Nhỏ Bình thường Lớn

Cuộc thi viết 'Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường năm 2023': Ghi chép lại những điều tử tế

Chiều 9/10, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức Lễ phát động cuộc thi viết Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường năm 2023.
Phát động cuộc thi viết Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường năm 2023
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại Lễ phát động cuộc thi viết Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường năm 2023.

Là nơi để các thế hệ học trò tri ân thầy cô

Tại Lễ phát động, Thứ trưởng GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, nghề “dạy chữ, dạy người” là nghề cao quý, không chỉ dạy bằng kiến thức mà còn dạy bằng cả nhân cách, trí tuệ của mình.

Thứ trưởng nhấn mạnh: “Giáo viên là người trực tiếp tạo ra sản phẩm giáo dục, do đó các thầy cô phải có đủ đức, đủ tài, phải trở thành tấm gương tốt và được xã hội tôn vinh. Đây cũng là điều mà nhiều tác giả đã gửi gắm, chia sẻ trong các tác phẩm của mình. Những giá trị tốt đẹp đó qua mỗi năm tổ chức Cuộc thi đều được lan tỏa, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc”.

Cuộc thi năm nay sẽ là nơi để các thế hệ học trò chia sẻ, tri ân các thầy cô. Những hình ảnh đẹp trong mỗi tác phẩm sẽ được nhân rộng, lan tỏa. Với sự đón nhận, hưởng ứng đối với cuộc thi, hình ảnh mái trường và các thầy, cô giáo sẽ để lại ấn tượng đẹp đẽ, sâu sắc; trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ học sinh và các tầng lớp nhân dân, tạo hiệu ứng xã hội tích cực với cái nhìn bao quát hơn về những hy sinh lặng thầm của các nhà giáo, đặc biệt trong bối cảnh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Phát động cuộc thi viết Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường năm 2023
Các đại biểu tham dự Lễ phát động.

"Cuộc thi chính là cuộc ghi chép lại những điều tử tế"

Tại Lễ phát động, Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái cho hay, những kỷ niệm về mái trường thân yêu, trong đó có kỷ niệm về các thầy cô trong gần 80 năm qua, kể từ ngày khai giảng đầu tiên năm 1945 đến nay là "kho báu" khổng lồ của những điều tốt đẹp và tử tế.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái khẳng định, cuộc thi không phải để thi thố về văn chương mà là cuộc ghi chép lại những điều tử tế, hy sinh có thực trong đời sống của nhà trường, giáo dục. Không cần phải là một nhà văn, mỗi thầy cô, mỗi em học sinh hãy viết về kỷ niệm ở thế hệ của mình. Không cứ là nhân vật điển hình, chỉ cần những thầy cô bình dị, chúng ta sẽ có hàng triệu tượng đài bằng chữ viết - những tượng đài có thật sẽ dựng lên bền vững trong trái tim mình, trong trái tim mọi người.

Cuộc thi tổ chức từ năm 2011 với tên gọi “Những kỷ niệm sâu sắc về giáo viên chủ nhiệm và công tác chủ nhiệm lớp”. Bắt đầu từ năm 2018, cuộc thi mang tên “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” được tổ chức thường niên. Báo Giáo dục và Thời đại là đơn vị thường trực tổ chức.

Cuộc thi ghi nhận, tôn vinh những thầy giáo, cô giáo có thành tích, việc làm tốt đẹp, đóng góp tích cực cho công cuộc đổi mới giáo dục; những cơ sở giáo dục có nhiều đổi mới, sáng tạo trong dạy học, giáo dục học sinh; lan tỏa những tình cảm tốt đẹp của học sinh, sinh viên, cha mẹ học sinh đối với thầy cô, mái trường. Bên cạnh đó, cuộc thi động viên, khuyến khích các thầy cô giáo vượt qua khó khăn, tiếp tục có những cống hiến cho ngành Giáo dục và xã hội.

Trong số đại diện các học sinh, sinh viên phát biểu hưởng ứng cuộc thi, bạn Nguyễn Thị Trang, sinh viên K25, Học viện Ngân hàng chia sẻ, đây là cuộc thi rất có ý nghĩa để các thế hệ học trò có cơ hội bày tỏ những tình cảm của mình về thầy cô, về mái trường thân yêu, qua đó, giúp học sinh, sinh viên thêm hoàn thiện bản thân và hướng tới vẻ đẹp “chân - thiện - mỹ” toàn diện.

Phát động cuộc thi viết Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường năm 2023
Nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại công bố thể lệ cuộc thi.

Theo đó, thể lệ cuộc thi như sau:

Nội dung các tác phẩm dự thi:

Tác phẩm dự thi tập trung vào những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường, cụ thể như sau:

- Những ấn tượng sâu sắc về thầy, cô giáo mà tác giả yêu quý, ngưỡng mộ hoặc những tác động, ảnh hưởng đặc biệt của thầy, cô giáo tới việc học tập, nhận thức, làm thay đổi cuộc sống của cá nhân tác giả (hoặc bạn bè, người thân tác giả).

