📞

Covid-19 sáng 25/2: Số ca mắc mới ở TP. Hồ Chí Minh tăng cao trở lại; xử phạt việc găm hàng, tăng giá bộ xét nghiệm; F0 có được tắm?

Chu Văn 10:20 | 25/02/2022
Hơn 3.100 F0 nặng đang điều trị, Bắc Giang 4.171 ca mắc Covid-19 mới, 10 địa phương có trên 2.000 ca/ngày, nhiều địa phương tạm đóng cửa trường học.

Trong 24 giờ (từ 16h ngày 23/2 đến 16h ngày 24/2), Việt Nam ghi nhận 69.128 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó, 9 ca nhập cảnh và 69.119 ca ghi nhận trong nước (tăng 8.781 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 48.179 ca trong cộng đồng).

Cục Quản lý thị trường Quảng Ninh kiểm tra hoạt động kinh doanh kit test nhanh và thuốc điều trị Covid-19 tại một cơ sở bán thuốc. (Nguồn: TTXVN)

Các tỉnh, thành phố ghi nhận trên 1.000 ca bệnh/ngày: Hà Nội (8.864), Bắc Giang (4.171), Hải Dương (2.948), Sơn La (2.860), Phú Thọ (2.596), Nam Định (2.592), TP. Hồ Chí Minh (2.466), Hòa Bình (2.391), Bắc Ninh (2.375), Vĩnh Phúc (2.117), Hưng Yên (1.995), Hải Phòng (1.890), Ninh Bình (1.799), Yên Bái (1.666), Lào Cai (1.655), Nghệ An (1.629), Hà Giang (1.560), Đắk Lắk (1.514), Thái Nguyên (1.497), Lạng Sơn (1.480), Thái Bình (1.456), Khánh Hòa (1.229), Quảng Nam (1.199), Tuyên Quang (1.118), Bình Định (1.016)

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 3.041.506 ca nhiễm, đứng thứ 30/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 142/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 30.791 ca nhiễm).

Tăng cường kiểm tra, xử phạt việc găm hàng, tăng giá bộ xét nghiệm, máy SpO2

Bộ Y tế vừa ban hành văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đảm bảo cung cấp trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Bộ Y tế cho biết, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhu cầu sử dụng trang thiết bị y tế (bộ xét nghiệm SARS-CoV-2, máy đo nồng độ bão hòa oxy trong máu SpO2...) tăng cao dẫn đến việc khan hiếm nguồn cung, có hiện tượng đầu cơ, găm hàng hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán trang thiết bị y tế bất hợp lý.

Để sẵn sàng và đảm bảo cung cấp trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh thành phố phối hợp chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn.

Theo đó, đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế: Chủ động tăng cường hoạt động sản xuất, kinh doanh, khả năng cung ứng trang thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt đối với bộ xét nghiệm SARS-CoV-2, máy đo nồng độ bão hòa oxy trong máu SpO2...

Đảm bảo bình ổn giá các trang thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19, không bán cho các đơn vị thu mua, đầu cơ để tăng giá khi nhu cầu trong nước đang tăng cao, gây khan hiếm thị trường.

Hà Nội thêm 8.864 F0, trong đó hơn 3.000 ca cộng đồng

Tối 24/2, Sở Y tế Hà Nội thông tin trên địa bàn đã phát hiện thêm 8.864 ca dương tính SARS-CoV-2. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đông Anh (698), Sóc Sơn (610), Nam Từ Liêm (520); Long Biên (517); Hoài Đức (514); Hoàng Mai (488); Bắc Từ Liêm (432); Mê Linh (411).

Hà Nam vượt mốc 500 ca trong ngày

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam, trong ngày 24/2, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 530 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 đã được Bộ Y tế gắn mã bệnh.

Trong số các ca bệnh mới ghi nhận, 7 trường hợp liên quan đến các ổ dịch của thành phố Phủ Lý và huyện Bình Lục. 523 trường hợp qua sàng lọc y tế. Như vậy, chỉ tính trong vòng 2 ngày, toàn tỉnh Hà Nam ghi nhận gần 1.000 người nhiễm Covid-19.

Trong ngày 24/2, tỉnh Hà Nam ghi nhận thêm một bệnh nhân mắc Covid-19 tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 15 trường hợp.

Nam Định vượt mốc 2.592 ca dương tính với SARS-CoV-2

Theo thông tin từ Sở Y tế, trong ngày 24/2, tỉnh Nam Định phát hiện thêm 2592 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 1775 ca ghi nhận trong cộng đồng.

Cụ thể huyện Hải Hậu 327 ca; thành phố Nam Định 434 ca; huyện Vụ Bản 192 ca; huyện Ý Yên 342 ca; huyện Nam Trực 410 ca; huyện Xuân Trường 113 ca; huyện Nghĩa Hưng 198 ca; huyện Trực Ninh 295 ca; huyện Giao Thủy 148 ca; huyện Mỹ Lộc 126 ca.

