📞

Covid-19 tại Brazil: Vì đâu nên nỗi?

13:46 | 20/05/2020
TGVN. Không phải ngẫu nhiên Brazil trở thành 'hố đen' tiếp theo của đại dịch Covid-19.
Người dân Brazil biểu tình chống lệnh giãn cách xã hội ngăn ngừa Covid-19. (Nguồn: Reuters)

Brazil từng là điển hình quốc tế trong công tác phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, trong đại dịch Covid-19 lần này, rối ren nội bộ, bất ổn xã hội đã khiến Brazil phải trả giá đắt.

Cách tiếp cận lộn xộn

Ngân hàng tấp nập. Xe điện ngầm đông đúc. Xe bus đầy ắp người ủng hộ nhiệt tình cho Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro - người cổ xúy người dân Brazil phớt lờ các lệnh giãn cách xã hội do các thị trưởng và thống đốc bang đưa ra, thay vào đó quay trở lại làm việc theo đúng chỉ thị của Tổng thống.

Tình hình cho thấy cách phản ứng đầy mâu thuẫn và hỗn loạn ở Brazil trước đại dịch Covid-19, đặc biệt là trong bối cảnh Bộ trưởng Y tế Nelson Teich đột ngột từ chức sau chưa đầy một tháng làm việc. Người tiền nhiệm của ông Teich là cựu Bộ trưởng Luiz Henrique Mandetta cũng vừa bị sa thải cách đây vài tuần sau khi thể hiện thái độ phản đối trước các biện pháp đối phó với dịch bệnh của Tổng thống.

Báo chí Mỹ Latin cho biết, những hỗn loạn này làm thúc đẩy sự lây lan của dịch bệnh và góp phần đưa Brazil vượt qua Tây Ban Nha và Italy trở thành quốc gia có số lượng bệnh nhân được xác định mắc Covid-19 nhiều thứ tư trên thế giới, chỉ sau Mỹ, Nga và Anh. Dữ liệu của Chính phủ Brazil cho thấy, ngày 17/5, chỉ trong vòng 24 giờ, nước đã xác nhận hơn 15.000 trường hợp mắc Covid-19 , nâng tổng số ca nhiễm lên 233.511 người

Các chuyên gia y tế công cộng cho rằng, cách tiếp cận lộn xộn này đã khiến các đơn vị chăm sóc sức khỏe chuyên sâu và nhà xác trở nên quá tải, cùng với sự lây lan nguy hiểm của bệnh dịch, hàng chục chuyên gia y tế thiệt mạng, trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latin đang rơi vào cuộc suy thoái nặng nề nhất trong lịch sử.

Cuộc khủng hoảng mà Brazil hiện phải đối mặt hoàn toàn trái ngược với các ghi nhận về các biện pháp phản ứng đột phá và nhanh nhẹn trước những thách thức y tế, vốn từng khiến nước này trở thành một hình mẫu ở các nước đang phát triển trong nhiều thập kỷ qua.

Giáo sư người Brazil Marcia Castro thuộc Đại học Harvard, chuyên nghiên cứu về sức khỏe toàn cầu nhận định: "Brazil đáng lẽ nên là một trong những nước phản ứng tốt nhất đối với đại dịch này. Tuy nhiên, ngay bây giờ, mọi thứ hoàn toàn vô tổ chức và không ai làm việc để hướng tới các giải pháp chung. Điều này đã phải trả một cái giá và cái giá đó chính là mạng sống của người dân".

Mâu thuẫn chính quyền

Brazil đã có nhiều tháng để nghiên cứu những thành công và sai lầm của các quốc gia đầu tiên bị virus tấn công. Hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng hùng mạnh của Brazil đáng nhẽ phải được triển khai để tiến hành kiểm tra hàng loạt cũng như theo dõi các diễn biến của bệnh nhân mới nhiễm bệnh.

Các chuyên gia y tế cho biết, việc Brazil không hành động sớm và quyết liệt đã đi ngược lại với cách tiếp cận khéo léo của nước này đối với các cuộc khủng hoảng y tế trong quá khứ, chẳng hạn như sự lây lan của virus gây hội chứng suy giảm miễn dịch HIV hay virus ăn não Zika.

Giáo sư y khoa Tania Lago tại Đại học Santa Casa ở São Paulo, người từng công tác trong Bộ Y tế Brazil những năm 1990, cho rằng, hiện có một sự mâu thuẫn giữa chính quyền và cộng đồng khoa học. Bà nói: "Điều làm tôi buồn là chúng ta đang và sẽ tiếp tục tước đi sinh mạng của rất nhiều người, những người vốn có thể được cứu sống".

