Hiểu đúng về thực phẩm bẩn
Thời gian gần đây, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trở thành chủ đề được quan tâm trên các phương tiện truyền thông đại chúng khi hàng loạt vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, thực phẩm kém chất lượng bị phanh phui. Trong khi vụ việc phát hiện chất Salbutamol (chất tăng trọng) tồn dư trong thức ăn chăn nuôi chưa kịp lắng xuống thì dư luận lại dậy sóng khi các cơ quan chức năng phát hiện nhiều mẫu măng tươi nhuộm vàng ô (Auramine O - một chất cấm sử dụng trong chế biến, bảo quản thực phẩm) hay thông tin nhiều thịt lợn giả thịt bò trên thị trường.
Thực phẩm bẩn đã trở thành từ khóa nóng, xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ công sở, chợ dân sinh, tại các gia đình... cho đến chốn nghị trường. Vấn đề thực phẩm bẩn đã được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập và nhận được sự đồng tình của người dân. “Bệnh tật, suy giảm sức khỏe giống nòi, giảm sức cạnh tranh nền kinh tế, làm mất hình ảnh quốc gia.... có nguyên nhân không nhỏ từ thực phẩm bẩn. Vấn nạn thực phẩm bẩn đã đẩy người dân vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: không ăn thì không thể tồn tại, ăn thì phó mặc may rủi cho số phận, bệnh đến lúc nào biết lúc ấy”, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) lo ngại.
Danh từ “thực phẩm bẩn” được nhắc tới rất nhiều nhưng cũng không ít người băn khoăn, thế nào mới được gọi là thực phẩm bẩn và liệu có quy chuẩn nào để phân biệt loại thực phẩm đó bẩn hay sạch?
Tại cuộc họp báo thông tin về kế hoạch triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2016 mới đây, khi được hỏi về tiêu chí để xác định thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn, ông Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định, khái niệm thực phẩm bẩn chỉ là cách nói miệng, còn trong văn bản không có khái niệm thực phẩm bẩn, chỉ có thực phẩm không an toàn.
“Với mỗi loại thực phẩm sẽ có một tiêu chuẩn, quy chuẩn riêng. Ví dụ, thực phẩm A ngoài những thành phần dinh dưỡng còn có những thành phần về hóa học, vi sinh… để căn cứ vào đó xác định thực phẩm đó có an toàn hay không. Đơn cử như măng mà ngâm chất vàng ô là không an toàn. Chất này đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quy định là chất cấm… cứ sử dụng là vi phạm quy định”, ông Long cho biết.
Trông người mà ngẫm đến ta...
Một trong những nguyên nhân khiến thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn trôi nổi trên thị trường vẫn gây bức xúc trong dư luận là do sự thiếu đồng bộ, quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng. Phó Cục trưởng Nguyễn Hùng Long thừa nhận, thực tế tại nhiều địa phương cho thấy, cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thực hiện thanh kiểm tra nhiều nhưng xử lý ít, xử lý không dứt điểm những cơ sở sản xuất thực phẩm không an toàn. Vì vậy đã để xảy ra hiện tượng thực phẩm bẩn gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng, gây tâm lý hoang mang cho người dân.
Tại nhiều nước, các cơ quan chính phủ sẽ chịu trách nhiệm đặt ra các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, tiến hành thanh tra nhằm đảm bảo các doanh nghiệp đáp ứng đúng các tiêu chuẩn an toàn và quan trọng là duy trì một chương trình thực thi pháp luật đủ mạnh để đảm bảo trừng phạt những ai đi ngược lại những chuẩn mực này.
Ở Mỹ, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA)đóng vai trò “nhạc trưởng” trong hệ thống an toàn thực phẩm. Cơ quan này là đầu mối phối hợp với các cơ quan chức năng khác tại Mỹ ngăn ngừa thực phẩm không an toàn xuất hiện trên bàn ăn của người dân ngay từ các nông trang và biên giới.
Theo cổng thông tin của FDA, cơ quan này là trung tâm điều phối hoạt động chống buôn lậu thực phẩm bẩn của Bộ Y tế và Các dịch vụ con người (HHS), Bộ An ninh nội địa (DHS), Cục Hải quan và Biên phòng (CBP) và Cục Kiểm soát nhập cư và Thuế quan (ICE) trực thuộc DHS. Sự phối hợp liên ngành này giúp ngăn ngừa việc buôn lậu thực phẩm bẩn dưới mọi mục đích, từ lợi ích kinh tế, trốn thuế, trốn thanh tra an toàn thực phẩm, hay thậm chí là một âm mưu đe dọa sức khỏe của người dân Mỹ, đe dọa an ninh của nước Mỹ. Luật FSMA cho phép FDA phối hợp với các lực lượng hải quan ngăn chặn thực phẩm không an toàn từ bên ngoài biên giới tuồn vào nước Mỹ qua mọi kênh.
Ngoài ra, FDA cũng tham gia vào hoạt động kiểm soát quy trình thực phẩm an toàn được thực hiện bởi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Sau khi tiến hành khảo sát và tham vấn hoạt động nông nghiệp ở các quy mô khác nhau, FDA đưa ra đề xuất xây dựng tiêu chuẩn sản xuất thịt, gia cầm và rau củ sạch trên toàn quốc, đồng thời yêu cầu USDA tiến hành thanh tra dựa trên tiêu chuẩn này.
Không giống như Việt Nam, tại nhiều nước châu Âu có hệ thống quản lý an toàn thực phẩm hiệu quả, cơ quan kiểm soát an toàn thực phẩm hoàn toàn tách bạch với cơ quan quản lý nhà nước hay cơ quan cố vấn. Như ở Thụy Điển, cơ quan chịu trách nhiệm an toàn thực phẩm là Cơ quan Thực phẩm Quốc gia (NFA) còn ở Anh là Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm (FSA). Những cơ quan này tại các nước đều hoạt động độc lập và không trực thuộc bộ nào để tăng tính hiệu quả.