Back to E-magazine
e magazine
15:00 | 18/07/2020
Cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius: Sống một giấc mơ

15:00 | 18/07/2020

TGVN. Trả lời phỏng vấn TG&VN nhân dịp kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ (1995-2020), cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius chia sẻ về cách ông đã, đang và sẽ tiếp tục sống giấc mơ của mình về đóng góp cho mối quan hệ đặc biệt này...
25 nam quan he viet nam my song mot giac mo

Cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius chia sẻ về cách ông đã, đang và sẽ tiếp tục sống giấc mơ về đóng góp cho quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ...

***

25 nam quan he viet nam my song mot giac mo

Ngày 11/7 đánh dấu 25 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ. Là một trong những nhà ngoại giao Mỹ đầu tiên tới Việt Nam năm 1996, ít lâu sau khi quan hệ ngoại giao được thiết lập, đồng thời là cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông có cảm nhận gì về cột mốc đáng nhớ này?

Trong giai đoạn 1975–1995, tiến trình hòa giải giữa Washington và Hà Nội tiến triển chậm. Vào ngày 11/7/1995, Hoa Kỳ và Việt Nam đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao toàn phần và dường như hai quốc gia sẽ có một khởi đầu mới. Khi đang học tiếng Việt để chuẩn bị cho nhiệm vụ mới tại Hà Nội, tôi đã hy vọng mình có thể đóng góp. Trong chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam, tôi biết rằng người dân nơi đây đã sớm bỏ lại hận thù ở phía sau và thay vào đó, mở rộng vòng tay, ngay cả đối với đại diện của Chính phủ đã tiến hành cuộc chiến tranh ác liệt trên đất nước họ. Mỗi lần tôi và các đồng nghiệp ngoại giao gặp gỡ những người mới, chúng tôi luôn cố gắng xây dựng thêm lòng tin cần thiết để tạo nên một mối quan hệ đối tác.

Năm 1997, khi tôi lần đầu đạp xe từ Bắc vào Nam, tôi đã chứng kiến cách mà người dân Việt Nam đã từng ngày xây dựng đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh thành một quốc gia hùng mạnh, thịnh vượng và người bạn độc lập của Hoa Kỳ. Ngay cả khi cuộc chiến đã để lại những vết sẹo lớn, nhưng chúng ta thẳng thắn nhìn nhận lịch sử, chúng ta hoàn toàn có cơ hội để thúc đẩy tiến trình hòa giải.

25 nam quan he viet nam my song mot giac mo

Người Việt và Mỹ, với bản tính kiên cường, đã quyết định đối mặt với quá khứ, thể hiện sự tôn trọng trước những người từng là đối thủ và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Họ học cách vun đắp lòng tin từng bước một. Giữa những năm 1990, tôi đã may mắn được biết một vài người hùng trong số đó như Thượng nghị sỹ John McCain, John Kerry, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch và Đại sứ Lê Văn Bàng. Tôi vinh hạnh được làm việc cùng một người hùng khác, Đại sứ Pete Peterson, người đã trải qua gần 7 năm trong nhà tù Hỏa Lò, chỉ để trở lại Hà Nội trên cương vị đại diện cá nhân của Tổng thống Bill Clinton.

Vì thế, với tôi, trở lại Việt Nam trên cương vị Đại sứ là giấc mơ thành sự thực. Tôi yêu lịch sử, ngôn ngữ, văn hóa và hơn cả, con người Việt Nam. Lúc đó, hai quốc gia đã xây dựng nền tảng vững chắc cho mối quan hệ mới và là Đại sứ, tôi rất hân hạnh vun đắp cho nền tảng này. Các nhà lãnh đạo tại Washington và Hà Nội mong muốn mối quan hệ đối tác mới này sẽ thành công và đã có bước đi thực chất. Người Mỹ và người Việt đã thúc đẩy tiến trình hòa giải khi cùng hành động trên nhiều lĩnh vực.

