📞
Vì một Quốc hội ở tầm cao mới (Bài 3):

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng: Nâng chất lượng đại biểu, để Quốc hội có một 'trái tim khỏe'

Yến Nguyệt 14:00 | 18/05/2021
Đối với đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lưu Bình Nhưỡng (Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội), trăn trở lớn nhất của ông là chất lượng đại biểu Quốc hội cũng như mong muốn nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động lập pháp và giám sát của Quốc hội.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng luôn trăn trở về chất lượng đại biểu Quốc hội cũng như mong muốn nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động lập pháp và giám sát của Quốc hội.

Nhiều năm tham gia nghị trường, là một trong những đại biểu Quốc hội tâm huyết, thẳng thắn, dám nói dám làm, ông có trăn trở, tâm tư gì chưa làm được trong nhiệm kỳ của mình?

Trong nhiệm kỳ 2016-2021, tôi đã thật sự cố gắng trong phạm vi quyền hạn, trách nhiệm và năng lực của cá nhân mình, không hổ thẹn với cử tri cả nước. Vì thế, tôi đã nhận được cảm tình đặc biệt của cử tri và nhân dân khắp mọi miền. Nhiều người chưa gặp nhưng đã “quen” tôi trên nghị trường, thật vô cùng cảm động và trân trọng.

Hoạt động Quốc hội tuy không dài như thời gian tôi làm giáo dục đại học, nhưng chắc chắn đã khẳng định phẩm chất của tôi đối với đất nước, cử tri và nhân dân. Khi kiểm điểm lại từ ngày đầu tham gia Kỳ họp thứ nhất đến nay, tôi nghĩ mình đã làm rất nhiều việc, trên nhiều lĩnh vực, trong đó có những việc rất khó khăn, với sự say mê và cố gắng rất vượt bậc.

Đại biểu Quốc hội phải khẳng định công việc bằng hành vi cá nhân, trong khi chúng tôi không có những nguồn lực như các đồng chí lãnh đạo khối hành pháp, tư pháp, có lúc đại biểu cực kỳ “đơn thương độc mã”, nếu chùn bước hoặc vì cám dỗ sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ đại biểu cao cả mà Hiến pháp, nhân dân trao cho.

Nhưng quả thật, khi chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ, cá nhân tôi còn nhiều trăn trở lắm. Mong ước lớn nhất là Quốc hội phải thực sự mạnh ở mức độ cần thiết, cần phải có một thể chế hoàn thiện về đại biểu, tổ chức và hoạt động.

Trong nhiệm kỳ XIV, nỗ lực nâng tầm Quốc hội đã thực hiện được một bước, khi sửa đổi được quy định có ý nghĩa, đó là nâng tỷ lệ đại biểu chuyên trách 40% trở lên.

Nhưng các tiêu chuẩn, tiêu chí của đại biểu còn quá chung chung, nên dễ cho việc cơ cấu thành phần, nhưng lại khó nâng cao chất lượng, tầm mức của đại biểu. Trong khi chúng ta đều biết, xét về sâu xa thì cán bộ là gốc rễ, phẩm chất cộng năng lực cá nhân của cán bộ là quyết định. Đại biểu Quốc hội là “trái tim” của Quốc hội, một trái tim khoẻ thì cơ thể mới khoẻ mạnh, cường tráng.

Vì vậy, điều tôi trăn trở nhất là chất lượng đại biểu và luôn mang hy vọng này theo suốt quãng đời còn lại và tiếp tục dõi theo Quốc hội…

Vấn đề thứ hai, mong muốn nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động lập pháp và giám sát của Quốc hội. Lập pháp đã có những kết quả tích cực nhưng chất lượng chưa cao, thậm chí còn để “lọt lưới” những dự án luật mang chính sách không chuẩn chỉ với chủ trương của Đảng. Hoặc có những dự án luật không phù hợp bối cảnh kinh tế - xã hội; xây dựng dự án Luật bảo đảm an ninh trật tự cơ sở mà không tính đến những khó khăn trước mắt cũng như hệ luỵ lâu dài… nên Quốc hội thảo luận, lấy phiếu bác bỏ với trên 70%. Vì vậy, cần có một hệ thống giám sát mạnh.

