Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội sáng 1/6. (Nguồn: Quochoi.vn) |
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ, hình ảnh trận chung kết bóng đá SEA Games 31 vừa qua 4 vạn người đi xem không ai đeo khẩu trang, điều này cho thấy Covid-19 đã sang giai đoạn thoái trào.
"Tỷ lệ tử vong do Covid-19 nhiều ngày nay không có, tuy nhiên hiện chúng ta vẫn không tuyên bố chính thức kết thúc bệnh truyền nhiễm nhóm A", ông Hiếu nêu.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cũng nhấn mạnh khi Covid-19 là một chuyên khoa không có nghĩa là hạ thấp sự nguy hiểm của dịch bệnh mà theo dõi thật sát, phản ứng linh hoạt.
"Đã đến lúc trở về bình thường cũ để hướng tới 2 mục tiêu. Thứ nhất là phục vụ cho lộ trình mở cửa, phục hồi kinh tế thời kỳ hậu Covid-19. Thứ hai, tránh quá tải cho hệ thống y tế, các bệnh viện đủ sức điều trị cho bệnh lý thông thường và Covid-19", đại biểu Hiếu đề nghị.
Đặc biệt, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cũng đề cập vấn đề dịch bệnh đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực nhưng ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất, để lại hậu quả nặng nề nhất chính là ngành y tế. Hệ thống y tế đã trải qua những giờ phút không thể nào quên. Những thành công đã được xã hội ghi nhận bằng nhiều hình thức và sai lầm đã phải trả giá theo nguyên tắc công tội phân minh.
Do đó, ông Hiếu nói: "Vấn đề đặt ra là sau cơn bão lớn việc phục hồi phát triển tốt hơn một ngành trụ cột trong an sinh xã hội sẽ diễn ra như thế nào. Không thể vì những vi phạm xảy ra mà để cả một ngành tê liệt. Những khó khăn trước đây như thu nhập của nhân viên y tế, mua sắm đấu thầu trang thiết bị, vật tư thuốc men không được cải thiện mà còn tệ hơn bao giờ hết".
Bên cạnh đó, ông Hiếu nêu ra việc nguồn nhân lực chất lượng cao cũng thiếu do mức lương không tăng mà có xu hướng giảm và không đủ cơ sở, phương tiện để triển khai kỹ thuật mới hiện đại khiến các bác sĩ giỏi đến đâu cũng bó tay, nản lòng.
"Với tư cách là một bác sĩ vẫn đang điều trị trực tiếp cho người bệnh, tôi rất mong các vị lãnh đạo cao cấp, các đại biểu Quốc hội hiểu được phần nào những khó khăn mà chúng tôi đang gặp phải, không chỉ về vật chất mà trong lúc này là vấn đề tinh thần, sự ổn định và phương hướng phát triển rõ ràng là điều nhân viên y tế chúng tôi cần nhất lúc này", ông Hiếu bày tỏ.
Từ thực tế đó, ông Hiếu đề nghị Quốc hội rà soát, cho ý kiến sớm hoàn thiện dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi...
“Những 'con sâu' đã bị gạt bỏ ra khỏi hệ thống nhưng những người mới nhận nhiệm vụ lại vô cùng bối rối, loay hoay chưa tìm được đường đi cho đúng vì đụng đâu cũng vướng, làm gì cũng có thể sai khi mà hệ thống luật pháp chưa hoàn chỉnh”, ông Hiếu nêu.
Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) nhấn mạnh cần tiếp tục triển khai Chương trình phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, không được chủ quan, đề phòng với những biến chủng mới có thể xuất hiện. Theo vị đại biểu đoàn Đồng Nai, cần tiếp tục quan tâm đến hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở và các bệnh viện công lập. Đặc biệt, phải có cơ chế, chính sách để các cơ sở y tế chủ động, tự tin trong việc mua sắm trang thiết bị, thuốc men, tránh tâm lý sợ thanh tra, kiểm tra không dám làm, không dám mua và thái độ cứ nhìn vào y tế là thấy tiêu cực. "Mặc dù hệ thống y tế đang bị rúng động bởi 'quả bom Việt Á' nhưng việc chống dịch, chữa bệnh, cứu người, chăm sóc sức khỏe người dân vẫn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu", ông An nói. |