📞

Đại dịch Covid-19 ‘tô đậm’ tình trạng nghèo đói toàn cầu

Kim Huyền 08:30 | 14/08/2021
Những làn sóng liên tục của đại dịch Covid-19, kết hợp với các cuộc khủng hoảng do xung đột và biến đổi khí hậu đang khiến hàng chục triệu người rơi vào cảnh đói nghèo và khó khăn.

Trong gần 2 năm qua, cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra khiến cuộc sồng của hàng triệu người vốn đang trong cảnh “giật gấu vá vai” ngày càng trở nên khó khăn trầm trọng. Hiện nay, hàng loạt các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là tại châu Phi đang bị đẩy vào tình trạng nghèo đói cùng cực.

Chấu Phi là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra. (Nguồn: NY Times)

Khủng hoảng chưa từng thấy

Theo phân tích từ Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), so với giai đoạn trước đại dịch, có khoảng 150 triệu người phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng. Con số này đã tăng lên đến khoảng 270 triệu người trong năm 2021. Số người trên bờ vực của nạn đói trong giai đoạn nghiêm trọng nhất của cuộc khủng hoảng đói cũng tăng từ 34 triệu lên đến 41 triệu.

Báo cáo chung giữa WFP và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đã gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng: “tình hình xung đột leo thang, gián đoạn kinh tế do Covid-19 và khủng hoảng khí hậu sẽ làm gia tăng mức độ mất an ninh lương thực tại 23 điểm nóng trên thế giới trong 4 tháng tới”. Các điểm nóng được liệt kê chủ yếu ở châu Phi cùng các nước ở Trung Mỹ, Afghanistan và Triều Tiên.

Chỉ số đói nghèo toàn cầu đang có xu hướng tăng trong nhiều năm nay. Nguyên nhân chủ yếu là do các nước nghèo phải đối mặt với nhiều khủng hoảng, từ đối phó với các nhóm vũ trang đến tình trạng đói nghèo cùng cực. Đồng thời, các thảm họa tự nhiên như hạn hán và lũ lụt dồn dập khiến các quốc gia không kịp ứng phó.

Nhưng trong hai năm qua, các cú sốc kinh tế do hậu quả của đại dịch cũng phần nào đẩy nhanh cuộc khủng hoảng lương thực. Báo cáo gần đây nhất của Oxfam cho biết, giá lương thực toàn cầu đã tăng đột biến tới 40%, mức tăng cao nhất trong hơn 10 năm.

Giờ đây, nạn đói đã trở thành yếu tố gia tăng khoảng cách giàu-nghèo giữa các quốc gia giàu có và các quốc gia nghèo, đang chìm sâu vào các khủng hoảng

Ông Amer Daoudi, Giám đốc điều hành cao cấp của WFP nhấn mạnh: “Tôi chưa bao giờ thấy tình hình trên toàn cầu tồi tệ như lúc này. Thông thường chỉ có một vài khủng hoảng, như xung đột, đói kém diễn ra cùng một lúc. Nhưng hiện giờ, tất cả các cuộc khủng hoảng lớn đều xảy ra đồng thời trên toàn cầu. "

Tác động đa chiều

Nam Phi, quốc gia từng được coi là có nền kinh tế vững vàng hàng đầu châu Phi nhưng cũng đang phải đối mặt với nạn đói hoành hành.

Tại Duncan, một ngôi làng rộng lớn ở tỉnh Eastern Cape, hàng chục nghìn gia đình đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế.

Trước khi đại dịch ập tới, ngôi làng với những mái nhà nhỏ luôn xôn xao khi những người công nhân tấp nập đi làm mỗi sáng. Họ thường phải di chuyển trên những chiếc xe buýt nhỏ đến thành phố East London, trung tâm công nghiệp của tỉnh Eastern Cape. Công việc lắp ráp ô tô, dệt may và chế biến thực phẩm đã mang lại thu nhập ổn định cho các gia đình ở đây.

Trong căn nhà 2 phòng ngủ, sống chung với cha và chị gái sinh đôi, cô Anelisa Langeni, 32 tuổi, chia sẻ: “chúng tôi luôn có đầy đủ đồ ăn”.