Thái Bình: Ghi nhận 1.456 F0

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình cho biết, ngày 24/2, Thái Bình ghi nhận 1.456 ca mắc Covid-19 mới, trong đó khu cách ly y tế 653 ca; 803 ca tại cộng đồng đã xác định nguồn lây.

Cụ thể, huyện Vũ Thư 164 ca, huyện Quỳnh Phụ 141 ca, huyện Thái Thụy 111 ca, thành phố Thái Bình 100 ca, huyện Hưng Hà 89 ca, huyện Kiến Xương 79 ca, huyện Đông Hưng 73 ca, huyện Tiền Hải 46 ca.

Thanh Hóa: 881 F0

Ngày 24/2, Thanh Hóa ghi nhận 881 ca mắc Covid-19, trong đó có 243 ca cộng đồng, 421 trường hợp phát hiện qua sàng lọc tại các cơ sở y tế, 217 trường hợp đang được cách ly theo quy định. Đến thời điểm này, Thanh Hóa đã ghi nhận 39.394 bệnh nhân Covid-19; 33.936 người được điều trị khỏi được ra viện; 58 bệnh nhân tử vong.

Hà Tĩnh: 735 ca mắc mới

Trong ngày, Hà Tĩnh ghi nhận 735 ca mắc Covid-19; trong đó có 483 ca cộng đồng, các trường hợp còn lại đã được cách ly trước đó. Đến nay, Hà Tĩnh phát hiện 12.040 trường hợp mắc Covid-19; điều trị khỏi 10.190 bệnh nhân, 8 trường hợp tử vong.

Quảng Trị: 414 ca mắc Covid-19 mới

Tỉnh Quảng Trị ghi nhận 414 ca mắc Covid-19, trong đó, 82 trường hợp ghi nhận trong cộng đồng, còn lại là cách ly tại nhà. Trong ngày, địa phương có 59 trường hợp khỏi bệnh, 1 ca tử vong.

Đến nay, tỉnh Quảng Trị ghi nhận 12.091 trường hợp mắc Covid-19, đang điều trị 921 ca, 16 trường hợp tử vong.

F0 liên tục tăng, học sinh đi học trực tiếp giảm, nhiều nơi tạm đóng cửa trường học

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến nay, cả nước có gần 3 triệu học sinh trong hơn 17 triệu học sinh các cấp từ mầm non, tiểu học, THCS, THPT phải dừng học trực tiếp vì Covid-19.

Với khối mầm non, 48 địa phương cho trẻ đến trường học trực tiếp. Còn hơn 1,45 triệu trẻ ở 15 tỉnh, thành phố phải dừng đến trường (chiếm 44,69%).

Các địa phương dừng dạy trực tiếp bậc mầm non: Hà Nội, Đà Nẵng (trừ 2 quận Thanh Khê và Sơn Trà), Tiền Giang (trẻ dưới 5 tuổi chưa đến trường), Bạc Liêu (trẻ dưới 5 chưa đến trường), An Giang, Phú Yên, Lào Cai, Tuyên Quang, Đắk Nông, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Đắk Lắk (TP Buôn Mê Thuột).

Khối tiểu học, 12 tỉnh, thành phố tạm đang đóng cửa trường học, tương đương gần 800.000 học sinh phải dừng học trực tiếp. Các địa phương gồm: An Giang (khối lớp 1, 2), Tiền Giang (khối lớp 3, 4), Hà Nội (12 quận nội thành), Đắk Lắk (Buôn Mê Thuột), Lào Cai, Tuyên Quang, Hưng Yên, Đắk Nông, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hà Nam.

Khối THCS, 4 tỉnh, thành phố dừng học trực tiếp: Bà Rịa - Vũng Tàu (huyện Côn Đảo), Phú Thọ, Lào Cai, Vĩnh Phúc, riêng Hà Nội khối lớp 6 của 12 quận nội thành) tương đương hơn 500.000 học sinh nghỉ ở nhà (chiếm 12,94%).

Khối THPT, 2 tỉnh, thành phố dừng học trực tiếp: Bà Rịa - Vũng Tàu (huyện Côn Đảo), Lào Cai, tương đương gần 250.000 học sinh nghỉ.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, F0 liên tục tăng, tỷ lệ học sinh đi học trực tiếp đều giảm cả 3 khối, Sở GD&ĐT Hà Nội đang tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã và các nhà trường trong công tác tổ chức dạy học với yêu cầu tổ chức dạy học linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế và tăng cường hỗ trợ học sinh về mọi mặt, không để học sinh nào bị gián đoạn việc học.

Đồng thời với yêu cầu duy trì nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng lưu ý các nhà trường về việc đón học sinh đến trường học trực tiếp cần được thực hiện theo tinh thần tự nguyện của gia đình học sinh.

