TIN LIÊN QUAN | |
Kinh nghiệm quốc tế phát triển đặc khu kinh tế | |
Đặc khu phải tạo mô hình phát triển mới |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành |
Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành trước thời gian chờ đợi các đề xuất về cơ chế, chính sách vượt trội trong dự thảo Luật Đơn vị hành chính Kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, khóa XIV. Ông cũng kỳ vọng, đột phá này sẽ tạo ra làn gió mới cho đầu tư vào đặc khu kinh tế Vân Đồn, giúp trở thành khu vực tăng trưởng cao với phương thức quản lý mới, có môi trường sống văn minh, hiện đại, chất lượng cao.
Thưa ông, hiện nay Quảng Ninh đã chuẩn bị được những gì để hiện thực hóa mong muốn hình thành đặc khu kinh tế Vân Đồn và tỉnh đã xây dựng những cơ chế nào để phát triển đặc khu này?
Từ năm 2012, Quảng Ninh đã nghiên cứu Đề án xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn với thể chế vượt trội để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị.
Song song với việc xây dựng Đề án, Quảng Ninh đã tích cực, chủ động nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách, thu hút các nguồn lực đầu tư, cải thiện căn bản hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, tạo sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.
Đặc biệt, Quảng Ninh đã lựa chọn Tập đoàn Sun Group là nhà đầu tư chiến lược để nhanh chóng triển khai các dự án động lực như: Cảng hàng không quốc tế và dự án Khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp có casino tại Vân Đồn. Đây là những dự án động lực tiền đề, quan trọng để thúc đẩy, thu hút các nhà đầu tư, các dự án đầu tư đảm bảo thực hiện thành công đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn.
Quy chế đặc khu sẽ tạo cú hích, giúp Vân Đồn trở thành khu vực tăng trưởng cao, đóng góp quan trọng cho đất nước. |
Trong giai đoạn 2012 - 2017, Quảng Ninh đã huy động và thu hút được trên 57.600 tỷ đồng đầu tư cho các dự án, công trình hạ tầng, tạo động lực cho sự phát triển Vân Đồn; trong đó, nguồn vốn ngoài ngân sách là trên 40.000 tỷ đồng, chiếm 70% tổng nguồn vốn đầu tư. |
Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên và duy nhất trong cả nước chủ động xin Trung ương cho phép tự bỏ tiền ngân sách địa phương và huy động vốn xã hội để đầu tư xây dựng đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long, Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái. Đây là tuyến cao tốc quan trọng đối với việc xây dựng đặc khu Vân Đồn.
Các cơ chế chính sách được xây dựng theo phân lớp ngành nghề dựa trên kết quả phân tích chuỗi giá trị, từ đó xác định được các lĩnh vực ngành nghề ưu tiên, có ảnh hưởng lan tỏa đến sự phát triển của các lĩnh vực ngành nghề khác để tập trung khuyến khích phát triển, có ưu đãi đặc thù cho Nhà đầu tư chiến lược.
Các ưu đãi về thuế, đất đai chỉ tập trung vào một số lĩnh vực, ngành nghề mũi nhọn, không dàn trải, được xây dựng theo 2 nhóm: ưu đãi cao nhất chủ yếu chỉ tập trung áp dụng đối với các ngành nghề ưu tiên phát triển của đặc khu và dự án của nhà đầu tư chiến lược; đối với ngành, nghề lĩnh vực khác chỉ áp dụng chính sách tương đương như đối với khu kinh tế hiện nay. Thậm chí, Quảng Ninh đề nghị điều chỉnh giảm ưu đãi đối với một số trường hợp để đảm bảo ưu đãi không dàn trải.
Hiện còn nhiều ý kiến khác nhau về ngân sách cho đặc khu. Nhiều chuyên gia nói rằng, Nhà nước sẽ chỉ cho cơ chế chứ không cho tiền. Vậy chỉ với cơ chế, Vân Đồn có khả năng thành công không?
Theo kinh nghiệm thành công của các đặc khu trên thế giới thì đều có chung những điều kiện cơ bản; trong đó, có sự hỗ trợ của Nhà nước để phát triển hạ tầng và tạo điều kiện thu hút nhân lực chất lượng cao, nhất là giai đoạn đầu của đặc khu.
Với Quảng Ninh, đã có chuẩn bị những điều kiện cơ bản. 3 năm gần đây, chúng tôi vừa xây dựng đề án đặc khu vừa đẩy mạnh thu hút nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng. Các nhà đầu tư cũng vào với tâm thế rất chờ đợi cơ chế sẽ được luật hóa. Chỉ trong thời gian không dài, hơn 40.000 tỷ đồng đã được thu hút từ doanh nghiệp để đầu tư hạ tầng giao thông như cao tốc, sân bay, hệ thống bến cảng đón tàu du lịch cỡ lớn. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông và kỹ thuật này chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của đặc khu trong tương lai.
