Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Cơ Thạch (15/5/1921), Bộ Ngoại giao phối hợp với Nhà xuất bản Thông tấn (Thông tấn xã Việt Nam) biên soạn và xuất bản cuốn sách ảnh “Nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch”.
Cuốn sách gồm 4 phần gồm: quê hương - tuổi thơ (1921-1940); rèn luyện trong đấu tranh Cách mạng (1940-1954); nhà ngoại giao tài ba, nhà lãnh đạo bản lĩnh, sáng tạo (1954-1998); một nhân cách cao đẹp.
Cuốn sách ảnh song ngữ Việt - Anh gồm 212 trang, tập hợp khoảng 300 bức ảnh chân thực, sinh động từ kho tư liệu của Thông tấn xã Việt Nam, Bộ Ngoại giao và gia đình đồng chí Nguyễn Cơ Thạch cùng bài viết, lời bình ngắn gọn, súc tích.
Phần thứ nhất quê hương - tuổi thơ (1921-1940) đã miêu tả lại quê hương Nam Định – nơi đã sinh ra một Nguyễn Cơ Thạch khi nhỏ thì thông minh, chăm chỉ, lớn lên theo phong trào cách mạng, trở thành chiến sĩ kiên trung và khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới, lại bộc lộ là một nhà ngoại giao lỗi lạc và được nhiều bạn bè phương tây mệnh danh là “cáo hai đầu”.
Đồng chí Nguyễn Cơ Thạch, tên thật là Phạm Văn Cương, sinh ngày 15/5/1921, là người con thứ ba trong một gia đình nghèo có sáu người con. Thân sinh đồng chí là người thẳng thắn, hiền lành, thương người, hay giúp đỡ người nghèo nên được nhiều người yêu mến. Đức tính này đã có ảnh hưởng sâu đậm đến đồng chí Nguyễn Cơ Thạch.
Năm 1936, cao trào đấu tranh dân chủ, dân sinh diễn ra mạnh mẽ khắp cả nước và ở Nam Định. Năm 1937, ngay trong năm đầu học trường Thành Chung (nay là trường Trung học Phổ thông chuyên Lê Hồng Phong) ở Nam Định, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đã tham gia các hoạt động hướng đạo sinh, gia nhập Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương.
Những năm sau đó, hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch được miêu tả rõ nét trong phần 2, rèn luyện trong đấu tranh cách mạng (1940-1954). Khi lực lượng cách mạng tại Nam Định rút vào hoạt động bí mật và phát huy hiệu quả thì bị Pháp phát hiện, hàng loạt cán bộ chủ chốt bị địch bắt. Tháng 5/1940, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch bị bắt giam tại nhà tù Nam Định, bị tra tấn dã man và kết án 5 năm tù khổ sai.
Trong cảnh tủ đày khắc nghiệt, đồng chí luôn giữ vững ý chí của người cộng sản và biến nhà thù thành trường học cách mạng. Đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đã cùng các đồng đội tổ chức nhiều lớp học chính trị về Mác-Lênin, về đường lối cách mạng Việt Nam và công tác vận động quần chúng; tham gia biên chép và làm họa sĩ cho tờ báo “Suối reo”. Năm 1943, ngay trong nhà tù Sơn La, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc đời của người chiến sĩ cộng sản kiên trung Nguyễn Cơ Thạch.
Tháng 8/1945, ngay sau khi ra khỏi nhà tù và trở về Nam Định, đồng chí đã lãnh đạo tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở xã Liên Minh và phủ Nghĩa Hưng (nay là huyện Ý Yên), Nam Định, góp phần vào thành công của Tổng khởi nghĩa tại quê nhà.
Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Lúc này, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch (bí danh là Bế Văn Quý) được phân công làm Chánh Văn phòng Quân ủy Trung ương, Bí thư Đảng ủy các cơ quan Bộ Quốc phòng và Tổng Tư lệnh.
Trong thời gian này, đồng chí nhiều lần được làm việc và tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh, và vinh dự sinh hoạt trong cùng Chi bộ với Người. Từ năm 1947, đồng chí là Bí thư của đồng chí Võ Nguyên Giáp. Có lẽ, thời gian thường xuyên làm việc dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Võ Nguyên Giáp đã giúp đồng chí Nguyễn Cơ Thạch tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu, học tập và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác đối ngoại sau này.
Cuốn sách cũng khắc họa rõ nét những bước phát triển, sự trưởng thành của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch qua các vị trí Phó Bí thư rồi Quyền Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Hà Đông, Ủy viên Đảng đoàn và Ủy viên Ủy ban Kháng chiến Hành chính Liên khu 3, Bí thư Đảng ủy các cơ quan của Liên khu 3, Giám đốc Sở Tài chính Liên khu.
Sau khi Hiệp định Geneva được ký kết, đất nước bước vào thời kỳ mới: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch chuyển sang một giai đoạn mới – trở thành nhà ngoại giao.
Chính vì vậy, bước sang phần 3, cuốn sách ảnh đã tái hiện lại hình ảnh một Nguyễn Cơ Thạch là nhà ngoại giao tài ba, nhà lãnh đạo bản lĩnh, sáng tạo (1954-1998).
Giai đoạn từ năm 1954-1975, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đã có những đóng góp triển khai chính sách đối ngoại trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Sau ngày giải phóng thủ đô, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch được cử về công tác tại Bộ Ngoại giao – một lĩnh vực hết sức mới mẻ với cương vị Chánh Văn phòng Bộ và từ đó gắn bó với ngành Ngoại giao.