Trên cương vị Đại sứ, tôi vinh dự được chuẩn bị cho chuyến thăm năm 2015 tới Phòng Bầu dục của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tôi đã tháp tùng Tổng thống Obama trong chuyến thăm Việt Nam năm 2016 và tham dự đoàn tới New York, Washington năm 2017 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ba năm ấy là quãng thời gian tôi được sống giấc mơ của mình, và đây chắc chắn là đặc ân lớn nhất trong sự nghiệp ngoại giao của tôi.

25 nam quan he viet nam my song mot giac mo

Gần đây, quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam đã tiến triển nhanh chóng và toàn diện. Theo ông, đâu là yếu tố quan trọng khiến tiến trình này phát triển nhanh tới vậy chỉ sau 25 năm? Ông có thể chia sẻ tầm nhìn về mối quan hệ này?

Các chiến lược gia thường nói về lợi ích quốc gia chung. Nhà kinh tế bàn về thị trường chung. Sau ba thập kỷ nghiên cứu về những lợi ích chung dưới góc nhìn ngoại giao, tôi nhận ra rằng hòa giải là một thứ gì đó cơ bản hơn nhiều: nhân tính chung. Cùng nhau, người Việt và Mỹ có thể học cách để thấu hiểu và tôn trọng nhau hơn.

Nhưng chữa lành vết thương chưa bao giờ dễ dàng. Quá trình hòa giải đòi hỏi sự cần mẫn, dũng cảm, nhượng bộ và cả nhận thức về sự nhân văn của những anh chị em, bạn bè và người thân yêu tổn thương ở cả hai bên. Ngày qua ngày, trong 25 năm ròng rã, Việt Nam và Hoa Kỳ đã theo đuổi tiến trình ấy. Cùng nhau, chúng ta đã tìm thấy những gì còn sót lại của người đã khuất, rà phá và kích nổ bom mìn chưa nổ, và tẩy độc Chất độc màu ca cam. Từng bước, lòng tin song phương đã trở nên ngày một sâu sắc, cho phép chúng ta trở thành, nếu không phải đồng minh, thì cũng là đối tác kinh tế an ninh gần gũi.

Tuy nhiên, còn đó nhiều công việc chưa được giải quyết. Ngay cả khi Washington và Hà Nội đã hòa giải, ranh giới vẫn tồn tại. Cuộc chiến năm nào đồng thời là cuộc chiến tranh giành độc lập, đấu tranh vì lý tưởng và nội chiến. Do đó, tiến trình hòa giải cần được tiến hành, không chỉ giữa phe thắng bại, mà còn giữa phía Nam và phía Bắc, giữa những người Mỹ gốc Việt và người dân Việt Nam. Sự hòa giải giữa người Việt ở hải ngoại và quê hương bao gồm nhiều vấn đề cảm xúc sâu sắc như tôn trọng người đã khuất và thừa nhận những gì từng xảy ra trong quá khứ. Nó cũng phụ thuộc rất nhiều vào quan hệ giao lưu nhân dân: hoạt động trao đổi, giao lưu giữa giới doanh nghiệp, học sinh, khách du lịch và thân nhân.

Ngày nay, Việt Nam tham gia nhiều hoạt động hợp tác quân sự với Hoa Kỳ hơn bất kỳ quốc gia nào. Việt Nam đã hai lần đón tàu sân bay Hoa Kỳ cập cảng, và chiếc tàu lớn trong hạm đội của Việt Nam đến từ Hoa Kỳ. Việt Nam và Hoa Kỳ đang phối hợp trong giải quyết thách thức trên Biển Đông và Triều Tiên. Những hành động này thể hiện lòng tin và thúc đẩy quá trình hòa giải.

Chúng tôi chỉ có thể xây dựng lòng tin khi hoàn thành lời hứa. Hoa Kỳ từng cam kết với người dân Việt Nam rằng sẽ tẩy độc Chất độc màu da cam, do đó chúng tôi cần giữ lời hứa, dù nó có tốn kém hay mất nhiều thời gian. Khi đề nghị Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), chúng tôi đáng nhẽ cần tiếp bước họ. Đôi lúc, chúng tôi thất bại, nhưng luôn đứng dậy và bắt đầu lại.