Riêng công tác giám sát, tôi cực kỳ trăn trở, đã có văn bản và phát biểu công khai trước hội trường Diên Hồng đề nghị nghiên cứu cải tiến, tham mưu để Ban chấp hành Trung ương ra nghị quyết riêng về tăng cường năng lực, hiệu lực, hiệu quả giám sát; nghiên cứu giao chỉ tiêu giám sát cho cá nhân đại biểu Quốc hội.

Tại kỳ họp thứ 4, tôi từng nêu vấn đề tại hội trường rằng, nếu mỗi đại biểu giám sát một vụ/một năm thì mỗi năm có 500 vụ việc được giám sát, đó là cách đồng hành hiệu quả, thiết thực, cùng chịu trách nhiệm với Chính phủ và các cơ quan hoạt động tư pháp. Kỳ họp 11 tôi tiếp tục nêu trăn trở này với hy vọng sẽ có những thay đổi căn bản về sau này.

Bên cạnh đó, tôi còn nhiều trăn trở nữa, đó là cần xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ tiên tiến để nước ta trở thành một cường quốc nông nghiệp; trăn trở về một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, thực sự là nơi duy trì, bảo vệ công lý, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; trăn trở về việc làm thế nào để hạn chế, phòng chống tiêu cực, tham nhũng hiệu quả trong bộ máy công quyền để người dân không phải khiếu kiện, tố cáo triền miên, bức xúc, kéo dài; để Việt Nam giàu có, hùng mạnh, đoàn kết, hoà bình và hạnh phúc…

Ông kỳ vọng gì và theo ông, nhiệm vụ đối với đại biểu Quốc hội trong khóa tới là gì?

Chúng tôi kỳ vọng về một Quốc hội có nhiều đại biểu lương tâm, đầy trách nhiệm, cao bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, dám cống hiến, dám chịu trách nhiệm. Họ sẽ khẳng định được phẩm chất, năng lực để thực hiện lời hứa, cam kết nghiêm túc trước cử tri mà không phản bội lợi ích của họ cũng như lợi ích của quốc gia, dân tộc. Đại biểu không được hứa mà không làm, xin được bầu, xin được giao quyền lực của nhân dân nhưng “qua cầu rút ván”, quên nghĩa vụ đại diện cho cử tri và nhân dân.

Tôi nghĩ, không cần nghĩ đến những điều to tát, đại biểu khoá tới cần tập trung làm tốt lời hứa hôm nay đối với cử tri, để thường xuyên báo cáo với cử tri một cách tự hào. Cần chú tâm thực hiện tốt công việc, các nhiệm vụ chính yếu của một đại biểu theo Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội, Luật giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân… tích cực tham gia các hoạt động xã hội, gần dân và làm được những việc cử tri yêu cầu trong phạm vi quyền hạn, năng lực phục vụ cho đất nước và địa phương ứng cử. Đặc biệt, họ phải giữ được hình ảnh và danh dự đại biểu của dân, hình ảnh của Quốc hội, góp phần xây dựng một Quốc hội nhân văn.

Để tiến tới Quốc hội chuyên nghiệp, theo ông, cần xây dựng cơ chế như thế nào để những người có trình độ, năng lực được tham gia hoạt động nghị trường dài hơn, để đóng góp nhiều hơn?

Vấn đề này mấy nhiệm kỳ Quốc hội đã đề cập, nó xuất phát từ chủ trương của Đảng và yêu cầu xây dựng một Nhà nước pháp quyền Việt Nam vững mạnh. Muốn vậy, Quốc hội phải mang tính chuyên môn, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn, làm tròn vai trò cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của Nhà nước ta.

