Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao Quyết định bổ nhiệm ông Đinh Ngọc Linh làm Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Malaysia ngày 24/2/2023. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Đại sứ có thể chia sẻ cảm nghĩ của mình khi được tiến cử làm Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Malaysia?
Đây là một vinh dự và đồng thời là trách nhiệm lớn đối với cá nhân tôi, đặc biệt khi tôi bắt đầu nhận nhiệm vụ mới đúng vào năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước.
Tôi cảm nhận rõ cơ hội quý báu được đại diện cho nhà nước và nhân dân mình trên diễn đàn quốc tế và tại nước bạn Malaysia; đồng thời cũng nhận thức sâu sắc trách nhiệm bảo vệ, thúc đẩy những giá trị, lợi ích quốc gia, thể hiện hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, đặc biệt là trong tình hình thế giới có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, chưa có tiền lệ và khó đoán định hiện nay.
Đồng chí Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thường giới thiệu về nhóm các Đại sứ được tiến cử giai đoạn 2023-2026: “Đây là lớp các Đại sứ trong giai đoạn mới” - giai đoạn bản lề của việc triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII với khát vọng phát triển của đất nước.
Điều này đòi hỏi các Đại sứ và Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phải luôn đặt lợi ích quốc gia trên hết, phát huy năng động, sáng tạo với tinh thần tận tâm, tận lực và phụng sự đất nước; trong công tác ngoại giao kinh tế, quán triệt chủ trương “lấy địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”.
Với tinh thần đó, tôi sẽ cùng với tập thể cán bộ Đại sứ quán và các cơ quan bên cạnh Đại sứ quán phấn đấu xây dựng Cơ quan đại diện đoàn kết, trong sạch vững mạnh, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao phó, góp phần thúc đẩy triển khai và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam-Malaysia, phát huy vai trò, vị thế đất nước trong ASEAN và trên trường quốc tế trong thời gian tới.
Việt Nam và Malaysia có nhiều điểm gần gũi với Việt Nam, cùng là thành viên trong mái nhà chung ASEAN, chắc rằng Đại sứ đã nắm trong "lòng bàn tay” những điều làm nên nét riêng của đất nước này?
Malaysia là một trong những nước láng giềng gần gũi với Việt Nam, cùng là thành viên của khối ASEAN, nhân dân hai nước thường xuyên qua lại, thăm viếng và hợp tác làm ăn với nhau.
Kết nối hàng không giữa hai nước phong phú và tiện lợi, giá cả sinh hoạt phải chăng nên Malaysia cũng là điểm đến hấp dẫn và phổ biến với các du khác Việt Nam từ nhiều năm qua.
Bên cạnh đó, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện nay có khoảng hơn 30.000 người Việt đang sinh sống, làm ăn và học tập tại Malaysia. Cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế sở tại, gắn kết và hỗ trợ lẫn nhau, giữ gìn, phát triển văn hóa Việt Nam và tham gia vào các hoạt động từ thiện cộng đồng - xã hội.
Do điều kiện công tác, tôi cũng đã có nhiều dịp được làm việc và thăm một số nơi trên cả hai phần lãnh thổ Đông-Tây của Malaysia. Với đặc điểm vừa nằm trên lục địa châu Á, trải dài trên bán đảo Malay và vượt biển sang phía Đông đảo Borneo, vì vậy, Malaysia có sự đa dạng về cảnh quan thiên nhiên, từ những hòn đảo xinh đẹp, những cao nguyên mát mẻ đến những rừng nhiệt đới nguyên sơ.
Hơn nữa, sự đa dạng về văn hóa là điểm chúng ta có thể trải nghiệm được ngay về Malaysia. Sự giao thoa của văn hóa các dân tộc Malay, Ấn Độ, Trung Quốc và các dân tộc bản địa khác, hòa trộn với nhau tạo ra nét văn hóa đặc sắc và giàu có của Malaysia. Sự đa dạng của văn hóa ấy được thể hiện ra dưới hình thế của những món ẩm thực hấp dẫn, độc đáo, nhiều và sẵn ở khắp mọi nơi; thể hiện trong các kiến trúc đặc trưng của cung điện và đền đài truyền thống mà nổi bật là kiến trúc đền chùa phật giáo Ấn Độ, Trung Quốc.
