Đại sứ Việt Nam tại Đức Nguyễn Minh Vũ tại phiên khai mạc Đại hội XIII sáng 26/1. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Các dự thảo Văn kiện có nhiều điểm mới
Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa và tầm quan trọng của Đại hội XIII?
Như chúng ta đã biết, Đại hội XIII là sự kiện chính trị trọng đại của Đảng và của cả dân tộc ta. Đại hội lần này là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng và đất nước, có ý nghĩa định hướng và tầm nhìn chiến lược cho tương lai, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn.
Ý kiến của Đại sứ về các điểm mới trong dự thảo các Văn kiện Đại hội, đặc biệt những nội dung liên quan đến đánh giá tình hình thế giới và khu vực và chiến lược, định hướng đối ngoại trong thời gian tới?
Các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng được chuẩn bị công phu, bài bản, chu đáo, qua nhiều lần lấy ý kiến trong toàn bộ hệ thống chính trị, đông đảo các tầng lớp nhân dân trong nước cũng như cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Các dự thảo Văn kiện có nhiều điểm mới, chỉ rõ tầm nhìn, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cũng như các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược trên nhiều lĩnh vực.
Về đánh giá tình hình thế giới và khu vực, chiến lược, định hướng đối ngoại, các dự thảo Văn kiện Đại hội đã nhấn mạnh cục diện thế giới tiếp tục biến đổi theo xu hướng đa cực, đa trung tâm; các nước lớn vẫn hợp tác, thỏa hiệp, nhưng đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau gay gắt hơn.
Do tác động của đại dịch Covid-19, tình hình kinh thế thế giới đang trải qua những biến động lớn, lâm vào khủng hoảng, suy thoái nghiêm trọng và có thể còn kéo dài; cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực.
Còn ở khu vực, những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn. Hòa bình, ổn định, tự do, an ninh an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đứng trước thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột…
Trên cơ sở đó, các dự thảo Văn kiện đã nhấn mạnh việc kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Cá nhân tôi rất nhất trí với điểm mới trong dự thảo các Văn kiện về vai trò của đối ngoại, theo đó lần đầu tiên nêu “tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”.
Cần chú ý, là mặc dù vai trò tiên phong của đối ngoại lần đầu tiên được đưa vào dự thảo các văn kiện Đại hội, nhưng trước đó đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu về vai trò tiên phong của đối ngoại nói chung và ngoại giao nói riêng trong thời bình, góp phần bảo vệ an ninh, độc lập và chủ quyền đất nước tại Hội nghị Ngoại giao 28 năm 2013 và Hội nghị Ngoại giao 29 năm 2016.
Đại sứ quán Việt Nam tại Đức đã triển khai việc lấy ý kiến đóng góp của cộng đồng người Việt Nam tại Đức cho dự thảo các Văn kiện Đại hội Đảng như thế nào?
Thực hiện chủ trương lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, trong đó có cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho các Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức đã tổ chức lấy ý kiến cộng đồng người Việt Nam tại Đức thông qua hai hình thức chủ yếu là góp ý bằng văn bản và góp ý trực tiếp.
Đặc biệt, ngày 03/11/2020, Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức đã tổ chức Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến cộng đồng người Việt Nam tại Đức đối với dự thảo các văn kiện. Đại diện các Hội đoàn, các nhân sỹ, trí thức, doanh nhân người Việt Nam tại CHLB Đức cùng đại diện các chi bộ thuộc Đảng bộ tại CHLB Đức đã tham gia Hội nghị.
Thông qua hai hình thức nói trên, cộng đồng người Việt Nam tại Đức đã đóng góp nhiều ý kiến vào từng văn kiện lớn từ Dự thảo Báo cáo chính trị, Báo cáo về Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và 2045, cũng như dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII.
Sự hưởng ứng rộng rãi
Đại sứ có thể cho biết các vấn đề mà cộng đồng quan tâm nhân dịp Đại hội XIII là gì?
Cộng đồng người Việt Nam tại Đức đánh giá cao các Dự thảo báo cáo đã khái quát tương đối toàn diện quá trình đổi mới, phát triển kinh tế-xã hội và những thành tựu về mọi mặt mà đất nước đã đạt được trong giai đoạn vừa qua, cũng như chỉ ra một số hạn chế cần được khắc phục để đất nước có thể phát triển nhanh hơn và bền vững hơn.
