Các ứng cử viên trong cuộc bầu cử Chủ tịch Đảng LDP. (Nguồn: The Asahi Shimbun) |
Nóng là bởi đảng này đang cùng đảng Công minh (Komeito) cầm quyền, trong đó LDP đóng vai trò chủ chốt và có số ghế áp đảo (258/465). Do đó, người chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu nội bộ gần như chắc chắn sẽ kế nhiệm Thủ tướng Kishida Fumio, ít nhất là cho đến cuộc tổng tuyển cử tiếp theo.
Đến thời điểm hiện tại, nhiều gương mặt tiềm năng đã xuất hiện, nhưng chính trị gia nào có thể nở nụ cười cuối cùng trong cuộc đua được đánh giá khó dự đoán nhất trong nhiều năm nay?
Bối cảnh mới
Theo lịch trình, bầu cử toàn quốc tại Nhật Bản sẽ không diễn ra cho đến cuối năm 2025. Tuy nhiên, hàng loạt vấn đề phát sinh đang đẩy nhanh quá trình này. Trong nội bộ LDP, nhiều thành viên đảng bị phát hiện đã vận động và sử dụng quỹ chính trị bất hợp pháp, dẫn đến sự giải tán của một số phái lớn trong nội bộ LDP.
Đáng chú ý hơn cả, ông Kishida Fumio tuyên bố không tranh cử vị trí Chủ tịch đảng. Khi ấy, người kế nhiệm ông sẽ đương đầu với khó khăn chưa từng có sau hơn sáu thập kỷ cầm quyền của LDP: Dân số già hóa nhanh, sản xuất trì trệ, kinh tế bước vào suy thoái kéo dài, lạm phát cao và thu nhập giảm.
Đáng ngại hơn, 60% người dân cho biết họ không ủng hộ bất kỳ đảng phái nào. Tháng Sáu vừa qua, tỷ lệ ủng hộ của LDP chạm mức thấp nhất trong 100 năm. Do đó, có nhận định cho rằng dù kết quả bầu cử nội bộ có ra sao, người chiến thắng sẽ tổ chức tổng tuyển cử trong năm nay để duy trì vị thế của đảng.
Thực trạng này đòi hỏi tân Chủ tịch đảng có khả năng chèo lái con thuyền LDP trước cơn gió mạnh từ đảng Dân chủ Lập hiến (CDP) và từ dư luận trong nước về các bê bối nội bộ, suy thoái kinh tế, cũng như một số vấn đề an sinh - xã hội hiện nay.
Đồng sàng dị mộng
Trong bối cảnh đó, ông Ishiba Shigeru, 67 tuổi, nguyên Tổng Thư ký LDP và nguyên Bộ trưởng Quốc phòng đang tỏ ra chiếm ưu thế. Đây là lần thứ năm ông tranh cử vị trí chủ tịch đảng LDP. Ông ủng hộ tăng lương để giải quyết tình trạng sinh hoạt phí cao, miễn thuế một số hàng hóa để hỗ trợ người có thu nhập thấp và ủng hộ chính sách tăng lãi suất tiệm tiến của Ngân hàng Trung ương.
Chính trị gia này đề xuất thiết lập cơ quan quản lý thiên tai riêng để xây dựng hầm trú ẩn, cải thiện tình trạng của quân nhân để bảo đảm lực lượng phòng vệ quốc gia. Ông là ứng cử viên duy nhất kêu gọi Nhật Bản chuyển đổi từ sử dụng năng lượng hạt nhân sang năng lượng tái tạo và ủng hộ thay đổi Hiến pháp, cho phép nước này có nữ Nhật hoàng.
Một ứng cử viên nổi bật khác là bà Takaichi Sanae, 63 tuổi, Bộ trưởng Kinh tế. Từng đối đầu ông Kishida trong cuộc đua năm 2021, với lập trường thiên hữu bảo thủ như ủng hộ cải tổ Hiến pháp. Bà cho biết ưu tiên tăng trưởng kinh tế để cải thiện vị thế của Nhật Bản trên trường quốc tế, cho rằng cần có “chi tiêu chiến lược” để thúc đẩy tỷ lệ việc làm và tiêu dùng. Năm 2016, bà từng gây tranh cãi khi kêu gọi chính phủ thu hồi giấy phép của các hãng truyền thông nếu có hoạt động định hướng chính trị.
