Đại sứ Olivier Poivre d'Arvor, Đặc phái viên của Tổng thống Pháp về các vấn đề đại dương và vùng địa cực. (Ảnh: Ngọc Anh) |
Theo Đại sứ Olivier Poivre d’Arvor, đại dương có tiềm lực kinh tế vô cùng to lớn, bởi "nếu xem đại dương là một quốc gia, thì đây sẽ là nền kinh tế lớn thứ 5 toàn cầu". Chính vì vậy, với đường bờ biển dài và tiềm lực kinh tế đại dương đáng kể, Pháp mong muốn chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam qua cơ chế đối thoại song phương.
Ông d’Arvor mong muốn, Việt Nam và Pháp sẽ đẩy mạnh hơn nữa các cơ chế đối thoại về vấn đề liên quan tới biển, đặt nền móng cho một diễn đàn hằng năm với tham vọng thúc đẩy hợp tác đa chiều về an ninh, pháp luật và kinh tế. Các chủ đề trọng tâm của đối thoại sẽ bao gồm bảo vệ đa dạng sinh học biển, phát triển du lịch bền vững và an ninh hàng hải khu vực.
Về Hội nghị thượng đỉnh Đại dương của Liên hợp quốc diễn ra tại Nice vào tháng 6/2025, ông d’Arvor khẳng định, sự kiện tiếp nối COP21 năm 2015 tại Paris, hướng tới xây dựng hòa bình và phát triển bền vững xung quanh vấn đề đại dương.
Hội nghị dự kiến quy tụ khoảng 100 đại biểu và nguyên thủ quốc gia, trong đó, Việt Nam sẽ tham gia với vai trò khách mời danh dự.
Đại sứ nhấn mạnh, sự kiện này không chỉ là cơ hội để thảo luận chính sách, mà còn là nền tảng quan trọng để các quốc gia chia sẻ sáng kiến và hợp tác về bảo vệ môi trường biển, khai thác tài nguyên hợp lý và phát triển kinh tế biển bền vững.
“Chúng ta chỉ có một đại dương duy nhất. Vì vậy, hợp tác là chìa khóa cho hành trình bảo vệ và phát triển tiềm năng của biển cả”, ông d’Arvor cho biết thêm.
Trong chuyến công tác tại Việt Nam, Đặc phái viên Tổng thống Pháp đã thăm Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, nhấn mạnh vai trò quan trọng của hợp tác khoa học trong khai thác bền vững tài nguyên biển. Ông d’Arvor cũng đề xuất tăng cường hợp tác trong nghiên cứu và khai thác tàu thăm dò, mở ra cơ hội tham gia diễn đàn quốc tế nhằm tìm hiểu cụ thể hơn về tình trạng hiện tại của đại dương.
"Trên cơ sở đó, các nhà hoạch định chính sách có thể đưa ra được những quyết định, chỉnh sửa và có cái nhìn tổng quát về hiện trạng của đại dương", ông d’Arvor khẳng định.
Theo Đại sứ d’Arvor, Pháp đã thành công trong việc kết nối giữa ngành du lịch và đánh bắt hải sản, đem lại lợi ích kinh tế cũng như giúp bảo tồn nguồn hải sản. Thay vì khai thác triệt để 12 tháng mỗi năm, chính phủ nước này khuyến khích ngư dân trong mùa nghỉ đánh bắt trở thành hướng dẫn viên du lịch tại các vùng biển địa phương. Động thái này đã mang lại nguồn thu nhập thay thế cho cộng đồng ngư dân, góp phần quan trọng vào phát triển bền vững và cân bằng hệ sinh thái biển.
Bên cạnh đó, ông d’Arvor kỳ vọng sẽ sớm được lắng nghe các kỹ sư và chuyên gia Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm phát triển các vùng bờ biển, định hướng loại hình kinh tế phù hợp. Việt Nam hiện đang đẩy mạnh các dự án cảng biển, như tại Hải Phòng hay Đà Nẵng. Đây là những lĩnh vực mà Pháp sẵn sàng hợp tác, góp phần đưa Việt Nam trở thành cường quốc về biển.
Ngoài ra, Đặc phái viên của Tổng thống Pháp cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc giáo dục về biển ngay từ sớm, giúp thế hệ trẻ nhận thức sâu sắc về vai trò của biển và đại dương. Đặc biệt, Pháp đã xây dựng dung giảng dạy bao gồm các kiến thức về dòng chảy, hệ sinh thái biển và nhiều khía cạnh khoa học hấp dẫn.
"Chúng tôi tin rằng, cần phải tích hợp kiến thức về biển và đại dương vào chương trình giáo dục phổ thông, giúp học sinh có cái nhìn toàn diện hơn. Chỉ khi được trang bị nền tảng kiến thức vững chắc, thế hệ trẻ mới hình thành ý thức bảo vệ đại dương một cách sâu sắc và hiệu quả", Đại sứ d’Arvor nhấn mạnh.
Ông Olivier Poivre d'Arvor là nhà Ngoại giao, nhà văn, Đại sứ và Đặc phái viên của Tổng thống Pháp về các vấn đề đại dương và vùng địa cực, đồng thời là Giám đốc Bảo tàng hàng hải quốc gia. Đại sứ d'Arvor có chuyến công tác Việt Nam từ ngày 17-18/12. Là người hoạt động mạnh mẽ trong lĩnh vực văn hóa cũng như trong các cam kết vì đại dương và phát triển bền vững, ông d'Arvor đứng đầu trong những hoạt động chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Đại dương của Liên hợp quốc tại Nice (Pháp) vào tháng 6/2025. |