📞

'Cú bồi' nguy hiểm - Omicron

Minh Anh 09:23 | 11/12/2021
Sự xuất hiện của biến thể mới Omicron giống như một “cú bồi knockout đối với người vừa ốm dậy” - khi chuỗi cung ứng còn chưa kịp đứng vững sau những cú đòn liên tiếp của các làn sóng dịch Covid-19.
Biến thể Omicron xuất hiện khiến toàn cầu một lần nữa bị bao trùm một “màu xám” với lo âu lẫn lộn hy vọng. (Nguồn: AFP)

Sự hồi phục mong manh

Tính đến cuối tháng 11, dù chưa hoàn toàn trở lại bình thường như trước khi có đại dịch Covid-19, nhưng tại nhiều nơi tình hình đã “dễ thở” hơn, những thách thức đối với chuỗi cung ứng toàn cầu đang dần giảm bớt. Trên bình diện toàn cầu, điều tồi tệ nhất về các vấn đề chuỗi cung ứng đã ở lại phía sau.

Số lượng tàu chờ dỡ hàng tại các cảng Los Angeles và Long Beach - cửa ngõ nhập khẩu lớn nhất của Mỹ từ châu Á, đã cải thiện rất nhiều tuy vẫn ở mức cao gần kỷ lục.

Theo Trung tâm giao dịch hàng hải Southern California, có 71 tàu container neo đậu ngoài khơi vào ngày 19/11, giảm so với mức cao nhất là 86 tàu của 3 ngày trước đó. Trước dịch Covid-19, việc bất kỳ con tàu nào neo đậu ngoài khơi sẽ là điều bất thường.

Tình trạng tắc nghẽn, đặc biệt là ở châu Á, đang dần được cải thiện, cảnh các con tàu lớn mất hàng tháng nằm chờ ở ngoài khơi đã giảm dần.

Những tuần gần đây, giá cước vận tải xuyên Thái Bình Dương đã hạ nhiệt từ những mức cao kỷ lục, chi phí di chuyển một container đã giảm hơn 1/4 trong tuần kết thúc vào ngày 12/11, mức giảm lớn nhất trong hai năm qua. Tuy vậy, giá vẫn tăng khoảng 5% trong tuần trước, lên 14.700 USD cho một container 12m và vẫn cao hơn ba lần so với khoảng thời gian này năm trước.

Ở châu Á, việc đóng cửa các nhà máy do ảnh hưởng của dịch bệnh, tình trạng thiếu hụt năng lượng và giới hạn công suất cảng đã giảm bớt trong những tuần gần đây. Sản lượng tại các nhà máy trên khắp Malaysia, Việt Nam và các quốc gia khác đã tăng trở lại do các điểm tắc nghẽn đã được dỡ bỏ.

Việc giảm bớt các điểm tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng sẽ tạo điều kiện để hoạt động sản xuất tiến tới đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ và giảm chi phí hậu cần. Nếu được duy trì, điều đó sẽ giúp giảm dần áp lực gia tăng đối với tình trạng lạm phát.

Tất nhiên, các hãng sản xuất, vận chuyển và cả các nhà bán lẻ vẫn xác định không mong đợi các hoạt động trở lại bình thường cho đến năm sau. Bởi các nguy cơ từ dịch bệnh đến thời tiết đã thành thường trực, bất cứ biến động bất thường nào cũng có thể làm gián đoạn hoạt động của các trung tâm phân phối chính, gây tắc nghẽn chuỗi cung ứng.

Nhưng dù sao, đây đã là một sự thay đổi lớn theo hướng tích cực, được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện sản lượng công nghiệp ở châu Á và nguồn cung toàn cầu.

Tuy nhiên, nhiều quốc gia sẽ vẫn tiếp tục phải đối mặt với các thách thức, chẳng hạn, tình trạng thiếu lao động, chi phí vận chuyển tăng cao, thách thức về giao thông vận tải hàng không… Kể cả tình trạng tàu chờ ngoài cảng cũng vẫn còn nhiều, khi vẫn còn tới 500 tàu container lớn chờ cập cảng bên ngoài các cảng ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ (tính đến ngày 19/11/2021).

Lời cảnh báo khủng hoảng chưa kết thúc

Đến lúc này, sự thật biến chủng Omicron nguy hiểm đến mức nào vẫn còn chưa rõ ràng, chỉ biết rằng, toàn cầu lại bao trùm một “màu xám” với lo âu lẫn lộn hy vọng, như giai đoạn cách đây gần hai năm khi Covid-19 vừa xuất hiện.

