TIN LIÊN QUAN | |
TPP đang làm khó bà Clinton | |
TPP trước tương lai mờ mịt |
Ông Stephen Grenville, viện sĩ thỉnh giảng của Viện nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng dự trữ Australia đã nhận định như vậy trong bài viết vừa đăng tải trên The Nikkei Asian Review. TG&VN xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Ông Stephen Grenville. (Nguồn: RSIS) |
“Khủng khiếp” và “thảm họa”
Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) với sự tham gia của 12 nước được coi là thỏa thuận “kim chỉ nam” cho hoạt động thương mại toàn cầu.
Hiện nay, Hiệp định vẫn chưa được nhiều thành viên ký kết, trong đó có cả Mỹ phê chuẩn để chính thức có hiệu lực. Với Mỹ, trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống sắp diễn ra, “số phận” của TPP đang là một ẩn số bởi cả hai ứng cử viên là ông Donald Trump của đảng Cộng hòa và bà Hillary Clinton của đảng Dân chủ đều tỏ ra không ủng hộ thông qua TPP, một trong những di sản lớn mà người tiền nhiệm Barack Obama để lại.
Người Mỹ đang cảm nhận rõ nét những tác động tiêu cực của toàn cầu hóa, một trong những nguyên nhân khiến Anh trưng cầu dân ý rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Hơn nữa, 8 năm nước Mỹ phục hồi yếu ớt sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 kéo theo thực trạng bất bình đẳng thu nhập, bất công xã hội và sản xuất bị thu hẹp, nhiều người Mỹ đổ lỗi cho nền kinh tế đất nước nói riêng và toàn cầu hóa nói chung.
Ông Trump vốn là người ủng hộ tự do thương mại và đề xuất hoàn tất Thỏa thuận Thương mại tự do Bắc Mỹ, áp 35%-45% thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Mexico và Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Trump lại kịch liệt phản đối TPP và cho đây là một “thỏa thuận khủng khiếp”. Do vậy, có lẽ số phận của TPP sẽ chấm dứt nếu như ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ.
Dù ông Trump và bà Clinton có nhiều quan điểm đối lập nhưng cả hai ứng cử viên này đều phản đối TPP. (Nguồn: Thefiscaltimes) |
Về phần mình, bà Clinton có nhiều quan điểm liên quan tới TPP song cũng đã buộc lòng phải đưa ra quan điểm phản đối thỏa thuận này. Chồng bà, Cựu Tổng thống Bill Clinton đã thúc đẩy sự ra đời của thỏa thuận Hiệp định mậu dịchTự do Bắc Mỹ (NAFTA) vào năm 1994, bản thân bà Clinton cũng là người ủng hộ những “tiêu chuẩn vàng” của TPP khi bà là Ngoại trưởng trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Obama.
Tuy nhiên đối thủ của bà Clinton là ông Bernie Sanders, người đã rút khỏi cuộc đua trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, đã xoáy vào những khía cạnh bất cập của TPP. Theo ông Bernie Sanders, TPP là một thỏa thuận “thảm họa” được đưa ra để bảo vệ các lợi ích của các tập đoàn đa quốc gia lớn mà bỏ qua lợi ích của người lao động, người tiêu dùng, môi trường và các cơ sở của nền dân chủ Mỹ. Nó cũng sẽ tác động tiêu cực đến một lượng không nhỏ những người nghèo nhất trên thế giới.
Trong hoàn cảnh đó, bà Clinton buộc phải bày tỏ sự phản đối TPP, đây là tình thế khó có thể đảo ngược. Vừa qua, một số thành viên chủ chốt của Quốc hội Mỹ muốn đàm phán lại những phần nhạy cảm của thỏa thuận đã được thông qua, đặc biệt là vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ lĩnh vực dược phẩm. Nhưng các nước đối tác không muốn đàm phán lại những vấn đề này, Bộ trưởng phụ trách TPP của Nhật Bản Nobuteru Ishihara cũng đã tỏ ra không hài lòng với đề xuất từ phía Mỹ. Nhiều người hy vọng rằng, nếu bà Clinton thắng cử, bà sẽ thay đổi quyết định phản đối TPP của mình và tiếp tục có cái nhìn thiện chí đối với quá trình toàn cầu hóa.
