Đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu những trăn trở liên quan đến sách giáo khoa. (Nguồn: TTXVN) |
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho biết, thông qua phát biểu của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tại buổi thảo luận tổ, ông đã hiểu rõ sách giáo khoa hiện nay có thể dùng lại được, không phải là sách dùng một lần.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Anh Trí băn khoăn, nhiều trường được chọn bộ sách giáo khoa dạy cho từng cấp học, trong từng năm; ngoài ra học sinh có thể làm bài tập ngay trong sách; vậy làm sao có thể sử dụng lại sách?
"Năm nay trường chọn bộ sách này, nhưng sang năm họ lại chọn bộ sách khác thì lớp học sinh sau có dùng lại được nữa hay không? Còn việc học sinh lớp trước giải luôn bài tập trong sách giáo khoa thì các em sau này chưa làm đã biết kết quả rồi", ông Nguyễn Anh Trí nói.
Đồng thời, đại biểu Nguyễn Anh Trí chia sẻ: "Bộ trưởng cũng giải thích vì sao sách giáo khoa hiện nay đắt hơn trước một phần là vì giấy tốt hơn, khổ to hơn, in đẹp hơn và cũng có yếu tố xã hội hóa. Bộ trưởng nói thế là đúng quá rồi! Nhưng giá sách như vậy đã trở thành gánh nặng với nhân dân, nhất là với những gia đình có nhiều con đi học, các hộ nghèo".
Để giá sách giáo khoa không trở thành gánh nặng đối với nhiều hộ gia đình, đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị Nhà nước có chính sách trợ giá trong in sách giáo khoa.
"Chọn sách để học khó lắm, như một cậu sinh viên chưa chắc đã biết chọn cuốn nào cho phù hợp. Do vậy, nếu cứ để như tình trạng hiện nay thì rất phí nguồn lực", đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.
Trước đó, thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu ra một loạt vấn đề liên quan đến sách giáo khoa như in sai, ngôn từ còn nhiều điều không phù hợp, hình ảnh chưa chuẩn mực, quá nhiều bộ sách giáo khoa được đề nghị sử dụng gây nên sự lúng túng trong lựa chọn với không chỉ với phụ huynh mà còn với các trường, sở giáo dục.
"Sách giáo khoa không được sử dụng lại nên mỗi năm tốn hàng ngàn tỷ đồng để mua sách giáo khoa mới, gây khó khăn cho các gia đình có con đi học, đặc biệt với gia đình khó khăn", đại biểu Trí cho hay.
Cũng trao đổi về giá sách giáo khoa, đại biểu Phan Viết Lượng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - cho biết, nội dung trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn là đúng.
"Nếu vật liệu tốt, in đẹp, cách làm công phu thì rõ ràng giá thành sách phải cao hơn trước", ông Lượng nói.
Tuy nhiên, ông Lượng băn khoăn, với sách giáo khoa có cần sử dụng vật liệu tốt, in đẹp quá hay không? Bởi lẽ, làm sách giáo khoa cần phải tính đến tuổi thọ sách, đối tượng sử dụng nên cần cân nhắc chất lượng in, vật liệu cho phù hợp.
"Sách giáo khoa là sản phẩm thiết yếu, nên cần phải định giá cho phù hợp. Không thể vì lợi nhuận của một ai đó mà đẩy giá sách lên được. Do vậy, Nhà nước cần phải quản lý giá, định giá, thậm chí phải trợ giá…", ông Phan Viết Lượng nhấn mạnh.
| ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa: Môn Lịch sử càng quan trọng hơn trong bối cảnh toàn cầu hóa Chia sẻ với báo Thế giới & Việt Nam, TS. Phạm Trọng Nghĩa, ĐBQH thuộc Đoàn Lạng Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã ... |
| ĐBQH Lê Thanh Vân: Cần duy trì Lịch sử là môn bắt buộc! Tại phiên thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) nêu quan điểm: ... |