Trong 24 giờ qua (16h ngày 12/1 đến 16h ngày 13/1), Việt Nam ghi nhận 16.725 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó 25 ca nhập cảnh và 16.700 ca ghi nhận trong nước (tăng 634 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 10.822 ca trong cộng đồng).
Chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 tại xã Nà Bó, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. (Nguồn: SK&ĐS) |
Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 50 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (1), Quảng Nam (27), TP. Hồ Chí Minh (12), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2), Đà Nẵng (3), Khánh Hòa (2), Long An (1).
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.975.444 ca nhiễm, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 20.019 ca nhiễm).
Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi là vấn đề hết sức quan trọng
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, có thể nói rằng việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, tuy nhiên đến nay WHO chưa có bất kỳ khuyến cáo chính thống nào về tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi, vì vậy Bộ Y tế làm việc rất thận trọng, khoa học và khách quan trên cơ sở tham khảo tất cả các chương trình tiêm của tất cả các nước. Hiện đã có một số nước triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 tuổi trở lên.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng thường xuyên, liên tục trao đổi với WHO về vấn đề khoa học trong tiêm vaccine cho trẻ ở độ tuổi này để vừa đảm bảo tính bảo vệ cho trẻ nhưng quan trọng nhất vẫn là tính an toàn.
Tiếp đến là phải tính đến khả năng chấp nhận của cộng đồng vì vậy Thủ tướng đã giao Bộ Y tế đánh giá, điều tra xã hội học trong tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế có trách nhiệm truyền thông nâng cao nhận thức của người dân với tiêm vaccine cho trẻ em vì với đối tượng này khi tiêm sẽ khó khăn hơn người lớn.
Bên cạnh đó, phải đảm bảo nguồn vaccine tiêm cho trẻ em. Hiện Bộ Y tế đã làm việc với các hãng sản xuất, cung ứng và hướng đến là vaccine Pfizer liều tiêm cho trẻ em.
"Đây là vấn đề hết sức quan trọng. Chúng ta không thể nóng vội, mà phải đi từng bước chắc chắn, đảm bảo an toàn tối đa cho trẻ", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Hiện Việt Nam đã triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi từ tháng 11/2021, vaccine tiêm là Pfizer. Công tác tiêm chủng cho trẻ chủ yếu được triển khai tại các nhà trường.
Đến nay các tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm 14.131.455 liều, trong đó có 8.021.461 mũi 1 và 6.109.994 mũi 2. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine là 89,9% và tỷ lệ bao phủ đủ liều cơ bản là 68,5% dân số từ 12 -17 tuổi.
Hà Nội có hơn 500 bệnh nhân nặng, nguy kịch
Sở Y tế Hà Nội tối 13/1 cho biết trong 24 giờ qua Thành phố ghi nhận 2.969 ca bệnh, trong đó có 713 ca cộng đồng.
Tới hết ngày 12/1, toàn thành phố có hơn 53.300 trường hợp F0 đang được điều trị và cách ly. Trong số đó, có 2.091 bệnh nhân ở mức độ trung bình, 505 bệnh nhân ở cấp độ nặng, nguy kịch.
Số ca mắc tăng cao, Sơn La lên phương án ứng phó các tình huống dịch dịp Tết
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Sơn La, lũy kế từ ngày 5/10/2021 đến ngày 13/1, toàn tỉnh ghi nhận 2.131 ca mắc Covid-19 (1.198 ca đã được điều trị khỏi, 1 ca tử vong do tuổi cao và có bệnh lý nền). Hiện, còn 667 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế và 253 F0 điều trị tại nhà.
Theo đánh giá cấp độ dịch mới nhất, toàn tỉnh Sơn La có 4 xã cấp độ 4; 6 xã, phường cấp độ 3; 26 xã, phường, thị trấn cấp độ 2.
Tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo ngày 12/1, ông Nguyễn Hữu Đông, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Sơn La đề nghị Ban Chỉ đạo và Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, các huyện, thành phố xây dựng kịch bản, phương án sẵn sàng ứng phó các tình huống dịch trong dịp Tết; nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở, bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế trong điều trị F0; tăng cường phân tầng điều trị F0 tại nhà đối với các trường hợp nhẹ, giảm tải cho lực lượng y tế và kinh phí Nhà nước.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Sơn La nhấn mạnh, thực hiện đồng bộ các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh là yếu tố tiên quyết để vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, xã hội, qua đó góp phần để nhân dân được đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần yên bình, đầm ấm.
Hà Nam ghi nhận thêm 99 F0
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam, trong ngày 13/1 trên địa bàn tỉnh Hà Nam ghi nhận 99 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Trong số 99 trường hợp ghi nhận, có 22 trường hợp liên quan đến những chùm ca bệnh tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, 18 bệnh nhân có biểu hiện ho, sốt và trở về Hà Nam từ các địa phương khác; các trường hợp còn lại có tiếp xúc với các bệnh nhân đã được ghi nhận trước đó.
Nam Định có 128 ca dương tính với SARS-CoV-2
Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Nam Định cho biết, ngày 13/1, trên địa bàn tỉnh Nam Định ghi nhận 128 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó có hơn 60 ca cộng đồng.
Thái Bình: 121 F0 mới
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình cho biết, tính từ 14h ngày 12/1 đến 14h ngày 13/1, Thái Bình ghi nhận 121 ca F0 mới tại 8 huyện, thành phố, trong đó có 25 ca cộng đồng, 96 ca trong khu cách ly tập trung.
| Chiến lược 'Zero Covid-19' của Trung Quốc: Người ăn nên làm ra, kẻ chi tiêu dè xẻn Chiến lược “Zero Covid-19” của Trung Quốc đang khiến chi phí chống dịch tăng lên. Một số ngành vẫn tăng trưởng ấn tượng trong khi ... |
| Đại dịch Covid-19 gia tăng bất bình đẳng Sau hai năm trải qua đại dịch Covid-19, vấn đề bất bình đẳng gia tăng, những khó khăn đối với người nghèo trên toàn cầu ... |