📞

Cuộc chiến vaccine Covid-19: Mỹ ra đòn quyết định, 'tất tay' với Trung Quốc, quyết không nhường Nga

Minh Anh 13:45 | 11/06/2021
Động thái mạnh mẽ nhất của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho thấy, Nhà Trắng nhất quyết không trao quyền lãnh đạo toàn cầu trong cuộc chiến chống lại Covid-19 cho Nga hay Trung Quốc.
Cuộc chiến vaccine Covid-19: Mỹ ra đòn quyết định, thẳng tay với Trung Quốc, quyết không nhường Nga. (Nguồn: The Telegraph)

Mặt trận mới, đại kình địch cũ

Đại dịch Covid-19 đã làm gia tăng sự cạnh tranh địa chính trị Trung-Mỹ. Giới quan sát đánh giá đây là sự kình địch gay gắt nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc vào đầu những năm 1990.

Tuy nhiên, không giống như lần trước, Mỹ đến nay vẫn chưa đưa ra một mô hình kinh tế và chính trị hoàn chỉnh trong quan hệ với các nước ở Nam Bán cầu như một phần của động thái chiến lược, nhằm vượt qua Trung Quốc. Trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden có khả năng sẽ chuyển ưu tiên chính sách đối ngoại của mình sang Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thì di sản chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump ở Trung Đông vẫn là một vấn đề gai góc, làm sao nhãng kế hoạch chiến lược của Washington, để có thể vượt qua những tính toán đầy tham vọng ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

Căng thẳng thật sự đang diễn ra bên trong, nhưng các bên dường như đều dùng chiến thuật "âm thầm" và thăm dò, sử dụng chính sách "ngoại giao vaccine" để lan tỏa tầm ảnh hưởng, mà không bên nào chính thức "ra đòn" trước.

Câu chuyện về Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô trước đây được xây dựng dựa trên các chi tiêu quân sự phức tạp, các cuộc chiến tranh ủy nhiệm và sự phân đôi giữa xã hội tự do và toàn trị. Tuy nhiên, đến nay, các quy tắc tham gia, kẻ thù và cả đối thủ đều đã thay đổi.

Không giống như Liên Xô, Trung Quốc hiện được hậu thuẫn bởi một nền kinh tế mạnh mẽ, công nghệ tiên tiến và mạng lưới đầu tư toàn cầu, gồm các tập đoàn nhà nước được giao phó điều hành nhiều dự án trong Sáng kiến Vành đai và Con đường. Và Bắc Kinh được cho là hiện thân của chủ nghĩa cộng sản kiểu mới với tư duy tư bản.

Khả năng sản xuất vaccine đã đưa "chủ nghĩa dân tộc vaccine" lên bàn tranh luận quan hệ quốc tế. Trong đó, "chủ nghĩa dân tộc vaccine" như một hình thức thực dụng có thể thúc đẩy lợi ích địa chính trị của một quốc gia. Thật đáng tiếc, xu hướng này đang chiếm ưu thế cùng với sự trỗi dậy của chính trị cánh hữu ở nhiều quốc gia.

Hiện tại, vaccine Covid-19 chủ yếu được phát triển bởi các nước có nền y học tiên tiến. Sẽ có rất nhiều vấn đề nảy sinh khi các quốc gia có khả năng sản xuất không muốn chia sẻ nguồn cung của mình, cho đến khi chương trình tiêm chủng toàn quốc của họ được hoàn thành.

Tuy nhiên, ngay từ khi chưa có "mạnh thường quân" nào đưa ra một lời hứa hẹn, còn các nước G7 vẫn đang vật lộn với quyền sở hữu trí tuệ vaccine, thì Bắc Kinh đã khéo léo dùng những cách tấn công “ngọt ngào”, đưa vaccine do Trung Quốc sản xuất (cụ thể là Sinopharm và Sinovac), đến được 69 quốc gia đang phát triển ở 5 châu lục. Bằng hàng triệu liều vaccine covid-19, Trung Quốc gần như không có đối thủ trong ngoại giao vaccine, giúp gia tăng ảnh hưởng toàn cầu và thắt chặt quan hệ giữa với các nước khác.

Ngoại giao vaccine đang cho thấy một cuộc ganh đua giữa các siêu cường. Mặc dù, việc sản xuất và tiếp cận vaccine là một phần của "lợi ích toàn cầu", nhưng "mối quan hệ" hiện vẫn là động lực chính trong khả năng có giành được một hợp đồng mua vaccine từ các nhà sản xuất hay không.

Nhìn vào mô hình phân phối vaccine toàn cầu cho thấy, việc mua sắm vaccine hầu như luôn được thực hiện trong phạm vi ảnh hưởng của một quốc gia. Chẳng hạn, một số nước Đông Âu như Hungary, Slovakia và Czech đã lựa chọn vaccine Sputnik V do Nga sản xuất, mặc dù nó chưa được Cơ quan Dược phẩm châu Âu chấp thuận.

