Tàu đi qua cổng của kênh Volga-Don. (Ảnh: Vladimir Zapletin/Alamy) |
Theo nguồn tin trên, hành lang thương mại này trải dài từ biển Azov và cửa sông Don ở Nga đến các trung tâm của Iran trên biển Caspi và cuối cùng là Ấn Độ Dương.
Dữ liệu theo dõi tàu do Bloomberg tổng hợp ghi nhận hàng trăm tàu của cả Nga và Iran chạy dọc theo các con sông dẫn đến biển Caspi. Vị trí địa lý của Iran cho phép Nga vận chuyển hàng hóa an toàn qua hành lang thương mại xuyên qua lãnh thổ Iran đến tận châu Á và Ấn Độ, mà không phải chịu nguy cơ bị phương Tây trừng phạt.
Chuyên gia vùng Vịnh Nikolay Kozhanov tại Đại học Qatar cho biết: “Do các mạng lưới giao thông của châu Âu đóng cửa với Nga nên họ tập trung phát triển các hành lang thương mại thay thế để hỗ trợ nước này chuyển hướng sang phương Đông. Bạn có thể áp đặt các biện pháp kiểm soát đối với các tuyến đường biển, nhưng sẽ rất khó để theo dõi tất cả các tuyến đường bộ”.
Nga và Iran là hai quốc gia đang “ngậm trái đắng” trước lệnh trừng phạt của châu Âu. Theo người đứng đầu Phòng Thương mại và Công nghiệp Nga Sergey Katyrin, hoạt động thương mại với Iran, mặc dù có ý nghĩa riêng với hai nước, song cũng được coi là “cầu nối hậu cần” giữa Nga và Trung Đông, cũng như với các khu vực Nam Á và Đông Nam Á.
Tại một diễn đàn kinh tế hồi tháng 9, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng lưu ý rằng, nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng đường thủy, đường sắt và đường bộ dọc theo hành lang này, vì nó “sẽ mang lại cho các công ty Nga những cơ hội mới thâm nhập thị trường Iran, Ấn Độ, Trung Đông và châu Phi, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho nguồn cung từ các quốc gia này”.
Đầu tháng 12, sau khi liệt kê các lợi ích mà đất nước đạt được sau cuộc xung đột với Ukraine, nhà lãnh đạo nước Nga cho biết, biển Azov đã trở thành “vùng biển nội địa” của Moscow. Mạng lưới sông, biển và đường sắt sẽ mở rộng đến trung tâm Iran trên biển Caspian và điểm cuối là Ấn Độ Dương.