Từ đó Đảng, Nhà nước luôn xem xét, giải quyết hài hòa, đúng đắn mối quan hệ giữa quyền dân tộc - quốc gia với quyền của các cộng đồng dân tộc thiểu số và các giai tầng xã hội. Quan điểm chỉ đạo của Đại hội XIII là: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
Cách thức triển khai đưa văn kiện Đại hội XIII (văn kiện) vào cuộc sống là lồng ghép, tích hợp cách tiếp cận dựa trên quyền con người vào cách tiếp cận chính trị - xã hội.
Các đại biểu biểu quyết, thông qua Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. (Ảnh: TTXVN) |
Gắn quyền con người với quyền phát triển phồn vinh, hạnh phúc của dân tộc
Thể chế Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) không chỉ thể hiện ở mục tiêu bảo đảm quyền lực của dân, do dân, vì dân, mà còn phải được thể chế hóa thành phương tiện, công cụ để đạt được mục tiêu đó một cách hiệu lực, hiệu quả trong thực tế.
Văn kiện xác định: “Đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước”. Bằng cách tiếp cận dựa trên quyền của người dân như vậy, mới có thể áp sát vào thực tế triển khai, thực hiện công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế Nhà nước pháp quyền XHCN và thể chế nền kinh tế thị trường định hướng XHCN nhằm bảo đảm quyền lực của nhân dân một cách hiệu lực, hiệu quả trong thực tế.
Bởi lẽ, trong điều kiện tồn tại nhiều thành phần, khu vực kinh tế và phân hóa giàu nghèo, phân hóa xã hội theo cơ chế thị trường hội nhập quốc tế như hiện nay, chủ trương, chính sách, pháp luật chỉ có thể nhắm được vào một thành phần, khu vực kinh tế hay một giai tầng xã hội, mà rất khó bao phủ được toàn bộ các thành phần, khu vực kinh tế và các giai tầng xã hội.
Vì thế, mỗi chủ trương, chính sách, pháp luật chỉ có thể được lựa chọn, xác định chính xác và triển khai, thực hiện một cách hiệu lực, hiệu quả trên thực tế khi: (i) Xuất phát và nhắm đến đúng thành phần kinh tế hay giai tầng xã hội cần được thụ hưởng quyền lợi; (ii) Phân rõ chủ thể được bảo đảm quyền lợi và chủ thể có nghĩa vụ bảo đảm thực hiện quyền lợi; (iii) Lôi cuốn và huy động được sự tham gia chủ động, tích cực, đông đảo của người dân vào việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật; (iv) Bảo đảm sự công khai, minh bạch trong triển khai, thực hiện.
Đây chính là các tiêu chí của cách tiếp cận dựa trên quyền con người và là công cụ hay phương tiện nhất thiết cần phải có trong “nghiên cứu, ban hành Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” theo yêu cầu của Đại hội XIII, nhằm thực hiện mục tiêu của thể chế nhà nước.
Chú trọng tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ những quyền mới phát sinh trong bảo đảm quyền lực của nhân dân, như: quyền an ninh, an toàn thông tin mạng, quyền mua bán, kinh doanh trên nền tảng Internet, quyền giáo dục, sinh hoạt tôn giáo, văn hóa trực tuyến, quyền bí mật đời tư, quyền về thân thể, danh dự, nhân phẩm của trẻ em, quyền của những người lao động di cư... Đồng thời cũng nắm bắt, điều tiết những thách thức đang đặt ra ngày càng lớn hơn đối với việc ghi nhận, bảo đảm, bảo vệ các quyền mới nêu trên.
Quyền con người là khâu nối tất yếu giữa lấy con người làm trung tâm và phát triển con người toàn diện
Văn kiện khẳng định: Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.
Như vậy, khi triển khai, thực hiện Nghị quyết, không thể dựa vào dân, lấy dân làm gốc, không thể bồi dưỡng, phát huy sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, nếu không “đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Mặt khác, mục tiêu phát triển con người toàn diện đương nhiên phải xuất phát từ con người và “lấy con người làm trung tâm”. Nhưng nếu không bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân như đã được thể chế trong Hiến pháp năm 2013, thì con người không thể chủ động, tích cực tham gia vào các công việc nhà nước và xã hội với tư cách là người là chủ - làm chủ.
Do đó, bảo đảm quyền con người phải là khâu kết nối cần thiết, không thể thiếu giữa khâu lấy con người làm trung tâm và phát triển con người toàn diện.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”. |
Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013, gắn quyền với nghĩa vụ, trách nhiệm công dân
Đại hội XIII nhấn mạnh: “Tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ..., bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”. Quyền lực của nhân dân trong điều kiện thể chế Nhà nước pháp quyền XHCN không chỉ là làm chủ tập thể, mà trước tiên và cơ bản là làm chủ bản thân.
Cho nên, trong phương hướng tiếp tục xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN, không chỉ chú trọng xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp quyền của Nhà nước, mà đồng thời phải chú ý đúng mức đến việc xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp quyền của con người, của công dân với tính cách là các quan hệ nền tảng và có tính bình đẳng với thể chế pháp quyền của Nhà nước.
Nếu không chú ý xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế pháp quyền như vậy trong Nhà nước pháp quyền XHCN thì người dân và cả cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước quan hệ với Nhà nước chưa phổ biến bằng thể chế pháp quyền, mà có khi quan hệ lệch lạc ở tính “cộng đồng - tình nghĩa”, “cá nhân - cá thể” theo kiểu “lợi ích nhóm” và tính bao cấp.