Các ý kiến tập trung vào những vấn đề lớn của đất nước, trong đó bà con đặc biệt quan tâm đến quốc phòng - an ninh, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ - môi trường và xây dựng nhà nước pháp quyền, phòng chống tham nhũng.
Nhiều điểm mới trong dự thảo các văn kiện đã được bà con nghiên cứu, đóng góp ý kiến, trong đó có định hướng mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, những vấn đề về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn thiên nhiên, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên… thu hút được nhiều sự quan tâm.
Đại sứ Việt Nam tại Đức Nguyễn Minh Vũ và các đại biểu Bộ Ngoại giao thuộc Đoàn Khối các cơ quan trung ương dự phiên họp phiên trù bị Đại hội XIII, ngày 25/1. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Một số đại biểu cũng đã góp ý về việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, đổi mới sáng tạo, tận dụng các cơ hội của công nghệ số cho phát triển quốc gia, nhất là trong kỷ nguyên số và trong bối cảnh kinh tế số đang được đẩy mạnh tại Việt Nam.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh nguồn lực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong công cuộc phát triển đất nước, trong đó có hơn 400.000 chuyên gia, trí thức và thế hệ trẻ với trình độ cao. Một số ý kiến đã đề xuất những biện pháp cụ thể nhằm khai thác tốt nguồn tài nguyên chất xám của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng như tăng cường hợp tác về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo giữa Việt Nam với các nước phát triển, trong đó có CHLB Đức.
Có thể nói việc lấy ý kiến đóng góp cho các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng XIII đã nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của cộng đồng người Việt Nam tại CHLB Đức, thông qua đó bà con đã thể hiện rõ tình cảm gắn bó với quê hương, những trăn trở trước các vấn đề lớn của đất nước cũng như trách nhiệm đóng góp trí tuệ, chất xám của mình để góp phần hoàn thiện các dự thảo văn kiện.
Cộng đồng người Việt kỳ vọng như thế nào vào các nội dung quyết sách lớn của Đại hội, thưa Đại sứ?
Cộng đồng người Việt Nam tại CHLB Đức vui mừng trước những thành tựu mà đất nước ta đã đạt được trong thời gian qua và đánh giá cao công tác chuẩn bị Đại hội Đảng XIII được tiến hành rất bài bản, nghiêm túc.
Thời gian qua, đại dịch Covid tác động nặng nề đến hầu hết các nước trên thế giới; nhiều nước, trong đó có Đức, đang phải áp dụng các biện pháp phong tỏa chặt chẽ, các hoạt động hội họp đều phải hoãn, hủy hoặc chuyển sang hình thức trực tuyến. Trong khi đó, Việt Nam vẫn bảo đảm tốt mục tiêu kiểm soát dịch; các hoạt động kinh tế, xã hội cơ bản vẫn diễn ra bình thường; kinh tế đạt mức tăng trưởng thuộc nhóm hàng đầu trên thế giới.
Trong bối cảnh đó, cộng đồng người Việt Nam tại Đức càng thêm phấn khởi, tự hào, tin tưởng Đại hội sẽ thành công tốt đẹp. Bà con mong muốn Đại hội sẽ thông qua những quyết sách lớn và bầu chọn những đại diện thực sự xuất sắc để lãnh đạo đất nước trong giai đoạn mới.
Bên cạnh những ý kiến cụ thể đóng góp cho các văn kiện Đại hội Đảng, bà con đặc biệt nhấn mạnh mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục kiên quyết hơn trong công cuộc cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, chú trọng làm tốt hơn nữa công tác cán bộ, lựa chọn người có tài, có đức, có tâm và có tầm để đưa vào các vị trí lãnh đạo, kiên quyết loại bỏ những người không đủ năng lực, phẩm chất, qua đó góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh đó, bà con mong Đảng, Nhà nước tiếp tục có những chính sách thuận lợi hơn nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, khuyến khích kiều bào có nhiều đóng góp hơn nữa cho quê hương đất nước, cũng như quan tâm hỗ trợ bà con trong việc giữ gìn truyền thống văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, là cầu nối vững chắc cho quan hệ giữa Việt Nam và các nước.
Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ.