📞
THẾ GIỚI THỜI ĐẠI DỊCH COVID-19

Covid-19 thách thức thế nào chủ nghĩa đa phương?

Hà Linh 17:05 | 01/05/2020
TGVN. Đại dịch Covid-19 đã bộc lộ sự thiếu phối hợp giữa các quốc gia, thậm chí để ứng phó với mối đe dọa lớn làm đảo lộn thế giới đến như vậy. Covid-19 cho thấy sự đối lập giữa 2 cách tiếp cận trái chiều về pháp luật quốc tế, giữa một bên là các nước phương Tây và một bên là các nước đang trỗi dậy, trước tiên là Trung Quốc. Phân tích của báo Le Monde (Pháp).
Tốc độ Covid-19 lan rộng ra thế giới cho chúng ta thấy cần phản ứng mang tính toàn cầu. (Minh hoạ: Le Monde)

Sau nhiều tuần “im hơi lặng tiếng”, cuối cùng, ngày 10/4, Hội đồng Bảo an LHQ đã họp kín và lần đầu tiên thảo luận về đại dịch. Lần đầu tiên, tất cả nhân loại phải đối mặt với cùng một nỗi sợ hãi ở cùng một thời điểm, đây là điều chưa từng có.

Theo Tổng Thư ký LHQ, “một tín hiệu về sự thống nhất và quyết tâm từ phía Hội đồng Bảo an có ý nghĩa rất lớn ở giai đoạn đầy lo lắng này”. Tuy nhiên, cuộc họp đã không thể đưa ra được một văn bản chung. Washington yêu cầu văn bản phải đề cập đến nguồn gốc Trung Quốc của dịch Covid-19, trong khi đó Bắc Kinh từ chối “bất kỳ hành vi nào nhằm chính trị hóa virus”. Bốn ngày sau, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đình chỉ khoản đóng góp của Mỹ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Điểm dễ tổn thương

Sự bất lực trong việc thể hiện - dù chỉ mang tính biểu tượng - một nhận thức đầy đủ về vận mệnh chung cho thấy khủng hoảng tại các thể chế đa phương. Cuộc khủng hoảng này đã có từ trước, có tính sâu sắc, và bây giờ bộc lộ rõ ràng hơn bao giờ hết. Giáo sư B. Badie thuộc Đại học khoa học chính trị Pháp (Science Po Paris) nhận xét: “Tốc độ Covid-19 lan rộng ra thế giới cho chúng ta thấy cần phản ứng mang tính toàn cầu; nhưng, trong khi chủ nghĩa đa phương là cần thiết hơn bao giờ hết, thì nó đang bị suy yếu đi rất nhiều cả ở cấp độ quốc tế, bằng chứng là cuộc khủng hoảng trong hệ thống LHQ, cũng như ở cấp độ khu vực khi mà tại EU, các quốc gia thành viên đã hành động theo kiểu mạnh ai nấy làm - ít nhất là trong những tuần đầu tiên”.

Giáo sư G. Devin cũng thuộc Science Po Paris thì cho rằng: “Chúng ta đang ở trong vòng luẩn quẩn: chủ nghĩa đa phương yếu kém đang đứng trước các vấn đề ngày càng mang tính toàn cầu, các quốc gia phản ứng một cách vô trật tự trong một bản hòa tấu thở than về sự kém hiệu quả của chủ nghĩa đa phương”. Ông G. Devin cũng đề cập đến “thời điểm thoái trào và dễ bị tổn thương” của chủ nghĩa đa phương.

Hệ thống LHQ đã bị lung lay từ trước đó bởi một nước từng là trụ cột: Tổng thống Donald Trump là người theo chủ nghĩa đơn phương. Thời gian qua, Mỹ đã rút khỏi một số hiệp ước, trong đó có Thỏa thuận khí hậu Paris, Thỏa thuận hạt nhân Iran, Thỏa thuận với Nga về hạn chế các loại vũ khí hạt nhân tầm trung.

Trung Quốc đang chiếm lấy khoảng trống do Mỹ rút lui tạo ra. Theo ông A. Ekman phụ trách nghiên cứu Châu Á tại Viện nghiên cứu an ninh của EU, “Trung Quốc bây giờ ở vị thế là quốc gia bảo đảm cho chủ nghĩa đa phương và là nước sẽ cứu chủ nghĩa đa phương. Cho dù đó là hệ thống LHQ mà họ ngày càng đầu tư ồ ạt hơn, hay là các tổ chức hoặc diễn đàn khu vực hiện có hoặc các diễn đàn được thành lập từ các mảnh ghép giống như diễn đàn Sáng kiến “Vành đai, Con đường”, thì phương pháp là giống nhau, đó là tập hợp nhiều nhất có thể, xung quanh các chủ đề tương đối mơ hồ, có vẻ đạt đồng thuận, để đảo ngược tương quan lực lượng trước các cường quốc phương Tây”.

