📞

Covid-19 thế giới 14/9: Lãnh đạo toàn cầu tập hợp; 99% ca tử vong ở Anh chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine; hé lộ tác dụng của thuốc tim mạch

Việt Hà 11:57 | 14/09/2021
Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, có khoảng 226,1 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 4,65 triệu trường hợp tử vong và gần 202,74 triệu bệnh nhân bình phục.
Thuốc ngăn ngừa hình thành cục máu đông sau khi làm thủ thuật can thiệp động mạch vành ở bệnh nhân tim mạch cũng có tác dụng tương tự ở bệnh nhân Covid-19. (Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters)

Tình hình dịch Covid-19

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 440.782 ca mắc, trong đó có 6.807 ca tử vong do Covid-19.

Châu Á hiện ghi nhận nhiều người nhiễm Covid-19 nhất, với 73 triệu ca, trong đó có 1.080.876 người không qua khỏi. Tiếp đến là châu Âu với số ca mắc bệnh và tử vong lần lượt là xấp xỉ 57 triệu và gần 1,2 triệu ca.

Bắc Mỹ lần lượt ghi nhận số ca nhiễm và tử vong là gần 50,6 triệu và 1.030.558 ca, trong khi con số này ở Nam Mỹ là gần 37.26 triệu và 1.141.588 ca.

Châu Phi hiện nay có gần 8,13 triệu người mắc bệnh, trong đó có 203.754 người thiệt mạng, còn ở châu Đại Đương, con số này lần lượt là 190.363 ca và 1.951 trường hợp.

Mỹ là nước ghi nhận số ca mắc mới cao nhất thế giới, với 109.432 ca và cũng là quốc gia có số ca tử vong trong một ngày cao nhất với 815 trường hợp. Số liệu này cho thấy tình hình dịch bệnh tại Mỹ đang phức tạp trở lại.

Tờ The Wall Street Journal dẫn lời các chuyên gia Mỹ nhấn mạnh, số ca tử vong do Covid-19 gia tăng tại nước này chủ yếu là do biến thể Delta và những trường hợp không qua khỏi tập trung chủ yếu ở nhóm đối tượng đang độ tuổi lao động, đặc biệt là ở những người vẫn chưa tiêm vaccine.

Đến nay, với 680.274 ca tử vong trong tổng số hơn 42,14 triệu ca mắc Covid-19, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho hay, số tử vong ở nước này đã vượt con số 675.000 người thiệt mạng do đại dịch cúm năm 1918, hay còn gọi là cúm Tây Ban Nha gây ra.

Tại Israel, ngày 13/9, hệ số lây nhiễm (R) Covid-19 một lần nữa tăng trở lại mức 1 sau nhiều ngày có dấu hiệu giảm, mặc dù số ca mắc mới trong ngày trước đó đã giảm mạnh từ 10.183 ca xuống còn 7.686 ca.

Theo đánh giá của Trung tâm Phổ biến thông tin về dịch bệnh Covid-19 của Israel, hệ số R có khả năng sẽ gia tăng trở lại trong những ngày tới, khi người Israel bước vào những ngày nghỉ lễ quan trọng trong năm như lễ Sám Hối (Yom Kippur), lễ Lều Tạm (Sukkot)...

Việc hệ số R tăng trên mức 1 chủ yếu là do người dân tụ tập trong không gian kín như trường học và tổ chức các hoạt động chào mừng Năm Mới của người Do Thái.

Một số quốc gia bắt đầu với hoạt động thường nhật, sống chung an toàn với đại dịch

Kể từ ngày 25/9, Hà Lan bắt đầu bãi bỏ quy định về khoảng cách 1,5 m giữa mọi người.

Tuy nhiên, nước này yêu cầu bắt buộc giấy chứng nhận an toàn với Covid-19 với những người từ 13 tuổi trở lên, đặc biệt tại quán cà phê, phòng hòa nhạc, nhà hát và bắt buộc sử dụng khẩu trang trên phương tiện công cộng, nhất là tại các nhà ga, bến tàu.

Tại Bồ Đào Nha, một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới và số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới đã giảm, kể từ ngày 13/9, người dân không bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra ngoài trời sau khi Quốc hội không gia hạn luật bắt buộc đeo khẩu trang trên đường phố kể từ cuối tháng 10/2020.

Trong khi đó, Hy Lạp bắt buộc xét nghiệm có trả phí đối với trường hợp chưa tiêm chủng, bao gồm nhân viên của cả khu vực công và tư, học sinh và sinh viên, người sử dụng các phương tiện giao thông hoặc trong không gian kín, công cộng và phải nộp giấy xét nghiệm điện tử 1-2 lần mỗi tuần.

Tại Australia, khách quốc tế sẽ điền tờ khai nhập cảnh điện tử, có tích hợp thông tin hành khách và tình trạng tiêm chủng vaccine phòng bệnh Covid-19, thay cho mẫu tờ khai nhập cảnh và tờ khai thông tin y tế bằng giấy, hiện đang được sử dụng.

