Sau khi có hiệu lực, Hiệp định sẽ đem lại lợi ích cụ thể cho tất cả các nước tham gia, trong đó có Việt Nam.
FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết tháng 2/2016, với 12 nước tham gia gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam.
Các bộ trưởng kinh tế 11 nước thành viên CPTPP họp tại Đà Nẵng, 9/11/2017. (Nguồn: Nikei) |
Tuy nhiên, ngay sau khi nhậm chức vào tháng 1/2017, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố rút sự tham gia của Mỹ khỏi TPP. Trước động thái này của Mỹ, 11 thành viên còn lại đã nỗ lực khôi phục hiệp định trên thông qua các vòng đàm phán.
Tháng 11/2017, Bộ trưởng Thương mại 11 nền kinh tế còn lại đã gặp nhau trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng và ký kết văn kiện nền tảng về hợp tác, nhất trí với tên gọi mới của Hiệp định là Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.
Ngày 23/1, 11 quốc gia thành viên đã đạt được nhất trí về nội dung sửa đổi của CPTPP và ấn định thời điểm ký vào tháng 3/2018.
Ngày 21/2, toàn văn CPTPP được công bố, cho thấy 11 nước đã sẵn sàng đặt bút ký CPTPP tại vòng đàm phán tiếp theo ở Chile vào ngày 8/3 để Hiệp định này có hiệu lực từ đầu năm 2019.
Một số khác biệt giữa TPP và CPTPP: - Về tên gọi: + TPP: The Trans-Pacific Partnership: Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương; + CPTPP: The Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership: Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. - Số thành viên: + TPP: 12 thành viên; + CPTPP: 11 thành viên. - Cấu trúc nội dung Hiệp định: + TPP: gồm 30 chương bao quát rộng về thương mại, thuế quan, đầu tư, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường...; + CPTPP: cơ bản giữ nguyên nội dung đã đàm phán của TPP nhưng bổ sung thêm 02 phụ lục và bổ sung quy định về tính hiệu lực, quy trình rút lui, gia nhập, rà soát lại CPTPP trong tương lai. - Quy mô: + TPP chiếm khoảng 40% GDP, 30% tổng thương mại toàn cầu và có 800 triệu dân; + CPTPP chiếm khoảng 15% GDP, 15% tổng thương mại toàn cầu và 500 triệu dân. - Hiệu lực: + TPP có hiệu lực nếu ít nhất 6 nước phê chuẩn trước tháng 2-2018 và các nước này phải đóng góp ít nhất 85% GDP trong khối; + CPTPP có hiệu lực 60 ngày sau khi được ít nhất 6 nước thông qua. |
Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), CPTPP là hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện. CPTPP không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như: cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống, như: lao động, môi trường, mua sắm của chính phủ, doanh nghiệp nhà nước...
Ngoài ra, Hiệp định này đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ.
Riêng về mở cửa thị trường, các nước tham gia Hiệp định đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của nhà nước; từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp và lợi ích mới cho người tiêu dùng của các nước thành viên, trong đó có Việt Nam.
Tác động tích cực đến Việt Nam trên nhiều khía cạnh
Theo Bộ Công Thương, CPTPP sẽ tác động tích cực đến Việt Nam trên nhiều khía cạnh.
Về chính trị - đối ngoại, CPTPP mới sẽ là tập hợp có ý nghĩa của các nước trong khu vực, có khả năng đem lại các lợi ích và lợi thế thiết thực, từ đó tác động để các nước cân nhắc tham gia CPTPP, thúc đẩy xu hướng hợp tác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Business Council of Canada) |
Về kinh tế, việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam. Hiệp định sẽ góp phần vào việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn, như: Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển.
Không chỉ tác động lớn đến kinh tế, chính trị và đối ngoại của Việt Nam, CPTPP còn giúp Việt Nam cải cách thể chế trong nước, tạo môi trường đầu tư - kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Đây mới là các lợi ích mang tính lâu dài.
Ngoài ra, CPTTP có tính mở, khi có thêm nước khác tham gia Hiệp định thì lợi ích với Việt Nam cũng sẽ tăng lên. Là nước tham gia từ đầu thì Việt Nam sẽ có lợi thế hơn trong việc bảo vệ các lợi ích của mình.
Doanh nghiệp Việt cần chủ động và thay đổi tư duy
Để tận dụng những lợi ích mang lại từ CPTPP, theo PGS.TS. Nguyễn Văn Nam - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh - Việt Nam cần phải chuẩn bị tốt hơn về thể chế, chính sách hội nhập; cũng như xây dựng đội ngũ doanh nghiệp nội địa vững mạnh hơn, hiểu biết kỹ hơn về hội nhập kinh tế thương mại; có sức cạnh tranh tốt hơn trên thị trường quốc tế nhằm mang lại nhiều lợi ích và hiệu quả hơn.
Xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng Cát Lái, TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hoàng Triều) |
Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, theo ông Lương Hoàng Thái, để nắm bắt được các cơ hội từ CPTPP, trước hết, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin về CPTPP để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế quan theo Hiệp định này đối với những mặt hàng ta đang có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới. Hiện nay, toàn bộ văn kiện tiếng Anh và bản dịch tiếng Việt của CPTPP đã được đăng tải trên trang thông tin điện tử chính thức của Bộ Công Thương.
Cùng với đó, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. CPTPP chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào các thị trường đối tác tiềm năng.
Đồng thời, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Đây cũng chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.