Thế giới lần đầu biết đến biến thể Omicron vào cuối tuần trước, WHO gọi đây là một “biến thể đáng lo ngại, thậm chí có “nguy cơ toàn cầu”.

Nếu Omicron xâm nhập chuỗi cung ứng, GDP của châu Á có thể sẽ giảm 1,6 điểm phần trăm trong năm 2022. Trong khi chuỗi cung ứng vẫn rất dễ bị tổn thương, Omicron lại “nhắc nhở” rằng, cuộc khủng hoảng vẫn chưa kết thúc.

Nếu chuỗi cung ứng lại gián đoạn, không chỉ việc vận chuyển bị hạn chế mà chúng ta chắc chắn sẽ chứng kiến sự thiếu hụt nhiều hơn đối với các nguyên liệu, linh kiện quan trọng và lượng đơn hàng tồn đọng kéo dài đối với các sản phẩm điện tử, ô tô và tiêu dùng cốt lõi, tuỳ thuộc vào khu vực bị phong tỏa.

Suốt hơn một tuần qua, thị trường tài chính thế giới chao đảo, các sàn giao dịch liên tục đỏ rực. Chỉ số chứng khoán châu Âu kết thúc tháng 11/2021 với mức giảm trung bình 3%. Cổ phiếu du lịch và giải trí - những lĩnh vực chịu tác động mạnh nhất đã tụt dốc hơn 20%.

Dấu hiệu kinh tế quan trọng cho thấy những mối quan ngại đang gia tăng mạnh mẽ trong các ngành kinh tế là giá dầu đột ngột giảm khá sâu.

Dù đã có vaccine, song thái độ thận trọng vẫn bao trùm. Hàng loạt sự kiện lớn bị hủy hoặc tạm hoãn. Sự xuất hiện của biến thể Omicron trong làn sóng dịch thứ tư hoặc thứ năm (tùy theo từng nước) càng gây tâm lý hoang mang.

Một loạt nền kinh tế đã tái sử dụng bài đóng cửa thật chặt mong ngăn làn sóng dịch bệnh mới. Nhật Bản, New Zealand, Australia, Israel đóng cửa hoàn toàn biên giới, nhiều nước châu Âu tạm dừng các chuyến bay từ Nam Phi và những nước có nguy cơ cao.

Các biện pháp hạn chế đi lại có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nguồn cung, tắc nghẽn chuỗi sản xuất và thương mại quốc tế.

Giá cả gia tăng và tăng trưởng giảm - sự kết hợp giữa hai yếu tố có khả năng dẫn đến tình trạng lạm phát đình trệ (hiện tượng kinh tế tăng trưởng thấp trong khi tỷ lệ lạm phát cao) - một nguy cơ mà các nhà kinh tế bi quan đặc biệt lo ngại.

Tất nhiên, sau hai năm đối phó với giặc Covid-19, hầu hết chính phủ sẽ hạn chế việc áp đặt các lệnh giới nghiêm, nhưng điểm mấu chốt là chuỗi cung ứng sẽ vẫn tiếp tục phải chịu áp lực trước mối đe dọa dịch bệnh.

Theo Capital Economics, trong trường hợp xấu nhất, nếu các biện pháp thắt chặt đi lại được thực hiện trong tháng 12/2021 và duy trì cho đến tháng 3/2022, có khả năng nền kinh tế Eurozone lâm vào một cuộc suy thoái mới.

Trong khi đó, cơ quan nghiên cứu của Anh Oxford Economics cũng đưa ra dự báo u ám với kinh tế toàn cầu. Nếu Omicron trở thành biến thể thống trị và nguy hiểm hơn Delta, vaccine không hiệu quả nhiều, tăng trưởng toàn cầu năm 2022 chỉ đạt 2,3%, bằng một nửa so với dự báo hiện tại.

Kinh tế thế giới hiện bị đe dọa bởi vòng luẩn quẩn trong khó khăn kép. Lạm phát – tác dụng phụ của các gói cứu trợ, vực dậy nền kinh tế trong hai năm đại dịch, nhưng các chính phủ chưa thể giảm nguồn cung tiền vì nền kinh tế vẫn cần sự hỗ trợ, trước làn sóng Covid-19 tiếp theo.

Đúng là chẳng có kim chỉ nam nào dành cho thời đại dịch, chỉ hy vọng lời trấn an của Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu Christine thành sự thật, “chúng ta biết rõ kẻ thù và biết rõ cần phải thực hiện những biện pháp nào. Chúng ta đã được trang bị tốt hơn để đối phó với các rủi ro do các làn sóng dịch mới, kể cả các biến thể nguy hiểm.