Xung đột giá trị

“Thế giới ngày nay là đa chiều, đa cực, nhưng nó không còn là đa phương. Tính không đồng nhất của thế giới thậm chí kéo theo các xung đột về giá trị".

Theo nhà nghiên cứu J-V. Holeindre thuộc Trường Đại học Paris II, “Thế giới ngày nay là đa chiều, đa cực, nhưng nó không còn là đa phương. Tính không đồng nhất của thế giới thậm chí kéo theo các xung đột về giá trị. Trong khi đó, để chủ nghĩa đa phương hoạt động hiệu quả, cần có sự thống nhất tối thiểu về các nguyên tắc”. Ông cũng nhấn mạnh “nguy cơ chủ nghĩa đa phương chuyển thành một vỏ ốc trống rỗng”, mặt khác lưu ý: “Các thể chế sẽ tiếp tục hoạt động bởi vì các thể chế này có sức chống chịu, nhưng với sự mất kết nối ngày càng tăng giữa lời nói của những quan chức quan liêu và hành động trên thực tế”. Sự tê liệt của Hội đồng Bảo an trong những năm gần đây và việc không có khả năng giải quyết các cuộc khủng hoảng và xung đột quốc tế, trong đó có cuộc xung đột đang tàn phá Syria từ năm 2011, đã làm mất uy tín, độ tin cậy đối với chủ nghĩa đa phương.

Ông J-V. Holeindre cho rằng: “Chủ nghĩa đa phương là hiện thân của thế giới cũ, được xây dựng sau hai cuộc chiến tranh thế giới, bởi các cường quốc phương Tây muốn duy trì cấu ​​trúc, giá trị, dự án an ninh tập thể của thế giới cũ này thông qua các tổ chức quốc tế như LHQ, nhưng thế giới cũ này đang biến mất trước một thế giới khác nơi mà chủ nghĩa đa phương không phải là một sự tham chiếu”. Ông còn nhấn mạnh, các nước đang thực hiện một “chiến lược rũ bỏ trách nhiệm qua việc đổ lỗi cho chủ nghĩa đa phương để che giấu sự thất bại và bất lực của mình”. Về khía cạnh này, Covid-19 cho thấy thời khắc của sự thật.

Theo nhà sử học T. Lindemann, “Bản thân dịch bệnh không phải là yếu tố làm suy yếu chủ nghĩa đa phương, mà hơn hết là thói quen về an ninh của chúng ta khi chỉ ra một kẻ thù bên ngoài và tìm cách giải quyết các vấn đề chỉ trong phạm vi quốc gia trong khi quốc gia sẽ không thể được bảo vệ nếu không có sự phối hợp”. Còn nhà chính trị học M. Albaret cho rằng: “Về nguyên tắc, việc đóng cửa biên giới không đồng nghĩa với khủng hoảng chủ nghĩa đa phương. Không có gì ngăn cản chúng ta có sự phối hợp trong việc đóng cửa biên giới”.

Bản thân dịch bệnh không phải là yếu tố làm suy yếu chủ nghĩa đa phương. Ảnh trụ sở Liên Hợp Quốc, định chế đa phương quan trọng nhất hiện nay. (Nguồn: Liên hợp quốc).

Hợp tác liên nhà nước

Chủ nghĩa đa phương, trên thực tế, không trái ngược với chủ quyền của các quốc gia. Trái lại, nó dựa trên sự hợp tác liên nhà nước. Các quy tắc của pháp luật, theo các thủ tục được chấp nhận, có thể được áp đặt cho tất cả mọi người, nhưng chỉ khi các quốc gia quyết định làm như vậy. Ngoại lệ duy nhất nằm ở các nghị quyết của Hội đồng Bảo an có tính ràng buộc với tất cả các quốc gia thành viên LHQ. Nhưng ngay cả khi virus không có biên giới, các quốc gia không tự nguyện hợp tác, theo ông B. Badie, “vấn đề y tế là vấn đề tác động sâu sắc nhất đến chủ quyền, sự di chuyển của người dân, vệ sinh dịch tễ, giáo dục, tự do đi lại. Các quốc gia coi lĩnh vực này là của riêng họ, kể cả bên trong EU, nơi mà ngay từ đầu khủng hoảng, y tế vẫn thuộc về thẩm quyền riêng của từng nước, thậm chí riêng của từng vùng tại các quốc gia theo chế độ liên bang”.

Do đó, WHO là một trong những tổ chức ít được quan tâm đến nhất trong hệ thống LHQ. WHO không có thẩm quyền trừng phạt. Chức năng hàng đầu của WHO chỉ là đưa ra các chuẩn mực và đặc biệt là cảnh báo. Ông B. Badie cho rằng “WHO và các vấn đề y tế cần ngang hàng với WTO trong lĩnh vực thương mại, WHO cần thực sự có thể thiết lập các chuẩn mực chung và điều phối các chính sách y tế… An ninh con người hiện chỉ nằm trong góc chết của chủ nghĩa đa phương”.

