Các Y, Bác sỹ tại bệnh viện dã chiến số 2 Bắc Giang. |
Thông tin diễn biến dịch Covid-19 ở Việt Nam:
Tính từ 18h ngày 23/6 đến 6h ngày 24/6 có 42 ca mắc mới (BN13948-13989):
- 5 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Khánh Hòa (4), Tây Ninh (1).
- 37 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (26), Thái Bình (3), Bắc Giang (3), Tây Ninh (2), Long An (2), Khánh Hòa (1); trong đó 28 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Tính đến 6h ngày 24/6:
- Việt Nam có tổng cộng 12.264 ca ghi nhận trong nước và 1.725 ca nhập cảnh.
- Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay: 10.694 ca, trong đó có 2.910 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
- Có 16 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hải Phòng, Bạc Liêu, Điện Biên, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Vĩnh Phúc) đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng.
- Số lượng xét nghiệm từ 29/4/2021 đến nay đã thực hiện 2.598.405 xét nghiệm cho 5.928.149 lượt người.
Tình hình điều trị:
- Số ca âm tính với SARS-CoV-2:
+ Lần 1: 341
+ Lần 2: 143
+ Lần 3: 130
- Số ca tử vong: 70 ca.
- Số ca điều trị khỏi: 5.684 ca.
Thông tin chi tiết các ca mắc mới:
5 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh
- 4 CA BỆNH (BN13948, BN13950, BN13953-BN13954) được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Khánh Hòa. Ngày 21/6, từ Nga nhập cảnh Sân bay Cam Ranh trên chuyến bay VN62 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Khánh Hòa.
Kết quả xét nghiệm lần 1 ngày 22/6 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa.
- 1 CA BỆNH (BN13957) được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Tây Ninh: nữ, 35 tuổi, địa chỉ tại huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. Ngày 6/5, từ Malaysia nhập cảnh Sân bay Cần Thơ trên chuyến bay QH9322 và QH3324 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Tiền Giang.
Sau khi hoàn thành cách ly tập trung 21 ngày chuyển tự cách ly tại nhà ở tỉnh Tây Ninh. Kết quả xét nghiệm ngày 23/6 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện đang cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh.
3 CA BỆNH (BN13949, BN13951-BN13952) ghi nhận tại tỉnh Thái Bình: đang điều tra dịch tễ. Kết quả xét nghiệm ngày 23/6 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình.
- 3 CA BỆNH (BN13955-BN13956, BN13988) ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang trong khu cách ly và khu vực đã được phong tỏa, liên quan đến công nhân làm tại các Khu công nghiệp. Kết quả xét nghiệm ngày 22-23/6 dương tính với SARS-CoV-2.
- 2 CA BỆNH (BN13958-BN13959) ghi nhận tại tỉnh Tây Ninh: 1 ca có tiền sử đi về từ Đà Nẵng đã được cách ly từ trước, 1 ca đang điều tra dịch tễ. Kết quả xét nghiệm ngày 23/6 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện đang cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh.
- 1 CA BỆNH (BN13960) ghi nhận tại tỉnh Khánh Hòa: nữ, 53 tuổi, địa chỉ tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa; liên quan đến BN12190. Kết quả xét nghiệm ngày 23/6 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa.
- 2 CA BỆNH (BN13961, BN13989) ghi nhận tại tỉnh Long An: liên quan đến Công ty Dinsen. Kết quả xét nghiệm ngày 23/6 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Long An.
- 26 CA BỆNH (BN13962-BN13987) ghi nhận tại TP. Hồ Chí Minh: 24 ca là các trường hợp F1 đã được cách ly, 2 ca đang điều tra dịch tễ. Kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Thông tin tiêm chủng:
Tính đến 16 giờ ngày 23/6, tổng cộng đã thực hiện tiêm 2.626.337 liều vaccine phòng Covid-19. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 là 137.682 người.
Có thêm 100.374 người được tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 tại 41 tỉnh/TP và các cơ sở y tế của Bộ Quốc phòng trong ngày 23/6.
Đối với các vaccine phòng Covid-19 nghiên cứu, phát triển trong nước, luật quy định phải trải qua 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng
Tại cuộc họp, Thường trực Ban Chỉ đạo về công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19; Thông tư hướng dẫn đăng ký, lưu hành trong trường hợp cấp bách đối với vaccine Covid-19 diễn ra chiều ngày 23/6 tại Trụ sở Chính phủ, đã nghe, thảo luận dự thảo Thông tư hướng dẫn đăng ký, lưu hành trong trường hợp cấp bách đối với vaccine phòng Covid-19.
Theo đó, hiện nay, việc cấp phép lưu hành các vaccine phòng Covid-19 của nước ngoài tại Việt Nam đang thực hiện theo quy trình khẩn cấp, vì vậy, Thường trực Ban Chỉ đạo nhấn mạnh sự cần thiết phải ban hành thông tư quy định chính thức, cụ thể việc cấp phép lưu hành các loại vaccine phòng Covid-19 cả của nước ngoài và trong nước; qua đó, Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc căn cứ vào thực hiện.
Đối với các vaccine phòng Covid-19 đang được nghiên cứu, phát triển trong nước, Luật Dược quy định phải trải qua 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng; tuy nhiên không quy định rõ quy mô thử nghiệm. Đại diện Bộ Y tế cho biết, trong điều kiện bình thường, quy mô thử nghiệm lâm sàng các loại thuốc (bao gồm cả vaccine) theo thông lệ quốc tế.
Đại diện Bộ Tư pháp cho biết, điều 89, Luật Dược quy định về “Thuốc phải thử lâm sàng, thuốc miễn thử lâm sàng hoặc miễn một số giai đoạn thử lâm sàng khi đăng ký lưu hành thuốc” thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Trong tình hình hiện nay, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu để thể hiện trong thông tư, do Bộ trưởng Bộ Y tế ký ban hành. Trong trường hợp cần các yêu cầu, điều kiện đặc biệt mà pháp luật hiện hành chưa quy định, Bộ Y tế sẽ trình các cơ quan thẩm quyền xem xét.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, với kế hoạch vaccine về trong thời gian tới (tháng 7/2021 có thể có khoảng 8 triệu liều từ các nguồn về Việt Nam); dự kiến đến quý III/2021 sẽ tiêm được cơ bản cho các đối tượng ưu tiên, trong đó, đủ số lượng vaccine để tiêm cho lực lượng sản xuất.
Căn cứ vào tiến độ, loại vaccine dự kiến về Việt Nam, tình hình dịch bệnh và thứ tự đối tượng ưu tiên, Bộ Y tế triển khai tiêm trên tinh thần, trước mắt bảo đảm công bằng giữa các nhóm đối tượng theo nguyên tắc tiếp cận công bằng vaccine của Liên hợp quốc; tiếp đến, công bằng giữa các đối tượng, có xem xét đến sự đóng góp của các nhành kinh tế, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, đảm bảo công khai, minh bạch.
Bộ Y tế nêu rõ thời điểm Việt Nam đạt được miễn dịch cộng đồng, trong đó tập trung cho những khu vực, địa phương có nguy cơ cao, các địa phương có mật độ giao lưu lớn, tập trung nhiều sản xuất công nghiệp, du lịch như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh...
Sau khi tiêm hết cho đối tượng ưu tiên, đạt được miễn dịch cộng đồng, Bộ Y tế phải chuẩn bị kích hoạt cơ chế tiêm chủng mở rộng (miễn phí) và tiêm dịch vụ; định hướng mới trong triển khai tiêm vaccine.