Trên thực tế, đã có gần 4.500 đặc khu kinh tế tại 140 quốc gia, với cơ chế, chính sách mở, thông thoáng và ưu đãi được áp dụng và phát triển đã thu được những thành công nhất định. Tuy nhiên, dù có chung công thức phát triển nhưng đến nay, mỗi nước đều đã tiến rất xa, để tạo lập những hình mẫu khác nhau. Hầu hết các quốc gia đều có luật điều chỉnh riêng cho thể chế kinh tế đặc biệt này, thậm chí có luật riêng áp dụng cho từng đặc khu. Từ đó, những điển hình thành công như đặc khu kinh tế Thâm Quyến (Trung Quốc), Dubai (UAE), Khu kinh tế tự do Incheon (Hàn Quốc)… ra đời.
Thành phố Thâm Quyến. |
Mỗi ngày một cao ốc, ba ngày một đại lộ
Ghi dấu ấn ngoạn mục cho sự “tăng trưởng thần kỳ” của Trung Quốc (TQ) vào những năm 80 thế kỷ XX là Thâm Quyến - đặc khu kinh tế được xem như hình mẫu cho đột phá thể chế, kiến tạo sự thịnh vượng và biểu tượng của TQ thời kỳ mở cửa. Sau này, nhiều quốc gia đang phát triển theo đuổi mô hình này để cải cách các chính sách kinh tế mở cửa.
Năm 1979, trước khi được chọn là nơi thử nghiệm các chính sách cải cách đột phá và mở cửa đón dòng vốn đầu tư nước ngoài, đặc khu kinh tế Thâm Quyến của TQ chỉ là một làng chài nhỏ nghèo bên cạnh Hongkong, với chỉ 30.000 dân. Hiện cái tên Thâm Quyến đã quá quen thuộc với hình ảnh siêu đô thị hiện đại và sàn chứng khoán lớn thứ ba châu Á, hơn 12 triệu dân và GDP nhiều hơn cả Bồ Đào Nha hay Ireland (294 tỷ USD năm 2016).
Là đặc khu đầu tiên của TQ, có thể ví Thâm Quyến như “phòng thí nghiệm” khổng lồ, nơi đầu tiên thử nghiệm các chính sách cải cách từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường, “mở cửa” hội nhập nhanh với thế giới. Tại đây, mọi ưu đãi cao nhất, linh hoạt nhất và tốt nhất đã được áp dụng, tạo nên những đột phá, biến Thâm Quyến thành một trong những thành phố sáng tạo nhất thế giới.
Đây chính là nơi đầu tiên áp dụng chính sách đất đai theo nguyên tắc thị trường, đổi đất xây dựng cơ sở hạ tầng, khuyến khích đầu tư (cả đầu tư nước ngoài) kể cả trong một số lĩnh vực nhạy cảm như dịch vụ vận tải biển. Tại đây, vấn đề hợp đồng lao động cũng được linh hoạt không phân biệt giữa lao động nhập cư hay lao động địa phương, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tại đặc khu kinh tế này, Bắc Kinh đã áp dụng các chính sách để phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao, xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), các “vườn ươm khởi nghiệp”. Các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này sẽ được hưởng ưu đãi 2 năm không phải đóng thuế thu nhập, giảm 50% cho 8 năm tiếp theo. Các doanh nghiệp mới được giảm 50% tiền đất. Ngoài ra, Thành phố còn trợ cấp 5 triệu Nhân dân tệ cho mỗi trung tâm nghiên cứu bằng tiền Trung ương và 3 triệu Nhân dân tệ bằng tiền của thành phố. Thâm Quyến cũng thông qua thị trường chứng khoán của riêng đặc khu giúp các doanh nghiệp nội địa có thể dễ dàng tự chủ về nguồn vốn để phát triển.
Điều ấn tượng nhất ở Thâm Quyến chính là những văn phòng mở cửa 24/24h. 8h-18h ban ngày để buôn bán với các nước đông bán cầu, từ 18h đến 6h sáng hôm sau để xuất nhập khẩu với các nước Tây bán cầu như Mỹ, Canada, và các nước Mỹ Latin. Khẩu hiệu nổi tiếng “mỗi ngày xây một cao ốc, ba ngày làm một đại lộ”, đủ cho thấy sự nhanh nhạy, linh hoạt và năng động ở khu vực đặc biệt này.
Sau thành công này, TQ cũng đã nhân rộng ra nhiều nơi, nhưng đến nay, nền kinh tế thứ hai thế giới đã điều chỉnh chính sách, tập trung vào một số khu vực với chính sách mở cửa, đột phá và tự do hơn trước, như đặc khu mới Hùng An, có diện tích gấp ba lần New York.
Thành phố Dubai. |
Chuyện cổ tích ở Dubai
Gần giống như Thâm Quyến, trước khi trở thành biểu tượng của xa xỉ, thiên đường hàng hiệu và giàu có bậc nhất thế giới, đầu những năm 1970, Dubai cũng chỉ là một dải cát trắng, người dân sống trong những túp lều được lợp từ lá cọ và kiếm sống bằng nghề chăn cừu.
