Toàn cảnh phiên thảo luận về Báo cáo tổng kết của Chủ tịch nước và Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021. |
Báo cáo của Chủ tịch nước và Chính phủ đã thể hiện khát vọng vì một Việt Nam hùng cường
Các ý kiến đại biểu về Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ đều đánh giá nhiệm kỳ của Chính phủ đã thể hiện rõ khát vọng vì một Việt Nam hùng cường. Chính phủ đã không ngừng đổi mới, năng động, sáng tạo, sâu sát trong chỉ đạo, điều hành, cải cách mạnh mẽ và quyết liệt hành động theo phương châm Chính phủ kiến tạo, hành động; quyết liệt phòng, chống dịch, đồng thời duy trì và phục hồi sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Đại biểu Nguyễn Bắc Việt, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận, cho rằng nhiệm kỳ thành công của Chính phủ đã tạo nên sắc hồng của đất nước trên con đường phát triển, tăng trưởng kinh tế ấn tượng, chăm lo tốt an sinh xã hội và được quốc tế nhìn nhận đánh giá cao. Thành công của nhiệm kỳ 2016-2021 đã làm sáng lên con dường tiến lên Chủ nghĩa xã hội.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, đánh giá cao Chính phủ đã phối hợp với các cơ quan tư pháp, thực hiện đầy đủ công việc theo thẩm quyền, đoàn kết thống nhất với tinh thần dám nghĩ dám làm. Quản lý điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm sâu sát trên các lĩnh vực, chủ động rà soát tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông, thúc đẩy các động lực tăng trưởng. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, vừa tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp trung và dài hạn, vừa chú trọng giải quyết những vấn đề mới phát sinh trong đời sống xã hội.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, cho rằng sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý của các thiết chế lãnh đạo chủ chốt của đất nước; sự đồng thuận, chung sức một lòng của cả hệ thống chính trị đã trở thành cứu cánh, sức mạnh nội sinh để vượt qua thách thức và đạt tới thành công.
Trong nhiệm kỳ qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Ban lãnh đạo cao nhất của Nhà nước ta đã khép lại khoảng cách giữa lời nói và việc làm khi đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng không ngừng nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Đây là cuộc chiến sinh tử của Đảng để giữ lại niềm tin của dân vào Đảng, vào chế độ và tạo ra động lực mới cho sự nghiệp phát triển.
Nhiệm kỳ này của Chủ tịch nước, của Chính phủ đã ghi dấu ấn về công tác đối ngoại, thể hiện bản lĩnh, ý chí quyết tâm chính trị, huy động các nguồn lực quốc tế trong công cuộc phát triển đất nước, vừa mở rộng sâu rộng hội nhập, vừa bảo vệ vũng chắc chủ quyền của quốc gia, dân tộc.
Trong các hoạt động, chúng ta đã trưởng thành, không chỉ làm trong bổn phận đối tác quốc tế, mà chúng ta đã chủ trì thành công và tham gia kiến tạo, dẫn dắt một số vấn đề, sáng kiến nhiều hoạt động quan trọng của cộng đồng quốc tế.
Đại biểu Quốc hội đề nghị giải quyết những tồn tại, hạn chế trong Báo cáo nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ
Bên cạnh đánh giá cao những thành tựu kết quả đạt được trong Báo cáo của Chủ tịch nước và Chính phủ, các đại biểu đã dành nhiều gian nêu những tồn tại, kiến nghị các giải pháp giải quyết những tồn tại trong nhiệm kỳ 2016-2021. Trong đó, đa số ý kiến cho rằng, việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật trong một số lĩnh vực còn có bất cập, chưa kịp thời; việc chuẩn bị một số dự án trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa đáp ứng tiến độ, phải lùi thời gian hoặc chưa tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, cho rằng liên kết vùng đang là một khâu yếu, thiếu thể chế quản trị, điều phối vùng hiệu quả, đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn nội dung này và đề ra giải pháp khắc phục cho nhiệm kỳ tới. Cần xây dựng quy hoạch vùng theo hướng tích hợp đa ngành, hình thành chuỗi giá trị và xây dựng cơ chế chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng và cơ chế điều phối đủ mạnh cho phát triển vùng, quan tâm nhiều hơn trên các lĩnh vực cho vùng miền núi, biên giới. Quan tâm đầu tư xây dựng các tuyến giao thông huyết mạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long kết nối vùng với vùng kinh tế trọng điểm Thành phố Hồ Chí Minh, Đông Nam Bộ, thực hiện các dự án phát triển hạ tầng đa mục tiêu như giao thông, đập kè, thủy lợi, nông nghiệp nông thôn… có tính chất liên vùng để tác động tích cực đến phát triển kinh tế xã hội cho vùng và cả nước.
