TIN LIÊN QUAN | |
5G được thử nghiệm tại Olympics mùa Đông theo cách ít ai ngờ tới | |
Smartphone 5G sẽ ra mắt vào năm 2019 |
Công nghệ “siêu khủng”
Đã thành thông lệ, cuối tháng 2, đầu tháng 3 năm nay, cả ngành công nghiệp di động toàn cầu lại tụ hội về Barcelona (Tây Ban Nha) để tham dự sự kiện lớn nhất trong năm - Triển lãm di động thế giới (MWC). MWC là tên viết tắt của Mobile World Congress, tức Triển lãm Di động thế giới.
Sự kiện thường niên, bắt đầu từ năm 1987 do hội liên hiệp Truyền thông di động toàn cầu (GSM) tổ chức này không chỉ là sàn diễn của các sản phẩm mới, MWC đã dần trở thành nơi khởi đầu cho công nghệ và xu hướng tương lai.
Triển lãm Di động Thế giới 2018 được tổ chức tại Barcelona. (Nguồn: Mobile Marketing Magazine) |
Và điểm nổi bật thu hút sự chú ý tại MWC năm nay chính là công nghệ di động thế hệ thứ năm - 5G. Công nghệ thông tin di động 5G được Liên minh viễn thông quốc tế (ITU-R) phê chuẩn tên gọi chính thức là IMT-2020 (vào năm 2015). Sau nhiều năm nghiên cứu và thiết lập tiêu chuẩn, công nghệ 5G dự kiến sẽ chính thức được triển khai trên thế giới trong năm nay. Một số thành phố tại châu Á, Bắc Mỹ và châu Âu sẽ là những nơi đầu tiên được áp dụng công nghệ 5G.
Intertnet di động thế hệ thứ năm được mong đợi sẽ là một nền tảng World Wide Wireless Web (wwww) hoàn hảo để kết nối mọi nơi trên Trái đất. Một thế giới kết nối không dây thực sự, nơi chúng ta có thể truy cập Internet xuyên suốt mà không gặp phải các rào cản, giới hạn nào về mặt không gian và thời gian. Về bản chất, mạng 5G vẫn phát triển dựa trên nền tảng của 4G nhưng ở mức độ cao hơn. Mạng 5G sẽ hỗ trợ LAS-CDMA (Large Area Synchronized Code Division Multiple Access), UWB (Ultra Wideband), Network-LMDS (Local Multipoint Distribution Service), Ipv6 và BDMA (Beam Division Multiple Access).
Với sự hỗ trợ đa dạng các nền tảng, người dùng có thể kết nối cùng lúc với nhiều thiết bị qua mạng không dây và dễ dàng chuyển đổi qua lại một cách nhanh chóng mà không gặp phải bất kỳ trở ngại nào. Không những vậy, mạng 5G còn giúp cho tốc độ đăng tải và tải về dữ liệu trên điện thoại nhanh hơn gấp 20 lần so với mạng 4G.
Tại Thế vận hội mùa Đông Olympic Pyeongchang 2018 vừa tổ chức tại Hàn Quốc, những màn trình diễn và trải nghiệm với sự hỗ trợ của phiên bản sơ khai của 5G, nhưng đã cho thấy một minh chứng rõ nét về tiềm năng của công nghệ này trong việc giải quyết các thách thức kết nối mọi lúc, mọi nơi và kết nối vạn vật. Các thử nghiệm đã cho phép các chương trình phát sóng HD từ các máy quay trực tiếp trong các cuộc thi trượt tuyết với tốc độ lên đến 150km/h.
Thậm chí tờ The Economist còn mô tả hệ thống liên lạc thế hệ mới này sẽ mang đến cho người dùng khái niệm về "năng lực vô hạn", như: vạn vật kết nối, ô tô hoàn toàn tự lái, điện thoại hình nổi 3 chiều...
Trong tương lai, 5G sẽ là thế giới kết nối di động vô cùng tuyệt vời với tốc độ download và upload đều nhanh hơn rất nhiều. Chất lượng cuộc gọi video cũng tốt hơn, nhất là khi di chuyển.
Thời lượng pin của thiết bị cũng tốt hơn do mạng 5G có nhiều công nghệ tối ưu cho việc này. 5G sẽ là mảnh đất màu mỡ cho thực tế ảo, thực tế tăng cường, các ứng dụng theo thời gian thực.
Ngoài ra, còn một điểm khá thú vị nữa là 5G có thể hỗ trợ streaming video 4K thời gian thực trên thiết bị di động. Các thiết bị đeo cũng được nâng tầm nhờ siêu tốc độ và công nghệ ưu việt của 5G.
5G có khả năng kết nối vạn vật. (Nguồn: newsroom.intel.com) |
Công nghệ 5G còn có thể giúp bạn quan sát trận thi đấu thể thao với một góc 360 độ trong thời gian thực, tức là không có độ trễ. Rất nhiều dữ liệu đã được chuyển tới kính thực tế ảo chỉ trong vòng vài mili giây. Hoặc khi giao thông hỗn loạn, những chiếc xe ô tô đi sai đường, nhưng với sự giúp đỡ của công nghệ 5G, giao thông sẽ lưu thông trôi chảy trở lại.