Trong đề án, chúng tôi cũng có đề xuất Nhà nước hỗ trợ giai đoạn 5 năm đầu, xác định rõ nguồn lực hỗ trợ có mục tiêu trên cơ sở trích lại một tỷ lệ nhất định từ đóng góp của Quảng Ninh nộp về ngân sách Trung ương. Sau thời gian đó, đặc khu sẽ đảm bảo được yêu cầu trang trải và có một phần tích lũy để phát triển tiếp cơ sở hạ tầng cũng như đóng góp về ngân sách tỉnh và Trung ương.
Chúng tôi cũng xác định là đặc khu trước hết phải “sống” tốt, chứ không phải miễn thuế cho đến cạn kiệt nguồn thu. Phương pháp tiếp cận của các đề án mà chúng tôi báo cáo không nặng vào miễn thuế mà quan tâm tới môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, đơn giản và minh bạch, độ an toàn cho các nhà đầu tư. Nhà đầu tư quan tâm đến hệ thống tư pháp xử lý tranh chấp, bảo vệ quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ thế nào, chứ không chỉ là vấn đề thuế.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đề xuất cụ thể mức hỗ trợ và thời gian hỗ trợ trong luật, tránh tình trạng các khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu, được cho cơ chế “hỗ trợ có mục tiêu, căn cứ theo tình hình ngân sách hằng năm thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu trình Chính phủ quyết định”, nhưng thực tế hỗ trợ quá khiêm tốn, khiến khu kinh tế không thể xây dựng được kế hoạch trung và dài hạn. Đây là điều chúng tôi trăn trở và chủ động đề xuất vào trong đề án.
Tình trạng mua bán và thổi giá đất trên địa bàn huyện Vân Đồn tăng lên rất cao trước thông tin Vân Đồn trở thành 1 trong 3 đặc khu kinh tế. Tỉnh Quảng Ninh đã có những giải pháp nào nhằm ngăn chặn tình trạng này, thưa ông ?
Nhằm ngăn ngừa tình trạng mua bán và thổi giá đất trên địa bàn huyện Vân Đồn, UBND tỉnh đã yêu cầu tạm dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giao đất cho các tổ chức, dự án, và tạm dừng giao dịch chuyển nhượng đất trên địa bàn. Trường hợp đặc biệt UBND huyện Vân Đồn phải tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh Quảng Ninh xem xét, quyết định. Chủ trương này đã được tỉnh Quảng Ninh triển khai thống nhất từ cấp ủy đến chính quyền địa phương, bước đầu phát huy hiệu quả tích cực và nhận được sự đồng tình, ủng hộ tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư.
Từ lâu, tỉnh Quảng Ninh cũng đã xác định tăng cường quản lý chặt chẽ công tác đất đai trên địa bàn. Thời gian qua, tỉnh đã ra nhiều văn bản chỉ đạo, nghiêm cấm việc lấn chiếm, giao dịch, chuyển đổi đất đai… nhằm mục tiêu trục lợi, tạo hiện tượng “sốt” giá đất. Đồng thời, Tỉnh cũng chỉ đạo cơ quan chức năng kiên quyết xử lý, kiểm điểm nhiều cán bộ vi phạm.
Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh cũng sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, thanh tra các dự án lớn; các dự án có dấu hiệu đầu cơ, trục lợi, tăng giá đất; làm rõ trách nhiệm của cán bộ quản lý, trách nhiệm người đứng đầu. Đối với các xã, thị trấn là đơn vị quản lý trực tiếp về đất đai, phải quán triệt nghiêm chỉ đạo của Tỉnh, những trường hợp nào vì lợi ích cá nhân mà tiếp tay cho việc vi phạm về quản lý đất đai, sẽ xử lý nghiêm minh.
Xin cảm ơn ông!
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh cũng đã đề xuất với Trung ương 12 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù đối với đặc khu hành chính - kinh tế Vân Đồn. Đó là các nhóm chính sách về thuế, đất đai - bất động sản, tài chính - ngân sách, tiền tệ - ngân hàng, đầu tư - kinh doanh, quản lý - phát triển nguồn nhân lực, xuất nhập cảnh - quản lý cư trú, xuất nhập khẩu, nhà đầu tư chiến lược, hoạt động công nghệ cao, phát triển du lịch… Các cơ chế, chính sách này được xây dựng dựa trên kinh nghiệm và xu hướng quốc tế với nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp; đảm bảo lợi ích hài hoà giữa Nhà nước, người dân và nhà đầu tư. |
Quảng Ninh sẵn sàng chờ đón cơ hội vàng Quảng Ninh đang trở thành thị trường bất động sản (BĐS) hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư. Nổi bật là TP. Hạ Long, ... |
Quảng Ninh tạm dừng mọi giao dịch đất đai tại Vân Đồn Nhằm siết chặt công tác quản lý đất đai và làm rõ một số thông tin về việc “sốt” giá đất tại huyện Vân Đồn ... |
Tạo đột phá, lan tỏa từ Vân Đồn Trong Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, được Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo và trình Quốc ... |