Như vậy, ngành công nghiệp dược phẩm đang dần thay thế các tổ hợp công nghiệp-quân sự, như một cấu trúc đằng sau chiến lược cạnh tranh của các siêu cường.

Mỹ-Nga-Trung: Quyền lãnh đạo thế giới về tay ai?

Đầu tháng 6 và vừa mới đây phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G7 (10/6), Tổng thống Joe Biden đã chính thức công bố những chi tiết đầu tiên về việc Mỹ gửi 80 triệu liều vaccine Covid-19 trong kho dự trữ của mình cho thế giới vào cuối tháng 6, nhằm sớm "chấm dứt đại dịch trên toàn cầu". Ông cũng cho biết, Mỹ cũng sẽ mua 500 triệu liều vaccine Pfizer để chia sẻ với gần 100 nước đang có nhu cầu khẩn cấp, có thu nhập thấp hơn và Liên minh châu Phi trong năm tới thông qua COVAX, với cam kết giúp thế giới thoát khỏi đại dịch.

Giới quan sát bình luận, động thái mạnh mẽ nhất của Tổng thống Mỹ cho thấy, người đứng đầu Nhà Trắng đã quyết định không trao quyền lãnh đạo toàn cầu trong cuộc chiến chống lại Covid-19 cho Nga hay Trung Quốc. Tất nhiên, không ít nhà bình luận cũng cho rằng, động thái của Tổng thống Biden cũng chỉ là xuất phát từ sự lo lắng về "chính sách ngoại giao vaccine" của các "đối thủ đáng gờm".

Chẳng hạn, tại Ấn Độ, Sputnik V của Nga đã đổ bộ đầu tiên vào thành phố Hyderabad đúng thời điểm vaccine khan hiếm. Không để tụt lại phía sau, Mỹ cũng thông báo về khoản hỗ trợ trị giá 100 triệu USD và kế hoạch sản xuất 100 liều vaccine ở Ấn Độ, vào cuối năm 2022. Nhưng tuyên bố của Washington dường như đến hơi muộn, "Sputnik V đã nhận được đơn đặt hàng 1,2 tỷ liều và Nga sẽ sản xuất 500 triệu liều vào năm 2022. Nga dường như đã đi trước một bước trong việc thiết lập sự hiện diện trên thị trường vaccine thế giới.

Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định rằng, chỉ viện trợ vaccine thôi sẽ không đủ để thu hẹp khoảng cách trong nguồn cung, mà cần phải chuyển giao công nghệ để các công ty có đủ năng lực trên khắp thế giới có thể tự sản xuất vaccine mà không vấp phải rào cản từ quyền sở hữu trí tuệ. Đây đúng là tuyên bố mới nhất và rất đáng chú ý khác của Tổng thống Biden rằng, "Mỹ ủng hộ nỗ lực tạm thời từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19".

Nếu thực hiện được, đây sẽ thực sự là "đòn quyết định" có lợi cho nhân loại. Tổng thống Biden đã thông báo, Mỹ sẽ mở rộng sản xuất và phân phối vaccine trên toàn cầu. Về bản chất, nó không chỉ có nghĩa là tăng cường sản xuất ở Mỹ mà là đa dạng hóa các trung tâm sản xuất vaccine Covid-19 ở các khu vực khác nhau trên toàn cầu. Mỹ cũng sẽ thúc đẩy IMF nhanh chóng ra quyết định về gói cứu trợ 900 tỷ USD cho các nước thành viên để chống lại đại dịch.

Có phải Tổng thống Biden đã quyết định từ bỏ chính sách ‘Nước Mỹ trên hết'?, Đó có phải là hoạt động từ thiện tuyệt đối hay không?, Hay đó đơn giản là một nỗ lực nhằm giành lại vị trí của Mỹ trên chính trường thế giới, điều mà Mỹ đã đánh mất trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump?

Rất nhiều câu hỏi vẫn được giới quan sát đặt ra, nhưng dù muốn hay không, một "cuộc chiến vaccine" đã và vẫn đang diễn ra. Trong đó, Nga vẫn sử dụng "con bài" của mình một cách khéo léo, Trung Quốc thì thực hiện "chủ nghĩa dân tộc vaccine" của mình theo một cách khác. Còn đòn quyết định của Mỹ có "chốt hạ" được hay không thì lại hồi sau mới rõ.

Vaccine Covid-19 - mặt trận cạnh tranh mới giữa Mỹ-Trung Quốc đang thật sự nóng lên. Còn với Nga, ông Biden chắc không thể quên năm 1957, Sputnik - tàu vũ trụ đầu tiên do Liên Xô cũ phóng lên đã đe dọa sức mạnh quân sự của Mỹ. 64 năm sau, Tổng thống Mỹ không thể để một Sputnik khác (Sputnik V) - đánh cắp vị trí của người khổng lồ số 1 thế giới.