- Những tình huống sư phạm tiêu biểu, điển hình và cách giải quyết các tình huống của thầy cô giáo mà tác giả đã từng gặp hoặc trải qua, thể hiện năng lực nghề nghiệp, khả năng sáng tạo cũng như tình cảm của thầy cô giáo đối với học sinh, đối với nghề.

- Những kỷ niệm, những ấn tượng, tình cảm gắn bó sâu sắc đối với ngôi trường mà tác giả hoặc bạn bè, người thân của tác giả đã và đang theo học.

Đối tượng tham gia là công dân Việt Nam, có tác phẩm phù hợp với thể lệ của cuộc thi. Những thành viên tham gia Ban Tổ chức và Ban Giám khảo của cuộc thi không được gửi tác phẩm tham dự cuộc thi.

Thể loại và hình thức trình bày:

Các tác phẩm dự thi viết bằng tiếng Việt, thể hiện dưới hình thức văn xuôi, mỗi tác phẩm tối thiểu 500 từ (hình ảnh, video minh họa kèm theo nếu có).

Các tác phẩm dự thi có thể viết tay hoặc đánh máy, trình bày rõ ràng trên một mặt giấy khổ A4, cỡ chữ 14, font chữ Times New Roman.

Thông tin về tác giả và tác phẩm dự thi ghi rõ trên trang đầu tiên của tác phẩm dự thi. Các thông tin bắt buộc, bao gồm: họ và tên, nơi công tác, địa chỉ liên hệ, số điện thoại; thông tin về nhân vật trong tác phẩm.

Các tác phẩm dự thi chưa đăng tải trên sách báo, chưa công bố trên bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào hoặc gửi dự thi ở các cuộc thi khác do Bộ, Ngành trung ương tổ chức tính đến ngày gửi đến Ban Tổ chức. Tác giả dự thi phải bảo đảm và chịu trách nhiệm về tính chân thực, chính xác về nhân vật và nội dung bài dự thi của mình.

Các tác phẩm được chọn để xét trao giải thưởng phải đảm bảo tính chân thực, chính xác. Có định hướng tư tưởng, chính trị đúng đắn; có tác động tích cực tới độc giả về tình cảm, cảm xúc, góp phần nâng cao niềm tự hào, mến yêu của học sinh, sinh viên đối với thầy giáo, cô giáo và nhà trường. Được trình bày sạch sẽ, diễn đạt mạch lạc, khúc triết, văn phong trong sáng, hấp dẫn.

Cơ cấu và giá trị giải thưởng:

Ban tổ chức trao 2 giải tập thể; 2 giải Nhất; 4 giải Nhì; 6 giải Ba; 10 giải Khuyến khích; 2 Giải dành cho Nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải; Giải thưởng phụ do Ban tổ chức cuộc thi xem xét, quyết định, tùy tình hình thực tế của mỗi năm tổ chức.

Số lượng và thời hạn nhận tác phẩm thi:

Không hạn chế số lượng tác phẩm dự thi của mỗi tác giả.

- Thời hạn nhận tác phẩm dự thi: từ ngày phát động cuộc thi cho đến hết ngày 30/11/2023.

Địa chỉ nhận bài dự thi:

Tác phẩm dự thi gửi về email: cuocthi.gdtd@gmail.com.

Thông tin chi tiết liên hệ: Phòng trị sự, Báo Giáo dục và Thời đại; Số điện thoại: 02439.369.802

TS. Trần Quốc Trung: Chuyển đổi số báo chí nhìn từ sức mạnh kể chuyện bằng hình ảnh

TS. Trần Quốc Trung: Chuyển đổi số báo chí nhìn từ sức mạnh kể chuyện bằng hình ảnh

TS. Trần Quốc Trung cho rằng, trong tiến trình chuyển đổi số báo chí, muốn tạo ra nội dung hấp dẫn có thể bắt kịp ...

Trung thu cho trẻ con, Trung thu cho người lớn

Trung thu cho trẻ con, Trung thu cho người lớn

Có lẽ, Tết Trung thu là thời điểm mà cả người lớn lẫn trẻ con đều mong chờ trong năm. Từ ngàn xưa, Trung thu ...

Để mọi trẻ em đều thực sự tận hưởng Tết Trung thu

Để mọi trẻ em đều thực sự tận hưởng Tết Trung thu

Tết Trung thu là dịp để giáo dục trẻ về vốn sống, văn hóa, cũng là dịp để mỗi người học cách sống chậm lại...

Thay đổi quan niệm về sự thành công giúp đứa trẻ hạnh phúc hơn

Thay đổi quan niệm về sự thành công giúp đứa trẻ hạnh phúc hơn

Theo PGS. TS. Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, việc thay đổi quan niệm ...

TS. MC Trịnh Lê Anh: Ứng xử trực tuyến, cần đặt câu hỏi đã có trách nhiệm và đúng đạo đức?

TS. MC Trịnh Lê Anh: Ứng xử trực tuyến, cần đặt câu hỏi đã có trách nhiệm và đúng đạo đức?

TS. MC Trịnh Lê Anh (Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, khi thực hiện ứng xử trực tuyến, hãy ...