Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam giới thiệu, quảng bá vải thiều tại Nhật Bản. |
Chuyện quả vải Việt “gây sốt” tại thị trường Nhật
Việc đưa quả vải thành công sang thị trường Nhật Bản là một trong những câu chuyện điển hình về sự chủ động và sáng tạo của cơ quan đại diện trong việc kết nối thị trường được Đại sứ Vũ Hồng Nam chia sẻ bên lề Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 vào giữa tháng 12/2021.
Đại sứ kể lại, ý tưởng quảng bá quả vải Việt Nam đến rất tình cờ. Trong một lần ghé thăm bảo tàng ở địa phương Nhật Bản, ông bắt gặp các cháu bé được cô giáo dẫn đi tham quan. Ông hỏi các cháu có biết đến Việt Nam và đã được ăn quả vải của Việt Nam hay chưa? Các cháu nói có biết nhưng chưa được ăn.
Đại sứ hào hứng chia sẻ: “Khi ta đưa được vải vào thị trường Nhật, tôi gửi cho các cháu một thùng vải và ngay lập tức tạo hiệu ứng mạnh khi cả thầy và trò đều thích thú, mỗi bạn đều đăng lên Facebook. Rất nhiều người gọi tới siêu thị Aeon để hỏi mua vải khiến đích thân Giám đốc Aeon phải gọi cho tôi: ‘Tôi chưa kịp quảng bá mà ông đã quảng bá khiến chúng tôi chịu sức ép phải đưa được vải về’. Thế là đầu năm 2020, ta chỉ đưa sang được khoảng 10 tấn vải thì sang năm 2021 ta đã đưa được 50 tấn và hết sạch trong vài ngày. Tôi tin là năm tới, vải Bắc Giang sẽ được tiêu thụ rất nhiều ở Nhật”.
Theo Đại sứ Vũ Hồng Nam, thị trường Nhật vốn được biết đến là một thị trường rất khó tính nên việc quả vải Việt Nam được đón nhận nhiệt tình tại thị trường này khiến nhiều nước và khối khác như Singapore, Liên minh châu Âu (EU), Australia… cũng “đua theo” để nhập về.
“Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang gọi cho tôi nói cảm ơn vì đưa được vải vào Nhật, vì đã tạo hiệu ứng khiến hình ảnh, thương hiệu quả vải tăng lên, trong nước cũng rất thích, rồi thương nhân Trung Quốc vào mua cũng phải nâng giá. Mình làm được việc dù nhỏ như thế, nhưng một mặt đã truyền cảm hứng cho người tiêu dùng, mặt khác lan tỏa hàng hóa Việt Nam vào thị trường nước ngoài”, ông nói.
Tinh thần chủ động cũng luôn được Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản đề cao khi làm việc với doanh nghiệp: “Thông thường thì Đại sứ ở đâu, doanh nghiệp sẽ đến chào còn với tôi, doanh nghiệp ở đâu thì tôi sẽ tìm đến tận nơi để gặp mặt. Gặp bất kỳ doanh nghiệp nào tại Nhật tôi đều đưa danh thiếp ghi rõ số di động và email của mình để doanh nghiệp tiện kết nối. Sáng sớm nào tôi cũng kiểm tra email trả lời, kết nối bạn bè”.
“Ở đâu có hội chợ triển lãm về nông sản, tôi đều cùng Thương vụ mời các doanh nghiệp Việt Nam sang, nếu không sang được có thể gửi hàng hoá sang và sứ quán đứng ra giới thiệu, tiếp nhận thông tin. Nhờ thế mà nông sản Việt Nam đưa sang thị trường Nhật khá ổn định”. Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam |
Không chỉ kết nối, sự chủ động của người đứng đầu Cơ quan đại diện Việt Nam tại Nhật Bản còn được thể hiện ở việc quyết liệt theo đuổi từng vụ việc: “Sau một vài tuần kết nối, tôi sẽ gọi lại doanh nghiệp để hỏi tình hình, nếu còn vướng mắc phải thúc đẩy giải quyết. Cứ nghe có hội chợ mà doanh nghiệp Việt tham dự là tôi tới. Khi tôi đến với tư cách Đại sứ, các lãnh đạo địa phương cũng sẽ đến kèm theo báo chí, qua báo chí lại lan tỏa được hình ảnh của doanh nghiệp Việt Nam. Tôi giới thiệu nông sản, hoa quả của mình và mời họ. Bạn đều có đánh giá rất tốt”.
Đánh giá thị trường Nhật Bản nhiều tiềm năng với người dân có thu nhập cao, sức mua lớn, văn hóa ẩm thực phát triển, Đại sứ Vũ Hồng Nam cho rằng, nông sản Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để tiến sâu hơn nữa vào thị trường này. Để nông sản Việt Nam tiếp tục “làm nên chuyện” tại thị trường Nhật Bản, Đại sứ Vũ Hồng Nam gửi gắm đến các doanh nghiệp ba chữ “tự”, đó là “tự tin”, không “tự ti” và không “tự mãn”.