Muốn xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân thì phải thực hiện vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, tức là thực hiện được chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng nhất của đất nước và giám sát tối cao.

Để thực hiện được những chức năng, nhiệm vụ đó, một số cơ chế quan trọng của Quốc hội cần được bảo đảm, đó là: Cơ chế bảo đảm phát huy vai trò cá nhân của đại biểu Quốc hội; Cơ chế bảo đảm thực hiện vai trò của Hội đồng dân tộc, các uỷ ban của Quốc hội và các cơ quan thuộc Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Đó là hai cơ chế quan trọng nhất, vì xét cho cùng nếu đại biểu Quốc hội không phát huy được năng lực, bản lĩnh cá nhân; các cơ quan của Quốc hội không phát huy được vai trò tập thể trong thẩm tra dự án luật, xem xét quyết định các vấn đề quan trọng và không thực hiện giám sát toàn diện, chất lượng, thì mọi hoạt động của Quốc hội sẽ không có chất lượng. Từ đó, sẽ tạo điều kiện để các “nhóm lợi ích” len lỏi và “cài cắm chính sách” làm ảnh hưởng đến tính đồng bộ, hiệu quả của hệ thống quản lý Nhà nước.

Bên cạnh đó, cần tăng cường năng lực, hiệu lực, hiệu quả cơ chế bảo đảm thực hiện hoạt động hiệu quả của các cơ quan thuộc Uỷ ban thường vụ Quốc hội (mà bản chất là hoạt động Quốc hội), các đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương. Cũng cần tăng cường cơ chế phối hợp và kiểm soát, giám sát giữa Quốc hội với Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam... trên tinh thần nguyên tắc Hiến pháp.

Làm sao để người dân tiếp cận được gần hơn, nhiều hơn đến những hoạt động nghị trường, qua đó để người dân có cơ sở đánh giá về năng lực, trình độ người đại diện cho mình, để lựa chọn đại biểu xứng đáng?

Vấn đề này đại biểu Dương Trung Quốc, Lê Thanh Vân đã đề cập nhiều, bản thân tôi cũng rất tán thành quan điểm thực hiện một “Quốc hội mở” để xây dựng “Quốc hội nhân văn” để cùng “Chính phủ kiến tạo phát triển… phục vụ” và TAND là “biểu tượng công lý”.

Một Quốc hội “nhân văn”, cùng với nền hành pháp “phục vụ”, nền tư pháp “công đường” chắc chắn sẽ tạo sự gần dân, dân có quyền, có cơ hội gần người đại diện. Vì thế, thứ nhất cần hoàn thiện thể chế đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, trong đó, cần tránh “hành chính hoá” hoạt động của Quốc hội. Đảo đảm khả năng tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội nhiều hơn, tần suất dày hơn. Giảm bớt tính “kỳ cuộc”, kiểu “xuân thu nhị kỳ” họp toàn thể để tạo điều kiện cho đại biểu, đoàn đại biểu Quốc hội thường xuyên đi sâu tìm hiểu, lĩnh hội kiến nghị của cử tri và nhân dân nhằm nghiên cứu xây dựng, tu chỉnh chính sách, pháp luật, giám sát hoạt động của Nhà nước và xã hội.

Thứ hai, là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, Quốc hội cần có cơ quan chăm sóc thường xuyên những nguyện vọng của nhân dân, phải thực hiện chủ trương của Đảng chuyển Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thành cơ quan chuyên môn của Quốc hội. Nếu đại biểu sát dân, gần cử tri sẽ tăng cường tính hai chiều giữa cử tri và người đại diện. Qua đó, đòi hỏi đại biểu Quốc hội phải tự rèn luyện, tìm tòi, vận động hết năng lực trong công việc của dân, của Quốc hội. Điều này liên quan đến một Quốc hội chuyên nghiệp, dần giảm bớt đến giảm hẳn đại biểu Quốc hội đồng thời là công chức hành pháp, công chức tư pháp, nhằm tránh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” khó có thể nâng cao vị thế, vai trò, sự cống hiến của cá nhân đại biểu cũng như của chính Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.

