📞

Cựu chiến binh Việt – Mỹ cùng chia sẻ sau chiến tranh

17:23 | 15/03/2016
Các cựu chiến binh Việt Nam và Đoàn Cựu chiến binh Mỹ vì Hòa bình vừa có cuộc gặp gỡ và trao đổi thân mật trong cuộc tọa đàm được tổ chức ngày 15/3, tại Hà Nội..
.
Các cựu chiến binh Việt Nam và Mỹ tại buổi Tọa đàm (Ảnh: T.T)

Tọa đàm “Quan hệ Việt – Mỹ, vai trò cựu chiến binh trong quá trình hòa giải, những thách thức đang tồn tại vấn đề bom mìn, chất độc màu da cam, vấn đề an ninh khu vực – tình hình biển Đông” do Hội Việt – Mỹ và Đoàn Cựu chiến binh Mỹ vì Hòa bình, chi nhánh 160 (VFP 160) tổ chức nhằm mục đích tăng cường hiểu biết và hợp tác giữa nhân dân hai nước. Tham dự tọa đàm có Lãnh đạo Hội Việt - Mỹ, đại diện Ban đối ngoại Trung ương, Hội cựu chiến binh Việt Nam, cùng  đại diện của một số tổ chức phi chính phủ (NGO), doanh nghiệp Mỹ và một số bạn bè Mỹ tại Việt Nam.

Phát biểu tại đây, ông Chuck Searcy, Phó Chủ tịch VFP 160 tại Việt Nam nhấn mạnh: “Tất cả chúng ta đã từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam, nhưng hôm nay gặp nhau ở đây là những người bạn, đến với nhau vì hòa bình, hữu nghị hợp tác và cùng nhau tiếp tục công việc hòa giải, hàn gắn vết thương chiến tranh để lại”. Ông cho biết, sau khi chiến tranh kết thúc, nhiều cựu binh Mỹ đã trở lại Việt Nam với nhiều hoạt động có ý nghĩa với mong muốn để chia sẻ và giảm đi nỗi đau của người dân Việt Nam.

Hoan nghênh các cựu chiến binh Mỹ trở lại Việt Nam, ông Nguyễn Tâm Chiến Chủ tịch Hội Việt - Mỹ cho rằng, cuộc gặp gỡ sẽ giúp cựu chiến binh hai nước có sự thông cảm và chia sẻ lẫn nhau. Theo ông, chính phủ hai nước cần quan tâm đến những vấn đề tồn tại sau chiến tranh và hy vọng VFP 160 sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ là cánh chim hòa bình.

Buổi Tọa đàm đã nhận được nhiều chia sẻ của các cựu chiến binh Việt Nam. Điều mà họ quan tâm hiện nay là vấn đề bom mìn, vật nổ còn sót lại - những tội nhân thầm lặng giết chết hàng nghìn dân thường Việt Nam sau chiến tranh. Đặc biệt, dù Chính phủ Việt Nam đã làm việc với Mỹ để tìm kiếm những người lính mất tích trong chiến tranh nhưng hơn 300.000 quân nhân Việt Nam vẫn chưa được tìm thấy. Nhiều cựu binh Việt Nam mong muốn VFP 160 sẽ tiếp tục vận động các cựu binh Mỹ khác cung cấp hay gửi lại những di vật để có thể tìm được thông tin về họ.

Tại buổi tọa đàm, một số cựu binh Mỹ cũng tâm sự, khi trở về sau chiến tranh, sau những năm tháng dài, họ vẫn không thoát khỏi ác mộng hoặc tâm lý trở nên bất thường. Họ băn khoăn là những người lính Việt Nam có thực sự rộng lượng và bao dung đối với họ không? Bà Suzanne Lecht, Giám đốc nghệ thuật, người Mỹ, người đã sống ở Việt Nam 22 năm đã kể một kỷ niệm vào năm 1998, khi bà có dịp tham gia chương trình "Vietnam Challenge" - cuộc đi xe đạp xuyên Việt của cựu chiến binh khuyết tật Việt Nam và Mỹ tại Huế. Bà có dịp gặp và tiếp xúc với một cựu binh Việt Nam, khoảng 75 tuổi, là người khỏe nhất trong chuyến đi. Ông đã chia sẻ với bà rằng: “Trước khi tham gia chuyến đi, tôi thực sự rất căm ghét người Mỹ, căm ghét cựu binh Mỹ là những người đã đem chiến tranh đến đất nước chúng tôi, nhưng từ chuyến đi này tôi đã phải thay đổi suy nghĩ của mình”.

Không chỉ có cuộc gặp gỡ với cựu chiến binh, Đoàn VFP 160 sẽ ở lại Việt Nam tới ngày 30/3. Trong thời gian này, họ sẽ tham quan danh lam thắng cảnh, các địa điểm chiến trường xưa, thăm nạn nhân cùng một số cơ sở chăm sóc nạn nhân chất độc màu da cam và làm việc với Hội nạn nhân chất độc màu da cam tại Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Tp.Hồ Chí Minh…

Hội cựu chiến binh Mỹ vì hòa bình (Veterans For Peace - VFP) được thành lập năm 1985, tại tiểu bang Maine (Mỹ), bắt đầu từ sáng kiến của 10 cựu chiến binh Mỹ nhằm ủng hộ phong trào hòa bình và phản đối sự can thiệp quân sự của Mỹ vào công việc nội bộ của các nước khác.

Từ năm 2003, VFP quan tâm đến vấn đề ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin, trong đó có sáng kiến thành lập “Phong trào Cứu trợ và vận động trách nhiệm ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”, vận động bạn bè và nhân dân tiến bộ Mỹ tham gia.