Yếu tố địa chính trị trong thỏa thuận kinh tế
TPP không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn mang ý nghĩa địa chính trị. Thỏa thuận bao gồm các nguyên tắc xuyên biên giới liên quan tới các vấn đề sở hữu trí tuệ, giải quyết tranh chấp quốc tế và vai trò của các doanh nghiệp nhà nước. TPP tham vọng đạt được một sự thống nhất quốc tế và chi phối các vấn đề kinh tế đang nổi lên toàn cầu.
Xét từ quan điểm kinh tế thì sẽ không có nhiều tổn thất đối với nền kinh tế thế giới nếu như TPP đi vào quên lãng. Thậm chí, sự sụp đổ của nó có thể là tiền đề và mở ra nhiều cơ hội cho các giải pháp kinh tế tốt hơn. Xét từ phương diện địa chính trị, mặc dù chính quyền Mỹ nhiều lần khẳng định TPP không nhằm mục đích kiềm chế Trung Quốc nhưng thực tế, thông qua TPP, Tổng thống Obama mong muốn cùng với một số quốc gia có ảnh hưởng tại khu vực châu Á giảm bớt những tác động và sự nổi lên của Trung Quốc.
Ảnh minh họa: TPP tham vọng đạt được một sự thống nhất quốc tế và chi phối các vấn đề kinh tế đang nổi lên toàn cầu. (Nguồn: Thanh Niên) |
Chính mục tiêu này đã khuyến khích Singapore, New Zealand và Australia công khai thúc giúc Tổng thống Obama phê chuẩn TPP. Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đưa ra quan điểm rằng TPP chính là một cam kết của Mỹ ở khu vực và chính sách Xoay trục của ông Obama về châu Á sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu TPP không trở thành hiện thực. Trước một tương lai không mấy khả quan của TPP, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng đã chia sẻ cảm nhận của ông giống như “trong đám cưới, đợi cô dâu trước bàn thờ nhưng cô dâu không tới”.
Nhưng liệu việc kết hợp cả hai yếu tố kinh tế và địa chính trị trong một thỏa thuận kinh tế đa phương có phải là cách tốt nhất? Thế giới cần những nguyên tắc tốt hơn cho quá trình tương tác kinh tế quốc tế và Trung Quốc, một trong những đối tác toàn cầu lớn nhất hiện nay cũng phải nằm trong phạm vi điều chỉnh của các nguyên tắc đó giống như nước này đã là thành viên trong WTO, IMF…
Nếu như đánh mất TPP là cái giá mà bà Clinton phải trả để lấy lòng những cử tri đang hoài nghi về toàn cầu hóa thì có lẽ đây là một bước đi đúng đắn của bà. Trong dài hạn, các phương pháp luận cho các thỏa thuận thương mại đa phương sẽ thay đổi và yếu tố địa chính trị liên quan tới sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ tách bạch khỏi yếu tố kinh tế.
*Bài viết theo quan điểm riêng của tác giả.
Thu Hiền (lược dịch)
Mỹ không phê chuẩn không phải dấu chấm hết với TPP Đó là tuyên bố của Người phát ngôn thương mại của Công đảng đối lập Australia Jason Clare. |
TPP vẫn còn nhiều hy vọng Hầu hết trong số 28 Hạ nghị sỹ và 13 Thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ Mỹ đã bỏ phiếu ủng hộ TPA vẫn chưa ... |
Khả năng thông qua TPP tại Mỹ vẫn còn bỏ ngỏ Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh trả lời phỏng vấn báo TG&VN bên lề Hội nghị Ngoại giao 29 biết như vậy, ... |