TIN LIÊN QUAN | |
EIU: Du lịch ngày càng đóng vai trò trụ cột trong nền kinh tế Việt Nam | |
CMCN 4: Một góc nhìn “không sáng” với kinh tế Việt Nam |
Năm nay, chủ đề Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên 2016 là “Nâng cao vai trò khu vực kinh tế tư nhân: Tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vì sự phát triển hài hoà của kinh tế Việt Nam”. Cuộc đối thoại chính thức đầu tiên giữa liên minh VBF - gồm 16 hiệp hội doanh nghiệp trong nước, nước ngoài với Chính phủ mới được coi là cơ chế đối thoại tốt nhất giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.
Niềm tin đã trở lại
Theo nhận định của VBF, môi trường kinh doanh năm 2016 đã có những chuyển biến khá rõ nét. Kết quả là lần đầu tiên Việt Nam vượt ngưỡng hơn 100.000 doanh nghiệp thành lập mới. Ngân hàng thế giới (WB) cũng tăng xếp hạng cho Môi trường kinh doanh Việt Nam tới 9 bậc so với năm trước.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc với cộng đồng doanh nghiệp tại VBF 2016. (Nguồn: VGP) |
Tại Diễn đàn, một tin vui đến với nền kinh tế, khi đại diện cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc khẳng định về niềm tin của doanh nghiệp vào giai đoạn mới của công cuộc cải cách, dù hành trình tới đích còn nhiều gian nan.
“Điểm tích cực nhất có thể thấy là ít có thời điểm nào Chính phủ và các Bộ, ngành dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng thể chế, sửa đổi, ban hành pháp luật như thời gian vừa rồi. Chính phủ cũng dành nhiều thời gian lắng nghe, đối thoại với doanh nghiệp”, ông Lộc nhấn mạnh.
Tuy nhiên, VBF cho rằng, vẫn còn khoảng cách giữa quyết tâm của Chính phủ và hành động của các cấp thực thi, mà để giảm khoảng cách đó thì cần lắm một thể chế kinh doanh thực sự đơn giản và minh bạch. Bởi theo nhận định của đồng chủ tịch VBF, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) Ryu Hang Ha, nếu thẳng thắn đánh giá và so sánh với các quốc gia khác, môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá lớn, so với mong muốn của doanh nghiệp lại càng xa. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, từ vay vốn, lãi suất, thiếu nhân lực, chất lượng hạ tầng kém… đến việc bị vướng mắc thủ tục hành chính hay bị các cơ quan chức năng nhũng nhiễu…
Đưa kinh tế tư nhân về đúng vị trí
Trong nền kinh tế, khu vực FDI đang tỏ rõ tầm quan trọng, nhưng khu vực kinh tế tư nhân mới chính là nhân tố phát triển bền vững của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện khu vực FDI vẫn là một “ốc đảo” trong nền kinh tế, hiệu ứng lan toả không đáng kể. Theo phân tích của các chuyên gia VBF, khi doanh nghiệp FDI không bám rễ, cộng sinh được với nền kinh tế trong nước thì cũng rất khó bền vững.
Ở một khía cạnh khác, nỗ lực nâng cao vai trò của khu vực kinh tế tư nhân nhiều năm qua có thể chưa đủ. Lâu nay, sự yếu kém của khu vực tư nhân vẫn bị cho là điểm nghẽn rất lớn của nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh đang hội nhập mạnh mẽ, tuy đông đảo, mà khu vực tư nhân vẫn “cô đơn”, không được đánh giá cao về khả năng hội nhập, thiếu doanh nghiệp mạnh đủ tầm, không kết nối được với chuỗi giá trị toàn cầu.
Cuộc đối thoại năm nay thật sự được giới doanh nghiệp và chuyên gia chờ đợi, bởi trước xu thế phát triển mạnh mẽ chung của toàn cầu, có vẻ như doanh nghiệp Việt Nam đang tụt hậu. Họ có vẻ đã rất sốt ruột về những điểm yếu trong năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân, những chệch choạc trong mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Để giải tỏa được những lo lắng đó, họ muốn được Chính phủ mới chia sẻ và trao cho họ một “tín hiệu mở đường”.
Có điều, theo các chuyên gia, vấn đề này không mới, thậm chí đã được đề cập tới từ gần 30 năm trước, ngay từ khi Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành (1987). Hệ thống chính sách hỗ trợ, thúc đẩy kết nối doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài cũng liên tục được bổ sung, chỉnh sửa. Trong khi nỗ lực của doanh nghiệp không hề nhỏ, mối liên kết giữa hai khu vực trong và ngoài này vẫn còn mờ nhạt, thậm chí khoảng cách đang tăng lên.
Bởi vậy, người ta đã bắt đầu tỏ ra băn khoăn về khả năng kết nối thật sự giữa hai yếu tố trong -ngoài của nền kinh tế. Nhu cầu kết nối của doanh nghiệp có không? Quy luật thị trường có thúc đẩy điều đó hay không? Hay đó chỉ là yếu tố chủ quan của cơ quan quản lý nhà nước?
Ở góc độ cạnh tranh, có ý kiến cho rằng, khu vực FDI không mong đợi sự cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là khu vực tư nhân, để dễ bề lấn át. Hơn thế, lâu nay, doanh nghiệp FDI không chịu tác động nhiều bởi thể chế trong nước, nên họ cũng không mặn mà với các mối liên kết với doanh nghiệp Việt Nam. Thậm chí, xu hướng rất rõ là các nhà đầu tư sẽ chọn hình thức doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài khi thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam, thay vì các hình thức, liên doanh, liên kết với doanh nghiệp nội, trừ khi pháp luật bắt buộc.