Một mối quan hệ sâu sắc, mạnh mẽ và vững bền chỉ đến khi lòng tin được xây dựng, và điều đó đồng nghĩa với tìm kiếm điểm đồng lợi ích và cùng nhau theo đuổi. Nhiệm vụ của một nhà ngoại giao là tìm kiếm những lợi ích chung đó và biến nó thành cơ sở cho hành động của hai nước chúng ta.

25 nam quan he viet nam my song mot giac mo

Chúng tôi nhận ra rằng tìm kiếm giải pháp cho các thách thức môi trường, cải cách giáo dục, gìn giữ hòa bình hay y tế toàn cầu là cách để xây dựng lòng tin. Tôi cùng các cộng sự luôn tôn trọng lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam và thể hiện điều đó thông qua đối thoại chân thành, thẳng thắn, ngay cả trong những vấn đề có nhiều khác biệt nhất như quyền con người và tự do tôn giáo.

Sự tôn trọng và lòng tin – hai yếu tố then chốt cho tiến trình hòa giải – không phải là trò chơi có tổng bằng không hay mang tính đổi chác. Nền ngoại giao hiệu quả luôn xuất phát từ những mối quan hệ, không chỉ dựa vào tiền bạc hay sức mạnh -- tiến trình hòa giải cũng vậy. Thể hiện sự tôn trọng và xây dựng lòng tin như đã làm trong 25 năm qua, Hoa Kỳ và Việt Nam đã tạo nên một mối quan hệ mang lại lợi ích chung và lâu dài cho các bên. Sống dậy từ tro tàn của cuộc chiến, mối quan hệ của Hoa Kỳ với Việt Nam là rất đặc biệt. Tuy nhiên, thay đổi ngoạn mục từ đối thủ thành đối tác song phương, như ông Pete Peterson từng nói, cho thấy không gì là không thể.

25 nam quan he viet nam my song mot giac mo

Những hoạt động của ông, trước và sau nhiệm kỳ Đại sứ như đạp xe xuyên Việt, tháp tùng Tổng thống Bill Clinton trong chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam năm 2000, kêu gọi dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam và ủng hộ hợp tác giáo dục Việt Nam – Hoa Kỳ thông qua Đại học Fulbright, cho thấy Việt Nam dường như có một vị trí rất đặc biệt trong trái tim ông. Ông có điều gì muốn nói với người dân Việt Nam trong dịp kỷ niệm quan trọng này?

Ba thập kỷ công tác trong ngành ngoại giao dạy cho tôi rằng Hoa Kỳ có tầm ảnh hưởng rộng và khi chúng tôi thể hiện sự tôn trọng, điều đó có ý nghĩa rất lớn. Tại Việt Nam, thể hiện sự tôn trọng đồng nghĩa rằng tìm hiểu xem điều gì thực sự quan trọng đối với đối tác Việt Nam và có thái độ nghiêm túc khi nhắc tới vấn đề đó. Xây dựng lòng tin đòi hỏi quyết tâm và kiên nhẫn, song những gì nó mang lại là hoàn toàn xứng đáng. Quan hệ đối tác Việt Nam – Hoa Kỳ cung cấp những lợi ích thực chất, hữu hình cho cả hai quốc gia và thế giới. Nó tạo ra lợi ích về mặt kinh tế và việc làm, đóng góp cho ổn định khu vực và giúp chúng tôi giải quyết những thách thức toàn cầu liên quan tới sức khỏe con người, môi trường và an ninh quốc tế.