Trong khi đó, ông Koizumi Shinjiro, nguyên Bộ trưởng Môi trường, cũng được kỳ vọng làm nên chuyện. Tốt nghiệp Đại học Columbia (Mỹ) và là người trẻ nhất trong các ứng cử viên của cuộc bỏ phiếu lần này, con trai cựu Thủ tướng Koizumi Juniichiro nhận được ủng hộ mạnh mẽ từ phụ nữ và giới trẻ, và là “làn gió mới”.
Ông khẳng định đẩy nhanh việc triển khai chính kinh tế của Thủ tướng Kishida nhằm thích ứng với sự phát triển của công nghệ, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), cam kết thay đổi thị trường taxi Nhật Bản, hỗ trợ thu nhập cho những hộ thu nhập thấp, thúc đẩy tăng lượng ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ, song tạo điều kiện để doanh nghiệp sa thải nhân viên dễ dàng hơn. Chính trị gia này ủng hộ điều chỉnh Hiến pháp và sớm tổ chức tổng tuyển cử. Nếu chiến thắng, ông sẽ là Thủ tướng Nhật Bản trẻ nhất trong tám thập kỷ qua.
Một số ứng cử viên khác cùng tham gia cuộc đua là ông Motegi Toshimitsu, 68 tuổi, Tổng thư ký LDP; bà Kamikawa Yoko, 71 tuổi, Ngoại trưởng; ông Kono Taro, 61 tuổi, nguyên Ngoại trưởng, hiện là Bộ trưởng Cải cách số; ông Kobayashi Takayuki, 49 tuổi, cựu Bộ trưởng An ninh Kinh tế; ông Kato Katsunobu, 68 tuổi, Bộ trưởng Y tế và Lao động và ông Hayashi Yoshimasa, 63 tuổi, Chánh văn phòng Nội các.
Một mặt, chuyên gia Đông Bắc Á, cựu Đại sứ New Zealand tại Hàn Quốc Philip Turner đánh giá sự thay đổi trong LDP chỉ tập trung vào phong cách lãnh đạo và khó có thể mang đến thay đổi lớn tới tình hình hiện nay. Mặt khác, với bề dày kinh nghiệm phong phú và lập trường chính trị đa dạng, các ứng cử viên chủ chốt vẫn có thể đem tới những điều chỉnh cần thiết với LDP và Nhật Bản ở thời điểm hiện tại.
Cờ về tay ai?
Dự kiến, trong ngày 27/9, 368 nghị sĩ đảng LDP thuộc lưỡng viện và 368 đảng viên LDP từ khắp đất nước sẽ bầu chủ tịch đảng. Nếu không có ai giành đa số tuyệt đối (trên 50% số phiếu), hai ứng cử viên có số phiếu cao nhất sẽ tham gia vòng bỏ phiếu thứ hai, tổ chức cùng ngày. Ở vòng này, số phiếu của các nghị sĩ không đổi, song chỉ có 47 thành viên đảng, đại diện cho các tỉnh của Nhật Bản, tham gia bỏ phiếu.
Theo khảo sát của báo Asahi Shimbun (Nhật Bản), ông Ishiba đang chiếm ưu thế. Dù mới có khoảng 30 các nghị sĩ ủng hộ, song ông lại được đánh giá cao từ đảng viên LDP địa phương. Có tới 26% số người được hỏi cho rằng chính trị gia này là “người phù hợp nhất” cho vị trí tân Chủ tịch LDP.
Trong khi đó, sau giai đoạn đầu “bùng nổ”, ông Koizumi, có dấu hiệu chững lại, khi chỉ có 21% sự ủng hộ và chưa có nhiều sự ủng hộ từ các đảng viên LDP địa phương. Bù lại, chính trị gia này nhận được tới sự ủng hộ của hơn 50 nghị sĩ - đây có thể là chìa khóa để ông giành chiến thắng cuối cùng. Tuy nhiên, kịch bản chỉ có thể xảy ra nếu ông lọt vào vòng bỏ phiếu tiếp theo. Bà Takaichi hiện nhận được sự ủng hộ của khoảng 30 nghị sĩ với tỷ lệ ủng hộ 11% hoàn toàn có thể làm nên điều bất ngờ.
Ở thời điểm hiện tại, sự cân nhắc của các nghị sĩ, đảng viên LDP không chỉ là câu chuyện ổn định nội bộ, mà còn có đủ uy tín để chiến thắng cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Đây có thể là yếu tố quan trọng trong sự lựa chọn của họ với vị trí Chủ tịch đảng. Điều này sẽ khiến cuộc chạy đua lần này vào vị trí chủ tịch đảng LDP và theo đó, chiếc ghế Thủ tướng Nhật Bản, trở nên cam go hơn bao giờ hết.