Tuy nhiên, ở góc độ kinh tế, giới chuyên gia phân tích, khu vực doanh nghiệp FDI chắc chắn sẽ hưởng lợi từ sự lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Đơn giản, khi kinh tế trong nước mạnh, cầu tiêu dùng trong nước tăng, doanh nghiệp FDI sẽ có được dung lượng thị trường tiêu thụ lớn, có chuỗi cung ứng tại chỗ phát triển, chi phí kinh doanh giảm, sự chủ động trong kinh doanh tăng lên… Khi khu vực kinh tế tư nhân trong nước chuyên nghiệp hơn, cả nền kinh tế sẽ trở nên hiệu quả, doanh nghiệp FDI sẽ được hoạt động trong một môi trường kinh doanh tốt hơn, tận dụng được cao nhất các lợi thế của Việt Nam trong hội nhập. Vì vậy, chắc chắn các doanh nghiệp FDI muốn các doanh nghiệp Việt Nam sẽ lớn lên, mạnh hơn và không muốn đừng ngoài công cuộc cải cách của nền kinh tế Việt Nam.
Ở góc độ vĩ mô, nền kinh tế Việt Nam sẽ được lợi khi có khu vực doanh nghiệp trong nước tự chủ hơn, có khả năng kết nối với kinh tế thế giới, chuỗi giá trị toàn cầu, có khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài gắn kết với kinh tế trong nước…
Chỉ còn… hành động
Nhiều ý kiến tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2016 cho rằng, Chính phủ, các nhà đầu tư nước ngoài và các công ty trong nước cần cùng hỗ trợ lẫn nhau trong một mô hình “kiềng ba chân” mới có thể tăng cường hợp tác, cùng tăng trưởng và ổn định.
Ông Vũ Tiến Lộc phân tích, nếu phân vai, Nhà nước có vai trò yểm trợ về luật pháp, chính sách, các doanh nghiệp FDI là trung tâm và các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước là vệ tinh. “Đây là điệu nhảy của ba người nên cần sự đồng điệu. Chính sách của Chính phủ phải đóng vai trò yểm trợ để doanh nghiệp tư nhân kết nối tốt với khối FDI”, ông Lộc nói.
Bởi vậy, để thu hẹp được khoảng cách và thực sự có sợi dây kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, chính các doanh nghiệp Việt Nam phải tự vận động để tự nâng cấp cho đạt tiêu chí hợp tác. Nhưng với doanh nghiệp FDI, theo đề nghị của Chủ tịch VCCI, hợp tác với doanh nghiệp tư nhân trong nước cần được coi như trách nhiệm xã hội đối với nơi mà doanh nghiệp FDI đến đầu tư, cần thay đổi cách tiếp cận theo hướng cởi mở hơn, thậm chí có sự giúp đỡ, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong nước. Đó cũng chính là lợi ích của các nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, ngay tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không quên kêu gọi: “Các bạn hãy đến với Việt Nam bằng khối óc, tức công nghệ hiện đại, quản lý tiên tiến và trái tim, tức đề cao chuẩn mực, đạo đức kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp. Việt Nam sẽ không đón chào những nhà đầu tư coi Việt Nam là nơi chuyển giá, là nơi để trốn trách nhiệm môi trường, đi ngược lại những nguyên tắc cơ bản và giá trị cốt lõi mà nhà đầu tư đã cam kết”.
Về phía Chính phủ, Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành tiếp thu, nghiên cứu những đề xuất, kiến nghị phù hợp để sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật liên quan. Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh, “không phải nghe để biết, để đó”. Chính phủ sẽ nỗ lực hành động để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có thể gắn kết cùng nhau hợp tác, lớn mạnh trên sân nhà - trong nền kinh tế quốc gia Việt Nam và vươn ra thế giới thành công.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư tiếp tục được giao trọng trách theo dõi, đôn đốc việc giải quyết các đề xuất, kiến nghị, định kỳ báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện. Đồng thời, Bộ này cũng phải thông báo, phản hồi cho Diễn đàn biết việc tiếp thu sửa đổi, bổ sung đã được Chính phủ thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản, chuyên nghiệp và trách nhiệm như thế nào.
Như vậy, thông điệp đã đủ mạnh, chính sách cũng đã nhiều, như ý kiến của Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, giải pháp lúc này chỉ còn là hành động. “Hành động để rút ngắn khoảng cách giữa chính sách và thực tế, xoá bỏ sự khác biệt giữa văn bản và thực thi, tạo được một nền luật pháp với chế tài đủ mạnh, có cơ chế giám sát của người dân, của doanh nghiệp và của công luận”. Đó là mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp.
Thủ tướng mong muốn doanh nghiệp ASEAN liên kết, tạo động lực mới cho phát triển Sáng nay, 8/12, tại Hà Nội, phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh ASEAN 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh từng ... |
Thủ tướng tiếp Tổng giám đốc Thông tấn xã Pathet Lào Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng việc vun đắp mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước, luôn tạo điều ... |
Kiểm tra phản ánh tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Y tế kiểm tra nội dung phản ánh trên báo Pháp luật Việt Nam về tình ... |