Malaysia có nền kinh tế khá lớn mạnh trong khu vực ASEAN (thu nhập bình quân đầu người khoảng 12.000 USD), đất nước năng động, đa dạng về cảnh quan thiên nhiên và văn hóa, ẩm thực với sự giao thoa giữa người Malay, Ấn Độ, Trung Quốc và các dân tộc thiểu số khác.
Người dân Malaysia thân thiện, tiếng Anh là ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi, ngay trong hệ thống giáo dục. Điều này tạo thuận lợi thu hút học sinh quốc tế, khách du lịch quốc tế và khả năng hội nhập quốc tế của Malaysia nói chung. Khẩu hiệu quảng bá du lịch “Malaysia Truly Asia” cho thấy người Malaysia luôn tự hào là một “Châu Á đích thực”.
Nhìn lại tổng thể hành trình 50 năm qua của quan hệ hai nước, đâu là những điểm nhấn quan trọng, thưa Đại sứ?
Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973 và năm nay (2023) đánh dấu một chặng đường dài 5 thập kỷ xây dựng và phát triển của quan hệ hai nước; đồng thời cũng là 8 năm hai nước triển khai quan hệ Đối tác chiến lược được nâng cấp vào tháng 8/2015.
Nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược một mặt thể hiện mức độ phát triển sâu rộng của quan hệ hai nước, thể hiện sự tin tưởng chính trị cao; mặt khác mở ra trang mới cho hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, văn hoá, quốc phòng - an ninh, khoa học - công nghệ và phát triển bền vững…
Hiện nay, hai nước đã và đang tích cực phối hợp thực thi hiệu quả Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược giai đoạn 2021-2025. Đây là tiền đề quan trọng nhằm củng cố và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác song phương trong những năm tới.
Bất chấp khó khăn của đại dịch Covid-19, hai bên vẫn thường xuyên duy trì các hoạt động trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp, trên tất cả các kênh đảng, nhà nước, chính phủ, quốc hội và giao lưu nhân dân dưới nhiều hình thức linh hoạt (cả trực tuyến và trực tiếp).
Có thể kể đến chuyến thăm Việt Nam vào tháng 3/2022 của Thủ tướng Malaysia khi đó là ông Dato Sri Ismail Sabri Yaakob và cuộc gặp giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim nhân dịp Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 tại Labuan Bajo, Indonesia ngày 10/5. Bên cạnh đó, lãnh đạo hai nước cũng đang có nhiều kế hoạch đi thăm lẫn nhau và thúc đẩy quan hệ song phương trên tất cả các lĩnh vực.
Tôi cho rằng điểm sáng trong quan hệ song phương thời gian qua chính là hợp tác kinh tế - thương mại. Malaysia hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam trong ASEAN (sau Thái Lan) và thứ 9 trên thế giới.
Malaysia cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam trong ASEAN (sau Thái Lan và Campuchia). Kim ngạch thương mại song phương không ngừng gia tăng trong những năm qua, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Mặc dù trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch song kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt gần 15 tỷ USD. Malaysia là nhà đầu tư lớn thứ hai trong ASEAN tại Việt Nam (sau Singapore), đứng thứ 10/140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 668 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký là 13 tỷ USD.
Trong khi đó, Việt Nam cũng có 21 dự án đầu tư sang Malaysia với tổng vốn đăng ký đạt 853 triệu USD. Hai bên còn là thành viên của nhiều tổ chức, diễn đàn, hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng ở khu vực (FTA ASEAN+, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực - RCEP, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP...).
Tôi vui mừng thấy rằng, quan hệ Việt Nam-Malaysia thời gian qua phát triển toàn diện trên nhiều mặt và với thế mạnh, tiềm năng, vị thế địa chiến lược trong ASEAN, khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới, quan hệ hai bên còn nhiều tiềm năng để phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Trên nền tảng mối quan hệ hữu nghị tiến triển rất tốt đẹp giữa hai nước, trên nhiều lĩnh vực hợp tác như Đại sứ đề cập ở trên, Đại sứ có thể chia sẻ đâu là trọng tâm, lĩnh vực hợp tác mà Đại sứ mong muốn và ưu tiên thúc đẩy trong nhiệm kỳ của mình?
Như tôi đã chia sẻ, hai bên có nhiều tiềm năng để thúc đẩy hợp tác. Hợp tác kinh tế thương mại là điểm sáng thời gian qua, còn nhiều “dư địa” cần tiếp tục được khai phá và đẩy mạnh hơn nữa, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình thế giới mới với những bước dịch chuyển lớn của nền kinh tế, trong đó vai trò ngày càng quan trọng của khu vực kinh tế châu Á-Thái Bình Dương.