Đại biểu Tô Thị Bích Châu, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện hơn về kết quả thực hiện các chương trình, đề án… nhằm đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo căn cứ vào các định hướng trong nghị quyết của Đảng và yêu cầu của tình hình phát triển đất nước. đại biểu cho rằng, điểm chưa đạt được trong nhiệm kỳ này là sự đến nơi đến chốn trong công tác cải cách, đặc biệt là những cải cách quan trọng có những tác động lớn đối với nền kinh tế, trong đó có cải cách về giáo, dục đào tạo, đến thời điểm này những nỗ lực về giáo dục đào tạo vẫn đi một cách lưng chừng, có chuyển động về phía trước nhưng kết quả còn hạn chế. Cho đến giờ vẫn chưa thấy dấu hiệu ngừng lại của học sinh tiểu học mà phải đi học thêm.
Có ý kiến đề nghị làm rõ thêm một số vấn đề tồn tại trong lĩnh vực văn hóa, những vấn đề đặt ra hiện nay trong việc thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống của Nhân dân. Đồng thời, đánh giá rõ hơn về kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước; về kết quả đạt được trong việc cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; kết quả thực hiện
Có ý kiến đề nghị Chính phủ nhiệm kỳ mới tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng liên kết, hợp tác quy mô, nâng cao giá trị hàng hóa nông nghiệp, tăng cường xuất khẩu nông sản, tránh tình trạng được mùa, mất giá, giải cứu nông sản hàng năm… Quy hoạch vùng trữ nước ngọt cho các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long thường xuyên bị xâm nhập mặn, kè ven biển bờ sông, phòng chống sạt lở ven biển, trồng cây gây rừng hiệu quả, tránh hình thức, thực chất, không lãng phí tài nguyên thiên nhiên…
Với mong muốn phát triển kinh tế biển mạnh mẽ hơn nữa, đại biểu Nguyễn Việt Thắng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, cho biết Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, thời gian qua du lịch chưa đảm nhận được vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn. Vì vậy, đại biểu đề nghị thời gian tới cần xem xét tiêu chí mới về kinh tế biển, trong đó đại biểu cho rằng nghề khai thác hải sản trên biển đóng góp quan trọng cho nền kinh tế. Bởi không chỉ đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế quốc dân, mà khai thác hải sản trên biển còn tham gia vào việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Góp ý vào mô hình tổ chức của Chính phủ, đại biểu Thái Trường Giang, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, cho rằng kết quả tổng kết công việc của Tổ công tác cho thấy là rất hiệu quả giải quyết được nhiều vấn đề tồn đọng và các văn bản chồng chéo nhau và xử lý chậm của các bộ, các ngành, các đơn vị liên quan cho thấy hiệu quả rất cao của tổ công tác này. Điều đó chứng tỏ pháp luật của chúng ta, các văn bản quy phạm, các văn bản dưới luật và các hoạt động của các bộ, ngành có liên quan hình như có vấn đề.
Tuy nhiên, qua thực hiện của Tổ công tác cho thấy nhờ có Tổ công tác này mới giải quyết được nhiều vấn đề. Đại biểu cho rằng, năng lực, bộ máy hoạt động của các bộ, ngành phối hợp với nhau có vấn đề, vì vậy, đại biểu Thái Trường Giang đề nghị Chính phủ của nhiệm kỳ tới, cần nghiên cứu vai trò của Tổ công tác này, hoặc là giải thể để nâng lên thành Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, trực thuộc Thủ tướng Chính phủ, chứ không phải trực thuộc Văn phòng Chính phủ như vừa qua.
Một số ý kiến tại phiên họp cũng đề nghị Chính phủ nhiệm kỳ tới tiếp tục giải quyết những bất cập, tồn tại như bất bình đẳng trong xã hội, khoảng cách giàu nghèo, đạo đức xã hội xuống cấp, tình trạng tội phạm gia tăng gây bức xúc trong xã hội.