4.399.288 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 187.884.885 người. Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 640.181 ca tử vong trong tổng số 37.909.829 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 432.834 ca tử vong trong số 32.295.224 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 570.718 ca tử vong trong số 20.417.204 bệnh nhân. Tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 599 người tử vong. Tiếp đến là Hungary với 311 người và Bosnia-Herzegovina với 296 người/100.000 dân. Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe hiện có hơn 1,4 triệu ca tử vong trong hơn 42,2 triệu ca nhiễm. Tiếp đến là châu Âu, có hơn 61 triệu người mắc Covid-19, trong đó có hơn 1,1 triệu ca tử vong. Châu Á ghi nhận hơn 977.600 ca tử vong trong hơn 66,7 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ có hơn 964.300 ca tử vong trong hơn 45,3 triệu ca nhiễm. Châu Phi ghi nhận hơn 185.900 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là hơn 1.800 người. |