Thủ tướng Algeria Aïmene Benabderrahmane quyết định tiếp tục nới lỏng một số biện pháp hạn chế từ ngày 14/9, sau khi tình hình dịch bệnh ở quốc gia này có chiều hướng giảm mạnh trong nhiều tuần qua, như rút ngắn giờ giới nghiêm, mở lại các chợ và trung tâm văn hóa, thể thao...

Đến nay, Algeria ghi nhận tổng cộng 200.301 trường hợp mắc Covid-19 và 5.596 ca tử vong. Theo các chuyên gia, làn sóng dịch bệnh thứ 3 tại nước này, bắt đầu từ đầu tháng 7/2021, đang có khuynh hướng giảm mạnh và dường như “sắp được kiểm soát”.

Báo Washington Post ngày 13/9 dẫn một bản sao thư mời từ Nhà Trắng cho biết, Hội nghị thượng đỉnh quốc tế nhằm giải quyết đại dịch Covid-19 và các vấn đề tiêm chủng toàn cầu dự kiến diễn ra vào ngày 22/9, trong khuôn khổ của phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 76 khai mạc vào ngày 14/9.

Thư mời viết rõ: "Trong hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ kêu gọi các nguyên thủ quốc gia, những người đứng đầu các chính phủ và các tổ chức quốc tế, các lãnh đạo thương mại, nhân đạo và phi chính phủ cùng cam kết để chấm dứt đại dịch Covid-19".

Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay, Mỹ vẫn chưa công bố chi tiết về hội nghị này với phía Nga.

Vaccine, tiêm chủng và thuốc điều trị

Nghiên cứu mới nhất của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) cho biết, khoảng 99% trong số hơn 50.000 ca tử vong do Covid-19 tại Anh trong năm nay là những người chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine.

Chỉ có 59 trường hợp là những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19 và không có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Bà Julie Stanborough, Phó Giám đốc phụ trách các sự kiện y tế và đời sống tại ONS cho biết, nguy cơ tử vong liên quan đến Covid-19 ở những người đã tiêm 2 mũi vaccine thấp hơn nhiều so với những người chưa tiêm hoặc mới tiêm 1 mũi.

Các số liệu nghiên cứu cho thấy tác dụng bảo vệ của việc tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19, vì vậy đặt ra câu hỏi liệu tiêm mũi vaccine tăng cường có thực sự cần thiết?

Câu trả lời được các chuyên gia y tế hàng đầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra trên tạp chí y khoa The Lancet ngày 13/9.

Các nhà khoa học của WHO cho rằng, vaccine có tác dụng tốt chống lại bệnh thể nặng từ biến thể chính đến biến biến thể Delta: “Các bằng chứng hiện tại không cho thấy nhu cầu tiêm tăng cường trong dân số nói chung, trong đó hiệu quả chống lại bệnh thể nặng vẫn ở mức cao”.

Các nhà khoa học nhấn mạnh, ngoài việc cạn kiệt nguồn cung vaccine theo nhu cầu, còn có những rủi ro liên quan đến việc tiêm tăng cường quá sớm hoặc quá thường xuyên, chẳng hạn như các tác dụng phụ do miễn dịch liên quan đến cả vaccine dựa trên công nghệ mRNA và vectơ adenovirus.

Các nhà khoa học khuyến cáo: “Nếu việc tiêm tăng cường không cần thiết gây ra các phản ứng có hại đáng kể, có thể có tác động đối với việc chấp nhận vaccine vượt ra ngoài vaccine ngừa Covid-19. Do đó, việc tiêm tăng cường trên diện rộng chỉ nên được thực hiện nếu có bằng chứng rõ ràng rằng điều đó là phù hợp”.

Tại Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in cho biết, với tốc độ tiêm chủng như hiện tại, nước này hoàn toàn có thể đạt mục tiêu 70% dân số được tiêm chủng đầy đủ vào cuối tháng 10 tới.

Tổng cộng đã có 33,15 triệu người Hàn Quốc, tương đương 66,2% dân số cả nước, đã được tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên và 20,48 triệu người, tương đương 39,9%, đã được tiêm chủng đầy đủ.

Liên quan thuốc điều trị Covid-19, kết quả nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Science Advances cho thấy, thuốc ngăn ngừa hình thành cục máu đông sau khi làm thủ thuật can thiệp động mạch vành ở bệnh nhân tim mạch cũng có tác dụng tương tự ở bệnh nhân Covid-19.

Các protein gây viêm do virus SARS-CoV-2 tạo ra kích thích các tiểu cầu hoạt động mạnh mẽ hơn, khiến quá trình hình thành cục máu đông xảy ra dễ dàng và thường xuyên hơn.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, thuốc chống đông máu clopidogrel và ticagrelor được sử dụng sau khi làm thủ thuật đặt stent động mạch vành có thể giúp ức chế hoạt động của tiểu cầu ở bệnh nhân Covid-19 bằng cách ngăn chặn protein P2Y12 trên bề mặt tiểu cầu.

Thuốc clopidogrel có tên thương mại là Plavix, là sản phẩm của công ty dược phẩm Bristol Myers Squibb và Sanofi, trong khi thuốc ticagrelor của hãng AstraZeneca được bán với tên Brilinta.