Thêm nữa, chúng ta đã và đang ở trong thế kỷ của đại dương, Việt Nam và Malaysia đều là những quốc gia có biển và có nền kinh tế biển phát triển (dầu khí, năng lượng gió, thủy hải sản, giao thông vận tải biển, trong đó có cảng biển, du lịch biển...) việc hai bên tăng cường hợp tác toàn diện về biển nói chung và kinh tế biển nói riêng là hướng đi đúng đắn, tạo thêm động lực thúc đẩy kinh tế, thương mại hai nước mạnh mẽ hơn nữa.
Trong tình hình mới hiện nay, hai nước đều có chung lợi ích và mục tiêu quốc gia trong việc xây dựng nền kinh tế xanh, sạch, phát triển năng lượng tái tạo, cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và chuyển đổi số, kinh tế số. Đây là những lĩnh vực tiềm năng hai bên đều có lợi ích và thế mạnh riêng, là lĩnh vực cũng cần ưu tiên thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới.
Năm 2023, tôi mong muốn Đại sứ quán và các cơ quan bên cạnh Đại sứ quán phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức và doanh nghiệp liên quan của hai nước triển khai thành công các hoạt động, các sự kiện ý nghĩa trong năm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao hai nước, trong đó đặc biệt được đánh dấu bằng chuyến thăm chính thức Malaysia của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam vào cuối năm; tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao; “khởi động” chương trình xúc tiến thương mại qua Hành trình Văn hóa-Thương mại Việt Nam-Malaysia. Cùng với công tác nội bộ, đây sẽ là những nhiệm vụ ưu tiên của tôi trong năm 2023.
Đại sứ đánh giá thế nào về sự phối hợp trong – ngoài (trong nước và cơ quan đại diện ở nước ngoài) trong triển khai nhiệm vụ nói chung, nhất là hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, triển khai hoạt động ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển của đất nước?
Các Đại sứ là đại diện cho quốc gia khi ở nước ngoài nên thường xuyên nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Nhà nước, các bộ, ban, ngành và địa phương.
Cơ quan đại diện ngoại giao là “cánh tay nối dài” để thực hiện chính sách, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta; là hình ảnh quê hương, ngôi nhà ấm áp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Việc phối hợp chặt chẽ “trong-ngoài” là cơ sở để thực hiện tốt chức năng ấy. Các đại sứ nhiệm kỳ 2023-2026 được xem là lớp đại sứ của giai đoạn mới, giai đoạn có nhiều diễn biến và dịch chuyển phức tạp trên thế giới rất khó đoán định, giai đoạn của phục hồi kinh tế thế giới, khu vực và Việt Nam sau đại dịch Covid-19, do đó, còn đặc biệt nhận được sự quan tâm, hỗ trợ chuẩn bị hành trang kỹ lưỡng trước khi lên đường của Bộ Ngoại giao, đặc biệt là của đồng chí Bộ trưởng.
Hành trang chuẩn bị ấy là gì? Có thể kể ra như nhóm Đại sứ được tham gia các lớp đào tạo giành riêng cho Trưởng cơ quan đại diện, được nhiều các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Quốc hội và Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương trực tiếp chia sẻ thông tin, căn dặn và giao nhiệm vụ; được tiếp xúc với số lượng lớn các địa phương ở cả ba miền, các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực để nắm bắt cụ thể các nhu cầu, mong muốn của từng địa phương và doanh nghiệp. Đây sẽ là cơ sở thực tiễn quan trọng hỗ trợ các Đại sứ trong triển khai các nhiệm vụ cụ thể tại địa bàn.
Về sự tự tin, tôi cho rằng thế đi lên, thực lực ngày càng vững chắc và hình ảnh được thế giới coi trọng của đất nước chúng ta sẽ là chỗ dựa, là “hậu phương” quan trọng nhất để các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở ngoài “tiền tuyến” có sự tự tin trong công tác đối ngoại.
Đồng thời, sự tự tin cá nhân có được có thể còn nhờ kinh nghiệm làm việc nhiều năm trong lĩnh vực đối ngoại và về biển; từ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo các cấp, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, cơ quan đại diện và sự chuẩn bị bài bản, chu đáo của Bộ Ngoại giao cho các Đại sứ trước khi lên đường nhận nhiệm vụ.
Xin cảm ơn ông!