Gần 40 năm qua, cha cô làm công việc vận máy móc tại nhà máy của Mercedes-Benz. Đến khi nghỉ hưu, ông đã tiết kiệm đủ để xây thêm hai ngôi nhà trên mảnh đất của họ. Ồng hy vọng, việc cho thuê nhà sẽ mang lại sự ổn định tài chính cho các con của mình.

Đại dịch đã làm đảo lộn những kế hoạch đó. Trong vòng vài tuần kể từ đợt phong tỏa đầu tiên, những người thuê nhà đã mất việc làm và không thể trả tiền thuê nhà được nữa.

Khi cô Langeni bị sa thải khỏi công việc phục vụ bàn tại một nhà hàng hải sản và chị gái cô mất việc tại một cửa hàng bánh pizza nổi tiếng, họ chỉ còn cách sống dựa vào khoản lương hưu chỉ vỏn vẹn 120 USD/tháng của cha mình. Nhưng bất hạnh ập đến, hồi tháng 7, cha cô đã mất do mắc Covid-19.

Không tìm được việc làm, cô tìm đến hai người hàng xóm lớn tuổi để nhờ giúp đỡ. Hai nhà chia sẻ từng bữa ăn với những nguyên liệu đạm bạc như ngô và bắp cải, đều mua bằng tiền trợ cấp của chồng. Một hàng xóm khác cũng chia sẻ đồ ăn mỗi tuần sau khi con gái cô đến thăm và tiếp tế hàng hóa.

Cư dân thành phố Rietbron, tỉnh Eastern Cape, Nam Phi xếp hàng để nhận các bưu kiện thực phẩm từ một tổ chức phi chính phủ vào tháng Năm. (Nguồn: NY Times)

Trong năm qua, Nam Phi đã hứng chịu 3 làn sóng dịch, cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn trụ cột trong gia đình, khiến các gia đình mất khả năng mua thực phẩm. Các trường học bị đóng cửa đồng nghĩa với việc khoảng 9 triệu học sinh không được cung cấp những bữa ăn trưa miễn phí.

Ngoài ra, các lệnh hạn chế nghiêm ngặt khiến các chợ bán hàng lề đường buộc phải đóng cửa, buộc người dân ở khu vực đói kém phải đi xa hơn mới có thể mua được thực phẩm tại các siêu thị đắt tiền.

Ước tính có khoảng 3 triệu người Nam Phi mất việc làm, đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên 32,6% - mức cao kỷ lục kể từ khi chính phủ nước này bắt đầu thu thập dữ liệu hàng quý từ năm 2008. Ở các vùng nông thôn, tình trạng hạn hán kéo dài nhiều năm đã khiến hàng triệu gia súc bị chết và làm giảm thu nhập của nông dân.

Năm ngoái, chính phủ Nam Phi cũng đã cung cấp các gói cứu trợ, như 24 USD tiền trợ cấp hàng tháng và các khoản trợ cấp xã hội khác. Dù vậy, vào cuối năm vẫn có gần 40% số người dân Nam Phi bị ảnh hưởng bởi nạn đói.

Đại dịch Covid-19 không chỉ gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế mà còn tiếp tục đẩy nhiều quốc gia vào tình trạng đói nghèo. Oxfam cho biết, cứ mỗi phút lại có tới 11 người chết vì đói khát và suy dinh dưỡng, trong bối cảnh tỉ lệ những người phải sống trong các điều kiện đói nghèo tăng vọt kể từ khi đại dịch bùng phát. Trong khi đó, ước tính chỉ có khoảng 7 người tử vong/phút vì dịch Covid-19.

Bà Abby Maxman, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Oxfam Mỹ kêu gọi các quốc gia cần phải chấm dứt cuộc khủng hoảng đói nghèo này, bằng cách thúc đẩy chấm dứt các cuộc xung đột, cung cấp nguồn tài chính quan trọng để cứu sống nhiều mạng người ở hiện tại và giúp các cộng đồng xây dựng tương lai an toàn hơn.

(theo New York Times)