📞

Đại sứ đến từ nhà Kennedy

14:59 | 30/11/2013
Ngày 22/11/2013, nước Mỹ kỷ niệm 50 năm ngày Tổng thống John F. Kennedy qua đời trong vụ ám sát tại TP. Dallas. Trước đó mấy ngày, người con duy nhất còn sống của ông, Caroline Kennedy chính thức trở thành Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản.
Bà Kennedy bước xuống xe ngựa bên ngoài Cung điện Hoàng gia Nhật, ngày 19/11.

Nếu bà không mang họ Kennedy, các bài báo viết về nhân vật mới được bổ nhiệm sẽ đơn thuần giật tít là "Nữ Đại sứ Mỹ đầu tiên tại Nhật Bản".

Song đây là người con duy nhất còn sống của cố Tổng thống Mỹ John F. Kennedy, cô gái nhỏ đáng yêu đã làm xao động cả nước Mỹ cách đây mấy thập kỷ khi cưỡi trên lưng chú ngựa con – món quà từ Phó Tổng thống Lyndon B.Johnson. Ca sĩ nổi tiếng Neil Diamond tiết lộ rằng chính con gái nhà Kennedy là nguồn cảm hứng cho ca khúc vượt thời gian Sweet Caroline.

Mặc dù nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày Tổng thống thứ 35 của nước Mỹ bị ám sát, huyền thoại gia đình Kennedy vẫn còn rất sống động. Trong phiên điều trần của bà trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ vào ngày 19/9, Chủ tịch Robert Menendez đã nói, "Cái tên Kennedy đã đồng nghĩa với phục vụ công chúng trong hơn một thế kỷ - một gia đình đã hy sinh quá nhiều để phục vụ đất nước này".

Đại diện của di sản gia đình

Mặc dù một số nhà phê bình đã nhấn mạnh về sự thiếu kinh nghiệm chính trị và ngoại giao của ái nữ nhà Kennedy, các thượng nghị sĩ vẫn chào đón bà như một đại diện của di sản gia đình. Bầu không khí ở đó "đặc biệt thân thiện", theo tờ The Washington Post.

Tuy nhiên, ông nội của bà, Joseph Kennedy là Đại sứ Mỹ tại Anh và dì Jean là Đại sứ tại Ireland. Một số chuyên gia cho rằng việc bà lớn lên trong môi trường chính trị như thế, không ngạc nhiên lắm nếu bà có bản năng chính trị đặc biệt nào đó.

Song người thừa kế nhà Kennedy lại rẽ sang những địa hạt khác. Bà là luật sư và nhà văn, sau khi tốt nghiệp Đại học Harvard và trường Luật Columbia. Năm 1980, bà làm việc tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York với tư cách là nhà nghiên cứu và trợ lý sản xuất phim. Ở đây, bà đã gặp người chồng tương lai - nhà thiết kế triển lãm Edwin Schlossberg. Hai người kết hôn năm 1986 và có ba người con.

“Thách thức cá nhân lớn nhất của bà là thoát khỏi cái bóng của cha để xây dựng sự nghiệp riêng như một nhà ngoại giao hàng đầu”.

(Nhà bình luận Shihoko Goto thuộc Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson)

Bà Kennedy, 55 tuổi, là tác giả của một số cuốn sách ăn khách về các chủ đề từ luật hiến pháp đến chính trị, thơ ca. Trong đó, phải kể đến Những bài thơ yêu thích nhất của Jacqueline Kennedy Onassis giới thiệu những bài thơ mà người mẹ quá cố của bà đã đọc cho các con và một số bài do chính cựu Đệ nhất phu nhân sáng tác.

Bà cũng nổi tiếng về sự tận tụy đối với các vấn đề giáo dục và văn hóa. Bà nắm giữ các vị trí như thành viên của Ủy ban Giải thưởng Tấm gương Dũng cảm (Profile in Courage Award) - giải thưởng do gia đình Kennedy lập ra để vinh danh những quan chức đã chứng tỏ khả năng lãnh đạo xuất sắc về mặt chính trị, Chủ tịch Học viện Chính trị Harvard, Chủ tịch danh dự của Nhà hát Ballet Mỹ và Phó Chủ tịch của Quỹ dành cho Trường học Công.

Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với tờ The Yomiuri Shimbun ngày 22/11, bà Kennedy đã nói về việc bà dạy thơ cho trẻ em ở thành phố New York. "Một trong những món quà lớn nhất mà tôi nhận được từ cha mẹ mình là niềm tin rằng những lời nói có sức mạnh làm thay đổi thế giới và nghệ thuật có thể mang chúng tôi lại gần nhau".

"Thích được đói bụng ở Nhật Bản"

Bà cũng mô tả hàng ngàn người chúc mừng đứng dọc theo con đường khi bà đến Cung điện Hoàng gia Nhật Bản để trình ủy nhiệm thư lên Nhật Hoàng Akihito hôm 19/11 là "sự tôn kính nước Mỹ và gia đình tôi". Đây là một "món quà ý nghĩa mà tôi có thể đại diện cho đất nước và gia đình của tôi", bà nói thêm.

Sứ mệnh mới đối với bà Kennedy sẽ không hề dễ dàng. Tại phiên điều trần, bà đã nói về những vấn đề lớn mà bà sẽ phải đối phó như việc duy trì các căn cứ của Mỹ ở Okinawa, sự tham gia của Nhật Bản trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như căng thẳng leo thang trên quần đảo Senkaku. Giới truyền thông đánh giá cách nói của bà là rất thận trọng và thể hiện sự am hiểu. Phu quân và hai người con của bà cũng đến dự phiên điều trần, tạo ra một hình ảnh của gia đình Mỹ lý tưởng, giống như cha mẹ bà từng làm…

Bà Kennedy cho biết bà sẽ "khiêm nhường" theo những bước đi của những bậc tiền bối, và thêm rằng bà sẽ "gánh vác” di sản của cha bà "ở mức thấp". Song Chủ tịch Menendez đã nhận xét rằng bà Kennedy mang đến "kinh nghiệm riêng, khả năng riêng, quan điểm riêng của mình – hội tụ đủ điều kiện để bà đảm đương vị trí này" sau khi ca ngợi di sản của gia đình bà.

Trong khi nhấn mạnh tầm quan trọng của gia đình, bà Kennedy cũng thích thể hiện cá tính của mình. Trong thông điệp phát sóng trên truyền hình hôm 13/11, bà giới thiệu mình là một "tác giả, nhà giáo dục, luật sư và một người mẹ".

Một số nhà quan sát cho rằng bà thiếu mối liên hệ với Nhật Bản, lập tức, bà chủ động thể hiện mối quan tâm cũng như sự gắn bó với nước này. Bà kết thúc thông điệp truyền hình với câu tiếng Nhật “Nihon de oaishimasyo" (Tôi sẽ gặp các bạn ở Nhật Bản) và sử dụng các trích dẫn từ các tác phẩm kinh điển Nhật Bản trong một số bài phát biểu gần đây...

Hôm 19/11, bà bắt đầu gửi tin nhắn trên trang twitter của mình bằng tiếng Anh với bản dịch tiếng Nhật. Trong cuộc phỏng vấn hôm 22/11, bà bật mí rằng bà yêu thích các món sukiyaki, tempura và sashimi. "Tôi thích được đói bụng ở Nhật Bản", bà nói đùa.

Đây là bước đi mới của Caroline Kennedy, không hề giống như những gì mà cha bà hay các thành viên khác trong gia đình Kennedy song không có gì là muộn.

Hạnh Diễm (Theo The Yomiuri Shimbun)