Nhiều nước vẫn đang chạy đua sản xuất thuốc điều trị Covid-19, đặc biệt là biến thể mới Omicron. (Nguồn: DW) |
Covid-19 biến thể Omicron đang lây lan nhanh chóng làm dấy lên lo ngại hệ thống y tế sẽ quá tải. Trong khi đó, các "vũ khí lợi hại" nhất để chống lại nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong không chỉ có liệu pháp điều trị bằng kháng thể.
Liệu pháp kháng thể đơn dòng
Sử dụng kháng thể đơn dòng đã trở thành phương pháp điều trị chính đối với bệnh nhân mắc Covid-19 và từng được chứng minh là đạt hiệu quả cao khi giúp bệnh nhân không phải nhập viện điều trị.
Khi biến thể Omicron bắt đầu xuất hiện và khiến số ca mắc gia tăng chóng mặt, các nhà khoa học đã nghiên cứu khả năng áp dụng liệu pháp này.
Kết quả là cả hai loại kháng thể đơn dòng của các hãng dược phẩm của Mỹ là Regeneron Pharmaceuticals (REGN.O) và Eli Lilly (LLY.N) đều kém hiệu quả trong việc ngăn chặn virus xâm nhập vào tế bào của người.
Cả hai hãng Regeneron Pharmaceuticals và Eli Lilly cũng thừa nhận điều này. Chính phủ Mỹ cũng đã thông báo tạm dừng việc phân phối thuốc điều trị Covid-19 bằng kháng thể của hai hãng này, với lý do, 2 loại thuốc này không có hiệu quả đối với biến thể Omicron thông qua các thử nghiệm.
Cũng theo các nghiên cứu trên, kháng thể đơn dòng Sotrovimab do Vir Biotechnology (Mỹ) và GlaxoSmithKline (Anh) hợp tác sản xuất phát huy tác dụng nhiều nhất trước biến thể Omicron.
Sotrovimab đã được Cơ quan quản lý Dược phẩm và Thực phẩm chức năng Anh (MHRA) và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt sử dụng để điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19. Cơ quan quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) cũng cho phép các quốc gia thành viên sử dụng Sotrovimab.
Liệu pháp điều trị kháng thể đơn dòng Sotrovimab do công ty GlaxoSmithKline hợp tác với tập đoàn công nghệ sinh học Vir Biotechnology phát triển. (Nguồn: The National) |
Tương tự, kháng thể DXP-604, sản phẩm hợp tác của của hai hãng dược Trung Quốc là BeiGene và Singlomics cũng có tác dụng trước biến thể Omicron.
Ngoài các loại kháng thể trên, ngày 16/12/2021, AstraZeneca công bố kết quả nghiên cứu độc lập của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) về khả năng trung hòa biến thể Omicron từ liệu pháp kháng thể đơn dòng tác dụng kéo dài có tên Evusheld (AZD7442).
Qua dữ liệu thu được từ phòng thí nghiệm, Evusheld có hiệu quả bảo vệ trước tất cả các biến thể đáng lo ngại đã được đưa vào nghiên cứu từ trước tới nay. Không những thế, Evusheld còn được thiết kế để tránh khả năng kháng thuốc của các biến thể SARS-CoV-2 mới.
Evusheld đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại Mỹ vào tháng 12/2021, đây cũng là liệu pháp kháng thể duy nhất được phép điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (phòng ngừa) với Covid-19 ở Mỹ cho những người bị suy giảm miễn dịch từ trung bình đến nặng do tình trạng bệnh lý hoặc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch và những người không được tiêm vaccine.
Liệu pháp huyết tương từ người bệnh đã hồi phục
Một nghiên cứu từ trường Đại học Y khoa Johns Hopkins, được công bố ngày 21/12/2021 cho thấy, điều trị sớm, trong vòng 8 ngày đầu của bệnh nhân bằng huyết tương của người đã từng mắc Covid-19 giúp giảm hơn 50% bệnh tiến triển nặng phải nhập viện trên bệnh nhân Covid-19.
Nghiên cứu đã được thực hiện ngẫu nhiên trên 1.181 bệnh nhân mắc Covid-19, trong đó, một nhóm bệnh nhân được sử dụng một liều huyết tương từ những người đã mắc bệnh Covid-19, nhóm còn lại dùng giả dược là huyết tương của người không mắc bệnh Covid-19.
Các tác giả nghiên cứu cho biết, trong khi các liệu pháp điều trị mới không theo kịp với sự thay đổi nhanh chóng của virus, liệu pháp sử dụng huyết tương của người vừa mới khỏi bệnh là liệu pháp kháng thể duy nhất theo kịp các biến thể SARS-CoV-2, bao gồm các chủng Delta và Omicron hiện đang lan rộng trên thế giới, bởi vì mỗi bệnh nhân phục hồi từ các biến thể SARS-CoV-2 khác nhau sẽ tạo ra các kháng thể trung hòa tương ứng với từng loại virus khác nhau đó.
Việc sử dụng huyết tương hồi phục giàu kháng thể là một phương pháp điều trị hiệu quả đối với bệnh nhân Covid-19 với ưu điểm là chi phí thấp, có thể áp dụng rộng rãi và khả năng phục hồi nhanh chóng.
Hiện nay, liệu pháp huyết tương hồi phục chỉ mới được FDA Mỹ cấp phép cho sử dụng khẩn cấp tại Mỹ. Các nhà nghiên cứu hy vọng FDA và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xem xét để sớm cho phép sử dụng liệu pháp huyết tương hồi phục điều trị sớm cho bệnh nhân Covid-19 nhằm tăng khả năng lựa chọn các biện pháp.