Đại sứ nhấn mạnh: “Xuất được hàng hóa hay không do chính ta quyết định. Hệ thống thị trường của ta với các nước gần như đã mở hoàn toàn. Chúng ta phải tuân thủ hệ thống, tiêu chuẩn an toàn và không thể coi đó là rào cản. Chúng ta bán những gì họ cần, chứ không phải mình có gì bán đó, phải xây dựng thương hiệu sản phẩm toàn diện từ chất lượng, mẫu mã, bao bì đóng gói, cách thiết kế bao bì bắt mắt theo thị hiếu nước sở tại”.
Đại sứ Nguyễn Trung Kiên giới thiệu một số sản phẩm cà phê Việt Nam cho Bộ trưởng Nông nghiệp Slovenia. |
Ước mơ về quán cà phê thương hiệu Việt tại Áo
Thúc đẩy ngoại giao kinh tế là một trong những mục tiêu hàng đầu của Đại sứ Việt Nam tại Áo Nguyễn Trung Kiên trong nhiệm kỳ ba năm. Khẳng định Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ là chiếc “chìa khóa vàng” đưa nông sản Việt sang thị trường EU, mà cụ thể là thị trường Áo, Đại sứ Nguyễn Trung Kiên đã quyết định lựa chọn hai nông sản tiêu biểu là dừa và cà phê để quảng bá. “Tôi không dám kỳ vọng nhưng tôi sẽ làm hết sức mình để đưa dừa và cà phê có mặt tại hệ thống siêu thị của Áo và châu Âu”, ông nói.
Nói là làm, sự kiện kỷ niệm 76 năm Quốc khánh 2/9 do Đại sứ quán Việt Nam tại Áo tổ chức đã gây ấn tượng đặc biệt với nhiều quan khách bởi cách làm táo bạo, “độc nhất, vô nhị” của Đại sứ Nguyễn Trung Kiên. Ông kể: “Đó là một ngày kỷ niệm rất đặc biệt khi phần nghi lễ chỉ gói gọn trong 10 phút đầu và tất cả người tham dự đều ngạc nhiên ngỡ ngàng khi tôi bắt đầu kể câu chuyện về quy trình sản xuất cà phê tuần hoàn của Việt Nam bằng hình ảnh. Tôi muốn truyền tải câu chuyện mới mẻ của cà phê Việt đến những người bạn Áo”.
Hiệu ứng lan tỏa sau sự kiện đến ngay tức thì. Nhiều doanh nghiệp Việt kiều tại Áo đã gặp riêng Đại sứ và bày tỏ quyết tâm muốn chung tay đưa cà phê Việt vào thị trường Áo. “Ban đầu, nhiều người thấy bất ngờ vì cách làm của tôi chẳng giống ai nhưng sau họ cho rằng Đại sứ mà dám làm như vậy chứng tỏ ông ấy rất quyết liệt với cà phê”, ông chia sẻ.
Đại sứ Nguyễn Trung Kiên cho biết, ông và các doanh nghiệp cà phê Việt Nam phấn đấu trong năm 2022 sẽ có sản phẩm cà phê riêng cho thị trường châu Âu với cửa ngõ là thị trường Áo. Đại sứ bày tỏ: “Cà phê Việt Nam xuất sang châu Âu trước đây chủ yếu vẫn là dưới dạng hạt, qua rang xay lại mang một tên gọi khác. Vì vậy, điều tôi hướng tới là chúng ta sẽ có sản phẩm cà phê thành phẩm mang tên Việt và mơ ước của tôi là kết thúc nhiệm kỳ sẽ có một quán cà phê Việt Nam tại thủ đô Vienna hoa lệ”.
Theo Đại sứ, Hiệp định EVFTA đang tạo ra lợi thế vô cùng lớn cho nông sản Việt Nam vào thị trường châu Âu và lợi thế này sẽ tiếp tục kéo dài trong ba năm tới. Quy mô thị trường 100 triệu dân của Việt Nam cũng đang hấp dẫn các nhà đầu tư châu Âu.
“Để tận dụng được tối đa những cơ hội từ EVFTA, doanh nghiệp cần phải chủ động, tích cực bám sát thị trường, theo dõi các biến động về chính trị, hệ thống luật pháp của các nước trong khu vực. Nhiều nước châu Âu đang chuyển hướng mạnh mẽ sang các sản phẩm xanh, công nghệ sạch, đây cũng là điều mà doanh nghiệp Việt Nam cần phải lưu ý”, Đại sứ Nguyễn Trung Kiên “nhắn nhủ” doanh nghiệp.
“Để đưa được cà phê và dừa sang thị trường EU thành công sẽ là cả một chặng đường dài với nhiều khó khăn trước mắt từ vấn đề logistics, thói quen ăn uống, quy định về an toàn thực phẩm, đưa vào chuỗi phân phối. Dù biết rất khó nhưng tôi là người lạc quan và sẽ liên tục thúc đẩy câu chuyện này”. Đại sứ Việt Nam tại Áo Nguyễn Trung Kiên |