Hơn 2 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đã trở thành điểm sáng tăng trưởng kinh tế Việt Nam. |
Điểm sáng sản xuất, xuất khẩu gạo
Đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 khiến nhiều ngành khó khăn. Nhưng trong hơn 2 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo đã trở thành điểm sáng tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Tính đến ngày 15/3, xuất khẩu gạo đạt gần 1,3 triệu tấn và giá trị đạt 602 triệu USD, tăng 26,5% về lượng và 34,6% giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý, riêng 2 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc tăng rất mạnh, với mức tăng 595% về lượng và 724% về kim ngạch, đạt hơn 66.000 tấn, tương đương 37 triệu USD.
Thêm vào đó, giá gạo Việt Nam xuất khẩu cũng tăng khá cao, tiếp tục thu hẹp khoảng cách với gạo Thái Lan, cao hơn gạo Myanmar, Ấn Độ, vốn là những đối thủ cạnh tranh.
Về sản xuất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến kế hoạch sản xuất lúa năm 2020 đạt 43,5 triệu tấn thóc, trong đó, vụ Đông Xuân sản lượng thóc ước đạt 11 triệu tấn. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp cũng dự báo, việc xâm nhập mặn đang diễn ra hết sức gay gắt hiện nay sẽ ảnh hưởng tới hàng chục nghìn ha trồng lúa tại ĐBSCL và sản lượng lúa gạo sẽ bị ảnh hưởng.
Trước bối cảnh đó, Bộ Công Thương nhận định, nếu việc xuất khẩu gạo vẫn diễn tiến như trong hơn 2 tháng đầu năm, Việt Nam có thể sẽ đối diện với rủi ro thiếu gạo cho tiêu dùng trong nước. Vì vậy, Bộ đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cân nhắc một số phương án, trong đó có phương án tạm giãn tiến độ xuất khẩu gạo và xem xét cấp Giấy phép xuất khẩu gạo. Sau khi xem xét, lắng nghe ý kiến của các bộ, ngành, Thủ tướng quyết định giãn tiến độ xuất khẩu gạo đến cuối tháng 5.
Sau khi có kết luận của Thủ tướng, Bộ Công Thương nhận được ý kiến của một số địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho rằng, cần có sự đánh giá lại về sản lượng thóc, gạo vụ Đông Xuân năm nay cũng như lượng tồn kho thực tế trong dân và tại các doanh nghiệp. Chính vì thế, Bộ kiến nghị Thủ tướng cho phép kiểm tra lại lần nữa lượng tồn kho trong dân, lượng tồn kho trong các doanh nghiệp và báo cáo lại Chính phủ xem xét quyết định.
Ngày 25/3, Thủ tướng yêu cầu tạm dừng ký mới hợp đồng xuất khẩu gạo, đồng thời lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, đánh giá về nguồn cung thóc gạo, tình hình xuất khẩu gạo và thực hiện dự trữ, báo cáo Thủ tướng.
Mới đây nhất, theo báo cáo Bộ Công Thương gửi Thủ tướng ngày 28/3, sau khi tham khảo các đơn vị liên quan, cơ quan này đề xuất tiếp tục xuất khẩu gạo trở lại nhưng kiểm soát chặt số lượng theo từng tháng, trước mắt là tháng 4 và 5.
An ninh lương thực hay xuất khẩu?
Trước yêu cầu tạm dừng ký mới hợp đồng xuất khẩu gạo, đã có những ý kiến trái chiều. Bên ủng hộ việc tiếp tục xuất khẩu cho rằng, Chính phủ nên xem xét lại quyết định và tiếp tục cho xuất khẩu gạo để tranh thủ đợt giá thị trường đang cao hiện nay.