Với những ưu điểm nổi trội như vậy, công nghệ 5G hứa hẹn sẽ là một ngành kinh doanh màu mỡ. Dự báo tới năm 2020, toàn thế giới sẽ có khoảng 1,5 nghìn tỷ USD được đầu tư vào công nghệ này. Theo đánh giá của IHS (công ty hàng đầu về thu thập thông tin và đánh giá thị trường toàn cầu) năm 2017, tiềm năng kinh tế của 5G được thể hiện qua hàng hóa và dịch vụ là 12.000 tỷ USD vào năm 2035, vượt qua GDP của nhiều quốc gia phát triển.
Hiện Liên minh viễn thông quốc tế ITU-R đã đặt kế hoạch nghiên cứu về tiêu chuẩn công nghệ 5G và dự kiến sẽ thông qua tiêu chuẩn chính thức cho công nghệ này trong giai đoạn 2019-2020.
Thách thức của 5G
Theo đánh giá của các chuyên gia, công nghệ 5G sẽ là một bước tiến quan trọng làm thay đổi lớn đời sống con người. Với nhiều ưu điểm vượt trội so với 4G, mạng 5G được kỳ vọng sẽ là cuộc cách mạng mới của thế giới di động. Tuy nhiên, tất cả mới chỉ là bắt đầu.
Các chuyên gia cho rằng, vẫn còn một số vấn đề cần phải được giải quyết trước khi công nghệ 5G có thể trở thành hiện thực. Đó là sự sẵn sàng của băng tần và các thách thức về mặt công nghệ, chẳng hạn như làm thế nào để tạo ra các kiến trúc mạng có thể gia tăng được lượng dữ liệu truyền tải cao hơn và các tốc độ truyền tải dữ liệu cần thiết để có thể chứa được nhiều người dùng hơn trên hệ thống mạng.
Theo thống kê, từ nay đến năm 2020 thì số lượng các thiết bị thông minh sẽ tăng một cách chóng mặt, với khoảng hơn 50 tỷ thiết bị IoT (Internet of Things) được kết nối với mạng di động. Điều này đồng nghĩa với hàng tỷ hay thậm chí hàng trăm tỷ các ứng dụng được kích hoạt và luôn ở trạng thái hoạt động (always-on), với lượng dữ liệu cần chia sẻ cao gấp 1.000 lần, tốc độ truyền tải cũng phải nhanh hơn từ 10 đến 100 lần tốc độ mạng hiện nay thì rõ ràng với băng thông hiện nay là chưa thể đáp ứng nổi.
Bên cạnh đó, việc hỗ trợ đa dạng nhiều nền tảng thiết bị, dịch vụ và ứng dụng sử dụng những băng tần khác nhau còn là một thách thức đang chờ đón 5G.
Nhiều thứ sẽ thay đổi khi 5G đi vào cuộc sống. (Nguồn: siklu.com) |
Cuộc đua mới
Hiện trong cuộc đua triển khai thế hệ mạng di động 5G, Trung Quốc và Mỹ đang là những nước đầy tiềm năng, trong khi Liên minh châu Âu (EU) lại đang bị tụt lại phía sau. Mặc dù trong năm 2013, EU đã cam kết dành 700 triệu euro cho nghiên cứu công nghệ 5G để "đảm bảo vai trò đi đầu của châu Âu" trong các lĩnh vực viễn thông. Tuy nhiên, các quy định cứng nhắc của EU về cạnh tranh đã khiến các nhà cung cấp dịch vụ mạng chùn bước, chưa dám mở rộng mạng 5G.
CEO của Nokia, Rajeev Suri nhận định, sự phát triển công nghệ 5G của Mỹ và Trung Quốc sẽ khiến EU tụt lại phía sau, và công nghệ 5G sẽ được ra mắt ở châu Âu vào một thời điểm nào đó trong năm 2019.
Bên cạnh đó, ông Suri cũng dự báo sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ 5G ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Các nhà khai thác viễn thông này đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hệ thống hạ tầng. Chính phủ Hàn Quốc đã tuyên bố đầu tư ít nhất 1,5 triệu USD để lắp đặt mạng 5G hoàn chỉnh. Bộ Giáo dục, Khoa học và Kĩ thuật Hàn Quốc (MEST) kỳ vọng mạng 5G sẽ có thể được thương mại hóa vào cuối năm 2020.
Tại Việt Nam, mạng viễn thông di động mới dừng lại ở công nghệ 4G. Hy vọng rằng trong tương lai gần người dùng có thể được trải nghiệm mạng 5G ở Việt Nam.
Cisco và Samsung hợp tác thử nghiệm dịch vụ 5G không dây tại châu Âu Ngày 7/2, Tập đoàn Cisco Systems, nhà sản xuất các thiết bị kết nối mạng lớn của Mỹ, thông báo sẽ hợp tác với Tập ... |
Chính quyền Mỹ sẽ xây dựng mạng 5G nội bộ để đối phó gián điệp Bộ phận Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét các biện pháp để chống lại mối đe ... |
Hàn Quốc: Thị trường dịch vụ 5G sẽ đạt 31 tỷ USD vào năm 2025 Thị trường dịch vụ thế hệ mạng di động tốc độ cao thứ 5 (5G) tại Hàn Quốc được dự đoán đạt khoảng 35.000 tỷ ... |