📞

Covid-19 ở Việt Nam sáng 24/7: Sẵn sàng công tác y tế đón 200 lao động từ Guinea Xích đạo, WHO mời tham gia Cơ chế hợp tác về vaccine

Chu Văn 07:50 | 24/07/2020
TGVN. Bản tin lúc 6h ngày 24/7 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 cho biết, Việt Nam có tổng cộng 272 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Hiện còn 43 bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 và đang chuẩn bị chu đáo công tác y tế đón lao động từ Guinea Xích đạo về nước.
Covid-19 ở Việt Nam sáng 24/7: Công tác y tế đón lao động từ Guinea Xích đạo về nước, WHO đánh giá năng lực và tiến độ sản xuất vaccine. (Nguồn: Suckhoedoisong)

Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 cho biết, - Tính từ 6h ngày 16/4 đến 6h ngày 24/7: đã 99 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. - Tính đến 6h ngày 24/7: Việt Nam có tổng cộng 272 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. - Tính từ 18h ngày 23/7: 0 ca mắc mới. Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 10.336, trong đó: - Cách ly tập trung tại bệnh viện: 352 - Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 9.379 - Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 605 Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo - Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đến thời điểm này đã có 365/412 ca bệnh Covid-19 của nước ta được công bố khỏi bệnh, chiếm 88,6% tổng số ca bệnh. Riêng đối với bệnh nhân người nước ngoài, đến nay có 50 bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài đều đã được Việt Nam điều trị khỏi. Không có trường hợp bệnh nhân Covid-19 nặng nào tử vong cho đến thời điểm này. Tính đến sáng ngày 24/7, trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 4 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1- 2 lần với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 43 bệnh nhân dương tính với virus gây Covid-19. Trong các bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế hiện nay, đa số đều có sức khoẻ ổn định. Hiện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đang điều trị 5 ca bệnh, tại Bệnh viện Đa khoa Bà Rịa- Vũng Tàu điều trị 09 ca bệnh; Trung tâm y tế huyện Bình Sơn-Quảng Ngãi điều trị 1 ca bệnh; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu 2 ca; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau điều trị 1 ca; Bệnh viện Lê Lợi, TP Vũng Tàu điều trị 1 ca; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định điều trị 7 ca; Phòng khám Đa khoa khu vực Cầu Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình điều trị 08 ca; Bệnh viện Nhiệt đới Hải Dương điều trị 1 ca; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình điều trị 4 ca bệnh... Trung tâm Y tế huyện Phú Quốc điều trị 1 ca bệnh.

Liên quan đến công tác y tế cho chuyến bay đón hơn 200 người lao động cuả Việt Nam tại Guinea Xích đạo ngày 28/7 tới, TS. Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, bệnh viện đã chuẩn bị xong mọi công đoạn về nhân lực, thiết bị. Theo đó bệnh viện cử 2 bác sĩ và 2 điều dưỡng làm việc tại khoa Cấp cứu mang theo 2 máy thở, máy monitor theo dõi, quần áo phòng hộ và các thiết bị y tế khác đi trên chuyến bay đón công nhân về nước. Được biết, chuyến bay sẽ đón khoảng 219 người lao động của Việt Nam ở Guinea xích đạo về nước, trong đó ước chừng có 120 bệnh nhân mắc Covid-19. Trong số những bệnh nhân này có một số trường hợp được xác định đã khỏi bệnh, một số khác diễn biến nặng trong thời gian qua phải nằm bệnh viện ở Guinea nhưng hiện nay tình trạng bệnh đã tốt lên nhiều, nên mặc dù là chuyến bay dài – khoảng 15 tiếng nhưng không quá lo lắng về sức khỏe của bệnh nhân trên chuyến bay dài này.

Sau khi máy bay hạ cánh tại sân bay Nội Bài chiều ngày 29/7, toàn bộ số người lao động này sẽ được chuyển về Bệnh viện bệnh Nhiệt đới T.Ư để cách ly, theo dõi. Những trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 sẽ được điều trị tại đây. Hiện bệnh viện đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và đội ngũ nhân viên y tế để tiếp nhận lượng bệnh nhân lớn nhất từ đầu vụ đại dịch tại Việt Nam. Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc khẩn trương lập kế hoạch đưa công dân Việt Nam tại Guinea Xích đạo về nước, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế và đại diện Tổng công ty Hàng không Việt Nam đã tổ chức họp thảo luận các phương án để lập kế hoạch y tế cho chuyến bay.

Tại cuộc họp, Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư cho biết, đã sẵn sàng cử nhóm bác sĩ và điều dưỡng chuyên ngành hồi sức, cấp cứu chuẩn bị lên đường sang Guinea đón công dân về nước.

Bộ Y tế cho biết 3 công ty có người lao động và quản lý đang làm việc tại Guinea Xích Đạo thuộc châu Phi đã gửi thông báo cho biết số ca mắc Covid-19 trong đoàn công nhân và cán bộ quản lý. Trong số 120 bệnh nhân có 46 người có bệnh mãn tính kèm theo (là nhóm dễ có biến chứng hơn) như loét dạ dày, cao huyết áp, tim mạch, viêm phế quản. Ngoài 120 bệnh nhân Covid-19, còn 7 người phải nhập viện để theo dõi bệnh khác, 3 người bị sốt rét, 1 người trong đó vừa sốt rét vừa Covid-19.

Tuổi trung bình của số công nhân và quản lý này là 38 tuổi, thấp nhất là 19, cao nhất là 68. Trong đó 135 người (62%) có độ tuổi từ 19-39, 63 người (29%) ở độ tuổi 40-49, có 8 người (8%) độ tuổi từ 50-59 và 4 người (2%) tuổi trên 60.

Trước tình hình số ca mắc Covid-19 trên thế giới vượt quá 15 triệu người, nhiều quốc gia đang chạy đua nghiên cứu vaccine phòng Covid-19, trong đó có Việt Nam. Trả lời phỏng vấn phóng viên Việt Nam, TS. Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam hoan nghênh sự tham gia của Việt Nam vào nỗ lực chung toàn cầu nhằm nghiên cứu và phát triển vaccine.

TS. Kidong Park đánh giá, thế giới cần vaccine chất lượng cao càng sớm càng tốt. Việc đảm bảo có vaccine Covid-19 hiệu quả và an toàn sẽ giúp thế giới ngăn chặn đại dịch. Hiện nay, có khoảng 23 loại vaccine đang được thử nghiệm lâm sàng, ngoài 160 nhà sản xuất vaccine đang tiến hành nghiên cứu hiện nay, trong đó có một nhà sản xuất từ Việt Nam, WHO kỳ vọng sẽ có thêm nhiều nhà sản xuất nữa cùng tham gia.

Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đã được WHO mời tham gia Cơ chế COVAX. Cơ chế COVAX là nội dung chính của hợp phần COVAX. Đây là cách tiếp cận cấp thiết nhằm có được vaccine an toàn và hiệu quả nhanh nhất thông qua cung cấp tài chính giúp chia sẻ rủi ro trong quá trình phát triển vaccine, đầu tư trước cho sản xuất vaccine nhằm triển khai phân bổ vaccine trên quy mô lớn ngay lập tức sau khi vaccine được chứng minh chất lượng và tập trung năng lực mua sắm nhằm đạt khối lượng tối ưu để chấm dứt sự bùng phát của đại dịch.

Theo sáng kiến này, các nước thu nhập cao và các nước thu nhập trung bình cao sẽ tiếp cận được vaccine thông qua mua sắm tập trung dùng nguồn tài chính viện trợ. GAVI sẽ hỗ trợ tài chính giúp các nước thu nhập trung bình thấp và các nước thu nhập thấp để mua vaccine.

(theo Bộ Y tế)