Là người ủng hộ tiếp tục xuất khẩu, TS. Nguyễn Đức Thành, thành viên Liên minh Chính sách nông nghiệp Việt Nam cho rằng, gạo là mặt hàng mà nguồn cung có thể được bổ sung sau 3-4 tháng, việc lo sợ quá mức về thiếu hụt nguồn cung sẽ khiến Việt Nam đánh mất cơ hội của cả người sản xuất lẫn các nhà xuất khẩu.
Tại cuộc họp với lãnh đạo Bộ Công Thương về việc kiểm tra, đánh giá nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo tại TP. Hồ Chí Minh ngày 26/3, đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng cho rằng, nguồn cung trong nước và tại kho các doanh nghiệp khá dồi dào, đủ để đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu, đề nghị Bộ Công Thương sớm báo cáo với Chính phủ cho phép xuất khẩu gạo trở lại.
Nhiều ý kiến đưa ra khá thuyết phục về việc, trước tình hình dịch bệnh và biến đổi khí hậu khắc nghiệt hiện nay, việc hạn chế xuất khẩu gạo, đảm bảo an ninh lương thực là rất quan trọng và cần thiết. |
Ở chiều ngược lại, có nhiều ý kiến đưa ra khá thuyết phục về việc, trước tình hình dịch bệnh và biến đổi khí hậu khắc nghiệt hiện nay, việc hạn chế xuất khẩu gạo, đảm bảo an ninh lương thực là rất quan trọng và cần thiết. Thêm vào đó, tuy thuộc top đầu thế giới về xuất khẩu gạo nhưng an ninh lương thực của Việt Nam chỉ đứng thứ 57/113 quốc gia.
Thực tế cho thấy, các ý kiến ủng hộ việc dừng xuất khẩu gạo không phải không có lý khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia hiện cũng đã áp dụng các biện pháp nhằm bảo đảm nguồn cung lương thực. Mới đây, Kazakhstan, một trong những nước xuất khẩu bột mỳ lớn nhất thế giới, đã cấm xuất khẩu sản phẩm này. Nga, nước xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới đang để ngỏ khả năng xuất khẩu và cho biết sẽ tiếp tục theo dõi tình hình.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, dự báo dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên việc đảm bảo an ninh lương thực là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, hạn hán còn kéo dài, khó khăn cho sản xuất, việc tạm ngừng xuất khẩu gạo trong khoảng thời gian nhất định là chủ trương đúng.
Theo ông Long, xuất khẩu lúa gạo và an ninh lương thực có thể xảy ra 2 kịch bản phụ thuộc vào dịch bệnh: Một là, khi dịch Covid-19 phức tạp kéo dài, có thể xảy ra khủng hoảng thiếu lương thực. Cùng với đó là ảnh hưởng của thiên tai hạn hán. Sản xuất bất ổn, dịch bệnh khiến giá lương thực tăng thì việc dự trữ là cần thiết. Hai là, sau 2 tháng nữa dịch bệnh được kiểm soát nhưng kinh tế toàn cầu suy thoái, sản xuất đình đốn. Lúc đó giá lương thực, thực phẩm sẽ có xu hướng tăng vì nguồn cung giảm, nên tích trữ lương thực sẽ có lợi để bình ổn giá trong nước và xuất khẩu.
Mặt khác, vựa lúa gạo ĐBSCL đang đối mặt xâm nhập mặn khốc liệt chưa từng có; tình trạng khô hạn do biến đổi khí hậu ở nhiều nước diễn biến phức tạp, nên vấn đề an ninh lương thực nước nào cũng đặt lên hàng đầu. Việt Nam cũng vậy, điều quan trọng nhất lúc này vẫn là bảo đảm an ninh lương thực quốc gia cho 100 triệu dân.
Tới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về an ninh lương thực quốc gia để bàn các giải pháp đảm bảo lương thực trong mùa dịch. Thủ tướng nhấn mạnh, an ninh lương thực luôn luôn và mãi là vấn đề hết sức hệ trọng, nhất là trong điều kiện bất ổn chính trị, an ninh phi truyền thống, dịch bệnh xảy ra trên thế giới.