Như vậy, trong việc tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện thực hành dân chủ trên thực tế, phải coi trọng việc bảo đảm, bảo vệ và thúc đẩy thể chế pháp quyền có tính bình đẳng của con người, của công dân và của Nhà nước trong thể chế Nhà nước pháp quyền XHCN nói chung ở Việt Nam.
An ninh con người, an ninh quốc gia gắn với quyền con người
Đại hội XIII của Đảng chủ trương: “Bảo đảm an ninh sinh thái, an ninh môi trường, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng”. “Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân; “giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng”...
Triển khai thực hiện những chủ trương này chính là thúc đẩy tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ an ninh con người gắn với quyền con người và an ninh quốc gia, trên 7 phương diện: an ninh kinh tế, an ninh lương thực, an ninh sức khỏe, an ninh môi trường, an ninh cá nhân, an ninh cộng đồng và an ninh chính trị.
Tin liên quan |
Đường lối đối ngoại Đại hội XIII với khát vọng phát triển của đất nước |
Coi trọng công tác bảo hộ công dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài
Đại hội XIII của Đảng chủ trương: “Hỗ trợ để người Việt Nam ở nước ngoài có địa vị pháp lý vững chắc, phát triển kinh tế và đời sống, hòa nhập xã hội nước sở tại. Nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân, quản lý lao động, du học sinh...” trong quá trình tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả hội nhập quốc tế. Hiện nay, cần tăng cường thực hiện Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Bộ luật Lao động năm 2019, tạo khung pháp lý tương đối hoàn chỉnh thúc đẩy việc bảo vệ quyền của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo tiêu chuẩn quốc tế.
Việc tăng cường công tác bảo hộ công dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài là nhằm bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của họ, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với công dân, góp phần nâng cao vị thế chính trị, uy tín của Nhà nước ta đối với thế giới cũng như trong con mắt Việt Nam ở nước ngoài; từ đó, khuyến khích, động viên ngày càng nhiều sự đóng góp của đồng bào ở xa Tổ quốc vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Hoạt động tư pháp phải bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân
Trong bối cảnh các vụ án thuộc lĩnh vực dân sự, hôn nhân, gia đình, lao động, kinh doanh, thương mại (gọi chung là vụ việc dân sự) ngày càng tăng về số lượng với tính chất ngày càng phức tạp, gay gắt thì cần thúc đẩy thực hiện hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo Luật Hòa giải, Đối thoại tại Tòa án (tháng 6/2020).
Đồng thời phải “xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, gây rối nội bộ, làm mất ổn định chính trị - xã hội hoặc vi phạm dân chủ, làm phương hại đến quyền làm chủ của nhân dân”.
Và trong nghiên cứu, ban hành Chiến lược tư pháp, cải cách tư pháp gắn với “nghiên cứu, ban hành Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, cần phải chú trọng tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án và các cơ quan, tổ chức tham gia vào quá trình tố tụng tư pháp; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các loại tranh chấp, khiếu kiện theo luật định; phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với hoạt động của tội pháp và vi phạm pháp luật.
Đẩy mạnh đối thoại, đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng và chế độ xã hội XHCN
Đại hội Đảng XIII chủ trương: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, khách quan, đúng định hướng để phòng, chống “diến biến hòa bình”, thông tin xấu, độc trên Internet và mạng xã hội”.
Cần nhấn mạnh rằng, trong điều kiện chế độ XHCN với sự cầm quyền của Đảng, mục tiêu và bản chất của đấu tranh và đối thoại trên lĩnh vực quyền con người, trước tiên và chủ yếu là nhằm thực hiện, phát huy nền dân chủ XHCN trong nhân dân. Từ đó cảm hóa, cô lập, làm thất bại hoàn toàn các âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động.
Trong quá trình đó, phải tăng cường thực hiện phương thức trong đấu tranh có đối thoại, để tiến hành trao đổi, thương lượng một cách bình đẳng giữa những người tham gia đối thoại trên cơ sở pháp lý nhất định, hướng đến một chủ đề cụ thể, nhằm nhận thức sâu thêm về nhau và đạt tới một chân lý cao hơn cho cả hai bên, hoặc tiến đến giải quyết được một vấn đề nhất định liên quan đến danh dự, nhân phẩm hay quyền lợi cụ thể của các bên.
Trong đấu tranh cần phải chủ động, tích cực nhận diện, phê phán, phản bác, bác bỏ, ngăn chặn, xử lý công khai, minh bạch bằng pháp luật nhằm kiên quyết làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn sử dụng dân chủ, nhân quyền như một công cụ chống phá chế độ chính trị - xã hội ở Việt Nam hiện nay.
Trong hội nhập quốc tế, nguyên tắc trong đấu tranh có đối thoại là để nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau, từng bước thu hẹp bất đồng và những sự hiểu biết khác nhau, nhất là giữa Việt Nam với các đối tác quốc tế trong vấn đề dân chủ, nhân quyền. Thông qua đó tích cực chuyển từ tham dự sang chủ động tham gia đóng góp hoặc tham gia kiến tạo thể chế hợp tác quốc tế trên lĩnh vực quyền con người vốn có nhiều khác biệt về quan điểm.
Qua đó chủ động tạo điều kiện và vị thế ở tầm cao hơn cho Việt Nam trong việc kiên quyết bảo vệ quan điểm, lập trường, lợi ích quốc gia - dân tộc và đấu tranh ngăn chặn hiệu quả với các hoạt động lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta.