Nhỏ Bình thường Lớn

Covid-19 ở Việt Nam sáng 26/4: Có thêm 3 ca mắc mới, nguy cơ bùng phát dịch tại Tây Nam Bộ

Bản tin sáng 26/4 của Bộ Y tế cho biết, có thêm 3 ca mắc Covid-19 tại Đà Nẵng và Quảng Nam đều cách ly ngay khi nhập cảnh. Việt Nam hiện có 2.846 bệnh nhân.
Covid-19 ở Việt Nam sáng 26/4:
Việt Nam hiện có tổng cộng 1.570 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước.

Cập nhật số ca mắc mới ở Việt Nam:

Tính đến 6h ngày 26/4: Việt Nam có tổng cộng 1570 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 910 ca, riêng Hải Dương có 726 ca, Quảng Ninh (61 ca), Gia Lai (27 ca), Hà Nội (34 ca), Bắc Ninh (5 ca), Bắc Giang (2 ca), TP. Hồ Chí Minh (36 ca ), Hoà Bình (2 ca), Hà Giang (1 ca), Điện Biên (3 ca), Bình Dương (6 ca), Hải Phòng (4 ca ), Hưng Yên (3 ca).

10 tỉnh, thành phố (Hoà Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh và TP. Hồ Chí Minh) đã 72 ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng;

Hà Nội 68 ngày và Hải Phòng 62 ngày, Hải Dương 32 ngày không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng

- Tính từ 18h ngày 25/4 đến 6h ngày 26/4: 3 ca mắc mới, đều được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.

Thông tin ca mắc mới: 3 ca mắc mới (BN2844-2846) được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Quảng Nam (2), Đà Nẵng (1). Cụ thể:

- CA BỆNH 2844 (BN2844) ghi nhận tại tỉnh Quảng Nam: Bệnh nhân nam, 28 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại huyện thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà rịa - Vũng Tàu.

- CA BỆNH 2845 (BN2845) ghi nhận tại tỉnh Quảng Nam: Bệnh nhân nam, 35 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

Ngày 23/4, BN2844-2845 từ Nhật Bản nhập cảnh Sân bay Đà Nẵng trên chuyến bay VN5313 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Quảng Nam.

Kết quả xét nghiệm ngày 25/4 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam.

- CA BỆNH 2846 (BN2846) ghi nhận tại Thành phố Đà Nẵng: Bệnh nhân nam, 27 tuổi, công dân Việt Nam, địa chỉ tại huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ.

Ngày 20/4, bệnh nhân từ Nhật Bản nhập cảnh Sân bay Quốc tế Đà Nẵng trên chuyến bay QH9413 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Thành phố Đà Nẵng.

Kết quả xét nghiệm lần 2 ngày 25/4 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.

Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 41.626, trong đó:

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 527

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 26.276

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 14.823.

Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế: tổng số bệnh nhân khỏi bệnh ở nước ta đến nay là 2.516 /2.846

Trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước hiện có 48 bệnh nhân đã âm tính với virus SARS-CoV-2 từ 1-3 lần gồm: 13 ca âm tính lần 1; Số ca âm tính lần 2: 15 ca; số ca âm tính lần 3 là 20 ca.

Số ca tử vong liên quan đến Covid-19 ở nước ta đến nay là 35 ca, đây là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (3) và Quảng Trị (1).

Gần 86% bệnh nhân Covid-19 trở về từ Campuchia mang biến thể Anh

Trước tình hình dịch Covid-19 ở các nước xung quanh Việt Nam đang diễn biến phức tạp, số ca mắc ngày càng tăng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo các viện đầu ngành tiến hành giải trình tự gene của những người nhập cảnh vào Việt Nam gần đây đã mắc Covid-19 để đánh giá, có các biện pháp kiểm soát dịch phù hợp.

Kết quả Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh tiến hành giải trình tự gene của các trường hợp nhập cảnh từ Campuchia vào Việt Nam mắc Covid-19 cho thấy: 85,7% mẫu những người về từ Campuchia mang biến thể B1.1.7 (biến thể phát hiện ở Anh) và 14,3% mang biến thể B.1.351 (biến thể phát hiện ở Nam phi).

Liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh, sáng ngày 25/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Chúng tôi đang rất lo lắng về nguy cơ bùng phát dịch tại khu vực Tây Nam bộ. Vì thế, Bộ Y tế đã thành lập 5 đoàn công tác do Bộ trưởng và 4 Thứ trưởng đến tất cả các tỉnh/thành trong khu vực để rà soát tất cả các vấn đề liên quan tới việc ứng phó với dịch Covid-19 tại từng địa phương.

Bộ Y tế đã chuẩn bị các kịch bản nếu khu vực này xuất hiện ca nhiễm cộng đồng; Có ca lây nhiễm trong cộng đồng mà chúng ta không biết; Xuất hiện lây nhiễm mạnh trong cộng đồng. Tất cả kịch bản này chúng tôi đều rà soát, đánh giá lại và khuyến cáo các địa phương điều chỉnh trong quá trình kiểm tra.

Một điểm rất lo lắng là nguy cơ các biến chủng kép SARS-CoV-2 tại Ấn Độ hoặc biến chủng của Anh tại Campuchia xâm nhập vào nước ta mà chúng ta không biết được. Do đó việc lây nhiễm cộng đồng có thể xảy ra và nguy cơ rất lớn. Từ ổ dịch nhỏ thành ổ dịch lớn.

Bộ Y tế rất quyết liệt chỉ đạo khu vực này để làm sao khống chế, kiểm soát khi xảy ra tình hình dịch, không luống cuống, bối rối hay chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch.

Vừa rồi Ban Chỉ đạo Quốc gia đã họp với các tỉnh Tây Nam bộ, các tỉnh có đường biên giới với Campuchia để tăng cường các biện pháp phòng chống dịch trong khu vực.

TIN LIÊN QUAN
Tiếp tục khẳng định hình ảnh, dấu ấn của Việt Nam trong ASEAN
Covid-19 ở Ấn Độ: EU sẵn sàng hỗ trợ, Anh 'làm mọi việc có thể', Pakistan đề nghị cấp máy thở
Bộ trưởng Y tế: 'Đợt dịch sau thường xảy ra tàn khốc hơn'
Vaccine Covid-19: Johnson & Johnson gặp khó
Dịch Covid-19: Những ngày tồi tệ ở Ấn Độ

(theo Bộ Y tế)