An ninh con người

Trong một thời gian dài, lý do tồn tại của hệ thống LHQ là an ninh tập thể: cố gắng ngăn chặn chiến tranh, phát triển các phái bộ gìn giữ hòa bình. Tổng Thư ký LHQ A.Guterres đã nói rằng: “Đại dịch cũng tạo ra một mối đe dọa lớn đối với việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế ”. An ninh tập thể và an ninh con người luôn có mối liên hệ trực tiếp, ngay cả khi an ninh con người từ lâu đã bị các quốc gia bỏ quên do luôn ưu tiên các vấn đề chiến lược và cân bằng quyền lực. Tuy nhiên, LHQ có thể tự hào về việc đã đưa ra vấn đề này vào đầu năm 1994, trong một báo cáo của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP). Báo cáo này đã nhấn mạnh 7 vấn đề an ninh con người, trong đó y tế, đã trở thành những thách thức đối với hòa bình thế giới.

“Đại dịch cũng tạo ra một mối đe dọa lớn đối với việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. An ninh tập thể và an ninh con người luôn có mối liên hệ trực tiếp".

Covid-19 có thể là một dịp để tái thúc đẩy chủ nghĩa đa phương. Hãy làm với một số người điều không thể cùng làm với tất cả mọi người, với hy vọng điều này sẽ trở thành động lực, giống như đầu tư vào một chủ nghĩa đa phương mini một cách có chọn lọc, tức là dựa vào cơ chế 5 uỷ viên thường trực của Hội đồng bảo an (P5) hay tăng các hình thức adhoc để giải quyết các vấn đề khu vực. Đồng thời, cũng cần thấy rằng, mặc dù chủ nghĩa đa phương đang trải qua thời kỳ khó khăn, khó có thể hình dung một trật tự thế giới không có sự hợp tác quốc tế trước những thách thức về y tế, môi trường, xã hội mà không quốc gia nào có thể đối phó một mình.

Triển khai quân bài

Nhiều quốc gia, bao gồm cả một số nước EU, đã chuyển hướng sang các cường quốc khác như Trung Quốc để nhận được được hỗ trợ quý giá. Bắc Kinh đã không bỏ qua điều này và nắm lấy cơ hội trong cuộc chiến chống lại Covid-19 để triển khai các quân bài của họ.

Hiện nay, Trung Quốc nắm giữa vị trí lãnh đạo của 4/15 cơ quan chuyên môn của LHQ gồm Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế, Liên minh Viễn thông Quốc tế, Tổ chức Phát triển công nghiệp LHQ và Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO). Trung Quốc đã định giành vị trí lãnh đạo các hoạt động gìn giữ hòa bình, một vị trí về mặt truyền thống do Pháp nắm và Trung Quốc đã trở thành quốc gia đóng góp lớn nhất cho lực lượng này. Trung Quốc tích cực hoạt động ở Geneva, trong Hội đồng Nhân quyền, để chặn bất cứ điều gì có thể cản trở nước này.

"Trung Quốc nắm giữa vị trí lãnh đạo của 4/15 cơ quan chuyên môn của LHQ gồm Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế, Liên minh Viễn thông Quốc tế, Tổ chức Phát triển công nghiệp LHQ và Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO)".

Bà Alice Ekman cho biết: “Thách thức quan trọng nhất đối với ngoại giao Trung Quốc, trong các cơ quan của LHQ, là việc xây dựng lại các chuẩn mực và điều khoản”. Cũng theo chuyên gia này, “khi Trung Quốc nói về quyền con người, đó là nhấn mạnh vào sự phát triển kinh tế hoặc y tế - tùy thuộc vào hoàn cảnh thực tế. Khi Trung Quốc nói về internet và không gian mạng, đó là theo quan niệm của riêng nước này, trong đó nhấn mạnh chủ quyền của các quốc gia. Trung Quốc sử dụng cùng khái niệm nhưng các khái niệm này không mang ý nghĩa giống như trước đây.

Hai tầm nhìn về pháp luật và thế giới đang mặt đối đầu nhau và sự đối đầu này chỉ có thể gia tăng trong những năm tới. Một bên là tầm nhìn của phương Tây dựa trên cơ sở của Hiến chương LHQ, mà phương Tây là người xây dựng, với các chuẩn mực và giá trị chung dựa trên các quyền không thể thay đổi của cá nhân. Bên kia là tầm nhìn của nhiều quốc gia đang trỗi dậy, trước tiên là Trung Quốc. Đối với các nước này, “tài sản chung, chính là lợi ích quốc gia”, và luật pháp quốc tế bảo đảm chủ quyền không thể tước bỏ của các quốc gia.

Nếu chúng ta thực sự nghĩ rằng chủ nghĩa đa phương chính là hợp tác nhằm tìm kiếm giải pháp chung cho các thách thức chung, thì sẽ không dễ gì để tìm ra được con đường dẫn đến sự kỳ diệu của chủa nghĩa đa phương một lần nữa.

(Theo báo Le Monde)