Năm 1956, đồng chí được cử làm Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Ấn Độ. Tại đây, đồng chí chủ động nghiên cứu một cách độc lập các vấn đề nổi lên trong quan hệ quốc tế, trên cơ sở thu thập thông tin từ sở tại và Cơ quan đại diện các nước tại Ấn Độ để báo cáo Lãnh đạo Bộ Ngoại giao.
Kết thúc nhiệm kỳ tại Ấn Độ về nước, đồng chí được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, tham gia Hội nghị Geneva về Lào; Tham gia đàm phán và thi hành Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam; Tăng cường quan hệ với các nước láng giềng, các nước xã hội chủ nghĩa và hình thành mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam.
Đất nước thống nhất, giai đoạn 1975-1991 là một trong những thời kỳ khó khăn nhất của ngoại giao Việt Nam khi nước ta bị rơi vào thế bao vây, cấm vận. Lúc này, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đã có những đóng góp quan trọng trong đoàn kết và hợp tác ba nước Đông Dương; Tăng cường hợp tác toàn diện với Liên Xô; Khôi phục quan hệ láng giềng hữu nghị với Trung Quốc; Thúc đẩy đối thoại với các nước ASEAN; Củng cố quan hệ với các nước Xã hội chủ nghĩa và các bạn bè khác; Tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Mỹ và mở rộng quan hệ với các nước tư bản phát triển khác; Phát huy vai trò của Việt Nam tại Liên hợp quốc, diễn đàn không liên kết và các diễn đàn quốc tế khác; Giải quyết vấn đề Campuchia, phá bao vây, cấm vận; Tham mưu đánh giá tình hình, đóng góp vào đổi mới đường lối đối ngoại; hoạch định chính sách đổi mới về kinh tế.
Sau khi nghỉ hưu, theo phân công của Bộ Chính trị, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch tiếp tục tập trung tổng kết công tác ngoại giao, nghiên cứu chiến lược đối ngoại và kinh tế thế giới. Đồng chí đã tổng kết nhiều bài nghiên cứu có giá trị về các xu thế phát triển của thế giới, các tác động và định hướng phát triển của Việt Nam.
Cũng trong phần 3, song hành cũng đóng góp vào hoạt động đối ngoại của đất nước, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch luôn coi trọng công tác xây dựng Ngành, đặc biệt là công tác cán bộ, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đã khởi xướng việc đổi mới công tác xây dựng ngành Ngoại giao ngang tầm với nhiệm vụ chính trị.
Dù bận nhiều công tác đối ngoại, đồng chí vẫn dành nhiều tâm huyết và thời gian để triển khai xây dựng nền tảng cơ bản về tổ chức, phương pháp, lề lối làm việc và đào tạo đội ngũ cán bộ, góp phần quan trọng vào sự trưởng thành và lớn mạnh của ngành Ngoại giao ngày nay. Các chủ trương mang tính sáng tạo của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch về công tác này đến nay vẫn mang tính thời sự, thể hiện tầm nhìn vượt thời gian.
Phần cuối cùng, cuốn sách ảnh đã tổng kết về đồng chí Nguyễn Cơ Thạch - người có một nhân cách cao đẹp. Truyền thống quê hương, gia đình và quá trình nỗ lực rèn luyện qua nhiều khó khăn, thử thách trong cuộc đời tham gia cách mạng, phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân đã tạo nên một nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch khí phách và bản lĩnh.
Với hơn 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đã để lại một dấu ấn khó quên, nhất là trong quãng thời gian đảm nhiệm trọng trách tư lệnh ngành Ngoại giao trong thập niên 1980 – được xem là giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam hiện đại khi bối cảnh quốc tế của đất nước gặp nhiều khó khăn, thử thách.
Nghiêm khắc và đòi hỏi cao trong công việc, nhưng trong cuộc sống, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch là người giản dị, thanh bạch, tình nghĩa, hết lòng quan tâm giúp đỡ mọi người.
Trong trí nhớ và ấn tượng của nhiều đồng chí, đồng nghiệp, bạn bè trong nước và quốc tế và cả những đối thủ trên mặt trận đối ngoại, bên cạnh là một nhà ngoại giao tài ba, nhạy bén, sắc sảo và sáng tạo, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch còn là có một người anh, người bạn, người đồng chí với trái tim chân thành, tính cách cởi mở, hòa đồng và gần gũi.
Đối với gia đình, đồng chí là người thủy chung, sống trọn đạo nghĩa vợ chồng; là người cha mẫu mực và nghiêm khắc trong rèn luyện và nuôi dạy các con; là người ông nhân hậu của các cháu. Lúc sinh thời, đồng chí luôn khuyến khích con tự rèn luyện, tự lập để bước đi trên đôi chân của mình.
Trong lễ truy tặng Huân chương Sao Vàng – phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước cho đồng chí Nguyễn Cơ Thạch ngày 15/1/2007, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã phát biểu: “Suốt hơn 60 năm hoạt động cách mạng, với phẩm chất của một chiến sĩ cộng sản ưu tú, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đã dành cả cuộc đời mình chiến đấu không mệt mỏi cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân. Đồng chí xứng đáng là người con xuất sắc của ngành Ngoại giao, nhà lãnh đạo xuất sắc, góp phần to lớn đưa ngành Ngoại giao đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác cùng với nhân dân cả nước".
Cuốn sách ảnh “Nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch” đã khắc họa phần nào chân dung cuộc đời, sự nghiệp và con người đồng chí Nguyễn Cơ Thạch từ khi sinh ra và lớn lên, trải qua những năm tháng hoạt động cách mạng tù đày, gian khổ, trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp, giữ những vị trí quan trọng và có nhiều đóng góp trên các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực ngoại giao.
Đây là sự tri ân những công lao đóng góp của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, qua đó góp phần tăng cường giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ, nhất là cán bộ Ngoại giao.