Các nước có phản ứng khác nhau trước các sự cố liên quan tới vaccine phòng chống Covid-19 của J&J đang bị nghi gây đông máu. Nhưng nhìn chung, giới chuyên gia một lần nữa khẳng định lợi ích vượt trội của vaccine trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Các nước cũng không vì vaccine J&J bị đình chỉ mà dừng lại chương trình tiêm chủng quốc gia.
Vaccine Covid-19 của Johnson & Johnson dính “phốt” liên quan đến gây đông máu ở người được tiêm chủng. (Nguồn: SOPA) |
Bị nghi gây đông máu
Cho đến nay đã có báo cáo về sáu ca xuất hiện hiện tượng cục máu đông sau tiêm chủng vaccine J&J. Theo Reuters, cả sáu ca đông máu đều là phụ nữ, tuổi từ 18 đến 48. Trong đó, một bệnh nhân đã tử vong và một người trong tình trạng nguy kịch. Các triệu chứng được báo cáo xảy ra từ 6-13 ngày sau khi tiêm.
Tuy nhiên, 7,2 triệu người Mỹ đã tiêm vaccine của J&J không gặp phản ứng phụ nghiêm trọng nào khác. Tỷ lệ bị đông máu sau tiêm là chưa tới 1/1.000.000 người tiêm, được cho là con số cực kỳ thấp.
Cục máu đông xuất hiện ở những bệnh nhân tiêm vaccine J&J gần giống với 169 trường hợp bị đông máu sau khi tiêm vaccine AstraZeneca tại châu Âu. Đến nay, 34 triệu người đã được tiêm vaccine của AstraZeneca, những trường hợp bị đông máu cũng chủ yếu là phụ nữ dưới 60 tuổi.
Vaccine của J&J là vaccine Covid-19 tiêm một liều duy nhất trên thế giới hiện nay. Các chuyên gia tại Trung tâm Phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) và Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đang tập trung nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân. “Cho đến khi quá trình hoàn tất, chúng tôi khuyến nghị tạm dừng sử dụng vaccine này”, đại diện FDA nhấn mạnh.
Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng lợi ích của việc tiêm vaccine vẫn lớn hơn rất nhiều so với nguy cơ xảy ra tác dụng phụ, tỷ lệ người mắc chứng đông máu sau tiêm vaccine thấp hơn so với tỷ lệ lây nhiễm, đặc biệt là ở những nước có tình hình dịch phức tạp như Mỹ.
Chỉ mới 5% số ca tiêm chủng tại Mỹ sử dụng vaccine J&J, phần còn lại là vaccine của Moderna và Pfizer-BioNTech. |
Vaccine J&J được nghiên cứu như thế nào?
Bản chất virus SARS-CoV-2 có chứa các protein đột biến giúp nó dễ dàng xâm nhập các tế bào của con người. Chính vì vậy, vaccine J&J đã dựa trên quy luật di truyền của loại virus này để tái xây dựng chuỗi protein đột biến.
Các nhà nghiên cứu đã thêm vào gen của protein đột biến một loại virus khác có tên là Adenovirus 26. Adeno là loại virus phổ biến thường gây ra cảm lạnh hoặc các triệu chứng giống cúm. Đội ngũ của J&J đã sử dụng virus Adeno để xâm nhập các tế bào bởi chúng không thể tái tạo bên trong tế bào hay gây bệnh cho người sử dụng.
Một số vaccine Covid-19 khác cũng dựa trên việc nghiên cứu virus Adeno như vaccine AstraZeneca của Anh và Sputnik V của Nga. Tuy nhiên, AstraZeneca lại phát triển vaccine bằng cách sử dụng virus Adeno của tinh tinh, thay vì lấy virus từ người như vaccine J&J.
Vaccine J&J ra đời dựa trên công nghệ vector virus Adeno. Loại vaccine này có cấu trúc bền hơn vaccine mRNA của Pfizer và Moderna, DNA không mỏng manh như của mRNA, và lớp áo protein dai của virus Adeno giúp bảo vệ vật chất di truyền bên trong. Do đó, vaccine J&J có thể được bảo quản lạnh trong tối đa ba tháng ở nhiệt độ 2–8°C.
Sau khi tiêm vaccine vào cơ thể, các virus Adeno sẽ xâm nhập tế bào và bám vào protein trên bề mặt tế bào. Virus Adeno cũng kích động hệ thống miễn dịch bằng cách kích thích hệ thống báo động của tế bào, khiến tế bào phát ra tín hiệu cảnh báo và kích hoạt các tế bào miễn dịch. Bằng cách này, vaccine J&J khiến hệ thống miễn dịch phản ứng mạnh hơn với các protein tăng đột biến.
Nhiều chuyên gia ngành y học nhận định tình trạng đông máu “có thể liên quan đến vector virus”. Tuy nhiên, các nhà khoa học của J&J hôm 16/4 đã bác bỏ lập luận này.
Phản ứng của các nước
Hôm 13/4, Mỹ khuyến nghị tạm dừng sử dụng vaccine của J&J để điều tra báo cáo về hiện tượng đông máu. Tuy nhiên, theo New York Times, chỉ mới 5% số ca tiêm chủng tại Mỹ sử dụng vaccine J&J, phần còn lại là vaccine của Moderna và Pfizer-BioNTech. Hiện tại, hai loại vaccine này vẫn chưa ghi nhận trường hợp gây đông máu. Do đó, việc tạm ngưng sử dụng vaccine J&J sẽ không làm gián đoạn chương trình tiêm chủng của Mỹ.
Ở châu Âu, một số quốc gia như Bỉ và Tây Ban Nha đã hoãn việc tiêm chủng vaccine J&J. Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố sẽ không gia hạn hợp đồng đối với vaccine J&J.
Ở Nam Phi, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, đã đình chỉ việc sử dụng vaccine J&J sau khi 290.000 người dân được tiêm loại vaccine này. Bên cạnh đó, Australia tuyên bố sẽ không tiếp tục nhập thêm vaccine J&J.
Trái lại, Ba Lan là quốc gia hiếm hoi vẫn tiếp tục sử dụng vaccine J&J trong giai đoạn này. Chính phủ Ba Lan khẳng định lợi ích của việc tiêm vaccine lớn hơn so với rủi ro có thể xảy ra và nhấn mạnh khả năng xuất hiện tình trạng đông máu là “cực kỳ hiếm”, nhưng họ vẫn sẽ đưa ra khuyến nghị về việc sử dụng loại vaccine này vào tuần tới.
Trong bối cảnh ngày càng nhiều nước tạm dừng tiêm chủng vaccine J&J, các chuyên gia cho rằng việc này sẽ dấy lên một làn sóng lo ngại đối với những người chuẩn bị tiêm vaccine ngừa Covid-19, khiến quá trình đẩy lùi dịch bệnh trở nên đình trệ.