Thời gian công tác tại Google những ngày gần đây giúp tôi nhận ra rằng công nghệ có thể mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp Việt Nam và người dân trong đời sống hàng ngày. Dù là cho phép truy cập thông tin, phá vỡ rào cản về mặt địa lý tới nuôi dưỡng những doanh nghiệp nhỏ, thiết lập các tập đoàn công nghệ hay tìm hiểu về kỹ năng mới, cơ hội mà công nghệ mang lại là vô cùng rộng lớn. Suy cho cùng, sau 25 năm, đóng góp vào thành công phi thường của Việt Nam và tương lai đầy triển vọng cho người dân đất nước ấy vẫn là giấc mơ tôi đã, đang và sẽ tiếp tục sống.

25 nam quan he viet nam my song mot giac mo

Thực hiện: Quân Lưu

Ảnh: Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, Báo Thế giới & Việt Nam, TTXVN...

Đồ họa: Minh Nhật

Đọc thêm

Chữ ký tươi đặc biệt của Thủ tướng và 'mệnh lệnh dẫn đại bàng' sải cánh tới Việt Nam

Chữ ký tươi đặc biệt của Thủ tướng và 'mệnh lệnh dẫn đại bàng' sải cánh tới Việt Nam

Đại sứ Hoàng Anh Tuấn có mong muốn cháy bỏng đưa 'đại bàng' Mỹ tới Việt Nam để bứt tốc nền kinh tế.
Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ Đỗ Sơn Hải: Một Việt Nam không toan tính, chỉ là trái tim đủ lớn để… cho đi

Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ Đỗ Sơn Hải: Một Việt Nam không toan tính, chỉ là trái tim đủ lớn để… cho đi

Suốt cuộc trò chuyện, Đại sứ Đỗ Sơn Hải nhiều lần: Tôi nhấn mạnh, tôi khẳng định, tôi muốn nhắc lại… Đảng và Nhà nước khi cử hai đoàn cứu hộ sang giúp đỡ các bạn Thổ Nhĩ Kỳ sau thảm họa động đất hoàn toàn dựa trên tinh thần chia ngọt sẻ bùi mà không có bất kỳ một mục đích chính trị nào.
Cởi bỏ tâm lý đối phó, hãy viết câu chuyện hấp dẫn về Việt Nam!

Cởi bỏ tâm lý đối phó, hãy viết câu chuyện hấp dẫn về Việt Nam!

Một năm 2023 thành công của đối ngoại Việt Nam giúp Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cảm thấy an tâm về những thành quả của công tác thông tin đối ngoại. Tuy vậy, vẫn còn không ít bài toán cần tìm lời giải ở phía trước để những câu chuyện về Việt Nam đi sâu vào lòng người, chiếm trọn được trái tim của họ.
Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN và vấn đề quyền con người

Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN và vấn đề quyền con người

Cộng đồng ASEAN nói chung và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội nói riêng vừa là mục tiêu vừa là điều kiện thuận lợi giúp các nước ASEAN thúc đẩy tăng cường khả năng bảo vệ con người, nâng cao trình độ nhân quyền cho các công dân ASEAN, tạo ra bản sắc riêng của ASEAN: một Cộng đồng, một vận mệnh, thống nhất trong đa dạng.
Thế giới sẽ thế nào trong năm con rồng?

Thế giới sẽ thế nào trong năm con rồng?

Thế giới bước sang năm con rồng, với những thay đổi mang tính bước ngoặt có thể dự báo trước về địa chính trị và địa kinh tế. Những đột phá mới về khoa học - công nghệ cùng với quá trình toàn cầu hóa không thể đảo ngược sẽ giúp nền kinh tế thế giới vượt qua những “cơn gió ngược” và tiếp tục tạo động lực cho sự thay đổi tương quan quyền lực, đồng thời thúc đẩy sự chuyển dịch thế giới sang trật tự đa cực - đa trung tâm.
Lan toả mạnh mẽ hình ảnh một Việt Nam tiềm lực, vị thế và uy tín mới

Lan toả mạnh mẽ hình ảnh một Việt Nam tiềm lực, vị thế và uy tín mới

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về tới Hà Nội sáng 23/1, kết thúc rất tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos (WEF Davos 2024), thăm chính thức Hungary và Romania từ ngày 16-23/1/2024.