TIN LIÊN QUAN | |
Việt Nam – Liên bang Nga: Tiếp tục cùng tiến bước | |
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Đại sứ Liên bang Nga |
Đại sứ LB. Nga Konstantin Vnukov tại Việt Nam. |
Trải nghiệm từng khoảnh khắc
Năm Mậu Tuất với tôi sẽ là năm thứ ba tại Việt Nam. Tôi đặt chân tới đất nước xinh đẹp này từ tháng 2/2015 cũng là khi Năm mới tới. Bởi vậy, ngày Tết cổ truyền Việt có ý nghĩa đặc biệt bởi tôi được trải nghiệm không khí Tết Việt ngay tại Đại sứ quán cùng lúc với thời điểm bắt đầu sứ mệnh của mình với tư cách là Đại sứ Nga và đang chuẩn bị trình Quốc thư.
Trong nhiệm kỳ của mình, có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên cái Tết Bính Thân - năm 2016 khi tôi được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mời đến nơi ở của ông ở miền Nam để cùng đón những ngày xuân tươi đẹp. Với tôi, đây quả thực là một vinh dự lớn lao. Tôi đã trở thành vị khách nước ngoài đầu tiên của vị chủ nhà đặc biệt này trong Năm mới. Tôi biết, trong văn hóa Việt Nam, việc xông nhà có ý nghĩa rất quan trọng.
Năm đó cũng là lần đầu tiên tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc trên khắp mọi miền đất nước Việt Nam từ Bắc tới Nam. Có những khác biệt nhất định giữa hai miền, song bản chất của ngày Tết không thay đổi, dù có hay không cành đào nở hoa hay cây quất mọng vàng thì điều quan trọng nhất của Tết Việt là sự đoàn viên trong gia đình. Tôi thấm thía hơn câu châm ngôn “uống nước nhớ nguồn” và nét văn hóa hướng về nguồn cội của người Việt. Ngày Tết, các thành viên trong gia đình, dù đang sống ở bất cứ nơi đâu cũng nghĩ tới hai tiếng trở về, để cùng nhau đón mùa Xuân mới.
Tôi đón Tết Việt theo cách riêng của mình. Tôi thích đi dạo trên những con phố cổ của Hà Nội vào những ngày đầu Xuân và quan sát hoạt động của mọi người xung quanh. Góc này là hình ảnh cụ già râu bạc phơ viết chữ Nho “hạnh phúc”, phía kia là các cháu nhỏ trong trang phục truyền thống tranh cãi xem chúng đã nhận được bao nhiêu tiền “lì xì”. Phố phường ngập tràn xác pháo hoa rực rỡ, hoặc được nhuộm một màu hồng dịu dàng bởi những cành đào đang đua nhau khoe sắc. Tôi yêu hương vị của các món ăn truyền thống tỏa ra từ các con ngõ nhỏ, yêu nụ cười, cái bắt tay mà mọi người trao nhau, không khí đậm một nét đặc trưng khó có từ nào diễn tả được. Hà Nội những ngày Tết trầm lắng hơn, không có quá nhiều xe cộ và không có tắc đường. Tất cả làm ta cảm thấy vô cùng thư thái.
Sự đồng điệu của hai văn hóa
Tôi thường nói với các bạn Việt Nam của tôi rằng hai dân tộc chúng ta rất giống nhau, không chỉ trong quan điểm chung về cuộc sống hay đâu đó trong đặc điểm về tính cách, mà còn trong nhiều phong tục tập quán. Việc tiễn năm cũ, đón Năm mới cũng không phải ngoại lệ. Với người Nga hay người Việt, đón Năm mới trước hết đều có ý nghĩa là ngày lễ của gia đình. Chúng tôi cũng thường đón Năm mới trong sự đoàn viên với người thân, họ hàng và bè bạn. Người Việt và người Nga đều thu xếp công việc để dành thời gian dọn dẹp, tân trang nhà cửa trước thềm Năm mới với hy vọng về những khởi đầu mới. Tôi nhận thấy, người Việt Nam rất yêu thích món salad Nga. Chính món này là một trong những món đặc trưng cho bàn tiệc Năm mới của người Nga.
Khác biệt là, ở Nga, ngày lễ “Năm cũ-mới” được tổ chức vào ngày 13/1. Ngày lễ này xuất hiện sau khi Nga chuyển sang dùng lịch Grigoriy mới từ lịch Yulian cũ sau Cách mạng Tháng Mười. Từ đó, tại Nga có truyền thống đón Năm mới hai lần là ngày 31/12 và ngày 13/1. Chúng tôi hay nói với nhau là đón Năm mới theo “lịch mới” và “lịch cũ”.
Ở Nga, cuối năm, các cháu nhỏ thường viết thư cho Ông già Tuyết để chia sẻ về những điều đã làm được trong một năm và đề nghị Ông tặng một món quà theo ý nguyện dưới cây thông trong nhà đêm Giao thừa. Còn ở Việt Nam, các em nhỏ nhận “lì xì” từ ông bà, cha mẹ, người thân với những lời chúc may mắn. Đó là những điểm rất riêng, mang theo hơi thở văn hóa của mỗi dân tộc. Nếu người Việt chuẩn bị Tết công phu, thể hiện trong việc làm các món ăn truyền thống như giò chả, bánh tét, bánh chưng… thì người Nga cũng rất tỉ mỉ khi trang trí cây thông Năm mới. Người Nga có một bài hát nổi tiếng dịp Năm mới được sáng tác từ đầu thế kỷ XX mang tên “một cây thông nhỏ đã ra đời trong rừng”.
Có thể thấy, hai nước chúng ta dù có những khác biệt song vẫn rất nhiều điểm tương đồng, rất đúng với câu nói biểu tượng khi người nông dân Việt và người công nhân Liên Xô nắm tay nhau: “Khoảng cách tuy lớn, nhưng trái tim ta gần nhau”.
Tôi tin rằng người dân hai nước đều tâm niệm khi đón Năm mới trong không khí như thế nào thì năm đó sẽ diễn ra như thế. Bởi vậy, theo tôi, để năm Mậu Tuất là năm thực sự thành công, chúng ta cần đón chào nó một cách vui vẻ cùng những người thân yêu nhất.
Với tư cách là Đại sứ Nga tại Việt Nam, tôi lạc quan nhìn về tương lai quan hệ giữa hai nước. Trong Năm mới sắp đến, chúng tôi sẽ cùng các bạn đồng nghiệp Việt Nam tiếp tục hoạt động nhằm phát triển mối quan hệ song phương Nga - Việt trên tất cả những lĩnh vực khác nhau. Tôi tin tưởng rằng, tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước, sự quan tâm và tình cảm chân thành dành cho nhau sẽ là nền tảng vững chắc để chúng ta đạt tới thành công.
S Novưm Godom! Chúc mừng Năm mới!
Konstantin Vnukov
Đại sứ LB. Nga tại Việt Nam
Kỷ niệm Ngày truyền thống nhà ngoại giao Nga Các nhà ngoại giao Nga đã góp phần quan trọng vào việc củng cố vị thế của quốc gia này với tư cách là một ... |
Tăng cường hợp tác giáo dục Việt Nam - Liên bang Nga Trong khuôn khổ Chương trình “Ngày cựu sinh viên thống nhất” diễn ra từ 7-12/11, ngày 11/11, tại Hà Nội, Trung tâm Khoa học và ... |
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng tiếp Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam Chiều 24/6, tại Trụ sở Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Bế Xuân Trường, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã tiếp thân mật Đại sứ Liên ... |