Khi các quốc gia bắt đầu thực hiện các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn sự lây lan của virus hồi tháng 2 và tháng 3, Tổng thống Bolsonaro lại hạ thấp các rủi ro và khuyến khích các cuộc tụ họp công cộng. Ngay bây giờ, ông đang thúc giục người dân Brazil quay trở lại làm việc ngay cả khi số ca nhiễm bệnh mới và tử vong đang tăng vọt.

Tuần trước, tổng thống đã ra lệnh phân loại phòng tập thể dục và thẩm mỹ viện là các doanh nghiệp thiết yếu nên mở cửa trở lại. Giống như một số quyết định khác của ông liên quan đến đại dịch, điều này hoàn toàn trái ngược với các biện pháp của các chính quyền bang và địa phương đồng thời khiến bộ trưởng y tế bất ngờ.

Theo Viện nghiên cứu của Chính phủ về xu hướng chăm sóc sức khỏe Fiocruz, số người thiệt mạng trên thực tế tại Brazil có khả năng cao hơn con số được công bố rất nhiều. Cụ thể hơn, từ ngày 1/1 đến ngày 9/5, số liệu chính thức của Chính phủ cho biết 10.627 người đã tử vong tại Brazil vì nhiễm SARS-CoV-2. Trong suốt thời gian đó, có thêm 11.026 người không được chẩn đoán nhiễm SARC-CoV-2 - cũng đã tử vong do nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính.

Covid-19 có khả năng khiến hơn 88.000 người ở Brazil thiệt mạng tính đến đầu tháng 8. (Nguồn: Reuters)

Con số đó nhiều hơn hàng nghìn người so với số ca tử vong trung bình do các bệnh về đường hô hấp trong những năm gần đây. Nhà nghiên cứu Marcelo Gomes tại Fiocruz nghi ngờ rằng, một tỷ lệ đáng kể trong số những bệnh nhân đó đã tử vong vì nhiễm SARS-CoV-2 mà không được chẩn đoán đúng.

Các chuyên gia hy vọng dịch bệnh sẽ không đạt đến đỉnh điểm tại Brazil trong vài tuần nữa. Theo Đại học Hoàng gia London, tính đến đầu tháng 5, nước này có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất trong số 54 quốc gia được nghiên cứu, điều này cũng cho thấy các biện pháp ngăn chặn hiện có ở Brazil đã không mang lại nhiều hiệu quả. Còn theo Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME) tại Đại học Washington, loại virus này có khả năng khiến hơn 88.000 người ở Brazil thiệt mạng tính đến đầu tháng 8.

Vấn nạn ngành y

Hội đồng Điều dưỡng Liên bang Brazil (COFEN) cho biết, việc không đủ thiết bị bảo vệ và khối lượng công việc quá tải đã khiến hàng nghìn chuyên gia y tế bị nhiễm virus và các bệnh viện trở thành nơi không an toàn. Manoel Neri, Chủ tịch COFEN giải thích: "Vì tiền lương thấp, hầu hết các chuyên gia y tế phải làm việc ở 2, thậm chí 3 nơi. Đây là một vấn nạn lâu đời tại Brazil".

COFEN cho biết ít nhất 116 y tá và kỹ thuật viên y tế đã thiệt mạng vì được xác nhận hoặc nghi ngờ có liên quan đến SARS-CoV-2 trong những tuần gần đây. Gần 15.000 ca đã thể hiện các triệu chứng, nhưng nhiều người vẫn không được kiểm tra.

Sự bất ổn chính trị vốn đã tàn phá bộ y tế trong vài tuần qua đã làm tổn hại nghiêm trọng đến khả năng chuẩn bị ứng phó với đại dịch. Và sự bất lực trong việc ngăn chặn đại dịch đã dẫn đến quyết định xin từ chức của Bộ trưởng Y tế Nelson Teich.

Trong một cuộc phỏng vấn, cựu Bộ trưởng Y tế Mandetta, người tiền nhiệm của ông Teich cho biết ,phản ứng "thất thường" của Brazil trước đại dịch khiến nước này không được trang bị đầy đủ để cạnh tranh trong một cuộc tranh giành toàn cầu về máy thở, thiết bị xét nghiệm và thiết bị bảo vệ cho các nhân viên y tế. Ông nói: "Thách thức của chúng tôi là việc mở rộng kiểm soát y tế trong khi cạnh tranh với sức mạnh chi tiêu khổng lồ của Mỹ và châu Âu".

(theo TTXVN, The New York Times)