Hiện nay, rất tiếc không có cơ chế đánh giá chính xác, đầy đủ về mức độ hoàn thành nhiệm vụ, mức độ cống hiến của đại biểu Quốc hội. Vì chúng ta thiếu quy định về vấn đề này ngay trong Luật tổ chức Quốc hội. Do đó, cần hoàn thiện cơ chế pháp lý để cử tri có thể đánh giá thường xuyên, đúng đắn người mình bầu làm đại diện, khắc phục tình trạng đại biểu tích cực thì không được ghi nhận, nhưng đại biểu thiếu tinh thần trách nhiệm, cả nhiệm kỳ “án binh bất động”, không có lấy một ý kiến xác đáng, một hành động đóng góp nhưng cũng không bị xem xét, bãi miễn.

Ông suy nghĩ gì về chất lượng đại biểu hiện nay? Qua đó, ông muốn kiến nghị gì trong việc xây dựng cơ chế để chọn được những đại biểu có tài, có bản lĩnh chính trị, am hiểu luật pháp?

Về khía cạnh tập thể, Quốc hội đã hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng cử tri có tâm trạng là chưa hài lòng về chất lượng đại biểu Quốc hội.

Chúng ta không “vơ đũa cả nắm” hoặc phủ định sạch trơn, song thực tế đã chứng minh rằng, chất lượng đại biểu Quốc hội còn nhiều bất cập. Điều này có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, từ khi cơ cấu bầu cử đại biểu Quốc hội, trong quá trình hoạt động và đánh giá quá trình hoạt động của đại biểu.

Cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thật sự sáng suốt, chặt chẽ, công tâm, đúng pháp luật, tôn trọng cử tri trong xây dựng đề án nhân sự đại biểu Quốc hội.

Đề án nhân sự đại biểu cần thông qua bởi một Nghị quyết của Quốc hội khi đã được thực hiện các bước như làm luật, tất cả các đại biểu, đoàn đại biểu, cơ quan của Quốc hội thảo luận công khai và thông qua làm cơ sở triển khai bầu cử ra Quốc hội kỳ sau.

Vậy theo ông có cần phải đánh giá hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của từng đại biểu Quốc hội trong năm cũng như cả nhiệm kỳ?

Đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của Quốc hội thì theo nhiệm kỳ, trên cơ sở các nghị quyết ngay từ đầu nhiệm kỳ đó, có tính đến các phân đoạn là các kỳ họp. Nhưng đánh giá chất lượng đại biểu Quốc hội thì phải thường xuyên, qua từng kỳ họp, từng năm và kể cả qua từng hoạt động.

Cử tri theo dõi, đánh giá đại biểu đại diện cho mình nên bất kỳ thời điểm nào đều có quyền kiến nghị xem xét tư cách, sự cống hiến, lòng trung thành của người đại biểu cho họ đối với đất nước, nhân dân và trước lời hứa trong chương trình hành động, lời cam kết trong các hội nghị tiếp xúc cử tri. Điều đó buộc các đại biểu phải nỗ lực không ngừng, hành động khách quan, quyết liệt để đạt được sự tín nhiệm của cử tri.

Ban công tác đại biểu, mà bản chất là “Ban tổ chức, nhân sự” của Quốc hội phải tham mưu cho Quốc hội và cho cử tri cả nước cơ chế lựa chọn, đánh giá, sắp xếp đại biểu của mình.

Bất kỳ sự di chuyển nào của đại biểu Quốc hội đều phải được sự đồng tình của cử tri, tránh tình trạng vì lý do sắp xếp cán bộ mà dịch chuyển đại biểu từ đơn vị bầu cử này sang đơn vị bầu cử khác, đến khi cử tri không được tham gia quyết định, thậm chí không biết lý do, không có thông tin.

Xin cảm ơn ông!

(thực hiện)