Hiện trên địa bàn Thủ đô, trẻ mầm non và học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 của 12 quận nội thành chưa được trở lại trường học trực tiếp. Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, phương án đưa học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 của 12 quận và trẻ mầm non trên địa bàn thành phố trở lại trường sẽ được nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng về mọi mặt. Chỉ khi nào tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, thời tiết ấm áp trở lại và các điều kiện đón học sinh bảo đảm an toàn, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ đề xuất UBND TP. Hà Nội về lộ trình cụ thể.

Khoảng 50% cơ sở giáo dục tại Sơn La cho học sinh nghỉ học phòng dịch và giá rét: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thời tiết, hơn 300 cơ sở giáo dục ở tỉnh Sơn La đã quyết định cho học sinh nghỉ học. Theo tính toán, các đơn vị có thể tạm dừng đến trường trong 2 tháng nếu cần thiết.

Tại Hà Nam, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đang diễn biến rất phức tạp. Theo đó, số ca F0 trong trường học đang có xu hướng gia tăng sau Tết Nguyên đán, nhất là tại các trường tiểu học và THCS, nhiều em học sinh chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19.

Sở GD&ĐT Hà Nam đã có thông báo cho toàn bộ trẻ mầm non tạm nghỉ học cho đến khi có thông báo mới, học sinh tiểu học và học sinh lớp 6 cũng được tạm thời nghỉ học trực tiếp chuyển sang học trực tuyến trong thời gian 2 tuần cho đến khi có thông báo mới.

Người bệnh Covid-19 có nên kiêng tắm rửa?

Trên mạng xã hội đang rộ lên thông tin người mắc Covid-19 thì không được tắm rửa. Bệnh đang nhẹ mà tắm sẽ trở nặng… Vậy thực hư vấn đề này như thế nào? Dưới đây là ý kiến của BS. TS. Quan Thế Dân:

Theo quan niệm của y học cổ truyền nếu khi bị ốm hoặc cảm xông hơi là cần thiết nhưng tắm thì lại phải kiêng. Quan niệm tắm khi bị ốm trong y học cổ truyền lại trái ngược với xông hơi.

Điều này được luận giải như sau: Khi tắm nước nóng làm giãn lỗ chân lông từ đó gây mất khí, ngoại tà dễ xâm nhập... Nhiều tấm gương về việc tắm gây cảm hàn, tử vong. Từ đó sinh ra quan niệm "người ốm phải kiêng nước" còn tồn tại dai dẳng tới nay.

Điều đó cũng có cơ sở khoa học là trước đây chưa có điều kiện phòng vệ sinh sạch sẽ kín gió như bây giờ, nên người ốm mà tắm là rất nguy hiểm. Một số người quá suy kiệt, chức năng tim phổi quá kém, khi tắm nóng hoặc lạnh có thể gây nên giãn mạch hoặc co mạch toàn thân, gây tăng hoặc giảm huyết áp đột ngột, có thể làm nặng thêm bệnh, thậm chí là tử vong. Vì thế khi đang mắc bệnh không nên tắm nước quá lạnh để "rèn luyện cơ thể", hoặc tắm quá nóng để "diệt mầm bệnh".

Thật ra y học hiện đại không kiêng tắm. Nhiều nghiên cứu cho thấy bệnh nhân trước mổ cần được tắm và sát trùng toàn thân sẽ giảm nhiễm trùng vết mổ. Bệnh nhân nằm trong phòng hồi sức nếu được lau rửa toàn thân bằng dung dịch sát khuẩn, thay quần áo, thay ga giường thường xuyên sẽ giảm nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện, giảm số ngày này phòng ICU.

Tắm gội đầu giúp giải phóng các tế bào da chết, làm thông thoáng da, cải thiện bài tiết của tuyến mồ hôi, cải thiện lưu thông máu, giảm sưng đau khớp, cải thiện tinh thần, cải thiện giấc ngủ. Ở nhiều bệnh viện khoa ICU vẫn thường xuyên tắm khô và gội đầu cho người bệnh nằm lâu.

Đế tránh biến chứng, người đang suy kiệt nặng, huyết áp thấp, người đang tiêm truyền, người có vết mổ, người suy tim gan thận nặng không được tắm. Khi tắm cần tắm bằng nước ấm 30 – 35 độ C, tắm nhanh trong khoảng 5 -10 phút, nơi kín gió, sau tắm lau khô người và mặc quần áo, sấy tóc khô.

Với người mắc Covid-19, nên tắm cách ngày 1 lần, tắm nhanh, tận dụng nồi lá xông, xông xong rồi tắm nhanh trong 5 - 10 phút, lau khô người, sẽ thấy rất sảng khoái, giúp hạ sốt, thông thoáng mặt da, ngủ ngon, mau khỏe.

(tổng hợp)