Nói đến UAE, người ta thường nghĩ tới dầu mỏ. Người ta cho rằng, “vàng đen” thời hoàng kim có lúc một thùng dầu giá gần 150 USD, vậy thì, thiên đường mua sắm bậc nhất trên thế giới hay vô số công trình kiến trúc độc nhất vô nhị… ở Dubai cũng chẳng có gì đặc biệt. Nhưng thực tế, thu nhập từ dầu mỏ của Dubai chỉ chiếm vào khoảng 6 - 7%, phần còn lại thuộc về các ngành dịch vụ như cảng biển, du lịch và tài chính.
U.A.E có 12 đặc khu kinh tế thì có 11 ở Dubai, được quy hoạch phát triển chi tiết theo hướng chuyên môn hóa. International Academic City tập trung khoảng 40 trường đại học và viện nghiên cứu quốc tế; Dubai Internet City (DIC) là công viên công nghệ thông tin, quy tụ những cái tên hàng đầu như Microsoft, IBM, Oracle, HP, Nokia…; Dubai Knowledge Village là ngôi làng của hàng trăm chi nhánh trường đại học, trung tâm đào tạo, huấn luyện trên thế giới; The Dubai International Finance Centre là trung tâm tài chính quốc tế với những tòa nhà chọc trời, những khu trung tâm mua sắm xa hoa bậc nhất thế giới.
Tuy nhiên, sự thay đổi ngoạn mục nhất ở đây phải kể đến cuộc cách mạng kinh doanh du lịch trên sa mạc. Bù đắp những “khiếm khuyết” không được thiên nhiên ưu đãi, Dubai tự tạo nên lợi thế riêng cho mình bằng chính bàn tay, khối óc và những chính sách không thể mở hơn cho nhà đầu tư nước ngoài.
40 năm lột xác từ một làng chài nghèo khó, Dubai giờ đây được xếp vào Top những thành phố hiện đại và thịnh vượng nhất thế giới, với nhiều điều kỳ thú, mới lạ và không thể xa hoa hơn như đảo nhân tạo hình cây cọ, khách sạn 7 sao Burj Al Arab và tòa nhà cao nhất thế giới Burj Khalifa hay chợ vàng Gold Souk, những trung tâm mua sắm ngập tràn hàng hiệu, hàng miễn thuế, khu trượt tuyết trên sa mạc…
Dubai thuở nào được ví như trong câu chuyện cổ tích ông lão đánh cá và con cá vàng. Chỉ khác, phép màu biến ngư dân Dubai thành ông hoàng chính là đòn bẩy từ việc thành lập các khu kinh tế tự do.
Trượt tuyết tại Dubai. |
500 tỷ USD để bỏ lệ thuộc vào dầu mỏ
Tháng 10/2017, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đã công bố kế hoạch xây một siêu thành phố mới bên bờ Biển Đỏ, kèm lời hứa về phong cách sống chưa từng có ở nước này. Kế hoạch được xem là một nỗ lực của Riyadh nhằm đa dạng hóa nền kinh tế, trong bối cảnh nguồn tài nguyên dầu lửa cạn dần và nền kinh tế Saudi Arabia phải chịu tác động nghiêm trọng bởi khủng hoảng giá dầu 2014.
Theo kế hoạch, dự án này sẽ tạo ra một siêu thành phố hoạt động như một đặc khu riêng, độc lập với khuôn khổ hiện tại của Chính phủ Saudi Arabia. Thành phố mới được đặt tên là NEOM, các nhà đầu tư sẽ được tham vấn ở mọi bước trong suốt quá trình phát triển của thành phố. Dự án được cấp số vốn hơn 500 tỷ USD từ Chính phủ Saudi Arabia, quỹ đầu tư quốc gia và các nhà đầu tư trong, ngoài nước.
Với tham vọng xây dựng một quốc gia Saudi Arabia vững mạnh thời kỳ hậu dầu mỏ, siêu thành phố NEOM sẽ hoàn toàn sử dụng năng lượng sạch và không có chỗ cho bất cứ điều gì cổ hủ, lạc hậu. Một vùng đất rộng lớn lên tới 26.000 km2 trải dài từ phía tây đất nước sang tới tận Jordan và Ai Cập sẽ được dùng để phát triển NEOM. “Đây không phải nơi dành cho những người bình thường hay những công ty thông thường. Đây sẽ là nơi dành cho những người mơ mộng về một thế giới tốt đẹp hơn. Ý chí chính trị mạnh mẽ và lòng quyết tâm sẽ là những yếu tố thành công để tạo nên một điều vĩ đại ở Saudi Arabia”, Thái tử Mohammed đã công bố như vậy tại hội nghị Sáng kiến Đầu tư Tương lai (10/2017).