Thuốc kháng virus
Remdesivir là thuốc kháng virus do công ty Gilead Sciences (Mỹ) sản xuất dưới thương hiệu Veklury. Đây là loại thuốc đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm hiện nay được FDA phê chuẩn hoàn toàn cho phép sử dụng để điều trị Covid-19.
Remdesivir giúp rút ngắn thời gian hồi phục của những bệnh nhân mắc Covid-19 phải nhập viện từ 15 ngày xuống còn 11 ngày. Thuốc cũng hiệu quả đối với những bệnh nhân mắc Covid-19 thể nhẹ với liệu trình 5 ngày.
Bên cạnh đó, còn có thuốc kháng virus Paxlovid của Pfizer, là thuốc dùng đường uống để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 ở mức độ nhẹ đến trung bình ở người lớn và bệnh nhi từ 12 tuổi trở lên cân nặng ít nhất 40 kg, có kết quả dương tính với xét nghiệm SARS-CoV-2 và những người có nguy cơ cao tiến triển thành Covid-19 nghiêm trọng.
Qua các nghiên cứu, Paxlovid làm giảm đáng kể 88% tỷ lệ người mắc bệnh Covid-19 nặng nhập viện hoặc tử vong. Thuốc đã được FDA cấp phép sử dụng khẩn cấp để điều trị Covid-19.
Hiện tính an toàn và hiệu quả của Paxlovid để điều trị bệnh Covid-19 đang tiếp tục được theo dõi và đánh giá.
Favipiravir là thuốc kháng virus do hãng Fujifilm sản xuất, được Nhật Bản phê duyệt vào năm 2014 để điều trị bệnh cúm. Thuốc có cơ chế hoạt động tương tự Remdesivir, ngăn chặn quá trình nhân lên của nCoV, loại bỏ virus khỏi đường thở.
Loại thuốc này có tác dụng ngăn ngừa bệnh tiến triển nghiêm trọng, giúp bệnh nhân phục hồi nhanh hơn và giảm gánh nặng điều trị bằng cách rút ngắn thời gian nằm viện. Thuốc giúp sớm loại bỏ virus để hạn chế lây nhiễm bệnh trong cộng đồng.
Hiện Favipiravir được sử dụng tại một số nước như Nhật Bản, Nga, Thái Lan...
Molnupiravir là một trong ba loại thuốc kháng virus được Bộ Y tế cho phép sử dụng điều trị bệnh nhân Covid-19. (Nguồn: Bộ Y tế) |
Thuốc kháng virus Molnupiravir của hãng dược phẩm Merck đã được chứng minh là làm giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong khoảng 30% trong một thử nghiệm lâm sàng trên những người có nguy cơ cao trong giai đoạn đầu của bệnh.
Thuốc được FDA cấp phép sử dụng khẩn cấp chỉ 1 ngày (23/12/2021) sau khi FDA cấp phép sử dụng khẩn cấp cho thuốc Paxlovid của Pfizer.
Tại hội nghị chăm sóc sức khỏe thường niên của JP Morgan ngày 10/1, Dean Li, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Merck cho biết, cơ chế hoạt động có thể chống lại biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 và bất kỳ biến thể nào khác có thể xuất hiện trong thời gian tới.
Molnupiravir cùng với Favipiravir, Remdesivir là 3 loại thuốc kháng virus đã được Bộ Y tế đưa vào phác đồ điều trị Covid-19 ở Việt Nam.
Mũi vaccine tăng cường
Theo chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu nước Mỹ Anthony Fauci, phần lớn những người được tiêm phòng đầy đủ và tiêm nhắc lại liều vaccine tăng cường sẽ được bảo vệ khỏi nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong do Omicron. Vì thế, người dân cần thực hiện tiêm chủng đầy đủ và tiêm thêm liều vaccine tăng cường khi đã tiêm 2 mũi vaccine.
Ông Anthony Fauci nhấn mạnh, biến thể Omicron có thể làm giảm hiệu quả bảo vệ sau khi tiêm hai mũi vaccine mRNA của Pfizer hay Moderna, nhưng việc tiêm thêm mũi thứ ba sẽ nâng cao hiệu quả chống lại biến thể này.
Theo đó, tiêm thêm liều thứ ba vaccine Pfizer sẽ làm tăng lượng kháng thể chống lại Covid-19 lên 25 lần. Không chỉ có thế, các nhà nghiên cứu từ Đại học Rockefeller ở New York cũng phát hiện rằng, ở những người đã tiêm mũi tăng cường có mức độ hoạt động của kháng thể trung hòa với Covid-19 cao gấp 38 lần.
Ngày 29/11/2021, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, Tiến sĩ Rochelle Walensky, khuyến nghị mọi người từ 18 tuổi trở lên nên tiêm mũi tăng cường khi họ được 6 tháng sau khi hoàn thành đủ hai mũi vaccine của Pfizer hoặc Moderna, hoặc 2 tháng sau khi tiêm mũi đầu vaccine của Johnson&Johnson nhằm tăng cường sự bảo vệ trước biến thể Omicron.
Ngày 23/12/2021, Công ty AstraZeneca cũng cho biết, dữ liệu từ một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của Đại học Oxford, một liệu trình ba liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca có hiệu quả chống lại biến thể Omicron.
Nghiên cứu cho thấy sau khi tiêm ba liều vaccine, mức độ kháng thể trung hòa đã vô hiệu hóa biến thể Omicron tương tự sau liều thứ hai đối với biến thể Delta. Theo đó, mức độ kháng thể trung hòa sau liều thứ 3 cũng cao hơn ở người mắc và tự khỏi bệnh.
Các phát hiện này phù hợp với các phát hiện từ các nghiên cứu của Pfizer-BioNTech và Moderna, cũng cho thấy liều thứ ba vaccine của họ có tác dụng chống lại Omicron.